KINH NGHIỆM
Một quyết định mang lại ân phước dồi dào
Đó là vào năm 1939. Chúng tôi thức dậy lúc nửa đêm và lái xe hơn một tiếng đồng hồ đến thành phố nhỏ Joplin ở tây nam Missouri, Hoa Kỳ. Rồi chúng tôi lặng lẽ đặt những tờ chuyên đề dưới cửa của mỗi nhà trong khu vực. Sau khi làm xong, chúng tôi ùa lên xe để về điểm hẹn. Ở đó, chúng tôi đợi các xe khác đến. Nhưng có lẽ anh chị thắc mắc tại sao hôm ấy chúng tôi lại đi thánh chức vào lúc trước khi mặt trời mọc rồi nhanh chóng rời khu vực. Tôi sẽ chia sẻ với anh chị sau.
Tôi rất biết ơn vì có cha mẹ là tín đồ đạo Đấng Ki-tô. Cha của tôi tên là Fred Molohan và mẹ tôi là Edna Molohan. Họ đã giúp tôi vun đắp lòng kính sợ Đức Chúa Trời. Khi tôi chào đời vào năm 1934, họ đã là những Học viên Kinh Thánh sốt sắng (nay gọi là Nhân Chứng Giê-hô-va) được 20 năm. Gia đình tôi sống tại Parsons, một thị trấn nhỏ ở đông nam Kansas. Chúng tôi kết hợp với một hội thánh mà hầu hết anh chị ở đó là những người được xức dầu. Gia đình tôi đều đặn tham dự các buổi nhóm họp và chia sẻ chân lý cho người khác. Chúng tôi thường dành các buổi chiều thứ bảy để đi làm chứng trên đường phố, nay gọi là làm chứng nơi công cộng. Đôi lúc chúng tôi hơi mệt, nhưng cha luôn thưởng cho chúng tôi bằng cách dắt chúng tôi đi ăn kem sau đó.
Hội thánh nhỏ của chúng tôi có khu vực rao giảng rộng lớn, gồm một số thị trấn nhỏ và nhiều nông trại thuộc các tỉnh lân cận. Khi rao giảng cho các nhà nông, chúng tôi mời họ nhận ấn phẩm. Đổi lại, họ thường cho chúng tôi rau củ hoặc trứng (vừa được lấy ra khỏi ổ), thậm chí là gà sống. Vì cha đã đóng góp cho ấn phẩm trước nên chúng tôi dùng những thực phẩm này làm thức ăn cho gia đình.
CÁC CHIẾN DỊCH LÀM CHỨNG
Cha mẹ tôi có được một máy quay đĩa dùng cho việc rao giảng. Tôi còn nhỏ nên không thể dùng máy này, nhưng tôi thích giúp cha mẹ bật các bài giảng thu âm của anh Rutherford khi thăm lại và học hỏi Kinh Thánh.
Cha gắn một cái loa lớn trên nóc chiếc Ford đời 1936 của chúng tôi và nó trở thành xe phóng thanh. Chiếc xe này rất hữu hiệu trong việc truyền bá thông điệp Nước Trời. Thường thì chúng tôi sẽ bật một đoạn nhạc trước để thu hút
sự chú ý của người ta, rồi sau đó bật một bài giảng dựa trên Kinh Thánh. Khi bài giảng kết thúc, chúng tôi mời những người chú ý nhận ấn phẩm.Tại thị trấn nhỏ Cherryvale, Kansas, cha tôi lái xe phóng thanh vào công viên thị trấn, là nơi có nhiều người thư giãn vào mỗi chủ nhật. Cảnh sát nói với cha chỉ được phép dùng xe phóng thanh ở bên ngoài công viên. Thế nên, cha đã dời xe qua con đường đối diện công viên để những người ở đó vẫn có thể dễ dàng nghe thông điệp. Rồi cha bật tiếp bài giảng. Tôi rất thích được đi cùng cha và anh trai là Jerry trong những lần rao giảng như thế.
