BÀI HỌC 42
Hãy tin chắc anh chị có chân lý
“Hãy xem xét mọi điều để biết chắc có đúng hay không; hãy giữ chắc những điều tốt lành”.—1 TÊ 5:21.
BÀI HÁT 142 Nắm chặt hy vọng của chúng ta
GIỚI THIỆU a
1. Tại sao nhiều người cảm thấy bối rối?
Có lẽ có hàng chục ngàn đạo và giáo phái cho rằng mình thuộc đạo Đấng Ki-tô và đang thờ phượng theo cách Đức Chúa Trời chấp nhận. Không lạ gì khi nhiều người cảm thấy bối rối! Họ thắc mắc: “Chỉ có một tôn giáo thật hay tất cả các tôn giáo đều làm đẹp lòng Đức Chúa Trời?”. Chúng ta có hoàn toàn tin chắc điều mình đang dạy là chân lý và khuôn mẫu về sự thờ phượng mà Nhân Chứng Giê-hô-va đang theo ngày nay được Đức Giê-hô-va chấp nhận không? Có thể nào có niềm tin chắc như thế không? Hãy cùng xem xét bằng chứng.
2. Tại sao sứ đồ Phao-lô tin chắc mình có chân lý? (1 Tê-sa-lô-ni-ca 1:5)
2 Sứ đồ Phao-lô hoàn toàn tin chắc mình có chân lý. (Đọc 1 Tê-sa-lô-ni-ca 1:5). Sự tin chắc đó không dựa trên cảm xúc. Phao-lô siêng năng nghiên cứu Lời Đức Chúa Trời. Ông tin rằng “cả Kinh Thánh đều được Đức Chúa Trời soi dẫn” (2 Ti 3:16). Sự nghiên cứu của ông mang lại kết quả nào? Trong Kinh Thánh, Phao-lô tìm được bằng chứng vững chắc cho thấy Chúa Giê-su là Đấng Mê-si được hứa trước, là bằng chứng mà giới lãnh đạo Do Thái giáo chọn lờ đi. Những kẻ đạo đức giả này tự nhận mình đại diện cho Đức Chúa Trời nhưng qua việc làm thì chối bỏ ngài (Tít 1:16). Khác với họ, Phao-lô không chọn những phần trong Kinh Thánh mà ông muốn tin. Ông sẵn lòng dạy và áp dụng “tất cả ý định của Đức Chúa Trời”.—Công 20:27.
3. Để có niềm tin vững chắc, phải chăng chúng ta phải có lời giải đáp cho mọi câu hỏi của mình? (Cũng xem khung “ Những việc và tư tưởng của Đức Giê-hô-va—‘Nhiều quá không sao kể xiết’”).
3 Một số người nghĩ tôn giáo thật phải giải đáp được mọi câu hỏi, ngay cả là những câu hỏi không được giải đáp trong Kinh Thánh. Quan điểm đó có thực tế không? Hãy xem gương của Phao-lô. Ông khuyến khích anh em đồng đạo “xem xét mọi điều để biết chắc có đúng hay không”, nhưng ông cũng thừa nhận có nhiều điều mà ông không hiểu (1 Tê 5:21). Ông cũng viết: “Chúng ta chỉ có một phần sự hiểu biết” và “chúng ta chỉ thấy những đường nét mờ ảo qua cái gương kim loại” (1 Cô 13:9, 12). Phao-lô không hiểu hết mọi điều, và chúng ta cũng vậy. Nhưng Phao-lô hiểu khái quát về ý định của Đức Giê-hô-va. Ông biết đủ để tin chắc mình có chân lý!
4. Làm thế nào để củng cố niềm tin rằng mình đã tìm được chân lý, và chúng ta sẽ xem xét điều gì về tín đồ đạo Đấng Ki-tô chân chính?
