Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

BÀI HỌC 44

Vun đắp tình bạn mật thiết trước khi sự kết thúc đến

Vun đắp tình bạn mật thiết trước khi sự kết thúc đến

“Người bạn chân thật yêu thương luôn luôn”.—CHÂM 17:17.

BÀI HÁT 101 Cùng hợp nhất phụng sự

GIỚI THIỆU *

Trong “hoạn nạn lớn”, chúng ta sẽ cần những người bạn tốt (Xem đoạn 2) *

1, 2. Theo 1 Phi-e-rơ 4:7, 8, điều gì sẽ giúp chúng ta đương đầu với nghịch cảnh?

Càng tiến sâu vào “những ngày sau cùng”, có lẽ chúng ta càng phải đối mặt với nhiều nghịch cảnh (2 Ti 3:1). Chẳng hạn, sau cuộc vận động bầu cử, một quốc gia ở miền tây châu Phi rơi vào cảnh bạo loạn và bất ổn xã hội. Trong hơn sáu tháng, anh em chúng ta không thể tự do đi lại vì sống trong vùng diễn ra xung đột. Điều gì giúp họ đương đầu với những khó khăn đó? Một số anh chị đến trú náu tại nhà của anh em sống ở vùng an toàn hơn. Một anh nói: “Trong tình cảnh như thế, tôi biết ơn vì có những người bạn xung quanh. Chúng tôi đã khích lệ lẫn nhau”.

2 Khi “hoạn nạn lớn” xảy đến, chúng ta sẽ biết ơn vì có những người bạn tốt yêu thương mình (Khải 7:14). Thế nên, việc vun đắp tình bạn mật thiết ngay bây giờ là điều cấp bách. (Đọc 1 Phi-e-rơ 4:7, 8). Chúng ta có thể học được nhiều điều từ kinh nghiệm của Giê-rê-mi; ông được những người bạn giúp đỡ để vượt qua khoảng thời gian trước khi thành Giê-ru-sa-lem bị hủy diệt. * Chúng ta có thể bắt chước Giê-rê-mi như thế nào?

HỌC TỪ GƯƠNG CỦA GIÊ-RÊ-MI

3. (a) Điều gì đã có thể khiến Giê-rê-mi muốn tự cô lập mình? (b) Giê-rê-mi đã giãi bày với Ba-rúc điều gì, và điều đó mang lại kết quả nào?

3 Trong khoảng 40 năm, Giê-rê-mi sống giữa những người bất trung, bao gồm láng giềng và có lẽ cả một số người thân của ông tại quê nhà A-na-tốt (Giê 11:21; 12:6). Tuy nhiên, ông không tự cô lập mình. Ông đã giãi bày cảm xúc với thư ký trung thành Ba-rúc; nhờ Ba-rúc ghi lại mà chúng ta cũng có thể hiểu cảm xúc của Giê-rê-mi (Giê 8:21; 9:1; 20:14-18; 45:1). Chúng ta có thể hình dung khi Ba-rúc ghi lại những biến cố xảy đến với Giê-rê-mi, cả hai bắt đầu vun trồng một tình bạn mật thiết và tôn trọng lẫn nhau.—Giê 20:1, 2; 26:7-11.

4. Đức Giê-hô-va bảo Giê-rê-mi làm gì, và nhiệm vụ này đã thắt chặt tình bạn của Giê-rê-mi và Ba-rúc ra sao?

4 Trong nhiều năm, Giê-rê-mi dạn dĩ cảnh báo dân Y-sơ-ra-ên về những điều sẽ xảy ra cho thành Giê-ru-sa-lem (Giê 25:3). Để tiếp tục thúc đẩy dân sự ăn năn, Đức Giê-hô-va bảo Giê-rê-mi ghi lại những lời cảnh báo của ngài vào một cuộn sách (Giê 36:1-4). Khi Giê-rê-mi và Ba-rúc sát cánh làm việc cùng nhau để chu toàn nhiệm vụ mà Đức Chúa Trời giao, có lẽ là trong vài tháng, hẳn họ đã có nhiều cuộc trò chuyện xây dựng và củng cố đức tin lẫn nhau.

