Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Hãy tập trung vào vấn đề trọng yếu

Hãy tập trung vào vấn đề trọng yếu

“Nguyện mọi người biết rằng chỉ mình ngài, danh là Giê-hô-va, là Đấng Tối Cao trên khắp trái đất”.—THI 83:18.

BÀI HÁT: 46, 136

1, 2. (a) Vấn đề nào là trọng yếu đối với cả nhân loại? (b) Việc hiểu rõ vấn đề đó quan trọng đến mức nào?

 Đối với nhiều người ngày nay, tiền bạc là vấn đề quan trọng nhất. Họ tập trung vào việc tích lũy của cải hoặc giữ những gì mình có. Còn người khác thì xem gia đình, sức khỏe hoặc sự thành đạt là vấn đề trọng yếu.

2 Tuy nhiên, có một vấn đề rất quan trọng đối với tất cả chúng ta, đó là việc biện minh cho quyền cai trị tối thượng của Đức Giê-hô-va. Chúng ta cần cảnh giác để không mất tập trung vào vấn đề quan trọng này. Điều gì có thể khiến chúng ta mất tập trung? Chúng ta có thể mải mê với nhu cầu của đời sống thường ngày đến mức quên tầm quan trọng của việc biện minh cho quyền cai trị tối thượng của Đức Chúa Trời. Hoặc chúng ta có thể để cho những áp lực của thử thách cá nhân làm mình không thấy được vấn đề hệ trọng đó. Trái lại, nếu hiểu rõ việc biện minh cho quyền cai trị tối thượng của Đức Giê-hô-va, chúng ta sẽ được trang bị tốt hơn để đương đầu với những khó khăn trong đời sống thường ngày. Khi đó, chúng ta sẽ đến gần Đức Giê-hô-va hơn.

TẠI SAO QUAN TRỌNG ĐẾN VẬY?

3. Sa-tan cáo buộc điều gì liên quan đến sự cai trị của Đức Chúa Trời?

3 Hành động của Sa-tan Ác Quỷ đã nêu nghi vấn về tính chính đáng của quyền cai trị của Đức Giê-hô-va. Hắn ngụ ý rằng sự cai trị của Đức Giê-hô-va là bất công và ngài không ban điều tốt nhất cho các tạo vật. Theo Ác Quỷ, nhân loại sẽ hạnh phúc hơn nếu tự cai trị (Sáng 3:1-5). Sa-tan cũng ngụ ý rằng không một người nào thật lòng trung thành với Đức Chúa Trời, và nếu bị áp lực đủ mạnh thì bất cứ người nào cũng sẽ bác bỏ sự cai trị của Đức Giê-hô-va (Gióp 2:4, 5). Vì thách thức đó của Ác Quỷ, nên Đức Giê-hô-va cho thời gian để những trải nghiệm của con người phơi bày sự thật cay đắng về đời sống không ở dưới sự cai trị công chính của Đức Chúa Trời.

4. Tại sao vấn đề về quyền cai trị tối thượng phải được giải quyết?

4 Dĩ nhiên, Đức Giê-hô-va biết luận điệu của Ác Quỷ là sai. Vậy tại sao ngài chọn để vấn đề tiếp diễn, và cho Sa-tan thời gian để cố chứng tỏ điều hắn nêu ra? Câu trả lời liên quan đến tất cả các tạo vật thông minh. (Đọc Thi thiên 83:18). Suy cho cùng, cặp vợ chồng đầu tiên đã bác bỏ sự cai trị của Đức Giê-hô-va, và kể từ đó nhiều người khác cũng làm thế. Có thể điều này khiến một số người thắc mắc liệu lời cáo buộc của Ác Quỷ có đúng không. Bao lâu nghi vấn ấy chưa được giải đáp trong tâm trí của con người hay thiên sứ thì bấy lâu vẫn còn sự mâu thuẫn giữa các nước, chủng tộc, chi phái, gia đình và cá nhân. Nhưng sau khi quyền cai trị tối thượng của Đức Giê-hô-va được biện minh, tất cả các tạo vật sẽ phục dưới sự cai trị công chính của ngài cho đến mãi mãi. Nền hòa bình của vũ trụ sẽ được lập lại.—Ê-phê 1:9, 10.