4 Một cách để củng cố niềm tin rằng mình đã tìm được chân lý là so sánh khuôn mẫu về sự thờ phượng mà Chúa Giê-su thiết lập với điều Nhân Chứng Giê-hô-va đang thực hành ngày nay. Trong bài này, chúng ta sẽ thấy tín đồ đạo Đấng Ki-tô chân chính (1) bác bỏ việc thờ thần tượng, (2) tôn trọng danh Đức Giê-hô-va, (3) yêu mến chân lý và (4) yêu thương nhau tha thiết.
CHÚNG TA BÁC BỎ VIỆC THỜ THẦN TƯỢNG
5. Chúng ta học được gì từ Chúa Giê-su về việc thờ phượng Đức Chúa Trời đúng cách, và chúng ta có thể áp dụng điều ngài dạy như thế nào?
5 Vì yêu thương Cha sâu xa nên Chúa Giê-su chỉ thờ phượng một mình Đức Giê-hô-va cả khi ngài ở trên trời lẫn khi ở dưới đất (Lu 4:8). Ngài dạy các môn đồ cũng làm thế. Chúa Giê-su và các môn đồ trung thành không bao giờ dùng hình tượng trong sự thờ phượng. Vì Đức Chúa Trời là đấng vô hình nên không ai có thể tạo ra bất cứ điều gì trông giống như ngài! (Ê-sai 46:5). Nhưng nói sao về việc làm ảnh tượng của những người được gọi là “thánh” và cầu nguyện với các ảnh tượng đó? Trong điều răn thứ hai của Mười Điều Răn, Đức Giê-hô-va nói: “Ngươi không được làm cho mình tượng chạm hay thứ gì có hình dạng của bất cứ vật nào trên trời, dưới đất... Ngươi không được quỳ lạy [chúng]” (Xuất 20:4, 5). Những lời này rất rõ ràng đối với những ai muốn làm hài lòng Đức Chúa Trời.
6. Nhân Chứng Giê-hô-va ngày nay làm theo khuôn mẫu nào về sự thờ phượng?
6 Những sử gia thế tục thừa nhận rằng các tín đồ thời ban đầu chỉ thờ phượng một mình Đức Chúa Trời. Chẳng hạn, sách Lịch sử giáo hội Đấng Ki-tô (History of the Christian Church) nói rằng các tín đồ thời ban đầu “sẽ ghê tởm” ý tưởng dùng hình tượng tại những nơi thờ phượng. Ngày nay, Nhân Chứng Giê-hô-va làm theo khuôn mẫu của các tín đồ vào thế kỷ thứ nhất. Chúng ta không cầu nguyện với thiên sứ hoặc ảnh tượng “các thánh”; chúng ta thậm chí không cầu nguyện với Chúa Giê-su. Và chúng ta không thực hiện các nghi thức tôn thờ biểu tượng quốc gia. Dù hậu quả là gì, chúng ta quyết tâm làm theo những lời sau của Chúa Giê-su: “Ngươi phải thờ phượng Giê-hô-va Đức Chúa Trời của ngươi”.—Mat 4:10.
7. Có sự khác biệt rõ ràng nào giữa Nhân Chứng Giê-hô-va và những tôn giáo khác?
7 Ngày nay, nhiều người đi theo những nhà lãnh đạo tôn giáo nổi trội. Người ta thán phục những nhà lãnh đạo này đến mức gần như tôn thờ họ. Người ta đổ về nhà thờ của họ, mua sách của họ và đóng góp nhiều tiền cho họ hoặc những tổ chức mà họ ủng hộ. Một số người tin mọi điều họ nói. Nếu chính Chúa Giê-su xuất hiện trước mặt thì chưa chắc những người ấy đã phấn khích bằng gặp những nhà lãnh đạo này. Trái lại, những người thờ phượng thật không có hàng giáo phẩm. Dù tôn trọng các anh dẫn đầu nhưng chúng ta có quan điểm mà Chúa Giê-su dạy: “Tất cả đều là anh em” (Mat 23:8-10). Chúng ta không thần tượng hóa con người, dù họ là nhà lãnh đạo tôn giáo hay chính trị. Chúng ta không ủng hộ các mục tiêu của họ. Thay vì thế, chúng ta giữ trung lập và tách biệt khỏi thế gian. Trong những lĩnh vực này, chúng ta hoàn toàn khác biệt với những nhóm tự nhận theo đạo Đấng Ki-tô.—Giăng 18:36.
