‘Tôi biết là em tôi sẽ sống lại’
‘Anh bạn của chúng ta đã ngủ rồi, nhưng tôi sắp đến đó để đánh thức anh ấy’.—GIĂNG 11:11.
BÀI HÁT: 142, 129
1. Ma-thê tin chắc điều gì về em trai mình? (Xem hình nơi đầu bài).
Bạn thân và môn đồ của Chúa Giê-su là Ma-thê đang rất đau buồn. Em trai của cô là La-xa-rơ đã chết. Có điều gì xoa dịu được nỗi đau của cô không? Có. Chúa Giê-su đảm bảo với cô: “Em trai chị sẽ sống lại”. Dù lời đảm bảo của Chúa Giê-su có thể không xóa bỏ mọi đau buồn của Ma-thê, nhưng cô đã chấp nhận. Cô nói: “Tôi biết là đến kỳ sống lại vào ngày sau cùng, em tôi sẽ sống lại” (Giăng 11:20-24). Cô tin chắc điều đó sẽ xảy ra trong tương lai. Rồi Chúa Giê-su thực hiện một phép lạ. Trong chính ngày đó, Chúa Giê-su làm La-xa-rơ sống lại.
2. Tại sao anh chị muốn có niềm tin chắc như Ma-thê?
2 Chúng ta không có lý do để mong đợi Chúa Giê-su hay Cha ngài thực hiện phép lạ như thế cho mình bây giờ. Nhưng anh chị có tin chắc như Ma-thê về sự sống lại trong tương lai của người thân mình không? Có lẽ bạn đời, cha, mẹ hoặc ông bà thân yêu của anh chị đã qua đời. Hoặc có thể anh chị đang đau buồn vì mất con. Anh chị mong được ôm, nói chuyện và cười đùa với người thân yêu. Mừng thay, anh chị có lý do chính đáng để nói như Ma-thê: “Tôi biết là người thân yêu của tôi sẽ sống lại”. Dù vậy, điều tốt là mỗi tín đồ nên suy ngẫm về những lý do khiến mình tin chắc như thế.
3, 4. Điều mà Chúa Giê-su từng thực hiện đã giúp Ma-thê tin chắc như thế nào?
3 Vì Ma-thê sống gần Giê-ru-sa-lem nên hẳn cô không chứng kiến việc Chúa Giê-su làm cho con trai của một góa phụ được sống lại ở gần thành Na-in, thuộc Ga-li-lê. Nhưng có thể cô đã nghe về điều đó. Cô cũng nghe là Chúa Giê-su làm cho con gái của Giai-ru sống lại. Những người có mặt ở nhà của cô bé “biết cô bé đã chết rồi”. Nhưng Chúa Giê-su cầm tay cô bé và gọi: “Con ơi, dậy đi!”. Ngay lập tức, cô bé liền đứng dậy (Lu 7:11-17; 8:41, 42, 49-55). Cả Ma-thê và em cô là Ma-ri đều biết rằng Chúa Giê-su có thể chữa lành người bệnh. Vì thế, họ cảm thấy nếu Chúa Giê-su có mặt thì La-xa-rơ đã không chết. Nhưng giờ người bạn yêu dấu của Chúa Giê-su đã chết, Ma-thê trông mong điều gì? Hãy lưu ý, Ma-thê nói rằng La-xa-rơ sẽ sống lại trong tương lai, “vào ngày sau cùng”. Tại sao cô có thể tin chắc điều đó? Tại sao anh chị có thể tin chắc nơi sự sống lại trong tương lai, và người thân yêu của mình sẽ được sống lại?
4 Anh chị có những lý do chính đáng để tin chắc điều đó. Khi xem xét một số lý do, anh chị có thể tìm thấy trong Lời Đức Chúa Trời những điểm liên quan đến sự sống lại mà mình chưa từng nghĩ tới. Qua đó, anh chị có thể tin chắc là mình sẽ được gặp lại người thân yêu.
NHỮNG SỰ KIỆN ĐEM LẠI HY VỌNG!
5. Điều gì giúp Ma-thê tin chắc La-xa-rơ sẽ được sống lại?
5 Hãy lưu ý rằng Ma-thê không nói: ‘Tôi hy vọng là em tôi sẽ sống lại’. Nhưng cô nói: ‘Tôi biết là em tôi sẽ sống lại’. Ma-thê tin chắc điều đó vì hẳn cô đã biết về những phép lạ xảy ra ngay cả trước khi Chúa Giê-su khởi sự thánh chức. Từ khi còn nhỏ, cô được nghe về những phép lạ đó tại nhà và nhà hội. Chúng ta có thể nghĩ đến ba lời tường thuật được ghi lại trong Kinh Thánh.
