Những lý do “tiếp tục kết nhiều quả”
“Qua điều này mà Cha tôi được vinh hiển, ấy là anh em tiếp tục kết nhiều quả và chứng tỏ là môn đồ tôi”.—GIĂNG 15:8.
BÀI HÁT: 53, 60
1, 2. (a) Không lâu trước khi chết, Chúa Giê-su cho các môn đồ biết về điều gì? (Xem hình nơi đầu bài). (b) Tại sao ghi nhớ những lý do chúng ta rao giảng là quan trọng? (c) Chúng ta sẽ xem xét điều gì?
Vào đêm cuối cùng trước khi chết, Chúa Giê-su nói chuyện rất lâu với các môn đồ về tình yêu thương sâu đậm dành cho họ. Ngài cũng kể minh họa về cây nho, như đã xem xét trong bài trước. Qua minh họa đó, Chúa Giê-su khuyến khích các môn đồ “tiếp tục kết nhiều quả”, tức bền lòng rao giảng thông điệp Nước Trời.—Giăng 15:8.
2 Tuy nhiên, Chúa Giê-su không những cho các môn đồ biết về điều họ cần làm mà còn cho biết tại sao họ nên làm điều đó. Ngài đưa ra những lý do cần tiếp tục rao giảng. Tại sao chúng ta nên xem xét những lý do này? Ghi nhớ những lý do đó sẽ thôi thúc chúng ta bền lòng “làm chứng cho muôn dân” (Mat 24:13, 14). Vậy hãy xem xét bốn lý do dựa trên Kinh Thánh cho biết tại sao cần rao giảng. Cũng hãy xem bốn món quà đến từ Đức Giê-hô-va giúp bền lòng sinh hoa kết quả.
LÀM VINH HIỂN ĐỨC GIÊ-HÔ-VA
3. (a) Giăng 15:8 cho biết một lý do cần rao giảng là gì? (b) Những trái nho trong minh họa của Chúa Giê-su tượng trưng cho điều gì, và tại sao hình ảnh này là thích hợp?
3 Lý do quan trọng nhất chúng ta rao giảng là để làm vinh hiển Đức Giê-hô-va và làm thánh danh ngài. (Đọc Giăng 15:1, 8). Hãy lưu ý rằng trong minh họa của Chúa Giê-su, Đức Giê-hô-va là người trồng, Chúa Giê-su là cây nho và các môn đồ là nhánh (Giăng 15:5). Vì thế, những trái nho tượng trưng cho bông trái Nước Trời mà các môn đồ sinh ra. Chúa Giê-su nói với các sứ đồ: “Qua điều này mà Cha tôi được vinh hiển, ấy là anh em tiếp tục kết nhiều quả”. Những cây nho sinh ra trái tốt đem lại vinh hiển cho người trồng. Cũng vậy, chúng ta mang lại vinh hiển cho Đức Giê-hô-va khi rao truyền thông điệp Nước Trời với hết khả năng của mình.—Mat 25:20-23.
4. (a) Chúng ta làm thánh danh Đức Chúa Trời qua những cách nào? (b) Anh chị cảm thấy thế nào khi có đặc ân làm thánh danh Đức Chúa Trời?
4 Công việc rao giảng làm thánh danh Đức Chúa Trời theo nghĩa nào? Chúng ta không thể làm gì để khiến cho danh Đức Chúa Trời thánh hơn, vì danh ấy vốn đã thánh cách tuyệt đối. Nhưng hãy lưu ý điều mà nhà tiên tri Ê-sai nói: “Đức Giê-hô-va vạn quân, đó mới là đấng các con phải xem là thánh” (Ê-sai 8:13). Một cách chúng ta làm thánh danh Đức Chúa Trời là biệt danh ấy riêng ra với mọi danh và giúp người khác xem danh ấy là thánh (Mat 6:9, chú thích). Chẳng hạn, khi rao truyền sự thật về những đức tính tuyệt vời và ý định của Đức Giê-hô-va dành cho nhân loại, chúng ta đang bênh vực danh ngài trước những lời vu khống và dối trá của Sa-tan (Sáng 3:1-5). Ngoài ra, khi cố gắng giúp người trong khu vực thấy Đức Giê-hô-va xứng đáng “nhận sự vinh hiển, tôn kính và quyền năng”, chúng ta đang làm thánh danh ngài (Khải 4:11). Anh Rune làm tiên phong 16 năm cho biết: “Tôi rất biết ơn vì có cơ hội làm chứng về Đấng Tạo Hóa của vũ trụ. Điều này cho tôi ước muốn tiếp tục rao giảng”.
