Đức Giê-hô-va yêu thương những ai “bền lòng sinh hoa kết quả”
“Còn hạt rơi nơi đất tốt là người... bền lòng sinh hoa kết quả”.—LU 8:15.
BÀI HÁT: 68, 72
1, 2. (a) Khi xem gương của các anh chị rao giảng trong khu vực ít người hưởng ứng, chúng ta được khích lệ thế nào? (Xem hình nơi đầu bài). (b) Chúa Giê-su nói gì về việc rao giảng “ở quê hương”? (Xem chú thích).
Anh Sergio và chị Olinda là cặp tiên phong ngoài 80 tuổi sống ở Hoa Kỳ. Gần đây, họ bị đau chân và đi lại khó khăn hơn. Dù vậy, họ vẫn làm điều như hàng chục năm trước, đó là đi bộ đến quảng trường tấp nập lúc 7 giờ sáng. Họ dừng lại gần một trạm xe buýt và làm chứng cho người qua đường. Hầu hết người ta đều lờ đi, nhưng cặp vợ chồng này vẫn ở đó, mỉm cười với những ai nhìn họ. Đến trưa, họ đi bộ từ từ về nhà. Sáng hôm sau, lúc 7 giờ, họ lại đến quảng trường. Đúng thế, cặp vợ chồng trung thành này bận rộn rao giảng thông điệp Nước Trời sáu buổi sáng một tuần, và làm thế suốt cả năm.
2 Như anh Sergio và chị Olinda, nhiều anh chị trung thành trên thế giới đã rao giảng hàng chục năm trong nước mình, ở khu vực ít người hưởng ứng. Nếu đó là trường hợp của anh chị, chúng tôi chân thành khen anh chị vì đã bền lòng trong công việc. a Sự kiên định của anh chị trong việc phụng sự Đức Giê-hô-va là nguồn khích lệ cho nhiều người, ngay cả những anh chị nhiều kinh nghiệm. Một giám thị vòng quanh nhận xét: “Khi cùng tham gia thánh chức với các anh chị trung thành như thế, tôi cảm thấy được thêm sinh lực nhờ gương của họ”. Một giám thị khác nói: “Sự trung thành của họ khuyến khích tôi tiếp tục kiên trì và can đảm trong thánh chức”. Anh khác cho biết: “Gương của họ sưởi ấm lòng tôi”.
3. Chúng ta sẽ xem xét ba câu hỏi nào, và tại sao?
3 Để củng cố lòng quyết tâm hoàn thành công việc mà Chúa Giê-su giao, hãy xem xét ba câu hỏi sau: Tại sao đôi khi chúng ta có thể bị nản lòng? Chúng ta sinh hoa kết quả như thế nào? Điều gì giúp chúng ta bền lòng sinh hoa kết quả?
TẠI SAO CHÚNG TA CÓ THỂ BỊ NẢN LÒNG?
4. (a) Phản ứng tiêu cực của hầu hết người Do Thái tác động thế nào đến Phao-lô? (b) Tại sao Phao-lô cảm thấy như thế?
4 Có bao giờ anh chị bị nản lòng khi rao giảng trong khu vực ít người hưởng ứng không? Nếu thế, anh chị có thể thông cảm với Phao-lô. Trong khoảng 30 năm làm thánh chức, ông đã giúp rất nhiều người trở thành môn đồ của Đấng Ki-tô (Công 14:21; 2 Cô 3:2, 3). Tuy nhiên, ông đã không giúp được nhiều người Do Thái trở thành người thờ phượng chân chính. Họ còn cự tuyệt Phao-lô, và một số người thậm chí ngược đãi ông (Công 14:19; 17:1, 4, 5, 13). Phản ứng của người Do Thái tác động thế nào đến Phao-lô? Ông cho biết: “Là môn đồ của Đấng Ki-tô, tôi nói thật... lòng tôi vô cùng sầu não và đau đớn khôn nguôi” (Rô 9:1-3). Tại sao Phao-lô cảm thấy như thế? Vì ông tận tâm với công việc rao giảng. Ông rao giảng cho người Do Thái vì quan tâm sâu xa đến họ. Thế nên, Phao-lô đau lòng khi thấy họ từ chối nhận sự thương xót của Đức Chúa Trời.
5. (a) Điều gì thúc đẩy chúng ta rao giảng cho người khác? (b) Tại sao không có gì lạ nếu đôi khi chúng ta bị nản lòng?