6. Ma-thê chắc chắn đã biết về phép lạ nào?
6 Sự sống lại đầu tiên xảy ra vào một thời điểm khi Đức Chúa Trời ban cho nhà tiên tri Ê-li-gia quyền năng làm phép lạ. Ở Xa-rép-ta, thị trấn ven biển thuộc Phê-ni-xi, có một góa phụ nghèo tỏ lòng hiếu khách với nhà tiên tri. Qua phép lạ, Đức Chúa Trời làm cho bột và dầu của bà không hề cạn, nhờ thế bà và con trai có thể sống sót (1 Vua 17:8-16). Về sau, con trai của bà bị bệnh nặng và chết. Ê-li-gia đã giúp bà. Trong khi nằm sấp trên đứa trẻ, Ê-li-gia khẩn cầu: “Ôi... Đức Chúa Trời của con, xin để sự sống của đứa trẻ này trở về với nó”. Điều đó thật đã xảy ra! Đức Chúa Trời nhậm lời ông và làm cậu bé sống lại. Đó là sự sống lại đầu tiên mà Kinh Thánh tường thuật. (Đọc 1 Các vua 17:17-24). Chắc chắn, Ma-thê đã biết về sự kiện đáng kinh ngạc đó.
7, 8. (a) Hãy cho biết điều Ê-li-sê đã làm để xoa dịu nỗi đau buồn của một phụ nữ. (b) Phép lạ của Ê-li-sê chứng tỏ điều gì về Đức Giê-hô-va?
7 Sự sống lại thứ hai được nói đến trong Kinh Thánh là do nhà tiên tri Ê-li-sê, người kế nhiệm Ê-li-gia, thực hiện. Người phụ nữ Y-sơ-ra-ên giàu có ở Su-nem tỏ lòng hiếu khách với Ê-li-sê một cách đặc biệt. Qua nhà tiên tri, Đức Chúa Trời ban cho người phụ nữ hiếm muộn này và người chồng lớn tuổi một con trai. Vài năm sau, cậu bé qua đời. Hãy hình dung người mẹ tan nát cõi lòng thế nào. Với sự đồng ý của chồng, bà đi khoảng 30km và gặp Ê-li-sê tại núi Cạt-mên. Nhà tiên tri phái người hầu việc là Ghê-ha-xi đến Su-nem trước. Ghê-ha-xi không thể làm cậu bé sống lại. Rồi người mẹ đau buồn và Ê-li-sê về đến nơi.—2 Vua 4:8-31.
8 Trong căn nhà ở Su-nem, Ê-li-sê cầu nguyện bên cạnh thi thể cậu bé. Qua phép lạ, Đức Giê-hô-va làm cho cậu bé sống lại. Khi thấy con mình được sống lại, người mẹ vô cùng vui sướng. (Đọc 2 Các vua 4:32-37). Có thể bà nhớ rất rõ lời cầu nguyện của Ha-na, người từng bị hiếm muộn, khi đem Sa-mu-ên đến phụng sự tại lều thánh: “Đức Giê-hô-va... mang xuống mồ mả và ngài đem lên” (1 Sa 2:6). Đức Chúa Trời đã làm cho cậu bé ở Su-nem sống lại, điều này chứng tỏ ngài có khả năng làm người chết sống lại.
9. Sự sống lại thứ ba được tường thuật trong Kinh Thánh có liên quan đến Ê-li-sê như thế nào?
9 Đó không phải là sự kiện đáng chú ý cuối cùng liên quan đến Ê-li-sê. Ông làm nhà tiên tri hơn 50 năm, rồi “mắc một căn bệnh mà cuối cùng dẫn đến cái chết”. Sau này, khi thi thể của Ê-li-sê chỉ còn lại xương, có một toán quân đến xâm lăng xứ. Lúc ấy, vài người Y-sơ-ra-ên đang chôn thi thể của một người đàn ông. Khi thấy toán quân kéo đến, họ vội vàng ném cái xác vào mộ của Ê-li-sê rồi bỏ chạy. Kinh Thánh cho biết: “Khi đụng vào xương Ê-li-sê, người đó sống lại và đứng dậy” (2 Vua 13:14, 20, 21). Những lời tường thuật này giúp Ma-thê tin chắc Đức Chúa Trời có quyền trên sự chết. Suy ngẫm những sự kiện ấy cũng giúp anh chị tin chắc Đức Chúa Trời có quyền lực vô biên.