YÊU THƯƠNG ĐỨC GIÊ-HÔ-VA VÀ CON NGÀI
5. (a) Giăng 15:9, 10 cho biết một lý do cần rao giảng là gì? (b) Chúa Giê-su nhấn mạnh thế nào về tầm quan trọng của sự bền bỉ?
5 Đọc Giăng 15:9, 10. Tình yêu thương chân thành dành cho Đức Giê-hô-va và Chúa Giê-su là lý do quan trọng để rao giảng thông điệp Nước Trời (Mác 12:30; Giăng 14:15). Chúa Giê-su không nói các môn đồ hãy ở trong tình yêu thương của ngài nhưng bảo họ hãy ‘luôn ở trong tình yêu thương của ngài’. Tại sao? Vì để giữ đời sống của môn đồ Đấng Ki-tô từ năm này sang năm khác, chúng ta cần bền bỉ. Chúa Giê-su nhấn mạnh tầm quan trọng của sự bền bỉ khi lặp đi lặp lại từ “luôn” và “tiếp tục” trong đoạn ngắn nơi Giăng 15:4-10.
6. Làm thế nào để luôn ở trong tình yêu thương của Chúa Giê-su?
6 Làm thế nào để luôn ở trong tình yêu thương của Chúa Giê-su và được ngài chấp nhận? Bằng cách vâng giữ điều răn của ngài. Nói đơn giản, Chúa Giê-su bảo chúng ta hãy vâng lời ngài. Chúa Giê-su muốn chúng ta làm điều mà chính ngài đã làm, vì ngài nói thêm: “Như tôi đã giữ các điều răn của Cha và luôn ở trong tình yêu thương của ngài”. Quả thật, Chúa Giê-su đã nêu gương cho chúng ta.—Giăng 13:15.
7. Sự vâng lời và tình yêu thương liên hệ với nhau như thế nào?
7 Chúa Giê-su cho thấy mối liên hệ giữa sự vâng lời và tình yêu thương khi nói: “Ai tiếp nhận và giữ các điều răn của tôi là yêu thương tôi” (Giăng 14:21). Hơn nữa, khi làm theo mệnh lệnh rao giảng, chúng ta cho thấy mình yêu thương Đức Chúa Trời, vì mệnh lệnh của Chúa Giê-su phản ánh suy nghĩ của Cha ngài (Mat 17:5; Giăng 8:28). Khi chúng ta thể hiện tình yêu thương, Đức Giê-hô-va và Chúa Giê-su sẽ gìn giữ chúng ta trong tình yêu thương của hai đấng ấy.
CẢNH BÁO NGƯỜI KHÁC
8, 9. (a) Chúng ta rao giảng vì lý do nào khác? (b) Làm thế nào lời của Đức Giê-hô-va nơi Ê-xê-chi-ên 3:18, 19 và 18:23 thôi thúc chúng ta tiếp tục rao giảng?