Cuối thập niên 1930, chúng tôi tham gia các chiến dịch rao giảng ở những nơi bị chống đối để giúp càng nhiều người biết đến tin mừng càng tốt. Chúng tôi thức dậy trước bình minh (như vào dịp ở Joplin, Missouri) và lặng lẽ đặt những tờ chuyên đề hoặc sách nhỏ dưới cửa nhà người ta. Sau đó, chúng tôi hẹn gặp nhau ở ngoài thành phố để biết chắc là các anh chị được an toàn, không bị cảnh sát bắt.
Trong những năm đó có một hình thức rao giảng thú vị khác được gọi là cuộc diễu hành thông tin. Để quảng bá về Nước Trời, chúng tôi đeo những bảng quảng bá và diễu hành trong thành phố. Tôi vẫn nhớ trong một cuộc diễu hành tại thị trấn của mình, các anh em đã đeo bảng có dòng chữ “Tôn giáo là cạm bẫy và thủ đoạn lừa gạt”. Họ đi khoảng 1,6km quanh thị trấn và sau đó trở về nhà chúng tôi. Thật tốt là họ không bị chống đối trong cuộc diễu hành đó, ngược lại có nhiều người đã tò mò quan sát họ.
THAM DỰ HỘI NGHỊ KHI CÒN NHỎ
Gia đình tôi thường đi từ Kansas đến Texas để tham dự hội nghị. Vì cha làm việc cho công ty đường sắt nên chúng tôi được đi tàu miễn phí khi đi dự hội nghị và thăm bà con. Anh trai của mẹ là bác Fred Wismar và vợ là bác Eulalie sống ở Temple, Texas. Bác Fred học chân lý vào đầu thập niên 1900, khi bác còn trẻ. Bác đã báp-têm và chia sẻ chân lý với các em mình, trong đó có mẹ của tôi. Bác được nhiều anh em tại miền trung Texas biết đến vì bác từng làm tôi tớ vùng (nay gọi là giám thị vòng quanh). Bác là người tốt bụng, vui vẻ, sốt sắng và nêu gương tốt cho tôi.
Năm 1941, gia đình tôi đi tàu đến Saint Louis, Missouri để tham dự một hội nghị lớn. Tất cả các bạn trẻ được mời ngồi trong một khu vực đặc biệt của hội trường để nghe bài giảng của anh Rutherford có tựa đề “Con cái của vị Vua”. Khi bài giảng kết thúc, thật bất ngờ khi anh Rutherford và các anh phụ giúp tặng cho mỗi người trong chúng tôi một cuốn sách dành cho trẻ em (Children). Có hơn 15.000 bạn trẻ được nhận món quà thiêng liêng đó.
Tháng 4 năm 1943, chúng tôi tham dự hội nghị tại Coffeyville, Kansas, với chủ đề “Lời kêu gọi hành động”. Tại hội nghị, chúng tôi được thông
báo là có một trường mới mang tên Trường thánh chức và sẽ được tổ chức tại tất cả các hội thánh. Ngoài ra, chúng tôi cũng nhận được một sách nhỏ gồm 52 bài học dành cho trường này. Trong năm đó, tôi được giao bài giảng đầu tiên dành cho học viên. Hội nghị ấy cũng đặc biệt đối với tôi vì tôi cùng với một số anh khác đã báp-têm trong một hồ nước lạnh ở nông trại gần đó.SỰ NGHIỆP TÔI MONG ƯỚC—PHỤNG SỰ TẠI BÊ-TÊN
Tôi tốt nghiệp trung học vào năm 1951 và phải đưa ra quyết định cho tương lai. Vì mong ước được phụng sự tại Bê-tên, là nơi anh Jerry đã phụng sự trước đó, nên tôi sớm gửi đơn đến văn phòng ở Brooklyn. Quyết định này đã mang lại nhiều lợi ích về thiêng liêng cho tôi. Sau đó không lâu, tôi được mời đến phụng sự tại Bê-tên vào ngày 10-3-1952.
