Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Người rộng rãi là người hạnh phúc

Người rộng rãi là người hạnh phúc

“Cho thì hạnh phúc”.—CÔNG 20:35.

BÀI HÁT: 76, 110

1. Làm thế nào sự sáng tạo cho thấy Đức Giê-hô-va là đấng rộng rãi?

Trước khi bắt đầu công cuộc sáng tạo, chỉ mình Đức Giê-hô-va hiện hữu. Sau đó, ngài rộng rãi ban món quà sự sống cho các tạo vật thông minh ở trên trời lẫn dưới đất. Đức Giê-hô-va thích ban cho những điều tốt lành, vì thế ngài là “Đức Chúa Trời hạnh phúc” (1 Ti 1:11; Gia 1:17). Vì cũng muốn chúng ta hạnh phúc nên ngài dạy chúng ta trở thành người rộng rãi.—Rô 1:20.

2, 3. (a) Tại sao việc ban cho giúp chúng ta hạnh phúc? (b) Chúng ta sẽ xem xét điều gì?

2 Đức Chúa Trời tạo ra con người theo hình ảnh của ngài (Sáng 1:27). Điều này có nghĩa là chúng ta phản ánh những đức tính của Đức Giê-hô-va. Vì thế, để có hạnh phúc và thỏa nguyện, chúng ta cần noi gương ngài. Chúng ta cần tỏ lòng quan tâm và rộng rãi với người khác (Phi-líp 2:3, 4; Gia 1:5). Tại sao? Đơn giản vì đó là cách Đức Giê-hô-va yêu thương đã tạo ra chúng ta. Dù bất toàn nhưng chúng ta có thể noi theo lòng rộng rãi của ngài.

3 Kinh Thánh cho chúng ta biết cách để trở thành người rộng rãi và dạy một số bài học về điều này. Hãy xem làm thế nào lòng rộng rãi giúp chúng ta được Đức Chúa Trời chấp nhận, và thực hiện được nhiệm vụ ngài giao. Cũng hãy xem lòng rộng rãi liên quan thế nào đến việc chúng ta hạnh phúc, và tại sao cần tiếp tục vun trồng đức tính này.

LÀM THẾ NÀO ĐỂ ĐƯỢC ĐỨC CHÚA TRỜI CHẤP NHẬN?

4, 5. Đức Giê-hô-va và Chúa Giê-su nêu gương nào về việc tỏ lòng rộng rãi?

4 Đức Giê-hô-va muốn con người noi theo ngài, thế nên ngài hài lòng khi chúng ta rộng rãi (Ê-phê 5:1). Cách chúng ta được tạo ra cũng như vẻ đẹp và sự đa dạng của thiên nhiên cho thấy rõ Đức Chúa Trời muốn con người hạnh phúc (Thi 104:24; 139:13-16). Vì thế, chúng ta tôn vinh ngài khi cố gắng làm người khác hạnh phúc.

5 Ngoài ra, những môn đồ chân chính cũng noi theo Chúa Giê-su, đấng nêu gương hoàn hảo về cách một người có thể tỏ lòng rộng rãi. Chính Chúa Giê-su nói: “Con Người đã đến không phải để được người khác phục vụ, mà để phục vụ người khác và hiến mạng sống mình làm giá chuộc cho nhiều người” (Mat 20:28). Vì thế, sứ đồ Phao-lô khuyến giục tín đồ đạo Đấng Ki-tô: ‘Hãy giữ tinh thần này trong anh em, là tinh thần cũng có trong Đấng Ki-tô Giê-su. Ngài từ bỏ tất cả và mặc lấy hình dạng đầy tớ’ (Phi-líp 2:5, 7). Mỗi chúng ta muốn tự hỏi: “Mình có thể theo sát gương mẫu của Chúa Giê-su hơn những gì mình hiện đang làm không?”.—Đọc 1 Phi-e-rơ 2:21.

