Sáu bí quyết đạt được thành công thật
Sáu bí quyết đạt được thành công thật
Thành công thật là có được lối sống tốt nhất, một lối sống nhờ áp dụng các tiêu chuẩn của Đức Chúa Trời và hòa hợp với mục đích của Ngài dành cho chúng ta. Kinh Thánh nói về một người có lối sống như thế “sẽ như cây trồng gần dòng nước, sanh bông-trái theo thì-tiết, lá nó cũng chẳng tàn-héo; mọi sự người làm đều sẽ thạnh-vượng”.—Thi-thiên 1:3.
Thật vậy, mặc dù bất toàn và phạm lỗi, chúng ta có thể rất thành công trong đời sống! Triển vọng đó có thu hút bạn không? Nếu có, sáu nguyên tắc Kinh Thánh sau đây có thể giúp bạn đạt được mục tiêu ấy, qua đó cung cấp bằng chứng rõ ràng là những dạy dỗ khôn ngoan trong Kinh Thánh thật sự đến từ Đức Chúa Trời.—Gia-cơ 3:17.
1 Có quan điểm đúng về tiền bạc
“Sự tham tiền-bạc là cội-rễ mọi điều ác, có kẻ vì đeo-đuổi nó mà... chuốc lấy nhiều điều đau-đớn” (1 Ti-mô-thê 6:10). Hãy lưu ý, vấn đề không phải do tiền bạc—điều mà tất cả chúng ta đều cần để chăm lo cho bản thân và gia đình—nhưng do sự tham tiền. Trên thực tế, sự mê tham tiền bạc khiến một người làm nô lệ cho nó, hoặc đồng tiền trở thành thần của họ.
Như chúng ta thấy trong bài đầu tiên, những người tin rằng theo đuổi giàu có là bí quyết để thành công, nhưng thật ra họ đang theo đuổi điều hư ảo. Những người này không chỉ thất vọng mà còn phải chịu nhiều nỗi đau. Chẳng hạn, trong khi say mê làm giàu, nhiều người đã hy sinh mối quan hệ gia đình và bạn bè. Những người khác bị thiếu ngủ, nếu không vì việc làm thì cũng vì lo âu. Truyền-đạo 5:12 cho biết: “Người làm công lao nhọc, dù ăn ít hay nhiều, có được giấc ngủ ngon. Nhưng người giàu có dư dả lại lo lắng ngủ không yên”.—Bản Dịch Mới.
Tiền bạc không chỉ là một ông chủ độc ác mà còn là một kẻ lừa dối. Chúa Giê-su đã nói về “sự quyến rũ của giàu sang” (Mác 4:19, BDM). Nói cách khác, giàu sang “hứa hẹn” hạnh phúc nhưng lại không thực hiện được “lời hứa” đó. Nó chỉ tạo ra sự tham muốn có thêm tiền. Truyền-đạo 5:10 nói: “Kẻ tham tiền-bạc chẳng hề chán-lắc tiền-bạc”.
Nói tóm lại, mê tham tiền bạc là chuốc họa vào thân, cuối cùng chỉ dẫn đến thất vọng và thậm chí gây ra tội ác, chứ không đem lại hạnh phúc và thành công (Châm-ngôn 28:20). Trái lại, hạnh phúc và thành công liên hệ chặt chẽ với tính rộng lượng, tinh thần tha thứ, đạo đức trong sạch, tình yêu thương và mối quan hệ tốt với Đức Chúa Trời.
2 Vun trồng tính rộng lượng
“Ban cho thì có phước hơn là nhận-lãnh” (Công-vụ 20:35). Thỉnh thoảng ban cho có thể đem lại hạnh phúc nhất thời, còn người có tính rộng lượng là một người hạnh phúc. Tất nhiên, tính rộng lượng có thể được biểu lộ qua nhiều cách. Một trong những cách tốt nhất, và thường được quý trọng nhất, là dành thời gian và năng lực cho người khác.
