Hãy là một người bạn khi tình bạn gặp sóng gió
Anh Gianni và anh Maurizio là bạn của nhau trong khoảng 50 năm. Tuy nhiên, có một thời gian tình bạn của họ gặp sóng gió. Anh Maurizio giải thích: “Vào một thời điểm khó khăn, tôi đã mắc một số lỗi lầm nghiêm trọng khiến chúng tôi xa cách nhau”. Anh Gianni nói thêm: “Anh Maurizio là người đầu tiên dạy tôi Kinh Thánh. Anh ấy trở thành người cố vấn về thiêng liêng cho tôi. Thế nên, tôi không thể tin nổi anh ấy đã làm điều đó. Tôi thấy như thế giới sụp đổ trước mắt mình vì biết chúng tôi sẽ đường ai nấy đi. Tôi cảm thấy bị bỏ rơi”.
Những người bạn tốt thật quý giá, và tình bạn vững bền không tự nhiên mà có. Nếu tình bạn gặp sóng gió, điều gì có thể cứu nguy? Chúng ta có thể học nhiều điều từ một số nhân vật được đề cập trong Kinh Thánh từng là những người bạn chân thật, nhưng sau này tình bạn của họ gặp sóng gió.
KHI BẠN MÌNH PHẠM LỖI LẦM
Đa-vít là người chăn cừu và là vua, chắc chắn ông đã có những người bạn thân. Có thể chúng ta nghĩ đến một trong những người bạn của ông là Giô-na-than (1 Sa 18:1). Nhưng Đa-vít có những người bạn khác, chẳng hạn như nhà tiên tri Na-than. Kinh Thánh không nói rõ tình bạn của họ bắt đầu khi nào. Nhưng vào một thời điểm nào đó, Đa-vít tâm sự với Na-than như một người tâm sự với bạn. Đa-vít muốn xây một nhà cho Đức Giê-hô-va. Vì xem Na-than là bạn và là người có thần khí của Đức Giê-hô-va, nên chắc hẳn vị vua này rất coi trọng ý kiến của ông.—2 Sa 7:2, 3.
Tuy nhiên, một chuyện xảy ra đã đe dọa tình bạn của họ. Vua Đa-vít phạm tội ngoại tình với Bát-Sê-ba và sau đó ông sắp đặt để chồng bà là U-ri bị giết (2 Sa 11:2-21). Trong nhiều năm, Đa-vít đã trung thành với Đức Giê-hô-va và bênh vực công lý. Nhưng rồi ông phạm tội khủng khiếp này! Điều gì khiến vị vua tốt ấy trở nên như thế? Phải chăng ông không thấy mức độ nghiêm trọng về hạnh kiểm của mình? Có phải ông nghĩ rằng mình có thể giấu Đức Chúa Trời về tội ấy?
Na-than sẽ làm gì? Liệu ông sẽ để ai khác trình vấn đề lên vua? Người khác cũng biết việc Đa-vít sắp đặt để giết U-ri. Vậy tại sao Na-than lại can thiệp và khiến tình bạn bấy lâu của họ gặp rủi ro? Nếu ông nói ra thì ngay cả tính mạng của ông có thể lâm nguy. Suy cho cùng, Đa-vít đã giết U-ri, một người vô tội.
Nhưng Na-than là phát ngôn viên của Đức Chúa Trời. Nhà tiên tri ấy biết rằng nếu ông im lặng thì mối quan hệ của ông với Đa-vít sẽ không như xưa và lương tâm của ông sẽ bị cắn rứt. Bạn ông là Đa-vít đi theo con đường mà Đức Giê-hô-va không hài lòng. Vị vua ấy rất cần được giúp đỡ để quay trở lại. Thật vậy, Đa-vít cần một người bạn chân thật. Na-than là một người bạn như thế. Ông chọn gợi mở vấn đề bằng một minh họa có thể động đến lòng của vị vua từng là người chăn cừu. Na-than truyền thông điệp của Đức Chúa Trời theo cách giúp Đa-vít nhận ra tội của mình nghiêm trọng đến mức nào và điều này thúc đẩy ông hành động.—2 Sa 12:1-14.