5. Chúng ta đóng vai trò nào trong việc ủng hộ quyền cai trị tối thượng của Đức Giê-hô-va?

5 Tính chính đáng của quyền cai trị của Đức Chúa Trời sẽ được biện minh, sự cai trị của Sa-tan và con người sẽ hoàn toàn thất bại và bị loại bỏ. Sự cai trị của Đức Chúa Trời qua Nước của Đấng Mê-si sẽ thành công, và những người giữ lòng trọn thành sẽ chứng minh rằng con người có thể đứng về phía sự cai trị của Đức Chúa Trời (Ê-sai 45:23, 24). Anh chị muốn có tên trong danh sách những người trọn thành ủng hộ quyền cai trị tối thượng của Đức Giê-hô-va không? Chắc hẳn là có. Để giữ lòng trọn thành, chúng ta cần tập trung vào vấn đề trọng yếu và hiểu vấn đề ấy quan trọng đến mức nào.

VIỆC BIỆN MINH QUAN TRỌNG HƠN SỰ CỨU RỖI

6. Việc biện minh cho quyền cai trị tối thượng của Đức Giê-hô-va quan trọng đến mức nào?

6 Việc biện minh cho quyền cai trị tối thượng của Đức Giê-hô-va là vấn đề trọng yếu liên quan đến nhân loại. Vấn đề đó quan trọng hơn niềm hạnh phúc của bất cứ cá nhân nào. Sự thật đó có làm giảm giá trị của sự cứu rỗi hay ám chỉ rằng Đức Giê-hô-va không thật sự quan tâm đến chúng ta không? Hoàn toàn không. Tại sao?

7, 8. Tại sao việc biện minh cho quyền cai trị tối thượng của Đức Giê-hô-va bao hàm việc ngài thực hiện lời hứa?

7 Đức Giê-hô-va rất yêu thương và quý trọng nhân loại. Ngài sẵn sàng dùng huyết Con ngài để làm cho việc cứu rỗi có thể thực hiện (Giăng 3:16; 1 Giăng 4:9). Nếu Đức Giê-hô-va không thực hiện những lời ngài hứa, Ác Quỷ sẽ có cớ để gọi Đức Giê-hô-va là kẻ nói dối, giữ lại điều tốt, nên cai trị bất công. Và như thế, lời chế giễu sau của những kẻ chống đối sẽ chứng tỏ là đúng: “Lời hứa về sự hiện diện của ngài ở đâu? Từ ngày tổ phụ chúng ta an giấc, mọi thứ vẫn còn nguyên như từ lúc tạo ra thế gian” (2 Phi 3:3, 4). Vì thế, Đức Giê-hô-va sẽ lo liệu để việc biện minh cho quyền cai trị tối thượng của ngài bao hàm sự cứu rỗi nhân loại biết vâng lời! (Đọc Ê-sai 55:10, 11). Hơn nữa, tình yêu thương là nét đặc trưng trong sự cai trị của Đức Giê-hô-va. Vậy, chúng ta có thể tin chắc rằng ngài sẽ luôn yêu thương và quý trọng các tôi tớ trung thành.—Xuất 34:6.

8 Việc nhận biết tầm quan trọng của quyền cai trị tối thượng của Đức Giê-hô-va không có nghĩa là chúng ta xem nhẹ sự cứu rỗi của mình hay giá trị của mình trước mắt Đức Giê-hô-va. Thay vì thế, điều đó có nghĩa là chúng ta đang có quan điểm đúng về quyền cai trị tối thượng và sự cứu rỗi. Khi có quan điểm đúng, chúng ta mới có thể tập trung vào vấn đề trọng yếu này và đứng về phía quyền cai trị công chính của Đức Giê-hô-va.

