1920—Một trăm năm trước
Vào đầu thập niên 1920, dân Đức Giê-hô-va được đầy sinh lực để làm công việc phía trước. Họ chọn câu Kinh Thánh cho năm 1920 là “CHÚA là sức mạnh và bài ca của ta”.—Thi 118:14, bản King James Version.
Đức Giê-hô-va đã thêm sức cho những người rao giảng sốt sắng này. Trong năm đó, số người phân phát sách đạo, nay gọi là tiên phong, đã gia tăng từ 225 đến 350 người. Lần đầu tiên có hơn 8.000 công nhân của lớp, nay gọi là công bố, nộp báo cáo công việc rao giảng cho trụ sở trung ương. Đức Giê-hô-va ban phước cho họ, bằng chứng là có rất nhiều người hưởng ứng.
THỂ HIỆN LÒNG SỐT SẮNG NỔI BẬT
Ngày 21-3-1920, anh Joseph Rutherford, người dẫn đầu Học viên Kinh Thánh lúc đó, đã nói bài giảng với tựa đề “Hàng triệu người hiện đang sống sẽ không bao giờ chết”. Học viên Kinh Thánh nỗ lực hết sức để mời người chú ý đến dự sự kiện này. Họ thuê một trong những nhà hát lớn nhất ở thành phố New York và phân phát khoảng 320.000 giấy mời.
Sự hưởng ứng của công chúng vượt quá sự mong đợi. Hôm đó có hơn 5.000 cử tọa ngồi chật kín khán phòng, có đến 7.000 người phải ra về vì không đủ chỗ. Tháp Canh gọi đó là “một trong những buổi nhóm thành công nhất mà Học viên Kinh Thánh Quốc tế tổ chức”.
Học viên Kinh Thánh được biết đến là người rao truyền thông điệp “Hàng triệu người hiện đang sống sẽ không bao giờ chết”. Vào lúc đó, họ chưa hiểu rằng tin mừng Nước Trời phải được rao truyền rộng rãi hơn. Dù vậy, họ vẫn thể hiện lòng sốt sắng nổi bật. Chị Ida Olmstead, người bắt đầu tham dự nhóm họp vào năm 1902, nhớ lại: “Vì biết rằng nhiều ân phước lớn đang chờ đón nhân loại nên chúng tôi không ngần ngại chia sẻ tin mừng này cho những người mình gặp trong thánh chức”.
TỰ XUẤT BẢN ẤN PHẨM
Để đảm bảo luôn có đủ thức ăn thiêng liêng, các anh tại Bê-tên bắt đầu tự in một số ấn phẩm. Họ mua máy móc và lắp đặt tại một tòa nhà được thuê. Tòa nhà này nằm ở số 35 đường Myrtle, Brooklyn, New York, cách nơi ở của Bê-tên không xa.
Anh Leo Pelle và anh Walter Kessler bắt đầu làm việc tại Bê-tên vào tháng 1 năm 1920. Anh Walter kể lại: “Lúc vừa đến nơi, giám thị xưởng in nhìn chúng tôi và nói: ‘Các anh có một tiếng rưỡi trước khi đến
giờ ăn trưa’. Rồi anh ấy giao cho chúng tôi đẩy các thùng sách từ dưới hầm lên”.Anh Leo kể lại công việc mình làm ngày hôm sau: “Chúng tôi được giao rửa tường ở tầng trệt của tòa nhà. Đây là công việc dơ nhất mà tôi từng làm. Nhưng đó là công việc của Chúa nên tôi cảm thấy đáng công”.
Chỉ vài tuần sau, các tình nguyện viên sốt sắng đã in được Tháp Canh. Máy in sàn phẳng ở tầng hai đã in 60.000 bản Tháp Canh số ngày 1-2-1920. Trong khi đó, các anh cũng lắp đặt máy in khác ở tầng hầm, họ gọi máy này là Battleship (Chiến hạm). Họ cũng in tạp chí Thời Đại Hoàng Kim (The Golden Age), bắt đầu từ số ngày 14-4-1920. Rõ ràng, Đức Giê-hô-va đã ban phước cho nỗ lực hết lòng của các tình nguyện viên ấy.