Anh chị sẽ làm gì nếu bạn mình phạm một lỗi nặng hay tội trọng? Có thể anh chị dễ lý luận rằng vạch ra điều sai trái của người ấy sẽ khiến tình bạn giữa hai người bị tổn hại. Hoặc có thể anh chị cảm thấy nếu mình báo tội của người ấy với trưởng lão, là những người có thể giúp người ấy về thiêng liêng, thì mình sẽ là kẻ phản bội. Anh chị sẽ làm gì?
Anh Gianni, người được đề cập ở trên, nhớ lại: “Tôi thấy có điều gì đó khác lạ. Anh Maurizio không cởi mở với tôi như trước. Tôi quyết định đến gặp anh ấy, dù rất khó làm thế. Tôi tự nhủ: ‘Mình biết nói gì đây? Anh ấy đã biết cần phải làm gì rồi. Có thể anh ấy sẽ phản ứng dữ dội!’. Nhưng khi nhớ lại mọi điều chúng tôi từng học hỏi với nhau, tôi thấy có động lực để nói chuyện với anh ấy. Anh Maurizio đã làm vậy với tôi khi tôi cần sự giúp đỡ. Tôi không muốn đánh mất tình bạn giữa chúng tôi, nhưng tôi muốn giúp vì quan tâm đến anh ấy”.
Anh Maurizio nói thêm: “Anh Gianni rất chân thành và anh ấy đã đúng. Tôi biết rằng hậu quả từ những lựa chọn sai lầm của mình không phải là lỗi của anh ấy cũng không phải lỗi của Đức Giê-hô-va. Vì thế, tôi chấp nhận sự sửa trị và với thời gian tôi hồi phục về thiêng liêng”.
KHI BẠN MÌNH GẶP KHÓ KHĂN
Đa-vít cũng có những người bạn khác luôn trung thành với ông trong những lúc khó khăn. Một trong số đó là Hu-sai, người mà Kinh Thánh nói là “bạn-hữu của Đa-vít” (2 Sa 16:16; 1 Sử 27:33). Có thể ông là một triều thần, cũng là bạn thân của vua, là người mà đôi lúc tuân theo lệnh tuyệt mật của vua.
Khi con trai của Đa-vít là Áp-sa-lôm chiếm ngôi, nhiều người Y-sơ-ra-ên đứng về phía Áp-sa-lôm, nhưng Hu-sai thì không. Trong khi vua Đa-vít chạy trốn, Hu-sai đã đi gặp vua. Đa-vít cảm thấy vô cùng đau xót vì bị chính con trai mình và một số người mình tin cậy phản bội. Thế nhưng, Hu-sai vẫn một lòng trung thành, ông sẵn sàng liều mạng để thi hành nhiệm vụ phá mưu của kẻ địch. Hu-sai làm thế không chỉ vì bổn phận của một triều thần, nhưng ông chứng tỏ là một người bạn trung thành.—2 Sa 15:13-17, 32-37; 16:15–17:16.
Ngày nay, thật ấm lòng khi thấy các anh chị gắn bó với nhau bằng tình bạn chân chính, là điều vững bền hơn tinh thần trách nhiệm khi có vai trò hay nhiệm vụ nào đó trong hội thánh. Qua hành động của mình, như thể họ nói: “Tôi là bạn của anh chị,
không phải vì bổn phận nhưng vì anh chị quan trọng với tôi”.Đó là điều mà một anh tên Federico trải nghiệm. Với sự giúp đỡ của người bạn yêu quý là anh Antonio, anh Federico đã vượt qua giai đoạn khó khăn trong cuộc đời. Anh Federico kể: “Khi anh Antonio chuyển đến hội thánh chúng tôi, chẳng mấy chốc chúng tôi trở thành bạn của nhau. Cả hai chúng tôi đều là phụ tá hội thánh và thích làm việc cùng nhau. Không lâu sau, anh ấy được bổ nhiệm làm trưởng lão. Không chỉ là bạn tôi, anh ấy còn là gương mẫu của tôi về thiêng liêng”. Rồi anh Federico đi sai đường. Ngay lập tức, anh tìm kiếm sự giúp đỡ về thiêng liêng, nhưng anh không còn hội đủ điều kiện làm tiên phong hay phụ tá hội thánh. Anh Antonio phản ứng thế nào?
