Tỏ lòng hiếu khách là điều cần thiết và mang lại sự vui mừng
“Hãy thể hiện lòng hiếu khách với nhau, không cằn nhằn chi”.—1 PHI 4:9.
BÀI HÁT: 100, 87
1. Các tín đồ vào thế kỷ thứ nhất đối mặt với những khó khăn nào?
Vào một thời điểm giữa năm 62 và năm 64 CN, sứ đồ Phi-e-rơ viết thư cho “những anh em đang tạm trú rải rác tại các vùng Bon-tu, Ga-la-ti, Cáp-ba-đô-xi-a, A-si-a, Bi-thi-ni-a” (1 Phi 1:1). Bấy giờ, các hội thánh ấy ở Tiểu Á có nhiều nền văn hóa khác nhau và cần sự khích lệ, hướng dẫn. Họ phải đương đầu với “những thử thách cam go như lửa”, tức sự bắt bớ. Họ cũng sống trong một thời kỳ đặc biệt khó khăn. Phi-e-rơ viết: “Sự kết thúc của mọi sự đã gần kề”. Thật vậy, chưa đến mười năm nữa, hệ thống Do Thái sẽ bị hủy diệt. Điều gì giúp tín đồ đạo Đấng Ki-tô ở khắp nơi vượt qua giai đoạn đầy cam go đó?—1 Phi 4:4, 7, 12.
2, 3. Tại sao Phi-e-rơ khuyến giục anh em tỏ lòng hiếu khách? (Xem hình nơi đầu bài).
2 Một trong những điều Phi-e-rơ khuyến giục anh em là: “Hãy thể hiện lòng hiếu khách với nhau” (1 Phi 4:9). Từ “hiếu khách” trong tiếng Hy Lạp có nghĩa đen là “quý mến hoặc tỏ lòng nhân từ với người lạ”. Tuy nhiên, hãy lưu ý rằng Phi-e-rơ khuyến giục anh em tỏ lòng hiếu khách “với nhau”, tức với những người mà họ biết và đã kết hợp. Việc tỏ lòng hiếu khách sẽ giúp họ như thế nào?
3 Tỏ lòng hiếu khách giúp họ gần gũi nhau hơn. Hãy thử nghĩ: Anh chị có vui không khi được một anh em mời đến nhà? Chẳng phải dịp đó lưu lại trong anh chị kỷ niệm đẹp sao? Còn khi tiếp đãi những thành viên trong hội thánh, chẳng phải tình bạn giữa anh chị với họ thắt chặt hơn sao? Tỏ lòng hiếu khách giúp chúng ta biết rõ về anh em hơn là qua những cách khác. Các tín đồ vào thời Phi-e-rơ cần gắn bó với nhau hơn bao giờ hết khi hoàn cảnh ngày càng khó khăn. Trong “những ngày sau cùng” này, chúng ta cũng cần làm thế.—2 Ti 3:1.
4. Chúng ta sẽ xem xét những câu hỏi nào trong bài này?
4 Chúng ta có những cơ hội nào để tỏ lòng hiếu khách “với nhau”? Làm thế nào để vượt qua những chướng ngại cản trở mình tỏ lòng hiếu khách? Điều gì có thể giúp chúng ta là những người khách tử tế?
NHỮNG CƠ HỘI TỎ LÒNG HIẾU KHÁCH
5. Bằng cách nào chúng ta có thể tỏ lòng hiếu khách tại buổi nhóm họp?
5 Tại buổi nhóm họp: Chúng ta chào đón tất cả những ai đến tham dự nhóm họp. Cũng như chúng ta, họ là khách được mời đến dùng bữa về thiêng liêng. Đức Giê-hô-va và tổ chức của ngài là chủ nhà (Rô 15:7). Khi người mới đến nhóm họp, chúng ta phụ giúp chủ nhà để đón tiếp họ. Vậy hãy chủ động chào đón người mới, dù họ có ngoại diện ra sao (Gia 2:1-4). Nếu người ấy chưa có ai chăm sóc, anh chị có thể mời họ ngồi cạnh không? Người ấy hẳn sẽ biết ơn khi anh chị giúp đỡ họ theo dõi chương trình, có lẽ giúp họ tìm các câu Kinh Thánh được đọc. Đây là cách tốt để “tập thói quen tỏ lòng hiếu khách”.—Rô 12:13.