5 Như Phao-lô, chúng ta rao giảng vì quan tâm chân thành đến người khác (Mat 22:39; 1 Cô 11:1). Qua kinh nghiệm bản thân, chúng ta biết có rất nhiều ân phước đang chờ đợi những ai quyết định phụng sự Đức Giê-hô-va. Khi nghĩ về người trong khu vực, chúng ta tự nhủ: “Ước gì mình có thể giúp họ nhận ra điều họ đang bỏ lỡ!”. Vì thế, chúng ta tiếp tục khuyến khích họ học về Đức Giê-hô-va và ý định của ngài dành cho nhân loại. Như thể chúng ta đang nói: “Chúng tôi mang đến cho ông/bà một món quà tuyệt vời. Mời ông/bà nhận”. Do đó, khi người ta từ chối, không có gì lạ nếu chúng ta cảm thấy ‘lòng mình đau đớn’. Cảm xúc ấy cho thấy chúng ta tận tâm với công việc rao giảng, chứ không phải thiếu đức tin. Thế nên, dù có lúc nản lòng, chúng ta vẫn kiên trì. Chị Elena, một tiên phong hơn 25 năm, đã nói lên suy nghĩ của nhiều anh chị: “Rao giảng tin mừng không dễ. Nhưng đó là công việc tuyệt vời nhất tôi có thể làm”.
CHÚNG TA SINH HOA KẾT QUẢ NHƯ THẾ NÀO?
6. Chúng ta sẽ xem xét câu hỏi nào, và làm sao để biết câu trả lời?
6 Dù rao giảng ở đâu, tại sao chúng ta tin chắc mình có thể sinh hoa kết quả? Để trả lời câu hỏi này, hãy xem hai minh họa của Chúa Giê-su về tầm quan trọng của việc “sinh hoa kết quả” (Mat 13:23). Minh họa đầu tiên là về cây nho.
7. (a) Trong minh họa, ai là “người trồng”, “cây nho” và “nhánh”? (b) Chúng ta muốn tìm lời giải đáp cho câu hỏi nào?
7 Đọc Giăng 15:1-5, 8. Hãy lưu ý Chúa Giê-su nói với các sứ đồ: “Qua điều này mà Cha tôi được vinh hiển, ấy là anh em tiếp tục kết nhiều quả và chứng tỏ là môn đồ tôi”. Trong minh họa, Đức Giê-hô-va là “người trồng”, Chúa Giê-su là “cây nho thật”, và các môn đồ là “nhánh”. b Vậy trái mà các môn đồ của Đấng Ki-tô cần sinh ra là gì? Trong minh họa này, Chúa Giê-su không trực tiếp cho biết, nhưng ngài nói đến một chi tiết quan trọng để giúp chúng ta tìm lời giải đáp.
8. (a) Trong minh họa, tại sao trái mà mỗi tín đồ phải sinh ra không nói đến môn đồ mới? (b) Có điểm gì đáng lưu ý về những điều Đức Giê-hô-va đòi hỏi nơi chúng ta?
8 Chúa Giê-su nói: “Nhánh nào trên tôi không sinh trái thì [Đức Chúa Trời] cắt bỏ”. Nói cách khác, Đức Giê-hô-va xem chúng ta là tôi tớ ngài chỉ khi chúng ta sinh trái (Mat 13:23; 21:43). Vì thế, trong minh họa, trái mà mỗi tín đồ phải sinh ra không nói đến môn đồ mới mà có lẽ chúng ta có đặc ân đào tạo (Mat 28:19). Nếu thế, những người trung thành không đào tạo được môn đồ vì rao giảng trong khu vực ít người hưởng ứng sẽ giống như những nhánh không sinh trái. Tuy nhiên, lập luận như thế là không hợp lý! Tại sao? Vì chúng ta không thể ép người ta trở thành môn đồ. Việc buộc tôi tớ ngài làm điều ngoài khả năng của họ là trái ngược với đường lối yêu thương của Đức Giê-hô-va. Ngài không bao giờ đòi hỏi điều gì vượt quá tầm tay của chúng ta.—Phục 30:11-14.
9. (a) Chúng ta sinh trái bằng cách tham gia hoạt động nào? (b) Chúng ta sẽ xem xét minh họa nào, và tại sao?
9 Vậy trái mà chúng ta phải sinh ra là gì? Rõ ràng, trái ấy phải là một hoạt động mà mỗi chúng ta đều có thể thực hiện. Hoạt động nào là thiết yếu trong việc “sinh hoa kết quả”? Đó là rao giảng tin mừng về Nước Trời c (Mat 24:14). Minh họa của Chúa Giê-su về người gieo giống xác nhận điều này. Hãy xem minh họa thứ hai.
10. (a) Trong minh họa, hạt giống và đất tượng trưng cho gì? (b) Một cây lúa mì sinh ra gì?