8 Lý do khác chúng ta tiếp tục rao giảng là để cảnh báo người ta. Trong Kinh Thánh, Nô-ê được miêu tả là “người rao giảng”. (Đọc 2 Phi-e-rơ 2:5). Khi rao giảng về trận Đại Hồng Thủy, hẳn ông đã cảnh báo về sự hủy diệt sắp đến. Tại sao có thể kết luận như thế? Hãy lưu ý đến điều Chúa Giê-su nói: “Vì trong thời trước trận Đại Hồng Thủy, người ta lo ăn uống, cưới gả cho đến ngày Nô-ê vào tàu; và họ không để ý gì hết cho tới khi trận Đại Hồng Thủy đến cuốn trôi hết thảy họ. Khi Con Người hiện diện cũng sẽ như thế” (Mat 24:38, 39). Dù người ta thờ ơ nhưng Nô-ê đã trung thành công bố thông điệp cảnh báo mà ông được giao.
9 Ngày nay, chúng ta rao giảng thông điệp Nước Trời để người ta có cơ hội học về ý muốn Đức Chúa Trời dành cho nhân loại. Như Đức Giê-hô-va, chúng ta chân thành muốn mọi người hưởng ứng thông điệp hầu “được sống” (Ê-xê 18:23). Ngoài ra, khi rao giảng từng nhà hoặc nơi công cộng, chúng ta cảnh báo càng nhiều người càng tốt về sự kiện Nước Trời sẽ đến và chấm dứt thế gian không tin kính này.—Ê-xê 3:18, 19; Đa 2:44; Khải 14:6, 7.
YÊU NGƯỜI LÂN CẬN
10. (a) Ma-thi-ơ 22:39 cho biết một lý do cần rao giảng là gì? (b) Hãy kể lại cách Phao-lô và Si-la đã giúp viên cai tù ở thành Phi-líp.
10 Một lý do quan trọng khác để rao giảng là vì chúng ta yêu người lân cận (Mat 22:39). Tình yêu thương đó thôi thúc chúng ta bền bỉ làm công việc này. Lòng của một người có thể thay đổi khi hoàn cảnh thay đổi. Hãy xem điều mà sứ đồ Phao-lô và bạn đồng hành là Si-la đã trải nghiệm. Tại thành Phi-líp, họ bị những người chống đối bỏ tù. Rồi đến nửa đêm, thình lình có cơn động đất khiến nhà tù rung chuyển và các cửa tù mở toang. Viên cai tù tưởng rằng tù nhân đã trốn hết nên toan tự sát. Nhưng Phao-lô kêu lớn: “Chớ hại mình!”. Viên cai tù hỏi: “Tôi phải làm gì để được cứu?”. Họ nói với ông: ‘Hãy tin Chúa Giê-su thì anh sẽ được cứu’.—Công 16:25-34.
11, 12. (a) Lời tường thuật về viên cai tù liên hệ thế nào đến công việc rao giảng? (b) Khi trung thành rao giảng, chúng ta có cơ hội nào?
11 Lời tường thuật về viên cai tù liên hệ thế nào đến công việc rao giảng? Hãy lưu ý là viên cai tù đã thay đổi và xin sự giúp đỡ chỉ sau khi cơn động đất xảy ra. Tương tự, một số người trước kia không hưởng ứng thông điệp Kinh Thánh nhưng đã thay đổi quan điểm khi đương đầu với biến cố nào đó. Chẳng hạn, một số người bị sốc khi bất ngờ mất công việc mà mình đã làm nhiều năm. Số khác suy sụp do hôn nhân đổ vỡ. Có người thì hoang mang vì bị chẩn đoán mắc bệnh nặng hoặc đau buồn vì người thân qua đời. Khi những biến cố đó xảy ra, một số người nêu lên câu hỏi về ý nghĩa đời sống mà trước đây họ từng lờ đi. Có thể họ thắc mắc: “Tôi phải làm gì để được cứu?”. Khi chúng ta gặp họ, có lẽ lần đầu tiên trong cuộc đời, họ muốn lắng nghe thông điệp đầy hy vọng.