CHÚNG TA TÔN TRỌNG DANH ĐỨC GIÊ-HÔ-VA
8. Làm thế nào chúng ta biết Đức Giê-hô-va muốn danh của ngài được vinh hiển và được mọi người biết đến?
8 Vào một dịp, Chúa Giê-su cầu nguyện: “Cha ơi, xin làm vinh hiển danh Cha”. Chính Đức Giê-hô-va đã đáp lại lời cầu nguyện đó bằng một tiếng phán từ trời, ngài hứa sẽ làm vinh hiển danh ngài (Giăng 12:28). Trong suốt thời gian làm thánh chức, Chúa Giê-su đã làm vinh hiển danh Cha (Giăng 17:26). Vì thế, điều hợp lý là tín đồ đạo Đấng Ki-tô chân chính thấy hãnh diện khi dùng danh Đức Chúa Trời và cho người khác biết về danh ấy.
9. Các tín đồ vào thế kỷ thứ nhất cho thấy họ tôn trọng danh Đức Chúa Trời qua cách nào?
9 Vào thế kỷ thứ nhất CN, không lâu sau khi hội thánh đạo Đấng Ki-tô được thành lập, Đức Giê-hô-va đã “đoái đến dân ngoại... để lấy ra một dân cho danh ngài” (Công 15:14). Những tín đồ này hãnh diện dùng danh Đức Chúa Trời và cho người khác biết về danh ấy. Họ dùng danh ngài trong thánh chức và khi viết các sách Kinh Thánh. b Qua đó, họ chứng tỏ mình là dân cho danh Đức Chúa Trời.—Công 2:14, 21.
10. Có bằng chứng nào cho thấy Nhân Chứng Giê-hô-va là một dân cho danh Đức Giê-hô-va?
10 Nhân Chứng Giê-hô-va có phải là một dân cho danh Đức Giê-hô-va không? Hãy xem xét bằng chứng. Ngày nay, nhiều nhà lãnh đạo tôn giáo tìm mọi cách để che giấu sự thật là Đức Chúa Trời có danh riêng. Họ loại bỏ danh ấy khỏi những bản dịch Kinh Thánh của họ, và trong một số trường hợp, họ còn cấm dùng danh đó trong các buổi lễ tôn giáo. c Rõ ràng, Nhân Chứng Giê-hô-va là những người duy nhất dành cho danh Đức Giê-hô-va sự tôn trọng mà danh ấy xứng đáng được nhận. Chúng ta đang loan báo danh Đức Chúa Trời nhiều hơn bất cứ tôn giáo nào khác! Khi làm thế, chúng ta đang nỗ lực hết sức để sống phù hợp với danh mình mang, đó là Nhân Chứng Giê-hô-va (Ê-sai 43:10-12). Chúng ta đã xuất bản hơn 240 triệu cuốn Kinh Thánh—Bản dịch Thế Giới Mới, là bản khôi phục danh Đức Giê-hô-va vào những chỗ mà các dịch giả khác loại bỏ. Chúng ta cũng xuất bản những ấn phẩm dựa trên Kinh Thánh trong hơn 1.000 ngôn ngữ, có danh Đức Giê-hô-va.