5. Ba-rúc đã cho thấy mình là bạn tốt của Giê-rê-mi như thế nào?

5 Khi đến thời điểm nội dung trong cuộn sách được tiết lộ, Giê-rê-mi phải nhờ cậy Ba-rúc truyền đạt thông điệp ấy (Giê 36:5, 6). Ba-rúc đã can đảm hoàn thành nhiệm vụ nguy hiểm đó. Hãy hình dung Giê-rê-mi hãnh diện thế nào khi Ba-rúc vào sân đền thờ và làm những gì ông được truyền dặn (Giê 36:8-10). Khi các quan của Giu-đa nghe về điều Ba-rúc đã làm, họ ra lệnh cho ông đọc lớn tiếng những gì viết trong cuộn sách cho họ nghe! (Giê 36:14, 15). Các quan quyết định tâu lại với vua Giê-hô-gia-kim những điều Giê-rê-mi tiên tri. Rồi họ khuyên Ba-rúc: “Ông và ông Giê-rê-mi hãy trốn đi, đừng để ai biết các ông ở đâu” (Giê 36:16-19). Quả là một lời khuyên tốt!

6. Giê-rê-mi và Ba-rúc phản ứng thế nào trước sự chống đối?

6 Khi nghe những lời tiên tri của Giê-rê-mi, vua Giê-hô-gia-kim nổi giận đến độ đốt cuộn sách và ra lệnh bắt Giê-rê-mi cùng Ba-rúc. Nhưng Giê-rê-mi không hề nao núng. Ông lấy một cuộn khác và đưa cho Ba-rúc. Trong khi Giê-rê-mi đọc thông điệp của Đức Giê-hô-va, Ba-rúc chép lại “mọi lời trong cuộn sách đã bị Giê-hô-gia-kim vua Giu-đa đốt”.—Giê 36:26-28, 32.

7. Việc Giê-rê-mi và Ba-rúc làm chung với nhau hẳn đã mang lại kết quả nào?

7 Những người cùng nhau trải qua nghịch cảnh thường có mối quan hệ gắn bó. Vì thế, chúng ta có thể hình dung được khi Giê-rê-mi và Ba-rúc cùng nhau chép lại cuộn sách đã bị vua Giê-hô-gia-kim gian ác đốt, họ càng quý mến những phẩm chất tốt của nhau. Chúng ta rút ra bài học nào từ gương của hai người trung thành này?

TRÒ CHUYỆN THÂN TÌNH VÀ CỞI MỞ

8. Điều gì có lẽ cản trở chúng ta vun đắp tình bạn mật thiết, và tại sao chúng ta không nên bỏ cuộc?

8 Có lẽ chúng ta thấy khó để mở lòng với người khác vì từng bị tổn thương trong quá khứ (Châm 18:19, 24). Hoặc chúng ta thấy mình không có đủ thời gian và sức lực để vun đắp những tình bạn mật thiết. Tuy nhiên, chúng ta không nên bỏ cuộc. Để có anh em ở bên khi thử thách đến, chúng ta cần vun trồng tình bạn với họ ngay bây giờ. Một cách quan trọng để làm thế là giãi bày suy nghĩ và cảm xúc với họ.—1 Phi 1:22.

9. (a) Điều gì cho thấy Chúa Giê-su tin cậy bạn của ngài? (b) Việc trò chuyện cởi mở có thể giúp tình bạn giữa anh chị với người khác bền chặt hơn như thế nào? Hãy nêu ví dụ.