Anh Federico nhớ lại: “Tôi thấy anh Antonio cảm nhận được nỗi đau của tôi. Anh ấy đã cố gắng hết sức để giúp tôi về cảm xúc. Anh ấy rất quan tâm đến việc tôi hồi phục về thiêng liêng và không bao giờ bỏ rơi tôi. Anh ấy khuyến khích tôi lấy lại sức mạnh về thiêng liêng và không bỏ cuộc”. Anh Antonio giải thích: “Tôi dành nhiều thời gian hơn cho anh Federico. Tôi muốn anh ấy cảm thấy thoải mái nói với tôi về mọi điều, ngay cả nỗi đau của anh”. Thật mừng là với thời gian anh Federico đã lấy lại thăng bằng và sau đó được bổ nhiệm trở lại làm tiên phong và phụ tá hội thánh. Anh Antonio nói: “Dù bây giờ phụng sự ở hai hội thánh khác nhau nhưng chúng tôi gần gũi nhau hơn bao giờ hết”.
ANH CHỊ CÓ CẢM THẤY BỊ PHẢN BỘI?
Anh chị sẽ cảm thấy thế nào nếu một người bạn thân quay lưng vào lúc mình cần người đó nhất? Hiếm có điều gì gây tổn thương hơn thế. Anh chị có thể tha thứ cho người đó không? Mối quan hệ của hai người sẽ còn khăng khít như xưa không?
Hãy nghĩ về chuyện xảy ra với Chúa Giê-su trong những ngày cuối cùng sống trên đất. Ngài dành nhiều thời gian với các sứ đồ trung thành, và họ đã gắn bó với nhau bằng mối liên kết đặc biệt. Chúa Giê-su có lý do chính đáng Giăng 15:15). Tuy nhiên, điều gì xảy ra khi ngài bị bắt? Các sứ đồ chạy trốn. Phi-e-rơ công khai tuyên bố rằng ông sẽ không bao giờ bỏ Chủ mình, nhưng vào chính đêm đó, ông đã chối không biết Chúa Giê-su!—Mat 26:31-33, 56, 69-75.
để gọi họ là bạn ngài (Chúa Giê-su biết ngài sẽ phải một mình đối mặt với thử thách sau cùng. Dù vậy, vẫn có lý do để ngài cảm thấy thất vọng, thậm chí bị tổn thương. Nhưng vài ngày sau khi ngài sống lại, cuộc trò chuyện giữa ngài với các môn đồ không có chút thất vọng, cay đắng hay hối tiếc nào. Chúa Giê-su thấy không cần phải nói ra những sai sót của môn đồ, kể cả điều họ đã làm trong đêm ngài bị bắt.
Trái lại, Chúa Giê-su trấn an Phi-e-rơ và các sứ đồ khác. Ngài khẳng định là ngài tin cậy họ bằng cách cho họ những chỉ dẫn về công việc giáo dục quan trọng nhất trong lịch sử nhân loại. Với Chúa Giê-su, các sứ đồ vẫn là bạn ngài. Tình yêu thương của ngài đã để lại ấn tượng lâu dài trong họ. Họ sẽ cố gắng hết sức để không bao giờ làm Chủ mình thất vọng lần nữa. Thật vậy, họ đã thành công trong việc thực thi nhiệm vụ mà ngài giao cho môn đồ.—Công 1:8; Cô 1:23.
Một chị tên Elvira nhớ rõ khi có xích mích với người bạn thân là Giuliana. Chị kể: “Khi chị Giuliana nói với tôi là chị ấy bị tổn thương vì điều tôi đã làm, tôi cảm thấy thật tồi tệ. Chị ấy có mọi lý do để tức giận. Nhưng điều tôi ấn tượng là chị ấy chỉ lo cho tôi và lo về hậu quả của hành vi đó. Tôi luôn biết ơn vì chị ấy không tập trung vào hành động sai mà tôi làm với chị ấy, nhưng tập trung vào tổn thất mà tôi tự gây ra cho mình. Tôi cảm tạ Đức Giê-hô-va vì tôi có một người bạn luôn đặt sự an nguy của tôi lên trên cảm xúc của chị ấy”.
Vậy, một người bạn tốt sẽ phản ứng thế nào khi tình bạn gặp sóng gió? Người ấy sẽ sẵn sàng nói chuyện một cách nhân từ, nhưng thẳng thắn khi cần. Người ấy sẽ giống như Na-than và Hu-sai, những người một lòng trung thành ngay cả trong lúc khó khăn, và giống như Chúa Giê-su, người sẵn sàng tha thứ. Anh chị có phải là người bạn như thế không?