6. Chúng ta nên ưu tiên mời những ai?
6 Ăn nhẹ hoặc dùng bữa: Vào thời Kinh Thánh, tỏ lòng hiếu khách thường bao gồm việc mời dùng bữa tại nhà (Sáng 18:1-8; Quan 13:15; Lu 24:28-30). Khi mời người khác dùng bữa, một người cho thấy ước muốn được làm bạn và có mối quan hệ tốt với họ. Chúng ta nên ưu tiên mời những ai? Đó là các anh chị trong hội thánh, là những người mình gặp thường xuyên. Khi đương đầu với khó khăn, chẳng phải chúng ta cần tương trợ lẫn nhau sao? Vì vậy, chúng ta cần là những người bạn trung thành của nhau và có mối quan hệ tốt với anh em. Đáng chú ý là năm 2011, Hội đồng Lãnh đạo đã thay đổi giờ của Buổi học Tháp Canh cho gia đình Bê-tên ở Hoa Kỳ từ 6 giờ 45 chiều sang 6 giờ 15 chiều. Tại sao? Thông báo nói rằng buổi học kết thúc sớm hơn sẽ giúp thành viên Bê-tên dễ tỏ lòng hiếu khách hoặc nhận lời mời của người khác. Cũng có những văn phòng chi nhánh khác làm thế. Sự sắp đặt này đã giúp các thành viên Bê-tên gần gũi nhau hơn.
7, 8. Bằng cách nào chúng ta có thể tỏ lòng hiếu khách với các anh diễn giả đến thăm hội thánh?
7 Chúng ta có cơ hội tỏ lòng hiếu khách khi giám thị vòng quanh, diễn giả khách và thỉnh thoảng là anh đại diện từ văn phòng chi nhánh địa phương đến thăm hội thánh. (Đọc 3 Giăng 5-8). Mời ăn nhẹ hoặc dùng bữa là cách tốt để tỏ lòng hiếu khách với các anh. Anh chị có thể làm thế không?
8 Một chị ở Hoa Kỳ nhớ lại: “Trong nhiều năm, vợ chồng tôi có cơ hội tiếp đãi nhiều diễn giả và vợ họ. Mọi dịp như thế đều rất vui và trên hết là chúng tôi được khích lệ về thiêng liêng. Chúng tôi không bao giờ hối tiếc vì đã làm vậy”.
9, 10. (a) Có thể những ai cần chúng ta tiếp đãi lâu dài? (b) Những anh chị có chỗ ở khiêm tốn có thể góp phần không? Hãy nêu ví dụ.
9 Những vị khách lâu dài: Vào thời xưa, tỏ lòng hiếu khách thường bao gồm việc cung cấp chỗ ở cho khách đáng tin cậy (Gióp 31:32; Phi-lê 22). Ngày nay cũng có nhu cầu đó. Giám thị vòng quanh thường cần chỗ ở khi viếng thăm các hội thánh. Học viên tham dự các trường thần quyền hay tình nguyện viên xây cất có lẽ cũng cần chỗ ở. Thảm họa thiên nhiên khiến một số gia đình phải rời nhà và cần chỗ ở cho đến khi nhà của họ được xây hoặc sửa lại. Chúng ta không nên cho rằng chỉ ai có nhà rộng rãi và tiện nghi thì mới có thể giúp. Thật ra, có thể những anh chị ấy đã làm vậy nhiều lần. Cá nhân anh chị có thể làm thế không, dù có chỗ ở khiêm tốn?