NHỮNG SỰ KIỆN VÀO THẾ KỶ THỨ NHẤT
10. Phi-e-rơ làm gì cho một nữ tín đồ đã chết?
10 Phần Kinh Thánh tiếng Hy Lạp cũng tường thuật về sự sống lại do tôi tớ của Đức Chúa Trời thực hiện. Chúng ta đã đề cập đến sự sống lại do Chúa Giê-su thực hiện khi ở ngoài thành Na-in và ở nhà Giai-ru. Sau này, sứ đồ Phi-e-rơ thực hiện một phép lạ khác, đó là làm cho nữ tín đồ tên Đô-ca (hay Ta-bi-tha) sống lại. Phi-e-rơ đến nơi có thi thể của bà. Khi ở cạnh thi thể, Phi-e-rơ cầu nguyện. Rồi ông nói: “Ta-bi-tha, hãy dậy đi!”. Ngay lập tức, bà ngồi dậy và Phi-e-rơ cho những tín đồ khác thấy “bà đã sống lại”. Sự kiện này thuyết phục đến mức “nhiều người tin Chúa”. Họ có thể xác nhận rằng cả Chúa Giê-su và đặc biệt là Đức Giê-hô-va có khả năng làm người chết sống lại.—Công 9:36-42.
11. Thầy thuốc Lu-ca tường thuật thế nào về một thanh niên, và sự kiện này tác động đến người khác ra sao?
11 Một số người từng tận mắt chứng kiến sự sống lại khác. Lần nọ, sứ đồ Phao-lô đang nhóm họp trong một phòng trên lầu ở Trô-ách, hiện nay thuộc tây bắc Thổ Nhĩ Kỳ. Phao-lô giảng cho đến nửa đêm. Một thanh niên tên Ơ-ty-cơ ngồi tại cửa sổ đang lắng nghe, nhưng anh ngủ gật và rơi từ tầng ba xuống đất. Có lẽ thầy thuốc Lu-ca là người đầu tiên xuống chỗ Ơ-ty-cơ. Ông khám cho Ơ-ty-cơ và xác định rằng anh không chỉ bị thương và bất tỉnh, nhưng đã chết. Phao-lô xuống lầu và ôm thi thể của anh rồi nói một điều khiến mọi người kinh ngạc: “Anh ấy sống rồi”. Điều đó quả đã tác động mạnh đến những người chứng kiến! Vì biết người trẻ này đã chết và giờ được sống lại nên họ “được an ủi rất nhiều”.—Công 20:7-12.
HY VỌNG CHẮC CHẮN
12, 13. Qua những sự sống lại đã thảo luận, chúng ta cần xem xét những câu hỏi nào?
12 Những lời tường thuật được đề cập ở trên nên tác động đến anh chị giống như với Ma-thê. Chúng ta có thể tin chắc rằng Đức Chúa Trời, cũng là Đấng Ban Sự Sống, có khả năng làm người chết sống lại. Điều đáng chú ý là trong những trường hợp Đức Giê-hô-va làm người chết sống lại, các tôi tớ trung thành của ngài như Ê-li-gia, Chúa Giê-su hay Phi-e-rơ đã có mặt. Nhưng nói sao về những người qua đời vào các thời điểm khác trong lịch sử? Nếu sống trong thời mà Đức Chúa Trời không làm người chết sống lại, liệu những tôi tớ trung thành của ngài có thể mong đợi ngài sẽ thực hiện điều đó trong tương lai không? Có thể nào họ cảm thấy như Ma-thê, người đã nói: “Tôi biết là đến kỳ sống lại vào ngày sau cùng, em tôi sẽ sống lại”? Tại sao cô ấy có thể tin nơi sự sống lại trong tương lai, và tại sao anh chị có thể tin điều đó?
13 Trong Lời Đức Chúa Trời, có nhiều trường hợp cho thấy các tôi tớ trung thành của Đức Giê-hô-va biết rằng sẽ có sự sống lại trong tương lai. Hãy xem xét vài trường hợp.
14. Lời tường thuật về Áp-ra-ham dạy chúng ta điều gì về sự sống lại?
14 Hãy nghĩ về điều mà Đức Chúa Trời bảo Áp-ra-ham làm với Y-sác, người thừa kế mà ông mong đợi từ lâu. Đức Giê-hô-va nói: “Con hãy dẫn con trai mình là Y-sác, người con duy nhất mà con rất yêu thương,... hãy dâng nó làm lễ vật thiêu” (Sáng 22:2). Hãy hình dung mệnh lệnh đó khiến ông cảm thấy thế nào. Đức Giê-hô-va hứa rằng qua dòng dõi của Áp-ra-ham mọi dân sẽ được phước (Sáng 13:14-16; 18:18; Rô 4:17, 18). Ngoài ra, Đức Giê-hô-va nói rằng ân phước “sẽ ra từ Y-sác” (Sáng 21:12). Nhưng làm sao điều đó có thể xảy ra nếu Áp-ra-ham dâng Y-sác làm vật tế lễ? Phao-lô được soi dẫn để giải thích rằng Áp-ra-ham tin là Đức Chúa Trời có thể làm cho Y-sác sống lại. (Đọc Hê-bơ-rơ 11:17-19). Kinh Thánh không nói rằng Áp-ra-ham nghĩ là Y-sác sẽ được sống lại ngay, có thể sau vài giờ, một ngày hoặc một tuần. Áp-ra-ham không biết khi nào con trai mình sẽ sống lại, nhưng ông tin chắc Đức Giê-hô-va sẽ khôi phục sự sống cho Y-sác.