CHÚNG TA YÊU MẾN CHÂN LÝ
11. Các tín đồ thời ban đầu thể hiện lòng yêu mến đối với chân lý như thế nào?
11 Chúa Giê-su yêu mến chân lý, tức sự thật về Đức Chúa Trời và ý định của ngài. Chúa Giê-su sống phù hợp với chân lý và cho người khác biết về chân lý (Giăng 18:37). Các môn đồ chân chính của Chúa Giê-su cũng rất yêu mến chân lý (Giăng 4:23, 24). Thực tế, sứ đồ Phi-e-rơ gọi đạo Đấng Ki-tô là “đường lối của chân lý” (2 Phi 2:2). Vì lòng yêu mến sâu xa dành cho chân lý, các tín đồ thời ban đầu bác bỏ những ý tưởng tôn giáo, phong tục và quan điểm cá nhân không phù hợp với chân lý (Cô 2:8). Ngày nay cũng vậy, các tín đồ chân chính cố gắng “tiếp tục bước theo chân lý” bằng cách luôn xem Kinh Thánh là nền tảng cho niềm tin và lối sống của mình.—3 Giăng 3, 4.
12. Những anh dẫn đầu sẽ làm gì khi nhận ra sự hiểu biết của chúng ta cần được làm sáng tỏ, và tại sao họ làm thế?
12 Dân Đức Chúa Trời ngày nay không cho rằng họ có sự hiểu biết trọn vẹn về mọi điều trong Kinh Thánh. Đôi khi, họ có những sai sót trong các vấn đề giáo lý và những chỉ dẫn về mặt tổ chức. Chúng ta không nên ngạc nhiên về điều đó. Kinh Thánh cho thấy rõ sự hiểu biết chính xác sẽ gia tăng theo thời gian (Cô 1:9, 10). Đức Giê-hô-va tiết lộ chân lý một cách dần dần, và chúng ta cần sẵn lòng kiên nhẫn chờ đợi ánh sáng chân lý ngày càng sáng thêm (Châm 4:18). Khi các anh dẫn đầu nhận ra rằng sự hiểu biết của chúng ta về một khía cạnh nào đó của chân lý cần được làm sáng tỏ, họ không do dự đưa ra những điều chỉnh cần thiết. Trong khi nhiều tôn giáo thuộc khối Ki-tô giáo thực hiện những thay đổi để làm hài lòng giáo dân hoặc hòa nhập hơn với thế giới, những thay đổi mà tổ chức Đức Giê-hô-va đưa ra nhằm giúp chúng ta đến gần hơn với Đức Chúa Trời và theo sát hơn khuôn mẫu về sự thờ phượng do Chúa Giê-su thiết lập (Gia 4:4). Những điều chỉnh mà chúng ta thực hiện không phải vì xu hướng của thời đại hay quan điểm phổ biến của người ta, nhưng vì chúng ta hiểu rõ hơn về Kinh Thánh. Chúng ta rất yêu mến chân lý!—1 Tê 2:3, 4.
CHÚNG TA YÊU THƯƠNG NHAU THA THIẾT
13. Phẩm chất quan trọng nhất mà các tín đồ chân chính thể hiện là gì, và phẩm chất ấy được thấy rõ thế nào trong vòng Nhân Chứng Giê-hô-va ngày nay?
13 Các tín đồ thời ban đầu được biết đến bởi nhiều phẩm chất tốt, nhưng phẩm chất quan trọng nhất mà họ được biết đến là tình yêu thương. Chúa Giê-su nói: “Bởi điều này mà mọi người sẽ nhận biết anh em là môn đồ tôi: Đó là có tình yêu thương giữa anh em” (Giăng 13:34, 35). Ngày nay, Nhân Chứng Giê-hô-va cảm nghiệm tình yêu thương và sự hợp nhất trên toàn cầu. Khác hẳn với các tôn giáo khác, đoàn thể anh em gắn bó của chúng ta vượt qua hàng rào về quốc gia, chủng tộc và xã hội. Chúng ta thấy tình yêu thương chân thật được thể hiện tại những buổi nhóm họp và các kỳ hội nghị. Điều đó củng cố niềm tin rằng cách thờ phượng của chúng ta được Đức Giê-hô-va chấp nhận.