BÀI HỌC VỀ QUAN ĐIỂM

9. Sa-tan cáo buộc điều gì về Gióp? (Xem hình nơi đầu bài).

9 Việc cần có quan điểm đúng được thấy rõ trong sách Gióp, một trong những sách Kinh Thánh được viết ra đầu tiên. Qua sách đó, chúng ta biết Sa-tan cho rằng nếu Gióp phải chịu đau khổ cùng cực, ông sẽ từ bỏ Đức Chúa Trời. Sa-tan đề nghị Đức Chúa Trời gây đau khổ cho Gióp. Đức Giê-hô-va không làm thế, nhưng ngài cho phép Sa-tan thử thách Gióp khi phán: “Mọi thứ người có đều ở trong tay ngươi. (Đọc Gióp 1:7-12). Trong một thời gian ngắn, Gióp mất các tôi tớ, kế sinh nhai và mười người con yêu dấu. Sa-tan thực hiện điều này theo cách có vẻ như chính Đức Chúa Trời gây vấn đề cho Gióp (Gióp 1:13-19). Kế đến, Sa-tan khiến Gióp bị một căn bệnh ghê tởm và đau đớn (Gióp 2:7). Ông càng suy sụp khi nghe những lời gây nản lòng của vợ và ba người bạn giả tạo.—Gióp 2:9; 3:11; 16:2.

10. (a) Điều gì cho thấy Gióp giữ lòng trọn thành với Đức Chúa Trời? (b) Ông thiếu sót theo nghĩa nào?

10 Kết quả là gì? Lời cáo buộc của Sa-tan hoàn toàn sai. Gióp nhất định không quay lưng lại với Đức Chúa Trời (Gióp 27:5). Nhưng ông tạm thời mất đi quan điểm đúng. Ông quá chú tâm vào việc xác minh sự công chính của mình, thậm chí đòi biết lý do mình phải chịu đau khổ (Gióp 7:20; 13:24). Có thể chúng ta nghĩ rằng sau mọi đau khổ mà Gióp phải chịu thì ông phản ứng như vậy là điều dễ hiểu. Tuy nhiên, Đức Chúa Trời thấy cần điều chỉnh quan điểm của ông. Đức Giê-hô-va nói gì với ông?

11, 12. Đức Giê-hô-va giúp Gióp nhận ra điều gì, và ông hưởng ứng ra sao?

11 Những lời Đức Chúa Trời nói với Gióp nằm trong bốn chương của sách mang tên ông, từ chương 38 đến 41. Không chỗ nào cho biết Đức Chúa Trời giải thích cụ thể lý do Gióp phải chịu đau khổ. Mục tiêu chính Đức Giê-hô-va nói với Gióp không phải để giải thích tại sao ông chịu đau khổ, như thể ngài phải bào chữa cho mình. Thay vì thế, Đức Giê-hô-va muốn giúp Gióp nhận ra ông nhỏ bé thế nào so với sự vĩ đại của ngài, và giúp ông hiểu rằng có những vấn đề lớn hơn cần quan tâm. (Đọc Gióp 38:18-21). Nhờ thế Gióp đã lấy lại quan điểm đúng.

12 Phải chăng Đức Giê-hô-va khắt khe khi cho Gióp lời khuyên thẳng thắn như thế sau khi ông chịu thử thách nặng nề? Không, và ngay cả Gióp cũng không nghĩ vậy. Bất kể thử thách, cuối cùng Gióp bắt đầu nói với lòng biết ơn. Thậm chí ông còn thưa: “Con xin rút lại lời đã nói và ăn năn trong tro bụi”. Điều đó cho thấy lời khuyên của Đức Giê-hô-va, dù thẳng thắn nhưng giúp hồi tỉnh, đã tác động đến Gióp (Gióp 42:1-6). Trước đó, Gióp cũng nhận được lời khuyên của người trẻ Ê-li-hu (Gióp 32:5-10). Sau khi Gióp chấp nhận lời sửa dạy của Đức Chúa Trời và điều chỉnh quan điểm, Đức Giê-hô-va đã cho người khác biết ngài hài lòng về sự trung thành của ông.—Gióp 42:7, 8.