6. Qua ngụ ngôn về người Sa-ma-ri nhân lành, Chúa Giê-su dạy chúng ta bài học nào? (Xem hình nơi đầu bài).

6 Để được Đức Giê-hô-va chấp nhận, chúng ta cần noi gương hoàn hảo của ngài và Con ngài là Đấng Ki-tô. Chúng ta làm thế qua việc quan tâm đến người khác và tìm cách giúp đỡ họ. Chúa Giê-su cho thấy rõ tầm quan trọng của điều này qua ngụ ngôn về người Sa-ma-ri nhân lành. (Đọc Lu-ca 10:29-37). Ngài đòi hỏi các môn đồ nỗ lực giúp đỡ người khác dù người đó có gốc gác là gì. Tại sao Chúa Giê-su kể ngụ ngôn về người Sa-ma-ri nhân lành? Đó là vì một người Do Thái hỏi ngài: “Ai thật sự là người lân cận tôi?”. Câu trả lời của Chúa Giê-su cho thấy để được Đức Chúa Trời chấp nhận, chúng ta phải sẵn lòng và rộng rãi ban cho giống như người Sa-ma-ri.

7. Sự ích kỷ và bất vị kỷ liên hệ thế nào đến vấn đề hoàn vũ?

7 Tín đồ đạo Đấng Ki-tô có nhiều lý do để tỏ lòng rộng rãi. Chẳng hạn, đức tính này liên hệ đến vấn đề Sa-tan nêu ra trong vườn Ê-đen. Như thế nào? Sa-tan quả quyết rằng A-đam và Ê-va, nói rộng ra là toàn thể nhân loại, sẽ hạnh phúc hơn nếu chú tâm vào bản thân và đặt lợi ích của mình lên trên việc vâng lời Đức Chúa Trời. Ê-va đã hành động dựa trên ước muốn ích kỷ là được giống như Đức Chúa Trời. Còn A-đam thì biểu lộ sự ích kỷ khi muốn làm hài lòng vợ hơn là Đức Chúa Trời (Sáng 3:4-6). Hậu quả của những quyết định ấy thật rõ ràng. Sự ích kỷ không bao giờ mang đến hạnh phúc. Nhưng khi thể hiện tinh thần bất vị kỷ và rộng rãi, chúng ta cho thấy mình tin chắc đường lối của Đức Chúa Trời là tốt nhất.

THỰC HIỆN NHIỆM VỤ ĐỨC CHÚA TRỜI GIAO

8. Tại sao lẽ ra cặp vợ chồng đầu tiên nên quan tâm đến người khác?

8 Khi nhận chỉ dẫn từ Đức Chúa Trời, lẽ ra cặp vợ chồng đầu tiên nên quan tâm đến người khác, dù lúc đó chỉ có họ sống trong vườn Ê-đen. Đức Giê-hô-va ban phước và phán với A-đam cùng Ê-va rằng hãy sinh sản, làm cho đầy cả đất và quản trị nó (Sáng 1:28). Đấng Tạo Hóa đã quan tâm sâu xa đến những tạo vật của ngài, thì lẽ ra A-đam và Ê-va cũng nên quan tâm đến hạnh phúc của con cháu sau này. Địa đàng được nới rộng ra khắp đất sẽ mang lại lợi ích cho con cháu của A-đam. Dự án khổng lồ này hẳn đòi hỏi sự hợp tác từ cả gia đình ngày càng đông đảo của ông.

9. Tại sao việc nới rộng địa đàng hẳn đã mang lại hạnh phúc?

9 Nếu A-đam và Ê-va không phạm tội, trái đất đã có đầy những người hoàn hảo. Đối với người hoàn hảo, việc nới rộng địa đàng có nghĩa là hoàn toàn hợp tác với Đức Giê-hô-va để thực hiện ý định của ngài, nhờ đó được vào sự nghỉ ngơi của ngài (Hê 4:11). Dự án này hẳn đã mang lại thỏa nguyện và vui mừng biết bao! Ban cho vì lợi ích của người khác hẳn đem đến ân phước tuyệt vời và sự thỏa lòng sâu xa.

10, 11. Làm thế nào chúng ta có thể thực hiện sứ mạng rao giảng và đào tạo môn đồ?

10 Ngày nay, Đức Giê-hô-va giao cho dân ngài nhiệm vụ rao giảng và đào tạo môn đồ. Để thực hiện sứ mạng đó, chúng ta cần quan tâm chân thành đến người khác. Chúng ta chỉ có thể bền bỉ làm việc này nếu có động lực đúng, đó là yêu thương Đức Chúa Trời và người lân cận.