10 Một anh ở Hàn Quốc nhớ lại những lần anh cung cấp chỗ ở cho học viên tham dự trường thần quyền. Anh viết: “Lúc đầu tôi ngần ngại làm thế vì chúng tôi mới kết hôn mà nhà thì nhỏ. Nhưng việc mời các học viên ở nhà chúng tôi là trải nghiệm rất vui. Vì mới cưới nên chúng tôi có cơ hội thấy các cặp vợ chồng hạnh phúc như thế nào khi cùng nhau phụng sự Đức Giê-hô-va và theo đuổi mục tiêu thiêng liêng”.
11. Tại sao những người mới chuyển đến hội thánh của anh chị cần được tiếp đãi?
11 Anh chị mới chuyển đến hội thánh: Có thể có những anh chị và các gia đình chuyển đến khu vực của anh chị. Một số người chuyển đến với mục tiêu phụng sự ở nơi có nhu cầu lớn hơn, hoặc người tiên phong được chỉ định đến giúp hội thánh anh chị. Tất cả các anh chị đó đều thực hiện thay đổi lớn, họ phải thích nghi với nơi mới, hội thánh mới, có thể cả ngôn ngữ hay nền văn hóa mới. Khi mời những người ấy đến ăn nhẹ, dùng bữa hoặc đi chơi chung, anh chị sẽ giúp họ kết bạn và thích nghi với hoàn cảnh mới.
12. Kinh nghiệm nào cho thấy việc tỏ lòng hiếu khách không cần phải cầu kỳ?
12 Tỏ lòng hiếu khách không cần phải cầu kỳ. (Đọc Lu-ca 10:41, 42). Nhớ lại thời gian đầu làm giáo sĩ, một anh kể: “Lúc đó chúng tôi còn trẻ, thiếu kinh nghiệm và nhớ nhà. Buổi tối nọ, vợ tôi rất nhớ nhà. Dù tôi cố an ủi nhưng không giúp ích. Rồi khoảng 7 giờ 30 tối, có tiếng gõ cửa. Khi mở cửa, tôi thấy một học viên Kinh Thánh cầm ba trái cam. Chị đến để chào đón các giáo sĩ mới. Chúng tôi mời chị vào và mời uống nước. Rồi chúng tôi pha trà và sô-cô-la nóng. Lúc đó, chúng tôi chưa biết tiếng Swahili, và chị ấy không biết tiếng Anh. Nhưng kinh nghiệm này giúp chúng tôi bắt đầu kết bạn với anh em địa phương, và điều này mang lại niềm vui lớn cho chúng tôi”.
VƯỢT QUA CHƯỚNG NGẠI ĐỂ TỎ LÒNG HIẾU KHÁCH
13. Việc tỏ lòng hiếu khách mang lại những lợi ích nào?
13 Đã bao giờ anh chị ngần ngại tỏ lòng hiếu khách chưa? Nếu có, có thể anh chị đã bỏ lỡ cơ hội kết hợp đầy vui mừng và vun đắp tình bạn lâu dài. Tỏ lòng hiếu khách là phương thuốc tốt nhất cho sự đơn độc. Nhưng có thể anh chị thắc mắc: “Nếu vậy thì tại sao một số người lại ngần ngại làm thế?”. Có thể vì nhiều lý do.
14. Chúng ta có thể làm gì nếu cảm thấy không có thời gian và sức lực để tỏ lòng hiếu khách hoặc nhận lời mời của người khác?
14 Thời gian và sức lực: Tôi tớ của Đức Giê-hô-va rất bận rộn và thường gánh vác nhiều trách nhiệm. Một số anh chị cảm thấy không có thời gian hoặc sức lực để tỏ lòng hiếu khách. Nếu ở trong hoàn cảnh đó, có lẽ anh chị cần xem lại thời gian biểu của mình. Anh chị có thể điều chỉnh để có thời gian và sức lực tỏ lòng hiếu khách hoặc nhận lời mời của người khác không? Kinh Thánh khuyến giục chúng ta tỏ lòng hiếu khách (Hê 13:2). Dành thời gian cho việc này không phải là sai, thật ra đó là điều nên làm. Dĩ nhiên, anh chị có thể phải giảm bớt một số hoạt động kém quan trọng.