13. Lời khuyên của Đức Giê-hô-va giúp ích cho Gióp thế nào sau khi thử thách của ông đã chấm dứt?

13 Lời khuyên của Đức Giê-hô-va tiếp tục mang lại lợi ích cho Gióp ngay cả sau khi thử thách của ông đã chấm dứt. Như thế nào? Dù “Đức Giê-hô-va ban phước cho ông nhiều hơn lúc ban đầu” nhưng hẳn cần thời gian để ông được khôi phục. Sau này, ông “có thêm bảy con trai và ba con gái” (Gióp 42:12-14). Chắc chắn Gióp thương nhớ những người con đã mất bởi tay Sa-tan. Trong một thời gian, rất có thể những ký ức đau buồn ùa về với ông. Ngay cả khi đã hiểu rõ hơn về lý do ông gặp thử thách, có lẽ đôi lúc ông nghĩ tại sao mình lại phải chịu khổ đến mức ấy. Dù trường hợp nào đi nữa, ông có thể suy ngẫm về lời khuyên của Đức Chúa Trời. Làm thế sẽ giúp ông giữ quan điểm đúng và được an ủi.—Thi 94:19.

Thay vì chỉ chú tâm đến vấn đề cá nhân, anh chị có thể tập trung vào vấn đề trọng yếu không? (Xem đoạn 14)

14. Chúng ta học được gì từ kinh nghiệm của Gióp?

14 Lời tường thuật về Gióp cũng giúp chúng ta có quan điểm đúng và được an ủi. Suy cho cùng, Đức Giê-hô-va cho ghi lại câu chuyện ấy để “chỉ dạy chúng ta, hầu cho bởi sự chịu đựng của chúng ta và sự an ủi đến từ Kinh Thánh mà chúng ta có hy vọng” (Rô 15:4). Bài học chính ở đây là chúng ta chớ chú tâm vào vấn đề cá nhân đến mức mất tập trung vào vấn đề trọng yếu này, đó là biện minh cho quyền cai trị tối thượng của Đức Giê-hô-va. Ngoài ra, chúng ta cần hiểu rằng vai trò của mình trong vấn đề trọng yếu này bao gồm việc giữ lòng trung thành ngay cả trong hoàn cảnh khó khăn, như Gióp đã làm.

15. Lòng trung thành của chúng ta trước thử thách mang lại lợi ích nào?

15 Tại sao chúng ta được an ủi khi suy ngẫm về giá trị của lòng trung thành? Vì điều đó giúp chúng ta hiểu rằng thử thách là cơ hội để cho thấy mình ủng hộ quyền cai trị tối thượng của Đức Giê-hô-va, chứ không phải là dấu hiệu chứng tỏ ngài không hài lòng về chúng ta (Châm 27:11). Nhờ sự chịu đựng, chúng ta ‘được chấp nhận’ và hy vọng của chúng ta được củng cố. (Đọc Rô-ma 5:3-5). Lời tường thuật về Gióp cho thấy “Đức Giê-hô-va là đấng giàu lòng trắc ẩn và thương xót” (Gia 5:11). Vì thế, chắc chắn ngài sẽ ban thưởng cho chúng ta và tất cả những người ủng hộ quyền cai trị tối thượng của ngài. Biết điều này giúp chúng ta “chịu đựng mọi sự với lòng kiên nhẫn và vui mừng”.—Cô 1:11.

GIỮ SỰ TẬP TRUNG

16. Tại sao chúng ta phải nhắc nhở bản thân về tầm quan trọng của việc biện minh cho quyền cai trị tối thượng của Đức Giê-hô-va?

