QUAN ĐIỂM KINH THÁNH
Lòng khoan dung
Chấp nhận, tha thứ và khoan dung giúp cải thiện các mối quan hệ. Nhưng lòng khoan dung nên có giới hạn không?
Bí quyết nào để trở nên khoan dung hơn?
THỰC TẾ NGÀY NAY:
Trên thế giới, sự thiếu lòng khoan dung lan tràn khắp nơi và trở nên càng tồi tệ hơn trước nạn thành kiến, phân biệt chủng tộc, chủ nghĩa ái quốc và sắc tộc, cực đoan tôn giáo.
ĐIỀU KINH THÁNH NÓI:
Khi Chúa Giê-su Ki-tô làm công việc truyền giáo trên đất, nhiều người xung quanh ngài thiếu lòng khoan dung. Người Do Thái và Sa-ma-ri căm thù nhau (Giăng 4:9). Người ta trọng nam khinh nữ, các nhà lãnh đạo Do Thái thì miệt thị dân thường (Giăng 7:49). Chúa Giê-su khác xa họ. Những người chống đối ngài đã nói: “Ông này thân thiện với kẻ tội lỗi và ăn cùng họ” (Lu-ca 15:2). Chúa Giê-su tử tế, kiên nhẫn và khoan dung vì ngài xuống thế gian để chữa lành người ta về tâm linh, chứ không đoán xét họ. Tình yêu thương là động lực chính của ngài.—Giăng 3:17; 13:34.
Tình yêu thương, bí quyết để trở nên khoan dung hơn, thôi thúc chúng ta mở rộng lòng đón nhận người khác, dù họ không hoàn hảo và có tính cách lạ. Câu Kinh Thánh Cô-lô-se 3:13 nói: “Hãy tiếp tục chịu đựng và sẵn lòng tha thứ nhau dù có lý do để phàn nàn về người khác”.
“Trên hết, hãy tha thiết yêu thương nhau, vì tình yêu thương che lấp vô số tội lỗi”.—1 Phi-e-rơ 4:8.
Tại sao lòng khoan dung phải có giới hạn?
THỰC TẾ:
Hầu hết các xã hội cố duy trì an ninh trật tự. Vì thế, họ thường đặt ra những giới hạn hợp lý đối với các hành vi.
ĐIỀU KINH THÁNH NÓI:
“[Tình yêu thương] không cư xử khiếm nhã” (1 Cô-rinh-tô 13:5). Dù Chúa Giê-su nêu gương về lòng khoan dung, nhưng ngài không dung thứ sự khiếm nhã, giả hình và các hành vi xấu xa khác. Thay vì thế, ngài mạnh dạn lên án những điều ấy (Ma-thi-ơ 23:13). Chúa Giê-su nói: “Người làm ác thì ghét ánh sáng [sự thật]”.—Giăng 3:20.
Một tín đồ đạo Đấng Ki-tô là Phao-lô đã viết: “Hãy ghê tởm điều ác và bám lấy điều lành” (Rô-ma 12:9). Ông đã áp dụng điều này trong đời sống. Chẳng hạn, khi các tín đồ gốc Do Thái khinh thường những tín đồ không phải gốc Do Thái, Phao-lô tuy là một người Do Thái nhưng đã lên tiếng khuyên họ cách tử tế (Ga-la-ti 2:11-14). Ông biết rằng Đức Chúa Trời “không hề thiên vị” và sẽ không dung túng nạn thành kiến chủng tộc trong vòng dân sự của ngài.—Công vụ 10:34.
Là tín đồ đạo Đấng Ki-tô, Nhân Chứng Giê-hô-va luôn tìm kiếm sự hướng dẫn về đạo đức trong Kinh Thánh (Ê-sai 33:22). Thế nên, họ không dung túng sự gian ác trong vòng họ. Những tín đồ không theo tiêu chuẩn của Đức Chúa Trời không được phép gây hại hội thánh thanh sạch của tín đồ đạo Đấng Ki-tô. Vì thế, Nhân Chứng làm theo chỉ thị rõ ràng trong Kinh Thánh: “Hãy loại bỏ kẻ gian ác khỏi anh em”.—1 Cô-rinh-tô 5:11-13.
“Hỡi những kẻ yêu-mến Đức Giê-hô-va, hãy ghét sự ác”.—Thi-thiên 97:10.
Liệu Đức Chúa Trời có dung túng mãi sự gian ác không?
ĐIỀU NHIỀU NGƯỜI TIN:
Vì bản chất của con người, nên sự gian ác sẽ mãi tồn tại với chúng ta.
ĐIỀU KINH THÁNH NÓI:
Nhà tiên tri Ha-ba-cúc cầu nguyện với Giê-hô-va Đức Chúa Trời: ‘Sao Ngài nhìn-xem sự ngang-trái? Sự tàn-hại bạo-ngược ở trước mặt tôi; sự tranh-đấu cãi-lẫy dấy lên’ (Ha-ba-cúc 1:3). Để giúp nhà tiên tri giải tỏa mối nghi ngờ, Đức Chúa Trời đảm bảo với Ha-ba-cúc là ngài sẽ trừng phạt kẻ ác. Về lời hứa này, Đức Chúa Trời nói ngày ấy “sẽ đến, không chậm-trễ”.—Ha-ba-cúc 2:3.
Trong thời gian này, những người làm điều sai trái có cơ hội thay đổi và từ bỏ đường lối xấu. “Chúa Giê-hô-va phán rằng: Ta há có vui chút nào về sự chết của kẻ dữ sao? Há chẳng thà vui về sự nó xây-bỏ đường-lối mình và nó sống sao?” (Ê-xê-chi-ên 18:23). Những ai tìm kiếm Đức Giê-hô-va qua việc từ bỏ đường lối xấu có thể hướng đến tương lai với lòng tin chắc. Châm-ngôn 1:33 nói: “Ai khứng nghe ta ắt sẽ ở an-nhiên vô-sự, được bình-tịnh, không sợ tai-họa nào”.
“Một chút nữa kẻ ác không còn... Song người hiền-từ sẽ nhận được đất làm cơ-nghiệp, và được khoái-lạc về bình-yên dư-dật”.—Thi-thiên 37:10, 11.