10 Đọc Lu-ca 8:5-8, 11-15. Trong minh họa về người gieo giống, hạt giống là “lời Đức Chúa Trời”, hay thông điệp Nước Trời. Đất tượng trưng cho lòng con người. Hạt rơi vào đất tốt thì bám rễ, đâm chồi và lớn lên thành cây, có thể là lúa mì, rồi “sinh hoa kết quả gấp một trăm”. Nhưng một cây lúa mì sinh ra gì? Có phải cây lúa non không? Không, nó sinh ra hạt mới, là hạt có thể lớn lên thành những cây lúa mì khác. Trong minh họa này, một hạt sinh ra một trăm hạt. Điểm này áp dụng thế nào cho thánh chức?
11. (a) Minh họa về người gieo giống áp dụng thế nào cho thánh chức? (b) Chúng ta sinh ra hạt giống Nước Trời mới như thế nào?
11 Có lẽ nhiều năm về trước, chúng ta được biết tin mừng nhờ cha mẹ hoặc một số Nhân Chứng. Họ rất vui khi thấy lòng chúng ta chấp nhận hạt giống tin mừng. Như đất tốt trong minh họa đã giữ lại hạt giống, chúng ta chấp nhận thông điệp Nước Trời và giữ chặt lấy. Nhờ thế, hạt giống ấy bám rễ và lớn lên, như một cây lúa mì, và qua thời gian thì sẵn sàng sinh hoa kết quả. Cây lúa mì không sinh ra cây lúa non mới nhưng sinh ra hạt mới, tương tự việc sinh hoa kết quả không nói đến việc sinh ra môn đồ mới nhưng sinh ra hạt giống Nước Trời mới. d Chúng ta sinh ra hạt giống Nước Trời mới như thế nào? Mỗi lần rao truyền thông điệp Nước Trời dù bằng cách này hay cách khác, có thể nói chúng ta đang rải hạt giống đã được gieo trong lòng mình (Lu 6:45; 8:1). Vậy, minh họa này cho thấy bao lâu còn tiếp tục rao truyền thông điệp Nước Trời, bấy lâu chúng ta “bền lòng sinh hoa kết quả”.
12. (a) Chúng ta rút ra bài học gì từ minh họa về cây nho và người gieo giống? (b) Bài học đó tác động thế nào đến anh chị?
12 Chúng ta rút ra bài học gì từ minh họa về cây nho và người gieo giống? Đó là việc sinh hoa kết quả không tùy thuộc vào phản ứng của người trong khu vực, mà tùy thuộc vào sự trung thành của chúng ta. Phao-lô cũng đề cập đến sự thật này: “Mỗi người sẽ nhận phần thưởng theo công việc mình” (1 Cô 3:8). Phần thưởng tùy thuộc vào công việc, không phải vào kết quả của công việc đó. Chị Matilda làm tiên phong 20 năm cho biết: “Tôi vui mừng khi biết Đức Giê-hô-va ban thưởng vì nỗ lực của chúng ta”.
ĐIỀU GÌ GIÚP BỀN LÒNG SINH HOA KẾT QUẢ?
13, 14. Theo Rô-ma 10:1, 2, những lý do nào khiến Phao-lô không mất hy vọng nơi những người có phản ứng tiêu cực?
13 Điều gì giúp chúng ta bền lòng sinh hoa kết quả? Như đã thảo luận, Phao-lô bị nản lòng khi người Do Thái phản ứng tiêu cực về thông điệp Nước Trời. Dù vậy, ông không mất hy vọng nơi họ. Trong lá thư gửi các tín đồ ở Rô-ma, ông nói thêm về cảm xúc của mình đối với những người Do Thái ấy: “Điều tôi thật lòng mong muốn và tha thiết cầu xin Đức Chúa Trời là cho họ được cứu. Tôi làm chứng rằng họ có lòng sốt sắng với Đức Chúa Trời, nhưng không theo sự hiểu biết chính xác” (Rô 10:1, 2). Những lý do nào thôi thúc Phao-lô tiếp tục rao giảng?
14 Thứ nhất, Phao-lô cho biết đó là “điều [ông] thật lòng mong muốn”. Ông ao ước là một số người Do Thái sẽ được cứu (Rô 11:13, 14). Thứ hai, Phao-lô đề cập đến việc ‘tha thiết cầu xin Đức Chúa Trời cho họ’. Ông nài xin ngài giúp những người Do Thái có lòng thành chấp nhận thông điệp. Thứ ba, ông nói: “Họ có lòng sốt sắng với Đức Chúa Trời”. Ông thấy tiềm năng của người ta. Nếu lòng sốt sắng được đặt đúng chỗ thì một người có thể trở thành môn đồ sốt sắng của Đấng Ki-tô, như trường hợp của Phao-lô.