15. Về việc tỏ lòng hiếu khách, có lẽ một số anh chị lo lắng điều gì?
15 Cảm xúc về chính mình: Có bao giờ anh chị muốn tỏ lòng hiếu khách nhưng lại thấy không đủ khả năng không? Một số anh chị nhút nhát nên họ sợ rằng cuộc nói chuyện sẽ không thú vị hoặc khách mời sẽ không cảm thấy vui. Những người khác thì eo hẹp về tài chính nên nghĩ là mình sẽ không bao giờ có thể tiếp đãi được như người khác. Nếu vậy, hãy nhớ rằng nhà của anh chị không nhất thiết phải sang trọng nhưng chỉ cần gọn gàng, sạch sẽ và ấm cúng.
16, 17. Điều gì có thể giúp giảm bớt lo lắng về việc tiếp khách?
16 Nếu lo lắng về việc mời khách thì anh chị không phải là người duy nhất. Một trưởng lão ở Anh Quốc thừa nhận: “Việc chuẩn bị để tiếp khách có thể gây căng thẳng phần nào. Nhưng giống như bất cứ điều gì liên quan đến việc phụng sự Đức Giê-hô-va, việc tỏ lòng hiếu khách mang lại nhiều lợi ích và thỏa nguyện hơn bất cứ sự lo lắng nào. Có lúc chỉ cần ngồi uống cà-phê và trò chuyện với khách là tôi thấy vui rồi”. Hãy nhớ rằng tỏ lòng quan tâm đến khách luôn là điều hữu ích (Phi-líp 2:4). Hầu như ai cũng thích chia sẻ kinh nghiệm riêng. Họp mặt có thể là dịp duy nhất để nghe kinh nghiệm của nhau. Một trưởng lão khác viết: “Qua những dịp mời các anh chị trong hội thánh đến nhà chơi, tôi có cơ hội hiểu rõ hơn về họ, nhất là việc họ biết chân lý như thế nào”. Khi có sự quan tâm đầy yêu thương thì mọi dịp họp mặt đều sẽ vui mừng.
17 Một chị tiên phong đã cung cấp chỗ ở cho học viên của các trường thần quyền thừa nhận: “Lúc đầu tôi lo lắng vì chỗ ở của mình rất khiêm tốn, chỉ có đồ đạc cũ được mua lại. Vợ của một giảng viên đã làm tôi cảm thấy nhẹ nhõm. Chị nói rằng khi vợ chồng chị làm công tác lưu động, những tuần vui nhất là được ở nhà của các anh chị thiêng liêng tính, dù có ít vật chất nhưng họ có cùng mục tiêu là phụng sự Đức Giê-hô-va và giữ đời sống đơn giản. Điều này nhắc tôi nhớ lại lời mẹ từng nói với chúng tôi: ‘Thà một món rau mà có tình yêu thương’” (Châm 15:17). Vậy anh chị không cần lo lắng, hãy để tình yêu thương thúc đẩy anh chị tỏ lòng hiếu khách.
18, 19. Tại sao việc tỏ lòng hiếu khách giúp chúng ta loại bỏ cảm xúc tiêu cực về người khác?
18 Cảm xúc về người khác: Có ai trong hội thánh làm anh chị cảm thấy bực bội không? Cảm xúc tiêu cực ấy sẽ kéo dài nếu anh chị không làm gì để loại bỏ nó. Sự khác biệt về tính cách có thể cản trở anh chị tỏ lòng hiếu khách. Hoặc trường hợp khác là có ai đó từng làm anh chị bị tổn thương và anh chị thấy khó bỏ qua.