Tôi hy vọng mình được làm tại xưởng in để góp phần vào việc sản xuất ấn phẩm. Tuy nhiên, tôi được chỉ định phục vụ tại phòng ăn và sau đó là làm việc trong bếp. Tôi thích công việc này và học được rất nhiều điều. Vậy là tôi không có cơ hội làm việc tại xưởng in. Nhưng vì làm trong bếp theo ca nên tôi có thể dành thời gian trong ngày để học hỏi cá nhân tại thư viện của Bê-tên. Điều này không những củng cố đức tin và tình trạng thiêng liêng của tôi, mà còn giúp tôi vun trồng lòng quyết tâm phụng sự tại Bê-tên càng lâu càng tốt. Anh Jerry rời Bê-tên vào năm 1949 và cưới chị Patricia, nhưng họ sống gần Brooklyn. Họ luôn là nguồn giúp đỡ và khích lệ cho tôi trong suốt những năm đầu tôi phụng sự tại Bê-tên.
Không lâu sau khi tôi đến Bê-tên, có một sắp đặt mới là bổ sung các anh vào danh sách diễn giả của Bê-tên. Các anh thuộc danh sách này được chỉ định đến thăm các hội thánh trong phạm vi cách Brooklyn 322km. Họ sẽ nói bài giảng và tham gia thánh chức cùng hội thánh. Tôi nằm trong số những anh nhận được đặc ân này. Lúc đầu, tôi thấy hồi hộp khi thăm các hội thánh và nói bài giảng, vào thời đó kéo dài một tiếng. Tôi thường đi thăm các hội thánh bằng tàu lửa. Tôi còn nhớ rõ vào một buổi chiều chủ nhật lạnh giá năm 1954, tôi đón chuyến tàu về New York và đáng lẽ sẽ có mặt ở Bê-tên vào chiều tối hôm đó. Tuy nhiên, một cơn bão ập đến kèm theo gió to và tuyết. Khi tàu đang chạy thì động cơ bị hỏng và không đi được nữa. Cuối cùng, chuyến tàu ấy đến ga thành phố New York vào khoảng 5 giờ sáng thứ hai. Từ đó, tôi bắt tàu điện ngầm trở về Brooklyn và đi thẳng tới bếp để làm việc. Tôi đến trễ một chút và hơi mệt sau khi ngồi trên con tàu ấy cả đêm. Nhưng những khó khăn đó không đáng kể so với việc được phục vụ anh em và làm quen với nhiều anh chị trong dịp đi thánh chức cuối tuần.
Trong những năm đầu tại Bê-tên, tôi được mời tham gia chương trình phát thanh của đài WBBR. Phòng thu lúc đó nằm trên tầng hai của tòa nhà số 124 đường Columbia Heights. Nhiệm vụ của tôi là đóng vai một nhân vật trong chương trình học hỏi Kinh Thánh được phát mỗi tuần. Anh Macmillan, một thành viên lâu năm của gia đình Bê-tên, đều đặn tham gia chương trình phát thanh này. Chúng tôi thường gọi anh ấy cách trìu mến là anh Mac. Anh nêu gương xuất sắc cho những người trẻ chúng tôi tại Bê-tên trong việc kiên trì phụng sự Đức Giê-hô-va.
Năm 1958, tôi có cơ hội làm việc với các học viên tốt nghiệp Trường Ga-la-át. Công việc của tôi là giúp những anh chị sốt sắng này làm visa và sắp đặt những chuyến đi cho họ. Việc di chuyển bằng đường hàng không vào thời ấy rất đắt đỏ, nên chỉ một vài anh chị có thể đi bằng máy bay. Phần lớn những học viên được gửi đến châu Phi và châu Á phải đi bằng tàu chở hàng. Nhiều năm sau, khi giá vé máy bay rẻ hơn, hầu hết các học viên có thể đi đến nhiệm sở bằng máy bay.