Sau khi xem xét nhiều cuộc nghiên cứu về lòng vị tha, hạnh phúc và sức khỏe, nhà nghiên cứu Stephen G. Post kết luận rằng có lòng vị tha và rộng lòng giúp đỡ người khác liên hệ đến việc kéo dài tuổi thọ, hạnh phúc hơn và sức khỏe thể chất lẫn tinh thần được cải thiện, gồm cả việc giảm chứng trầm cảm.
Hơn nữa, những người ban cho một cách rộng rãi tùy theo khả năng thì không vì thế mà sẽ bị thiếu thốn. Châm-ngôn 11:25 nói: “Người hào phóng sẽ thịnh vượng, ai rộng rãi với người, chính mình sẽ hưởng phước” (Bản Diễn Ý). Phù hợp với những lời này, những người thật sự có lòng rộng rãi—không cho đi rồi đợi đền đáp—được người khác và đặc biệt là Đức Chúa Trời quý trọng, yêu thương.—Hê-bơ-rơ 13:16.
3 Hãy tha thứ
“Nếu một người trong anh em có sự gì phàn-nàn với kẻ khác, thì hãy... tha-thứ nhau: như Chúa đã tha-thứ anh em thể nào, thì anh em cũng phải tha-thứ thể ấy” (Cô-lô-se 3:13). Ngày nay, người ta thường không thích tha thứ người khác. Họ thích trả thù hơn là tỏ lòng khoan dung. Hậu quả là gì? Cãi lộn sinh ra cãi lộn, bạo lực sinh ra bạo lực.
Hậu quả không chỉ có thế. Một bài báo đăng trong tờ The Gazette ở thành phố Montreal, Canada, cho biết: “Trong một cuộc nghiên cứu hơn 4.600 người từ 18 đến 30 tuổi, [các nhà nghiên cứu] thấy rằng càng căm thù, bực tức và tàn nhẫn” thì càng có vấn đề với phổi. Thật ra, điều này gây nên một số tác hại còn nghiêm trọng hơn việc hút thuốc lá! Vậy, tinh thần tha thứ không những giúp cải thiện mối quan hệ trong xã hội mà còn là một liều thuốc hay!
Làm thế nào bạn có thể dễ tha thứ hơn? Bước đầu là hãy thành thật xem xét chính mình. Thỉnh thoảng bạn có làm cho người khác buồn không? Bạn không biết ơn họ vì đã tha thứ cho bạn sao? Thế thì sao bạn không rộng lượng tha thứ người khác? (Ma-thi-ơ 18:21-35). Liên quan đến vấn đề này, một điều quan trọng khác là phát huy tính tự chủ. “Hãy đếm từ một đến mười” hoặc áp dụng những cách khác để có thì giờ nguôi giận. Bạn hãy xem tính tự chủ là một thế mạnh. Châm-ngôn 16:32 nói: “Người chậm nóng-giận thắng hơn người dõng-sĩ”. “Thắng hơn người dõng-sĩ”—chẳng phải điều đó là thành công sao?
4 Sống theo tiêu chuẩn của Đức Chúa Trời
“Điều-răn của Đức Giê-hô-va trong-sạch, làm cho mắt sáng-sủa” (Thi-thiên 19:8). Nói cách đơn giản, tiêu chuẩn của Giê-hô-va Đức Chúa Trời là tốt cho chúng ta—về thể chất, tinh thần lẫn tình cảm. Các tiêu chuẩn này che chở chúng ta khỏi những thực hành tai hại như: lạm dụng ma túy, rượu chè, quan hệ tình dục trái đạo đức và xem tài liệu khiêu dâm (2 Cô-rinh-tô 7:1; Cô-lô-se 3:5). Những hành vi đó có thể dẫn đến hậu quả là tội ác, nghèo túng, không được tin cậy, gia đình tan vỡ, những vấn đề về tinh thần và cảm xúc, bệnh tật và thậm chí chết sớm.