“Đó là công việc của Chúa nên tôi cảm thấy đáng công”
“HÃY CHUNG SỐNG HÒA THUẬN”
Dân trung thành của Đức Giê-hô-va vui mừng hoạt động trở lại và kết hợp cùng nhau. Tuy nhiên, một số Học viên Kinh Thánh đã rời bỏ tổ chức trong thời kỳ đầy thử thách từ năm 1917 đến năm 1919. Tổ chức có thể làm gì để giúp họ?
Tháp Canh số ngày 1-4-1920 có bài “Hãy chung sống hòa thuận”. Bài này đưa ra lời khuyến giục ấm lòng: “Chúng tôi tin chắc rằng... những ai có thần khí của Chúa... sẽ sẵn lòng quên đi những điều đằng sau... để chung sống thuận hòa và tấn tới như một thân thể hài hòa với nhau”.
Nhiều người đã hưởng ứng lời khuyến giục ấy. Một cặp vợ chồng viết: “Chúng tôi nhận ra mình thật sai lầm khi hơn một năm qua chỉ khoanh tay đứng nhìn, trong khi những người khác làm công việc [rao giảng]... Chúng tôi mong là mình sẽ không bao giờ đi chệch đường lần nữa”. Những công bố hoạt động trở lại này có rất nhiều việc để làm ở phía trước.
XUẤT BẢN ẤN PHẨM “ZG”
Ngày 21-6-1920, Học viên Kinh Thánh bắt đầu một đợt rao giảng nhằm phân phát ấn a Một lượng lớn ấn phẩm này đã được cất giữ khi bị cấm vào năm 1918.
phẩm “ZG”, là ấn bản bìa mềm của sách Sự mầu nhiệm đã nên trọn (The Finished Mystery).Tất cả các công bố, không chỉ những tiên phong, được mời tham gia đợt phân phát này. Tổ chức khuyến khích: “Mỗi tín đồ đã báp-têm trong các lớp [hội thánh] nên vui mừng tham gia. Hãy xem đây là phương châm sống của mình từ bây giờ: ‘Tôi quyết chí làm một điều’, đó là phân phát ZG”. Anh Edmund Hooper kể lại rằng đối với nhiều người thì đợt rao giảng ấy là lần đầu tiên họ thật sự đi rao giảng từng nhà. Anh nói thêm: “Chúng tôi bắt đầu quen với công việc mà sau này đã được nới rộng vượt quá sự mong đợi”.
TỔ CHỨC LẠI CÔNG VIỆC Ở CHÂU ÂU
Không dễ để liên lạc với Học viên Kinh Thánh ở các nước khác trong thời Thế Chiến I, nên anh Rutherford rất muốn khích lệ anh em ở đó và tổ chức lại công việc rao giảng. Vì thế, ngày 12-8-1920, anh và bốn anh khác đã bắt đầu chuyến hành trình đến thăm Anh Quốc, lục địa châu Âu và Trung Đông.
Khi anh Rutherford đến thăm Anh Quốc, Học viên Kinh Thánh đã tổ chức ba hội nghị và 12 buổi họp công cộng. Tổng cộng có khoảng 50.000 người tham dự. Tháp Canh nói về chuyến thăm ấy như sau: “Anh em được tươi tỉnh và lên tinh thần. Họ càng hợp nhất trong tình yêu thương và trong công việc rao giảng. Nhiều tấm lòng đau buồn nay vui trở lại”. Tại Paris, anh Rutherford đã trình bày lại bài giảng “Hàng triệu người hiện đang sống sẽ không bao giờ chết”. Khi bài giảng bắt đầu, khán phòng đã chật kín người. Có ba trăm người đã xin thêm thông tin.