NHỮNG CHUYẾN ĐI THAM DỰ HỘI NGHỊ
Năm 1960, tôi có thêm trách nhiệm mua vé máy bay cho những anh chị đi từ Hoa Kỳ sang
châu Âu để tham dự hội nghị quốc tế năm 1961 được tổ chức ở nhiều nơi. Tôi đã bay từ New York đến Hamburg, Đức để tham dự hội nghị này. Sau hội nghị, tôi cùng với ba anh khác trong Bê-tên thuê một chiếc xe để lái sang Ý và thăm văn phòng chi nhánh ở Rome. Từ Rome, chúng tôi đi đến Pháp, băng qua dãy núi Pyrenees và tới Tây Ban Nha, nơi công việc rao giảng bị cấm đoán. Chúng tôi có cơ hội chuyển cho anh em ở Barcelona các ấn phẩm được gói giống như những món quà. Thật phấn khởi khi được gặp họ! Rồi từ đó, chúng tôi lái xe đến Amsterdam và bắt chuyến bay trở về New York.Khoảng một năm sau, tôi được giao thêm nhiệm vụ sắp xếp những chuyến đi cho 583 đại biểu đến tham dự hội nghị quốc tế đặc biệt, được tổ chức tại nhiều nơi trên thế giới. Hội nghị đó diễn ra vào năm 1963 với chủ đề “Tin mừng vĩnh cửu”. Các đại biểu này sẽ tham dự những hội nghị ở châu Âu, châu Á, Nam Thái Bình Dương, sau đó đến Honolulu, Hawaii và kết thúc ở Pasadena, California. Trong chuyến đi, họ cũng dừng chân tại Lebanon và Jordan để tham quan những địa danh trong Kinh Thánh. Ngoài việc lên lịch cho chuyến bay và đặt phòng khách sạn, ban của chúng tôi còn đảm nhận việc làm visa để các đại biểu có thể đến những nước này.
NGƯỜI BẠN ĐỒNG HÀNH MỚI
Năm 1963 là năm trọng đại với tôi vì một lý do tuyệt vời khác. Vào ngày 29 tháng 6, tôi kết hôn với Lila Rogers đến từ Missouri. Cô ấy đã làm việc tại Bê-tên được ba năm. Một tuần sau đám cưới, vợ chồng tôi có một chuyến đi vòng quanh thế giới và viếng thăm Hy Lạp, Ai Cập và Lebanon. Từ đó, chúng tôi bắt một chuyến bay từ Beirut đến một sân bay nhỏ tại Jordan. Công việc tại Jordan bị hạn chế và chúng tôi được biết là Nhân Chứng Giê-hô-va không được cấp visa vào nơi này. Thế nên, chúng tôi không biết chuyện gì sẽ xảy ra khi mình đến đó. Nhưng thật bất ngờ là khi đến nơi, chúng tôi thấy các anh em đứng ở sân bay cầm một bảng hiệu ghi “Chào mừng Nhân Chứng Giê-hô-va”! Thật phấn khởi khi được đặt chân đến các địa danh trong Kinh Thánh! Chúng tôi thăm những nơi mà các tộc trưởng thời xưa đã sống, nơi Chúa Giê-su và các sứ đồ đã rao giảng và nơi đạo Đấng Ki-tô bắt đầu lan rộng cho đến tận cùng đất.—Công 13:47.
Trong 55 năm qua, Lila là người bạn đồng hành gắn bó với tôi trong mọi nhiệm vụ. Chúng tôi có cơ hội thăm Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha vài lần khi công việc ở những nơi này bị cấm đoán. Chúng tôi khích lệ anh em ở đây và mang đến cho họ ấn phẩm cùng những thứ cần thiết khác. Chúng tôi cũng được thăm các anh bị bỏ tù tại một trại giam ở Cádiz, Tây Ban Nha. Tôi vô cùng vui mừng khi có thể nói một bài giảng giúp họ vững mạnh.