Về mặt tích cực, những người sống theo tiêu chuẩn của Đức Chúa Trời phát triển các mối Ê-sai 48:17, 18, Đức Chúa Trời nói Ngài là “Đấng dạy cho ngươi được ích, và dắt ngươi trong con đường ngươi phải đi”. Rồi Ngài nói thêm: “Than ôi! ước gì ngươi đã để ý đến các điều-răn ta! thì sự bình-an ngươi như sông, và sự công-bình ngươi như sóng biển”. Thật thế, Đấng Tạo Hóa muốn điều tốt nhất đến với chúng ta. Ngài muốn chúng ta đi theo “con đường” dẫn đến thành công thật.
quan hệ lành mạnh, lâu bền cũng như lòng tự trọng và bình an nội tâm. Nơi5 Biểu lộ tình yêu thương bất vị kỷ
“Sự thương-yêu thì gây-dựng” (1 Cô-rinh-tô 8:1, Ghi-đê-ôn). Bạn có thể nào hình dung đời sống mà không có tình yêu thương không? Đời sống như thế thật trống rỗng và bất hạnh làm sao! Sứ đồ Phao-lô, một môn đồ của Chúa Giê-su, đã viết dưới sự hướng dẫn của Đức Chúa Trời: “Không có tình yêu-thương, thì tôi chẳng ra gì... Điều đó chẳng ích chi cho tôi”.—1 Cô-rinh-tô 13:2, 3.
Loại tình yêu thương được đề cập ở đây không ám chỉ tình yêu nam nữ, dù nó cũng có vai trò riêng. Nhưng, tình yêu thương chúng ta nói đến thì sâu sắc và lâu bền hơn vì dựa trên các nguyên tắc của Đức Chúa Trời * (Ma-thi-ơ 22:37-39). Hơn nữa, tình yêu thương này không thụ động, theo nghĩa chỉ muốn đón nhận, nhưng chủ động, theo nghĩa cho đi. Ông Phao-lô nói tiếp là tình yêu thương này cũng kiên nhẫn và nhân từ. Nó không ghen tị, khoe khoang hoặc kiêu ngạo. Tình yêu thương này bất vị kỷ, chăm về lợi ích của người khác, không dễ bị mếch lòng nhưng sẵn sàng dung thứ. Tình yêu thương như thế thì gây dựng. Hơn nữa, nó giúp chúng ta có mối quan hệ tốt với người khác, đặc biệt với các thành viên trong gia đình.—1 Cô-rinh-tô 13:4-8.
Đối với các bậc cha mẹ, yêu thương nghĩa là tỏ lòng quan tâm trìu mến đến con mình và đặt ra những quy định rõ ràng dựa trên Kinh Thánh về đạo đức và cách cư xử. Con cái lớn lên trong môi trường như thế cảm thấy an toàn và có sự ổn định trong gia đình, đồng thời chúng có cảm giác mình thật sự được yêu thương và quý trọng.—Ê-phê-sô 5:33–6:4; Cô-lô-se 3:20.
Jack là một thanh niên sống ở Hoa Kỳ và lớn lên trong một gia đình áp dụng nguyên tắc Kinh Thánh. Sau khi ra ở riêng, Jack đã viết thư cho cha mẹ mình. Trong thư có đoạn: “Con luôn cố gắng làm theo điều răn [trong Kinh Thánh]: ‘Hãy hiếu-kính cha mẹ ngươi hầu cho ngươi được phước’ (Phục-truyền Luật-lệ Ký 5:16). Con thấy câu này đúng với con. Hơn bao giờ hết, giờ đây con biết những gì con có được là nhờ lòng tận tụy và thương yêu của cha mẹ. Con cảm ơn về sự khó nhọc và sự giúp đỡ của cha mẹ để nuôi dạy con”. Nếu là bậc cha mẹ, bạn cảm thấy thế nào khi nhận được một lá thư như thế? Hẳn bạn rất cảm động phải không?