19 Để cải thiện mối quan hệ với người khác, ngay cả kẻ thù, Kinh Thánh khuyên chúng ta nên tỏ lòng hiếu khách. (Đọc Châm ngôn 25:21, 22). Việc tỏ lòng hiếu khách có thể xoa dịu các mối bất hòa và làm tiêu tan cảm xúc tiêu cực. Hành động đó có thể giúp bộc lộ các phẩm chất đáng quý trong nhân cách của người được mời, là những phẩm chất mà Đức Giê-hô-va nhìn thấy khi ngài kéo người ấy đến với chân lý (Giăng 6:44). Nếu vì tình yêu thương mà anh chị tỏ lòng hiếu khách với một người không ngờ mình được mời, hành động đó có thể mở đường cho tình bạn tốt. Làm sao để đảm bảo rằng lời mời của mình xuất phát từ động lực là tình yêu thương? Một cách là làm theo lời khuyên nơi Phi-líp 2:3: “Hãy khiêm nhường xem người khác cao hơn mình”. Chúng ta có thể nghĩ đến những điểm mà anh em trội hơn mình, chẳng hạn đức tin, sự chịu đựng, lòng can đảm hoặc phẩm chất khác của họ. Khi làm thế, tình yêu thương của chúng ta dành cho họ sẽ sâu đậm hơn, và mình sẽ dễ thể hiện lòng hiếu khách với họ một cách chân thành.
HÃY LÀ NGƯỜI KHÁCH TỬ TẾ
20. Tại sao chúng ta nên tôn trọng lời mời, và bằng cách nào chúng ta cho thấy điều đó?
20 Người viết Thi thiên là Đa-vít hỏi: “Lạy Đức Giê-hô-va, ai được làm khách trong lều ngài?” (Thi 15:1). Sau đó ông đề cập đến những phẩm chất thiêng liêng mà Đức Chúa Trời muốn khách của ngài có. Một trong những phẩm chất ấy là giữ lời. Người ấy sẽ ‘không rút lại lời thề hứa, dù chịu thiệt’ (Thi 15:4). Nếu đã nhận một lời mời, chúng ta không nên hủy bỏ cách tùy hứng. Có thể người mời chúng ta đã chuẩn bị kỹ lưỡng nên nếu chúng ta tùy hứng nói là không đến thì mọi công khó của người ấy thành ra công cốc (Mat 5:37). Một số người đôi khi hủy một lời mời để chấp nhận lời mời khác có vẻ tốt hơn. Làm thế có yêu thương và tôn trọng không? Trái lại, chúng ta muốn nhận lời mời với lòng biết ơn chân thành về bất cứ điều gì người mời tiếp đãi mình (Lu 10:7). Nếu hoàn cảnh buộc phải hủy hẹn, chúng ta nên cho thấy mình yêu thương và quan tâm bằng cách báo cho người mời càng sớm càng tốt.
21. Làm thế nào việc tôn trọng văn hóa địa phương có thể giúp chúng ta là người khách tử tế?
21 Một điều cũng quan trọng là tôn trọng phong tục địa phương. Trong vài nền văn hóa, khách không mời cũng được đón tiếp, nhưng trong những nền văn hóa khác thì phải có sự sắp đặt trước. Tại một số nơi, chủ nhà dành cho khách điều tốt nhất rồi mới đến người trong gia đình, nhưng ở những nơi khác thì mọi người đều như nhau. Tại vài nơi, khách thường mang thứ gì đó để đóng góp cho buổi họp mặt, ở nơi khác thì chủ nhà sẽ vui hơn nếu khách không mang gì đến. Trong một số nền văn hóa, sẽ là điều lịch sự nếu khách từ chối một hay hai lần đầu được mời, còn trong những nền văn hóa khác thì từ chối là điều không lịch sự. Vậy hãy cố gắng làm cho người mời vui lòng.
22. Tại sao “thể hiện lòng hiếu khách với nhau” là điều rất quan trọng?
22 Hiện nay, “sự kết thúc của mọi sự đã gần kề” hơn bao giờ hết (1 Phi 4:7). Chúng ta sẽ đối mặt với hoạn nạn lớn chưa từng có. Khi áp lực gia tăng, chúng ta cần có tình yêu thương sâu đậm với anh em. Vì thế, chúng ta cần áp dụng lời khuyên của Phi-e-rơ là “hãy thể hiện lòng hiếu khách với nhau” (1 Phi 4:9). Thật vậy, tỏ lòng hiếu khách là điều vô cùng cần thiết và mang lại sự vui mừng cho chúng ta ngay bây giờ và mãi mãi.