Kể từ năm 1963, tôi có đặc ân được trợ giúp công việc sắp xếp các chuyến đi tham dự hội nghị
quốc tế tại châu Phi, Úc, Trung Mỹ và Nam Mỹ, châu Âu, châu Á, Hawaii, New Zealand và Puerto Rico. Vợ chồng tôi tham dự nhiều hội nghị đáng nhớ, bao gồm hội nghị ở Warsaw, Ba Lan vào năm 1989. Đây là lần đầu tiên nhiều anh em ở Nga có cơ hội tham dự hội nghị! Một số anh chị mà chúng tôi gặp từng bị giam trong các nhà tù Xô Viết nhiều năm vì đức tin của mình.Tôi có đặc ân vô cùng lý thú là thăm các chi nhánh trên khắp thế giới để khích lệ và làm vững mạnh các gia đình Bê-tên cũng như giáo sĩ. Trong cuộc viếng thăm chi nhánh Hàn Quốc vừa qua, chúng tôi được gặp 50 anh bị giam tại nhà tù ở Suwon. Tất cả các anh đều thể hiện thái độ tích cực và mong chờ đến ngày được tham gia thánh chức mà không bị hạn chế. Chúng tôi được khích lệ rất nhiều khi gặp họ!—Rô 1:11, 12.
SỰ GIA TĂNG MANG LẠI NIỀM VUI
Tôi được chứng kiến cách Đức Giê-hô-va ban phước cho dân ngài qua sự gia tăng theo thời gian. Khi tôi báp-têm vào năm 1943, có khoảng 100.000 người công bố, giờ đây con số này đã tăng đến hơn 8.000.000 trong 240 quốc gia và vùng lãnh thổ. Sự dẫn đầu trong công việc rao giảng của các học viên tốt nghiệp Trường Ga-la-át đã góp phần đáng kể vào sự gia tăng này. Thật vui mừng khi được làm việc với các giáo sĩ ấy trong nhiều năm và giúp họ đi đến các nhiệm sở!
Tôi rất vui là mình đã quyết định nộp đơn xin phụng sự tại Bê-tên khi còn trẻ. Đức Giê-hô-va đã ban phước dồi dào cho tôi trên mỗi bước đường của mình. Ngoài niềm vui phụng sự tại Bê-tên, vợ chồng tôi còn có đặc ân tham gia thánh chức cùng với các hội thánh trong nhiều năm tại Brooklyn, là nơi chúng tôi có những tình bạn tri kỷ.
Lila tiếp tục hỗ trợ tôi mỗi ngày trong việc phụng sự tại Bê-tên. Dù giờ đây đã 84 tuổi, tôi vẫn có thể làm công việc đầy ý nghĩa là giúp trong bộ phận thư tín.
Quả là vui mừng khi được thuộc về tổ chức tuyệt vời của Đức Giê-hô-va và chứng kiến sự khác biệt giữa những người hầu việc Đức Giê-hô-va và kẻ không hầu việc ngài. Chúng ta có thể hiểu rõ hơn câu Ma-la-chi 3:18: “Sự khác biệt giữa người công chính và kẻ gian ác, giữa người hầu việc Đức Chúa Trời và kẻ không hầu việc ngài sẽ một lần nữa được thấy rõ”. Mỗi ngày trôi qua, chúng ta nhìn thấy thế gian của Sa-tan càng trở nên bại hoại, nhiều người sống trong vô vọng và không có niềm vui. Nhưng những ai yêu mến và thờ phượng Đức Giê-hô-va thì khác. Họ có đời sống hạnh phúc ngay cả trong thời kỳ khó khăn và có hy vọng chắc chắn cho tương lai. Thật là một đặc ân khi được rao truyền về tin mừng Nước Trời! (Mat 24:14). Chúng ta trông mong ngày sắp đến khi Nước Đức Chúa Trời sẽ loại bỏ thế gian già cỗi này. Lúc đó, chúng ta sẽ sống trên đất với sức khỏe hoàn hảo và niềm hạnh phúc bất tận.