Tình yêu thương dựa trên nguyên tắc cũng “vui trong lẽ thật”—lẽ thật về Đức Chúa Trời trong Kinh Thánh (1 Cô-rinh-tô 13:6; Giăng 17:17). Thí dụ, một cặp vợ chồng gặp nhiều vấn đề trong hôn nhân quyết định cùng nhau đọc lời của Chúa Giê-su ghi nơi Mác 10:9: “Người ta không nên phân-rẽ những kẻ mà Đức Chúa Trời đã phối-hiệp”. Giờ đây họ phải xem xét lòng của mình. Họ có thật sự “vui trong lẽ thật” của Kinh Thánh không? Họ có xem hôn nhân là thiêng liêng, như Đức Chúa Trời không? Họ có nỗ lực giải quyết những vấn đề của họ trên tinh thần yêu thương không? Nếu có, họ có thể làm cho hôn nhân của mình được thành công, và sẽ vui mừng về thành quả đó.
6 Nhận biết mình cần sự hướng dẫn của Đức Chúa Trời
“Phúc thay cho những ai nhận biết mình cần sự hướng dẫn của Đức Chúa Trời” (Ma-thi-ơ 5:3, NW). Không như loài vật, con người có nhu cầu tâm linh. Vì thế, chúng ta nêu lên những câu hỏi như: Mục đích đời sống là gì? Có Đấng Tạo Hóa không? Điều gì xảy ra khi chúng ta chết? Tương lai sẽ ra sao?
Trên thế giới, hàng triệu người có lòng thành thật nhận thấy rằng Kinh Thánh có lời giải đáp cho những câu hỏi vừa nêu. Chẳng hạn, câu hỏi cuối cùng có liên quan đến ý định của Đức Chúa Trời đối với nhân loại. Ý định đó là gì? Đó là trái đất sẽ trở thành địa đàng để những người yêu mến Đức Chúa Trời và các tiêu chuẩn của Ngài sống trên đó mãi mãi. Thi-thiên 37:29 cho biết: “Người công-bình sẽ nhận được đất, và ở tại đó đời đời”.
Rõ ràng, Đấng Tạo Hóa không muốn chúng ta thành công chỉ 70 đến 80 năm, nhưng Ngài muốn chúng ta thành công mãi mãi! Vì thế, bây giờ là lúc để bạn học biết về Đấng Tạo Hóa. Chúa Giê-su nói: “Sự sống đời đời là nhìn biết Cha, tức là Đức Chúa Trời có một và thật, cùng Jêsus-Christ, là Đấng Cha đã sai đến” (Giăng 17:3). Khi đạt được sự hiểu biết đó và áp dụng vào đời sống, bạn sẽ cảm nghiệm được “phước-lành của Đức Giê-hô-va làm cho giàu-có; Ngài chẳng thêm sự đau lòng gì lẫn vào”.—Châm-ngôn 10:22.
[Chú thích]
^ đ. 22 Hầu hết mọi lần xuất hiện trong phần Kinh Thánh tiếng Hy Lạp, hay Tân ước, từ “tình yêu thương” được dịch từ chữ Hy Lạp là a·gaʹpe. A·gaʹpe là tình yêu thương mang tính cách đạo đức, chủ động yêu thương người khác dù có muốn làm thế hay không, xem đó như là một vấn đề nguyên tắc, bổn phận, chuẩn mực. Tuy nhiên, tình yêu thương a·gaʹpe không phải là không có cảm xúc nhưng có lúc cũng rất nồng ấm và tha thiết.—1 Phi-e-rơ 1:22.
[Khung nơi trang 7]
NHỮNG NGUYÊN TẮC KHÁC GIÚP THÀNH CÔNG
▪ Kính sợ Đức Chúa Trời. “Kính sợ Đức Giê-hô-va, ấy là khởi đầu sự khôn-ngoan”.—Châm-ngôn 9:10.