11 Vào thế kỷ thứ nhất, Phao-lô nói rằng ông và những bạn đồng hành là “người cùng làm việc với Đức Chúa Trời” vì họ trồng và tưới hạt giống Nước Trời (1 Cô 3:6, 9). Ngày nay, chúng ta cũng có thể trở thành “người cùng làm việc với Đức Chúa Trời” bằng cách rộng rãi ban cho thời gian, năng lực và tiền của trong công việc rao giảng mà ngài giao. Quả là đặc ân cao quý!

Hiếm có điều gì đem lại nhiều niềm vui hơn là giúp người khác học chân lý (Xem đoạn 12)

12, 13. Việc đào tạo môn đồ mang lại những phần thưởng nào?

12 Rộng rãi cho đi thời gian và năng lực trong công việc rao giảng và đào tạo môn đồ mang lại niềm vui lớn. Nhiều anh chị có đặc ân điều khiển những cuộc học hỏi Kinh Thánh tiến bộ cho biết rằng hiếm có điều gì mang lại sự thỏa nguyện như thế. Thật vui mừng khi thấy mắt học viên sáng lên vì hiểu được điều Kinh Thánh dạy, khi họ lớn mạnh về đức tin, thay đổi đời sống và bắt đầu chia sẻ điều mình học với người khác. Chúa Giê-su cũng rất phấn khởi khi 70 môn đồ được phái đi rao giảng và “trở về trong niềm vui mừng” vì đã đạt được kết quả tốt.—Lu 10:17-21.

13 Những anh chị công bố trên khắp thế giới rất vui khi thấy tin mừng tác động đến đời sống người ta. Hãy xem kinh nghiệm của một chị trẻ tuổi và độc thân tên là Anna. * Chị mở rộng thánh chức bằng cách chuyển đến một nơi có nhu cầu lớn hơn thuộc Đông Âu. Chị viết: “Ở đây có nhiều cơ hội để điều khiển các cuộc học hỏi Kinh Thánh. Em rất thích điều đó. Thánh chức mang lại nhiều niềm vui. Khi về nhà, em không còn thời gian để chú tâm vào bản thân. Em nghĩ đến các học viên của mình, những vấn đề và lo lắng mà họ đang đối mặt, rồi tìm cách để khích lệ họ và giúp đỡ thực tế. Em hoàn toàn tin chắc rằng ‘cho thì hạnh phúc hơn nhận’”.—Công 20:35.

Khi rao giảng cho mỗi nhà, chúng ta giúp người trong khu vực có cơ hội hưởng ứng thông điệp Nước Trời (Xem đoạn 14)

14. Ngay cả khi có ít người hưởng ứng tin mừng, làm thế nào anh chị vẫn có thể tìm niềm vui trong thánh chức?

14 Chúng ta có niềm vui khi giúp người khác có cơ hội nghe tin mừng, ngay cả khi họ chọn không nghe. Suy cho cùng, sứ mạng của chúng ta ngày nay tương tự với sứ mạng của nhà tiên tri Ê-xê-chi-ên. Đức Giê-hô-va phán với ông: ‘Con phải truyền lời ta cho họ, dù họ có nghe hay không’ (Ê-xê 2:7; Ê-sai 43:10). Dù một số người không quý trọng thông điệp tin mừng, nhưng Đức Giê-hô-va quý trọng những nỗ lực của chúng ta. (Đọc Hê-bơ-rơ 6:10). Một anh công bố có thái độ tích cực đối với công việc rao giảng đã viết: “Chúng ta trồng, tưới và cầu xin Đức Giê-hô-va làm cho hạt giống lớn lên”.—1 Cô 3:6.

LÀM THẾ NÀO ĐỂ HẠNH PHÚC?

15. Nhiều người hưởng ứng ra sao trước lòng rộng rãi, và dù thế nào thì chúng ta có nên để điều đó ảnh hưởng đến mình không?

15 Chúa Giê-su muốn chúng ta cảm nghiệm niềm hạnh phúc qua việc tỏ lòng rộng rãi. Nhiều người hưởng ứng tích cực trước lòng rộng rãi. Chúa Giê-su khuyến giục chúng ta: “Hãy cho, người ta sẽ cho anh em. Họ sẽ đong đầy, nén, lắc và thêm cho tràn rồi đổ vào ngực áo anh em. Anh em đong cho người ta mực nào thì họ sẽ đong lại cho anh em mực ấy” (Lu 6:38). Dĩ nhiên, không phải mọi người đều biết ơn khi chúng ta ban cho cách rộng rãi. Nhưng đối với những người có lòng biết ơn thì họ có thể được thôi thúc để tỏ lòng rộng rãi. Vì thế, hãy tiếp tục ban cho dù người ta có biết ơn hay không. Chúng ta không biết được một hành động rộng rãi có thể mang lại kết quả nào.