9 Chúa Giê-su cho thấy ngài tin cậy bạn mình qua việc trò chuyện cởi mở với họ (Giăng 15:15). Chúng ta có thể bắt chước ngài bằng cách chia sẻ niềm vui, nỗi buồn hoặc mối lo lắng với người khác. Hãy lắng nghe khi ai đó nói chuyện với mình, có lẽ anh chị sẽ nhận ra giữa mình và người đó có nhiều điểm chung trong suy nghĩ, cảm xúc hoặc mục tiêu. Hãy xem kinh nghiệm của chị Cindy 29 tuổi. Chị kết bạn với một chị tiên phong 67 tuổi tên Marie-Louise. Hai chị cùng đi thánh chức với nhau mỗi sáng thứ năm; họ thoải mái trò chuyện với nhau về nhiều đề tài. Chị Cindy nói: “Tôi thích có những cuộc trò chuyện ý nghĩa với bạn của mình, điều này giúp tôi hiểu họ rõ hơn”. Tình bạn sẽ phát triển khi có những cuộc trò chuyện cởi mở và thân tình. Giống như chị Cindy, nếu anh chị chủ động và cởi mở chia sẻ với người khác thì tình bạn của anh chị cũng sẽ bền chặt hơn.—Châm 27:9.

CÙNG LÀM VIỆC CHUNG VAI SÁT CÁNH

Những người bạn tốt sẽ cùng nhau tham gia thánh chức (Xem đoạn 10)

10. Theo Châm ngôn 27:17, cùng làm việc với anh em đồng đạo có thể mang lại kết quả nào?

10 Như trường hợp của Giê-rê-mi và Ba-rúc, khi chung vai sát cánh làm việc với anh em đồng đạo và trực tiếp quan sát những đức tính đáng quý của họ, chúng ta có thể học từ họ và đến gần họ hơn. (Đọc Châm ngôn 27:17). Chẳng hạn, anh chị cảm thấy thế nào khi cùng đi thánh chức với một người bạn và nghe người ấy dạn dĩ bênh vực niềm tin? Hoặc khi họ chia sẻ về Đức Giê-hô-va và ý định của ngài với lòng tin chắc? Hẳn anh chị yêu mến người bạn ấy nhiều hơn.

11, 12. Hãy nêu ví dụ cho thấy việc cùng nhau tham gia thánh chức có thể giúp tình bạn bền chặt hơn.

11 Hãy xem hai kinh nghiệm cho thấy việc cùng nhau tham gia thánh chức giúp chúng ta gắn bó hơn. Chị Adeline 23 tuổi rủ bạn của mình là chị Candice cùng đi thánh chức tại khu vực ít người rao giảng. Chị nói: “Chúng tôi muốn có thêm động lực và niềm vui trong thánh chức. Cả hai đều cần sự khích lệ về thiêng liêng”. Họ nhận được lợi ích nào khi cùng nhau rao giảng? Chị Adeline cho biết: “Vào cuối mỗi ngày, chúng tôi chia sẻ cảm xúc của mình về buổi rao giảng hôm đó, về những cuộc nói chuyện khích lệ với chủ nhà và cách chúng tôi cảm nghiệm sự hướng dẫn của Đức Giê-hô-va. Chúng tôi thích những cuộc trò chuyện ý nghĩa như thế và chúng tôi hiểu nhau nhiều hơn”.

12 Chị Laïla và chị Marianne là hai chị độc thân đến từ Pháp. Họ cùng nhau đi rao giảng năm tuần ở Bangui, một thủ đô nhộn nhịp thuộc Cộng hòa Trung Phi. Chị Laïla nhớ lại: “Marianne và tôi cũng có vài bất đồng nhỏ, nhưng nhờ yêu thương nhau và trò chuyện cởi mở, tình bạn của chúng tôi ngày càng thân thiết. Khi thấy chị Marianne cố gắng thích nghi với hoàn cảnh mới, cũng như lòng sốt sắng và tình yêu thương mà chị dành cho người địa phương, tôi lại càng cảm phục chị ấy hơn”. Anh chị không cần phải chuyển ra nước ngoài để cảm nghiệm những lợi ích này. Mỗi lần cùng đi thánh chức với một anh chị tại khu vực địa phương, anh chị có cơ hội để biết thêm về người ấy và thắt chặt tình bạn giữa hai người.