▪ Chọn bạn cách khôn ngoan. “Ai giao-tiếp với người khôn-ngoan, trở nên khôn-ngoan; nhưng kẻ làm bạn với bọn điên-dại sẽ bị tàn-hại”.—Châm-ngôn 13:20.
▪ Tránh ăn uống quá độ. “Vì bợm rượu và kẻ láu ăn sẽ trở nên nghèo”.—Châm-ngôn 23:21.
▪ Không trả thù. “Chớ lấy ác trả ác cho ai”.—Rô-ma 12:17.
▪ Chăm chỉ làm việc. “Nếu ai không khứng làm việc, thì cũng không nên ăn nữa”.—2 Tê-sa-lô-ni-ca 3:10.
▪ Đối xử tốt với người khác. “Hễ điều chi mà các ngươi muốn người ta làm cho mình, thì cũng hãy làm điều đó cho họ”.—Ma-thi-ơ 7:12.
▪ Gìn giữ miệng lưỡi. “Ai muốn yêu sự sống và thấy ngày tốt-lành, thì phải giữ-gìn miệng lưỡi, đừng nói điều ác”.—1 Phi-e-rơ 3:10.
[Khung/Hình nơi trang 8]
TÌNH YÊU THƯƠNG LÀ LIỀU THUỐC HIỆU NGHIỆM
Ông Dean Ornish, một bác sĩ và cũng là một tác giả, viết: “Tình yêu thương và mối quan hệ mật thiết có ảnh hưởng đến đời sống khiến chúng ta đau ốm nhưng cũng khiến chúng ta khỏe mạnh, khiến chúng ta buồn bã nhưng cũng mang lại hạnh phúc, khiến chúng ta đau khổ nhưng cũng dẫn đến sự hồi phục. Giả sử một thứ thuốc mới có tác dụng hiệu nghiệm như thế, hầu như mọi bác sĩ trong nước sẽ giới thiệu cho bệnh nhân. Không kê đơn thuốc này là sơ suất trong việc chữa bệnh”.
[Khung/Hình nơi trang 9]
TỪ TUYỆT VỌNG ĐẾN THÀNH CÔNG
Khi chiến tranh nổ ra ở vùng Balkan, anh Milanko đã nhập ngũ. Do có những thành tích dũng cảm nên người ta đặt cho anh biệt danh là Rambo, theo tên của một anh hùng trong bộ phim bạo động. Tuy nhiên, sau một thời gian anh Milanko vỡ mộng về quân đội vì anh thấy sự đồi trụy và đạo đức giả của họ. Anh viết: “Điều đó khiến tôi rơi vào những hành vi trụy lạc—rượu chè, hút thuốc, ma túy, cờ bạc và quan hệ tình dục bừa bãi. Tôi bị đẩy xuống vực thẳm và không tìm thấy lối ra”.
Vào giai đoạn khủng hoảng đó trong cuộc đời, anh Milanko bắt đầu đọc Kinh Thánh. Sau đó, khi đến thăm một người thân, anh nhìn thấy tạp chí Tháp Canh do Nhân Chứng Giê-hô-va xuất bản. Anh thích những điều mình đọc trong tạp chí này và không lâu sau anh bắt đầu tìm hiểu Kinh Thánh với Nhân Chứng Giê-hô-va. Chân lý trong Kinh Thánh đã giúp anh tìm được hạnh phúc và thành công thật. Anh thổ lộ: “Điều đó cho tôi thêm sức mạnh. Tôi đã từ bỏ mọi hành vi trụy lạc, hoàn toàn thay đổi và làm báp têm để trở thành một Nhân Chứng Giê-hô-va. Những người từng quen biết tôi không còn gọi tôi là Rambo nữa vì giờ đây tôi rất hiền lành”.