14. Theo Cô-lô-se 3:12-14, một cách quan trọng để thể hiện tình yêu thương tha thiết với nhau là gì?
14 Kinh Thánh khuyến giục chúng ta “hãy tha thiết yêu thương nhau” (1 Phi 4:8). Một cách để thể hiện tình yêu thương là tha thứ nhau và chịu đựng sự bất toàn của nhau. Chúng ta cũng tìm cơ hội để thể hiện lòng rộng rãi và hiếu khách với mọi người trong hội thánh, ngay cả những người làm mình tổn thương. (Đọc Cô-lô-se 3:12-14). Sợi dây yêu thương như thế là đặc điểm quan trọng nhất để nhận diện môn đồ chân chính của Đấng Ki-tô.
“MỘT ĐỨC TIN”
15. Chúng ta làm theo khuôn mẫu về sự thờ phượng của các tín đồ thời ban đầu qua những cách nào khác?
15 Chúng ta cũng làm theo khuôn mẫu về sự thờ phượng của các tín đồ thời ban đầu qua những cách khác. Chẳng hạn, cơ cấu tổ chức của chúng ta, trong đó có các giám thị lưu động, trưởng lão và phụ tá hội thánh, giống với sắp đặt mà các sứ đồ thời ban đầu thiết lập (Phi-líp 1:1; Tít 1:5). Giống như họ, chúng ta tôn trọng luật pháp của Đức Giê-hô-va về tình dục và hôn nhân, sự thánh khiết của máu và việc bảo vệ hội thánh khỏi những người phạm tội mà không ăn năn.—Công 15:28, 29; 1 Cô 5:11-13; 6:9, 10; Hê 13:4.
16. Chúng ta học được gì từ những lời nơi Ê-phê-sô 4:4-6?
16 Chúa Giê-su nói nhiều người cho rằng họ là môn đồ của ngài, nhưng không phải tất cả đều là môn đồ chân chính (Mat 7:21-23). Kinh Thánh cũng báo trước trong những ngày sau cùng, nhiều người “bề ngoài có vẻ sùng kính” (2 Ti 3:1, 5). Tuy nhiên, Kinh Thánh nói rõ là chỉ có “một đức tin”, tức một tôn giáo, được Đức Chúa Trời chấp nhận.—Đọc Ê-phê-sô 4:4-6.
17. Ngày nay, ai đang làm theo Chúa Giê-su và thực hành “một đức tin” thật?
17 Ai đang thực hành “một đức tin” thật ngày nay? Chúng ta vừa thảo luận bằng chứng cũng như xem xét khuôn mẫu về sự thờ phượng mà Chúa Giê-su dạy và các tín đồ thời ban đầu thực hành. Câu trả lời duy nhất đó là Nhân Chứng Giê-hô-va. Quả là đặc ân khi được thuộc về dân của Đức Giê-hô-va cũng như được biết sự thật về ngài và ý định của ngài! Mong sao chúng ta tiếp tục tin chắc là mình có chân lý.
BÀI HÁT 3 Sức mạnh, hy vọng và niềm tin cậy của chúng con
a Trong bài này, chúng ta sẽ xem xét khuôn mẫu về sự thờ phượng thật mà Chúa Giê-su thiết lập, và các môn đồ thời ban đầu đã làm theo khuôn mẫu ấy như thế nào. Chúng ta cũng sẽ xem bằng chứng cho thấy Nhân Chứng Giê-hô-va ngày nay đang làm theo khuôn mẫu đó về sự thờ phượng thật.
b Xem khung “Tín đồ thời ban đầu có dùng danh Đức Chúa Trời không?” trong Tháp Canh ngày 1-7-2010, trg 6.
c Chẳng hạn, năm 2008, Giáo Hoàng Benedict XVI chỉ thị rằng “không được sử dụng hay phát âm” danh của Đức Chúa Trời trong các nghi lễ, bài thánh ca hoặc lời cầu nguyện của Công giáo.
d HÌNH ẢNH: Tổ chức Đức Giê-hô-va phát hành Bản dịch Thế Giới Mới trong hơn 200 ngôn ngữ để người ta có thể đọc bản dịch Kinh Thánh có danh Đức Chúa Trời trong tiếng mẹ đẻ.