TẬP TRUNG VÀO ĐIỂM TỐT VÀ THA THỨ

13. Chúng ta có thể gặp thách đố nào khi làm việc chặt chẽ với nhau?

13 Khi làm việc chặt chẽ với nhau, đôi lúc chúng ta không chỉ thấy ưu điểm mà cả khuyết điểm của người khác. Làm thế nào chúng ta có thể đương đầu với thách đố này? Hãy cùng xem thêm về gương của Giê-rê-mi. Điều gì đã giúp ông tập trung vào điểm tốt và bỏ qua thiếu sót của người khác?

14. Giê-rê-mi học được gì về Đức Giê-hô-va, và điều này giúp ông như thế nào?

14 Giê-rê-mi viết sách mang tên ông và rất có thể ông cũng viết sách 1 Các vua và 2 Các vua. Hẳn đặc ân này đã giúp ông thấy rõ lòng thương xót của Đức Giê-hô-va đối với con người bất toàn. Chẳng hạn, Giê-rê-mi biết rằng khi vua A-háp ăn năn tội lỗi, Đức Giê-hô-va không để A-háp phải chứng kiến cả gia đình bị hủy diệt vào đời ông (1 Vua 21:27-29). Giê-rê-mi cũng biết là Ma-na-se đã phạm tội nặng hơn A-háp. Dù vậy, Đức Giê-hô-va vẫn tha thứ cho Ma-na-se vì ông ăn năn (2 Vua 21:16, 17; 2 Sử 33:10-13). Những lời tường thuật ấy hẳn đã giúp Giê-rê-mi bắt chước sự kiên nhẫn và lòng thương xót của Đức Chúa Trời khi đối xử với những người bạn của mình.—Thi 103:8, 9.

15. Giê-rê-mi bắt chước sự kiên nhẫn của Đức Giê-hô-va như thế nào khi Ba-rúc nhất thời lơ là nhiệm vụ?

15 Hãy xem Giê-rê-mi đối xử với Ba-rúc ra sao khi Ba-rúc nhất thời lơ là nhiệm vụ. Thay vì vội kết luận không tốt về bạn mình, Giê-rê-mi đã giúp Ba-rúc bằng cách chia sẻ thông điệp nhân từ nhưng thẳng thắn mà Đức Chúa Trời dành cho Ba-rúc (Giê 45:1-5). Chúng ta rút ra bài học nào từ lời tường thuật này?

Những người bạn tốt sẽ sẵn lòng tha thứ nhau (Xem đoạn 16)

16. Như Châm ngôn 17:9, chúng ta cần làm gì để gìn giữ tình bạn?

16 Thực tế là chúng ta không thể mong đợi anh em hoàn hảo. Vì thế, một khi đã gây dựng được tình bạn, chúng ta cần nỗ lực để bảo vệ tình bạn mới chớm nở ấy. Nếu bạn mình mắc sai lầm, có lẽ chúng ta cần đưa ra lời khuyên nhân từ nhưng thẳng thắn dựa trên Lời Đức Chúa Trời (Thi 141:5). Nếu họ làm mình tổn thương, chúng ta cần sẵn lòng tha thứ. Khi đã tha thứ, hãy tránh khuynh hướng nhắc lại chuyện cũ. (Đọc Châm ngôn 17:9). Việc tập trung vào ưu điểm thay vì khuyết điểm của anh em là điều vô cùng quan trọng trong thời kỳ khó khăn này! Khi làm thế, tình bạn của chúng ta sẽ mật thiết hơn; chúng ta rất cần những tình bạn ấy trong hoạn nạn lớn.