12 Vì vậy, khi trung thành rao giảng, chúng ta có cơ hội an ủi người ta vào lúc họ sẵn sàng đón nhận (Ê-sai 61:1). Chị Charlotte phụng sự trọn thời gian 38 năm cho biết: “Ngày nay, người ta mất phương hướng. Họ cần được nghe tin mừng”. Chị Ejvor làm tiên phong 34 năm nói: “Chưa bao giờ có nhiều người cảm thấy lòng nặng trĩu như hiện nay. Tôi thật sự muốn giúp họ, và điều đó thôi thúc tôi rao giảng”. Quả thật, yêu người lân cận là một lý do chính đáng để tiếp tục làm thánh chức!
NHỮNG MÓN QUÀ GIÚP CHÚNG TA BỀN BỈ
13, 14. (a) Món quà nào được nói đến nơi Giăng 15:11? (b) Làm thế nào để có niềm vui giống như Chúa Giê-su? (c) Niềm vui ảnh hưởng đến thánh chức của chúng ta ra sao?
13 Vào đêm cuối cùng trước khi chết, Chúa Giê-su cũng cho biết rằng một số món quà sẽ giúp các sứ đồ bền lòng sinh hoa kết quả. Những món quà đó là gì, và làm thế nào để nhận lợi ích từ những món quà đó?
14 Niềm vui. Vâng theo mệnh lệnh rao giảng của Chúa Giê-su có là gánh nặng không? Chắc chắn không. Sau khi kể minh họa về cây nho, Chúa Giê-su nói rằng công việc rao truyền Nước Trời sẽ mang lại niềm vui. (Đọc Giăng 15:11). Ngài đảm bảo rằng chúng ta sẽ có niềm vui giống như ngài. Bằng cách nào? Như đã đề cập trong minh họa ở trên, Chúa Giê-su là cây nho và các môn đồ là nhánh. Cây nho đỡ những nhánh nho. Chừng nào những nhánh nho còn gắn chặt với cây, chừng nấy chúng sẽ nhận được nước và dinh dưỡng từ cây. Tương tự, bao lâu chúng ta hợp nhất với Đấng Ki-tô bằng cách theo sát dấu chân ngài, bấy lâu chúng ta sẽ cảm nghiệm được niềm vui mà ngài có khi làm theo ý muốn của Cha (Giăng 4:34; 17:13; 1 Phi 2:21). Chị Hanne làm tiên phong hơn 40 năm chia sẻ: “Tôi luôn cảm thấy vui sau khi tham gia thánh chức. Điều đó thúc đẩy tôi tiếp tục phụng sự Đức Giê-hô-va”. Thật vậy, niềm vui sâu xa thêm sức cho chúng ta để tiếp tục rao giảng, ngay cả trong khu vực có nhiều thử thách.—Mat 5:10-12.
15. (a) Món quà nào được nói đến nơi Giăng 14:27? (b) Làm thế nào sự bình an giúp chúng ta tiếp tục sinh hoa kết quả?
15 Sự bình an. (Đọc Giăng 14:27). Cũng vào tối hôm đó, Chúa Giê-su nói với các sứ đồ: “Tôi cho anh em sự bình an của tôi”. Làm thế nào món quà sự bình an của Chúa Giê-su giúp chúng ta sinh hoa kết quả? Khi bền bỉ, chúng ta cảm nghiệm sự bình an lâu dài vì biết rằng mình được Đức Giê-hô-va và Chúa Giê-su chấp nhận (Thi 149:4; Rô 5:3, 4; Cô 3:15). Anh Ulf phụng sự trọn thời gian 45 năm nói: “Khi đi rao giảng, tôi cũng cảm thấy mệt. Nhưng công việc ấy mang lại cho tôi đời sống thỏa lòng và đầy ý nghĩa”. Chúng ta thật biết ơn vì được ban sự bình an nội tâm lâu dài.
16. (a) Món quà nào được nói đến nơi Giăng 15:15? (b) Làm thế nào các sứ đồ có thể gìn giữ tình bạn với Chúa Giê-su?