16 Đành rằng, tập trung vào việc biện minh cho quyền cai trị tối thượng của Đức Giê-hô-va có thể là thách đố. Đôi khi, các vấn đề có thể làm chúng ta choáng ngợp. Ngay cả vấn đề tương đối nhỏ có thể lấp hết tâm trí chúng ta nếu cứ nghĩ mãi đến nó. Vì thế khi gặp khó khăn, chúng ta nên thường xuyên nhắc nhở bản thân về tầm quan trọng của việc ủng hộ quyền cai trị tối thượng của Đức Giê-hô-va.

17. Làm thế nào đều đặn tham gia công việc của Đức Giê-hô-va giúp chúng ta giữ sự tập trung vào vấn đề trọng yếu?

17 Tiếp tục đều đặn tham gia công việc của Đức Giê-hô-va có thể giúp chúng ta tập trung vào vấn đề trọng yếu. Chẳng hạn, một chị Nhân Chứng tên Renee bị đột quỵ cũng như phải chống chọi với cơn đau dai dẳng và bệnh ung thư. Trong thời gian điều trị ở các bệnh viện, chị làm chứng cho đội ngũ nhân viên, bệnh nhân và những người đến thăm. Tại một bệnh viện, chị dành 80 giờ để làm chứng chỉ trong hai tuần rưỡi. Ngay cả khi sắp qua đời, chị Renee không hề mất tập trung vào quyền cai trị tối thượng của Đức Giê-hô-va. Chính điều đó làm giảm đi phần nào nỗi đau của chị.

18. Làm thế nào kinh nghiệm của một chị cho thấy lợi ích của việc ủng hộ quyền cai trị tối thượng của Đức Giê-hô-va?

18 Dĩ nhiên, chúng ta cũng muốn giữ sự tập trung vào quyền cai trị tối thượng của Đức Giê-hô-va khi gặp những áp lực và sự bất tiện hằng ngày. Chị Jennifer phải ở sân bay ba ngày để chờ chuyến bay về nhà. Hết chuyến này đến chuyến khác bị hủy. Chị cảm thấy đơn độc và mệt mỏi, và điều này dễ khiến chị tủi thân. Nhưng chị đã cầu xin Đức Giê-hô-va giúp mình chia sẻ tin mừng với những người có cùng cảnh ngộ. Kết quả là gì? Chị làm chứng cho nhiều người và mời nhận được nhiều ấn phẩm. Chị chia sẻ: “Tôi cảm thấy Đức Giê-hô-va ban phước cho tôi bất kể hoàn cảnh khó khăn, và cho tôi đủ sức để mang danh ngài một cách xứng đáng”. Thật vậy, chị đã giữ sự tập trung vào ý định của Đức Giê-hô-va.

19. Về vấn đề quyền cai trị tối thượng, dân Đức Giê-hô-va ủng hộ ai?

19 Sự hiểu biết về quyền cai trị tối thượng của Đức Giê-hô-va là đặc điểm nhận diện tôn giáo thật. Từ lâu, dân Đức Chúa Trời đã ủng hộ quyền cai trị tối thượng của ngài. Với tư cách là những người ủng hộ sự thờ phượng thật, mỗi chúng ta nên cố gắng làm thế.

20. Đức Giê-hô-va cảm thấy thế nào về nỗ lực của anh chị khi ủng hộ quyền cai trị tối thượng của ngài?

20 Hãy tin chắc rằng Đức Giê-hô-va quý trọng nỗ lực của anh chị khi ủng hộ quyền cai trị tối thượng của ngài bằng cách trung thành phụng sự và chịu đựng thử thách (Thi 18:25). Bài sau sẽ xem xét thêm tại sao quyền cai trị tối thượng của Đức Giê-hô-va đáng để chúng ta ủng hộ hết lòng, và chúng ta có thể ủng hộ như thế nào.