BÀY TỎ TÌNH YÊU THƯƠNG THÀNH TÍN

17. Làm thế nào Giê-rê-mi cho thấy ông là một người bạn thật trong những lúc khó khăn?

17 Nhà tiên tri Giê-rê-mi cho thấy ông là một người bạn thật trong những lúc khó khăn. Chẳng hạn, sau khi Ê-bết-mê-lết, triều thần trong cung vua, cứu Giê-rê-mi thoát chết khỏi hố bùn, Ê-bết-mê-lết lo sợ rằng các quan sẽ tìm cách hại mình. Khi biết điều ấy, Giê-rê-mi đã không im lặng và nghĩ rằng bạn mình có thể tự đương đầu được với vấn đề. Dù bị giam nhưng Giê-rê-mi đã làm những gì có thể đó là chia sẻ với Ê-bết-mê-lết lời hứa an ủi của Đức Giê-hô-va.—Giê 38:7-13; 39:15-18.

Những người bạn tốt sẽ giúp đỡ anh em gặp khó khăn (Xem đoạn 18)

18. Theo Châm ngôn 17:17, chúng ta nên làm gì khi một người bạn đương đầu với khó khăn?

18 Ngày nay, anh em chúng ta phải đương đầu với nhiều thử thách khác nhau. Chẳng hạn, nhiều anh chị phải gánh chịu thảm họa thiên nhiên hoặc thảm họa do con người gây ra. Khi điều đó xảy ra, một số người trong chúng ta sẵn sàng mở rộng cửa để mời anh em đến ở cùng. Số khác có thể trợ giúp về tài chính. Nhưng một điều mà tất cả chúng ta có thể làm là cầu xin Đức Giê-hô-va giúp đỡ họ. Nếu biết một anh chị đang nản lòng, có lẽ chúng ta không biết nên nói gì hay làm gì. Tuy nhiên, mỗi chúng ta đều có thể hỗ trợ họ. Chúng ta có thể dành thời gian cho họ, lắng nghe với lòng thấu cảm, hoặc chia sẻ với họ câu Kinh Thánh an ủi mà mình thích (Ê-sai 50:4). Điều quan trọng nhất là chúng ta ở bên cạnh khi họ cần.—Đọc Châm ngôn 17:17.

19. Việc vun đắp tình bạn mật thiết ngay bây giờ có thể giúp chúng ta trong tương lai như thế nào?

19 Chúng ta muốn quyết tâm vun đắp tình bạn mật thiết với anh em ngay bây giờ. Tại sao? Vì kẻ thù sẽ tìm cách chia rẽ chúng ta bằng những lời dối trá và xuyên tạc. Chúng sẽ cố khiến chúng ta nghi ngờ và chống lại nhau. Nhưng mọi nỗ lực của chúng sẽ trở nên vô ích. Chúng sẽ không thể phá vỡ mối liên kết yêu thương giữa chúng ta. Không điều gì chúng làm có thể hủy hoại tình bạn mật thiết mà mình đã vun đắp. Những tình bạn như thế không chỉ vững bền khi thế gian này kết thúc mà còn vững bền cho đến mãi mãi!

BÀI HÁT 24 Hãy lên núi của Đức Giê-hô-va

^ đ. 5 Càng gần đến thời điểm kết thúc, tất cả chúng ta càng cần vun đắp tình bạn bền chặt với anh em đồng đạo. Trong bài này, chúng ta sẽ xem mình có thể học được gì từ kinh nghiệm của Giê-rê-mi. Chúng ta cũng sẽ thảo luận việc củng cố tình bạn mật thiết ngay bây giờ có thể giúp chúng ta như thế nào trong những lúc khó khăn.

^ đ. 2 Các sự kiện trong sách Giê-rê-mi không được sắp xếp theo trình tự thời gian.

^ đ. 57 HÌNH ẢNH: Hình ảnh cho thấy điều có lẽ xảy ra trong “hoạn nạn lớn”. Một vài anh em trú ẩn trên gác mái. Họ là bạn của nhau và an ủi nhau trong lúc thử thách. Ba hình tiếp theo mô tả những anh chị ấy đã vun đắp tình bạn mật thiết với nhau trước khi hoạn nạn lớn xảy ra.