16 Tình bạn. Sau khi Chúa Giê-su cho biết ngài muốn các sứ đồ cảm nghiệm niềm vui “được đầy trọn”, ngài giải thích về tầm quan trọng của việc thể hiện tình yêu thương bất vị kỷ (Giăng 15:11-13). Rồi ngài nói: “Tôi gọi anh em là bạn”. Được làm bạn với Chúa Giê-su quả là món quà quý giá! Các sứ đồ phải làm gì để gìn giữ tình bạn với ngài? Họ cần “đi và tiếp tục kết quả”. (Đọc Giăng 15:14-16). Khoảng hai năm trước đó, Chúa Giê-su chỉ dẫn các sứ đồ: “Khi đi, hãy rao giảng rằng: ‘Nước Trời đã đến gần’” (Mat 10:7). Do đó, vào buổi tối cuối cùng, ngài khuyến khích họ bền bỉ trong công việc họ đang làm (Mat 24:13; Mác 3:14). Thi hành mệnh lệnh của Chúa Giê-su không phải lúc nào cũng dễ nhưng họ có thể thành công, và nhờ thế gìn giữ tình bạn với ngài. Nhờ đâu họ thành công? Đó là nhờ sự trợ giúp của một món quà khác.
17, 18. (a) Món quà nào được nói đến nơi Giăng 15:16? (b) Món quà đó giúp môn đồ của Chúa Giê-su như thế nào? (c) Những món quà nào sẽ củng cố chúng ta ngày nay?
17 Lời cầu nguyện được nhậm. Chúa Giê-su nói: “Anh em nhân danh tôi xin Cha bất cứ điều gì thì ngài sẽ ban cho” (Giăng 15:16). Lời hứa này hẳn làm các sứ đồ vững lòng biết bao! a Lúc đó họ không hiểu rõ rằng Đấng Lãnh Đạo của họ sắp kết thúc đời sống trên đất. Tuy nhiên, họ sẽ không bị bỏ mặc. Đức Giê-hô-va sẵn lòng đáp lời khi họ cầu xin sự giúp đỡ để thi hành sứ mạng rao giảng về Nước Trời. Thật vậy không lâu sau, họ đã cảm nghiệm được điều đó.—Công 4:29, 31.
18 Ngày nay cũng vậy. Khi bền bỉ trong việc sinh hoa kết quả, chúng ta vui hưởng tình bạn với Chúa Giê-su. Chúng ta cũng có thể tin chắc rằng Đức Giê-hô-va sẵn lòng đáp lời khi chúng ta cầu xin sự giúp đỡ để vượt qua những khó khăn trong công việc rao giảng (Phi-líp 4:13). Thật biết ơn vì được nhậm lời cầu nguyện và có tình bạn với Chúa Giê-su! Những món quà này từ Đức Giê-hô-va sẽ củng cố chúng ta để tiếp tục kết nhiều quả.—Gia 1:17.
19. (a) Tại sao chúng ta tiếp tục rao giảng? (b) Điều gì giúp chúng ta hoàn tất công việc Đức Chúa Trời giao?
19 Như được xem xét trong bài này, chúng ta tiếp tục rao giảng để làm vinh hiển Đức Giê-hô-va và làm thánh danh ngài, thể hiện tình yêu thương dành cho Đức Giê-hô-va và Chúa Giê-su, cảnh báo người khác, và thể hiện tình yêu thương với người lân cận. Hơn nữa, những món quà như niềm vui, sự bình an, tình bạn và lời cầu nguyện được nhậm sẽ củng cố chúng ta để hoàn tất công việc Đức Chúa Trời giao. Đức Giê-hô-va vui mừng biết bao khi thấy chúng ta nỗ lực hết lòng để “tiếp tục kết nhiều quả”!
a Trong buổi nói chuyện đó, Chúa Giê-su nhiều lần đảm bảo với các sứ đồ rằng lời cầu nguyện của họ sẽ được nhậm.—Giăng 14:13; 15:7, 16; 16:23.