15. Chúng ta có thể noi theo gương Phao-lô như thế nào? Hãy nêu ví dụ.
15 Chúng ta có thể noi theo gương Phao-lô như thế nào? Thứ nhất, chúng ta cố gắng duy trì ước muốn tìm kiếm bất cứ ai “có lòng ngay thẳng để hưởng sự sống vĩnh cửu”. Thứ hai, chúng ta tha thiết cầu xin Đức Giê-hô-va mở lòng của những người có lòng thành (Công 13:48; 16:14). Chị Silvana làm tiên phong gần 30 năm cho biết: “Trước khi đến một nhà trong khu vực, tôi cầu xin Đức Giê-hô-va giúp tôi có thái độ tích cực”. Chúng ta cũng xin Đức Chúa Trời dùng thiên sứ để hướng dẫn mình tìm đến người có lòng thành (Mat 10:11-13; Khải 14:6). Anh Robert làm tiên phong hơn 30 năm nói: “Thật hào hứng khi được cùng làm việc với các thiên sứ vì họ biết điều đang xảy ra trong đời sống chủ nhà”. Thứ ba, chúng ta cố gắng thấy tiềm năng của người khác. Anh Carl, một trưởng lão đã báp-têm hơn 50 năm, cho biết: “Tôi tìm dấu hiệu cho thấy một người có vẻ có lòng thành, chẳng hạn những dấu hiệu nhỏ như một nụ cười, cái nhìn thiện cảm hoặc câu hỏi chân thật”. Đúng thế, như Phao-lô, chúng ta có thể bền lòng sinh hoa kết quả.
“ĐỪNG NGHỈ TAY”
16, 17. (a) Chúng ta học được gì từ sự hướng dẫn nơi Truyền đạo 11:6? (b) Hãy cho ví dụ về việc gieo giống tác động đến những người quan sát chúng ta.
16 Ngay cả khi thông điệp mình rao giảng có vẻ không động đến lòng người khác, chúng ta không nên xem nhẹ tác động của việc gieo giống. (Đọc Truyền đạo 11:6). Đành rằng nhiều người không lắng nghe, nhưng họ quan sát chúng ta. Họ chú ý đến cách ăn mặc gọn gàng, thái độ lịch sự và nụ cười thân thiện. Qua thời gian, hạnh kiểm của chúng ta có thể giúp một số người nhận ra thái độ tiêu cực của họ về chúng ta là không đúng. Anh Sergio và chị Olinda được đề cập ở đầu bài đã trải nghiệm điều đó.
17 Anh Sergio kể: “Trong một thời gian, chúng tôi không đi ra quảng trường vì bị bệnh. Khi chúng tôi trở lại, nhiều người qua đường hỏi: ‘Hai bác có chuyện gì không? Lâu rồi không thấy hai bác’”. Chị Olinda vui vẻ cho biết thêm: “Các tài xế xe buýt vẫy tay chào chúng tôi, và một số tài xế nói vọng ra: ‘Hai bác làm tốt lắm!’. Họ còn xin cả tạp chí”. Cặp vợ chồng này cũng rất ngạc nhiên khi một người đàn ông dừng lại bên quầy di động, tặng họ bó hoa và cám ơn công việc họ đang làm.
18. Tại sao anh chị quyết tâm “bền lòng sinh hoa kết quả”?
18 Thật thế, bao lâu ‘không nghỉ tay’ trong việc gieo hạt giống Nước Trời, bấy lâu chúng ta còn góp phần quan trọng trong việc “làm chứng cho muôn dân” (Mat 24:14). Trên hết, chúng ta có niềm vui sâu xa khi biết Đức Giê-hô-va chấp nhận chúng ta, vì ngài yêu thương tất cả những ai “bền lòng sinh hoa kết quả”!
a Chính Chúa Giê-su cũng công nhận việc rao giảng “ở quê hương” là điều không dễ. Cả bốn người viết Phúc âm đều ghi lại điều này.—Mat 13:57; Mác 6:4; Lu 4:24; Giăng 4:44.
b Dù các nhánh trong minh họa này nói đến những người có triển vọng nhận sự sống trên trời, minh họa cũng đưa ra nhiều bài học hữu ích cho mọi tôi tớ của Đức Chúa Trời.
c Việc “sinh hoa kết quả” cũng có thể áp dụng cho việc sinh “bông trái của thần khí”. Tuy nhiên, bài này và bài sau tập trung vào việc sinh “bông trái của môi miệng mình”, tức việc rao giảng về Nước Trời.—Ga 5:22, 23; Hê 13:15.
d Trong những dịp khác, Chúa Giê-su dùng hình ảnh gieo và gặt để minh họa cho việc đào tạo môn đồ.—Mat 9:37; Giăng 4:35-38.