16. Chúng ta nên tỏ lòng rộng rãi với động lực nào?

16 Những người thật lòng rộng rãi không ban cho để được đền đáp. Chúa Giê-su nói: “Khi đãi tiệc, hãy mời người nghèo, người tàn tật, người què quặt và người đui mù. Anh sẽ hạnh phúc vì họ không có gì để đền đáp cho anh” (Lu 14:13, 14). Kinh Thánh cho biết: “Người rộng rãi sẽ được ban ân phước” và “Hạnh phúc cho người quan tâm đến kẻ thấp hèn!” (Châm 22:9; Thi 41:1). Thật vậy, chúng ta nên ban cho vì việc giúp đỡ người khác mang lại cho mình niềm hạnh phúc.

17. Ban cho những điều gì sẽ mang lại hạnh phúc?

17 Khi trích lời Chúa Giê-su nói: “Cho thì hạnh phúc hơn nhận”, Phao-lô không chỉ đề cập đến việc chia sẻ về vật chất mà còn đến việc khích lệ, hướng dẫn và trợ giúp những ai có nhu cầu (Công 20:31-35). Qua lời nói và gương mẫu, Phao-lô khuyến khích chúng ta nên ban cho thời gian, năng lực, sự quan tâm và tình yêu thương.

18. Các nhà nghiên cứu nói gì về việc tỏ lòng rộng rãi?

18 Các nhà nghiên cứu về xã hội cũng công nhận việc ban cho khiến người ta hạnh phúc. Một bài viết cho biết: “Đối xử tốt với người khác có thể làm gia tăng đáng kể cảm giác hạnh phúc”. Các nhà nghiên cứu nói rằng giúp đỡ người khác là yếu tố quan trọng để “cảm nhận đời sống có ý nghĩa và mục đích, vì nó đáp ứng nhu cầu cơ bản của con người”. Vì thế, các chuyên gia thường khuyên người ta tình nguyện tham gia công tác cộng đồng để khỏe mạnh và hạnh phúc hơn. Chúng ta không ngạc nhiên về những thông tin này vì Đấng Thiết Kế đầy yêu thương đã dạy trong Lời ngài rằng ban cho mang lại hạnh phúc.—2 Ti 3:16, 17.

TIẾP TỤC VUN TRỒNG LÒNG RỘNG RÃI

19, 20. Tại sao anh chị muốn tỏ lòng rộng rãi?

19 Duy trì tinh thần rộng rãi có thể là thách đố khi xung quanh chúng ta là những người đặt lợi ích của mình lên hàng đầu. Tuy nhiên, Chúa Giê-su cho biết rằng hai điều răn lớn nhất là yêu thương Đức Giê-hô-va hết lòng, hết mình, hết tâm trí, hết sức, và yêu người lân cận như chính mình (Mác 12:28-31). Như đã thảo luận trong bài này, những người yêu thương Đức Chúa Trời nên noi gương ngài. Đức Giê-hô-va ban cho người khác, và Chúa Giê-su cũng vậy. Hai đấng ấy khuyến khích chúng ta ban cho, vì làm thế sẽ giúp chúng ta thật sự hạnh phúc. Nếu cố gắng thể hiện tinh thần rộng rãi với Đức Chúa Trời và người lân cận, chúng ta sẽ tôn vinh ngài và mang lại lợi ích cho mình cũng như người khác.

20 Chắc chắn anh chị đã và đang rộng rãi giúp đỡ người khác, đặc biệt anh em đồng đạo (Ga 6:10). Nếu tiếp tục làm thế, hẳn anh chị sẽ được yêu thương và quý trọng, kết quả là anh chị sẽ hạnh phúc. Châm ngôn 11:25 nói: “Người nào rộng rãi sẽ được thịnh vượng; ai làm người khác tươi tỉnh, chính mình sẽ được tươi tỉnh”. Trong đời sống và thánh chức, chúng ta có thể tỏ lòng rộng rãi, tử tế và ban cho bất vị kỷ qua nhiều cách. Bài tới sẽ xem xét một số cách.

^ đ. 13 Tên đã được thay đổi.