Những tuần sau đó, một số anh đến thăm Athens, Cairo và Jerusalem. Để vun trồng sự chú ý của người ta tại những nơi này, anh Rutherford đã lập một nơi trữ ấn phẩm tại thành phố Ramallah, gần Jerusalem. Rồi anh trở lại châu Âu, thành lập Văn phòng Trung Âu và sắp xếp để ấn phẩm được in tại đó.
VẠCH TRẦN SỰ BẤT CÔNG
Mùa thu năm 1920, Học viên Kinh Thánh đã cho ra mắt Số 27 của tạp chí Thời Đại Hoàng Kim. Đây là số đặc biệt, vạch trần việc Học viên Kinh Thánh bị ngược đãi trong năm 1918. Máy in Battleship được đề cập ở đầu bài vận hành cả ngày lẫn đêm để in hơn bốn triệu bản của số này.
Khi đọc số tạp chí này, độc giả được biết về trường hợp lạ thường của chị Emma Martin. Chị Emma là tiên phong ở San Bernardino, California. Ngày 17-3-1918, chị và ba anh khác là anh Hamm, anh Sonnenburg và anh Stevens đã tham dự một buổi họp nhỏ của Học viên Kinh Thánh.
Hôm ấy, có một người đàn ông đến buổi họp nhưng không phải để tìm hiểu về Kinh Thánh. Sau đó, ông ta khai: “Tôi được văn phòng ủy viên công tố phái đến buổi họp đó để tìm bằng chứng”. “Bằng chứng” mà ông ta thu được là một bản Sự mầu nhiệm đã nên trọn. Vài ngày sau, chị Emma và ba anh bị bắt. Họ bị buộc tội vi phạm Đạo luật Gián điệp vì phân phát ấn phẩm bị cấm.
Chị Emma và các anh bị kết án ba năm tù giam. Vào ngày 17-5-1920, họ bắt đầu thi hành án sau khi không thể kháng án được nữa. Nhưng mọi việc sớm thay đổi theo chiều hướng tốt đẹp hơn.
Ngày 20-6-1920, anh Rutherford kể lại kinh nghiệm đó tại một hội nghị ở San Francisco. Cử tọa vô cùng sửng sốt trước cách các tín đồ này bị đối xử. Họ gửi một bức điện đến tổng thống Hoa Kỳ và cho biết: ‘Chúng tôi cho rằng việc bà Emma bị kết tội vi phạm Đạo luật Gián điệp là điều hoàn toàn vô lý. Việc các viên chức chính quyền dùng quyền hành để gài bẫy, tìm cớ kết tội và bắt giam bà Emma là hành động bất công trắng trợn’.
Ngày hôm sau, tổng thống Woodrow Wilson lập tức xóa án cho chị Emma, anh Hamm, anh Sonnenburg và anh Stevens. Bản án bất công của họ chấm dứt.
Vào cuối năm 1920, Học viên Kinh Thánh có nhiều lý do để vui mừng. Công việc tại trụ sở trung ương ngày càng nới rộng và các tín đồ chân chính sốt sắng hơn bao giờ hết trong việc rao truyền Nước Trời là giải pháp cho các vấn đề của nhân loại (Mat 24:14). Năm kế tiếp, năm 1921, sẽ là một năm còn bận rộn hơn nữa để quảng bá sự thật về Nước Trời.
a Sách Sự mầu nhiệm đã nên trọn là tập số 7 trong bộ Khảo cứu Kinh Thánh (Studies in the Scriptures). “ZG” là ấn bản bìa mềm của sách này được in dưới dạng Tháp Canh số ngày 1-3-1918. “Z” là viết tắt của Zion’s Watch Tower (Tháp Canh Si-ôn), và “G” là chữ cái thứ 7 trong bảng chữ cái tiếng Anh, nói đến tập số 7.