15. Tộc trưởng Gióp trông mong điều gì?
15 Tương tự, tộc trưởng Gióp trông mong sự sống lại trong tương lai. Ông nhận ra rằng nếu một cây bị chặt đi, nó sẽ lại đâm chồi và thành một cây mới. Con người thì không giống như vậy (Gióp 14:7-12; 19:25-27). Nếu một người chết, người đó không tự mình trỗi dậy từ trong mồ và sống lại (2 Sa 12:23; Thi ). Dĩ nhiên, điều này không có nghĩa là Đức Chúa Trời không thể làm người chết sống lại. Thật ra, Gióp tin rằng Đức Giê-hô-va sẽ sắp đặt một thời điểm để nhớ lại ông. (Đọc 89:48Gióp 14:13-15). Ông không biết khi nào điều này sẽ xảy ra. Dù vậy, ông tin rằng đấng tạo ra con người có thể và sẽ nhớ đến ông cũng như làm ông sống lại.
16. Một thiên sứ khích lệ nhà tiên tri Đa-ni-ên điều gì?
16 Đa-ni-ên là người trung thành khác mà chúng ta biết trong phần Kinh Thánh tiếng Hê-bơ-rơ. Ông trung thành phụng sự Đức Giê-hô-va trong nhiều thập kỷ và ngài đã hỗ trợ ông. Có thời điểm, một thiên sứ gọi Đa-ni-ên là “người rất đáng quý”, đồng thời chúc ông “bình an” và bảo ông hãy “mạnh mẽ”.—Đa 9:22, 23; 10:11, 18, 19.
17, 18. Đa-ni-ên nhận được lời hứa nào trong tương lai?
17 Đa-ni-ên gần 100 tuổi và sắp qua đời, có thể ông đã nghĩ về tương lai của mình. Ông sẽ được sống lại không? Chắc chắn có! Trong phần kết của sách Đa-ni-ên, thiên sứ Đức Chúa Trời đảm bảo với ông: “Còn anh, anh hãy tiếp tục cho đến cùng. Anh sẽ yên nghỉ” (Đa 12:13). Đa-ni-ên biết rằng người chết được yên nghỉ và ‘dưới mồ mả chẳng có dự tính, tri thức hay sự khôn ngoan’. Đa-ni-ên sẽ sớm đi đến đó (Truyền 9:10). Nhưng cái chết không khiến cuộc đời ông chấm dứt vĩnh viễn. Ông được hứa về một tương lai.
18 Thiên sứ của Đức Giê-hô-va cũng nói với ông: “Những ngày ấy kết thúc thì anh sẽ trỗi dậy để nhận lấy phần dành cho mình”. Ông không biết khi nào điều đó xảy ra. Đa-ni-ên hiểu rằng ông sẽ chết và được yên nghỉ. Nhưng khi nghe lời hứa là ông sẽ “trỗi dậy để nhận lấy phần dành cho mình”, ông biết mình sẽ được sống lại trong tương lai, rất lâu sau khi chết. Đó sẽ là ‘kết thúc của những ngày’. Bản Các Giờ Kinh Phụng Vụ dịch lời này như sau: “Ngươi sẽ đứng lên lãnh phần dành cho ngươi khi thời gian chấm dứt”.
19, 20. (a) Những sự kiện chúng ta đã xem xét liên quan thế nào đến lời mà Ma-thê đáp với Chúa Giê-su? (b) Chúng ta sẽ xem xét điều gì trong bài kế tiếp?
19 Rõ ràng, Ma-thê có lý do để tin chắc em trai trung thành của mình là La-xa-rơ sẽ ‘sống lại vào ngày sau cùng’. Qua lời Đức Giê-hô-va hứa với Đa-ni-ên cũng như đức tin của Ma-thê về sự sống lại trong tương lai, chúng ta tin rằng sự sống lại chắc chắn sẽ xảy ra.
20 Chúng ta vừa xem về những sự sống lại trong quá khứ, chứng tỏ người chết có thể sống lại. Những tôi tớ trung thành của Đức Chúa Trời biết rằng sự sống lại sẽ xảy ra vào thời điểm nào đó trong tương lai. Tuy nhiên, có bằng chứng nào cho thấy sự sống lại có thể xảy ra rất lâu sau khi được hứa? Nếu có thì như Ma-thê, chúng ta có lý do để trông mong thời điểm mà người chết được sống lại. Nhưng khi nào sự kiện ấy sẽ xảy ra? Hãy xem xét những điều này trong bài kế tiếp.