Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Myanmar—“Miền Đất Vàng”

Myanmar—“Miền Đất Vàng”

Myanmar​—⁠“Miền Đất Vàng”

BIÊN TẬP VIÊN TỈNH THỨC! Ở MYANMAR

NẰM giữa những dãy núi tạo thành biên giới tự nhiên với các nước láng giềng Á Châu là “Miền Đất Vàng”. Về phía tây nam có Vịnh Bengal và Biển Andaman vỗ vào bờ chạy dài hơn 2.000 kilômét. Phía tây là Bangladesh và Ấn Độ; phía bắc là Trung Quốc; phía đông là Lào và Thái Lan. Đất nước này hơi rộng hơn Madagascar và nhỏ hơn tiểu bang Texas ở Bắc Mỹ. Tên của nó là gì? Myanmar, trước đây được gọi là Miến Điện.

Những người đầu tiên đến đây định cư gọi Myanmar là Miền Đất Vàng. Nước này có nhiều tài nguyên phong phú: dầu lửa và khí thiên nhiên, đồng, thiếc, bạc, tungsten và những khoáng sản khác và cả các loại đá quý như lam ngọc, lục bảo ngọc, hồng ngọc và bích ngọc. Những vật quý khác gồm rừng nhiệt đới có gỗ hiếm như gỗ tếch, gỗ hồng mộc và giáng hương. Những khu rừng này cũng là chỗ ở cho nhiều thú hoang dã như khỉ, cọp, gấu, trâu và voi, ấy là chỉ mới kể một số. Tuy nhiên, vật quý thật sự của Miền Đất Vàng này là người bản xứ.

Người Myanmar

Theo truyền thống, người Myanmar hòa nhã và trầm tĩnh; họ lịch sự và hiếu khách. Họ tôn trọng và lễ độ đối với du khách. Trẻ em thông thường gọi những người đàn ông lớn tuổi là chú, bác và gọi những người phụ nữ lớn tuổi là cô, dì.

Du khách đến Myanmar thường khen nước da những người lớn tuổi mịn màng. Theo các phụ nữ, có được nước da trẻ trung này là nhờ chất thanaka, một mỹ phẩm phổ thông màu vàng nhạt, lấy ra từ cây thanaka. Bằng cách nghiền một khúc nhánh cây trên mặt đá phẳng và cứng, và đổ một ít nước vào, họ làm ra một chất bột nhão, mịn để bôi lên mặt thành những đường nét rất nghệ thuật. Ngoài tác dụng làm mát và se, chất thanaka còn bảo vệ da khỏi ánh nắng gay gắt vùng nhiệt đới.

Y phục thông thường cho cả nam lẫn nữ ở Myanmar là chiếc lungi, một cái váy rất dễ may—chỉ việc kết hai đầu một miếng vải dài khoảng hai thước thành một vòng tròn. Sau khi mặc vào, phụ nữ thì cuốn chiếc lungi chung quanh bụng như cái váy đầm và vắt đầu kia qua thắt lưng. Ngược lại, đàn ông thì lấy hai đầu miếng vải và buộc lỏng trước bụng. Chiếc váy lungi trông nhã nhặn và rủ xuống một cách thoải mái và rất thích hợp cho vùng nhiệt đới.

Khi đi thăm các nơi buôn bán, người ta nhận thấy người Myanmar rất có tài—thạo công việc dệt lụa, làm đồ trang sức và khắc gỗ. Những khúc gỗ tếch, gỗ giáng hương và những thứ gỗ khác đã được tạc thành những pho tượng người, voi, cọp, trâu, ngựa trông rất hấp dẫn. Ngay cả những đồ dùng hàng ngày như mặt bàn, bức bình phong và ghế cũng được chạm trổ tỉ mỉ. Nhưng nếu thật sự muốn mua, bạn hãy chuẩn bị mặc cả!

Người Myanmar cũng rất giỏi làm những món đồ bằng sơn mài tuyệt đẹp như tô, đĩa và hộp có nắp. Điều làm cho những món đồ của họ có tính đặc biệt là những kiểu tự do và những mẫu hình chạm trổ. Hình dạng căn bản bắt đầu với một miếng lưới được đan bằng những sợi tre mỏng. (Những món đồ có chất lượng hơn được bắt đầu bằng một tấm đan bằng tre và lông ngựa). Người thợ thủ công phết tối đa bảy lớp sơn mài trên khung này; chất này được chế tạo bằng cách trộn dầu cây thisei hay cây sơn mài với xương thú vật đã thiêu và xay thành bột.

Khi sơn mài khô, người thợ khắc mẫu hình trên mặt bằng một dao khắc. Rồi, sau khi sơn một lớp mỏng và đánh bóng, kết quả là món đồ này không những là một tác phẩm nghệ thuật mà còn là một món đồ hữu ích trong nhà.

Nhiều ảnh hưởng từ tôn giáo

Khoảng 85 phần trăm dân Myanmar theo Phật Giáo; số còn lại phần lớn theo Hồi Giáo và đạo Đấng Christ. Cũng giống như tại nhiều nơi ở Đông Nam Á, tôn giáo đóng một vai trò quan trọng trong đời sống của đa số dân Myanmar. Tuy nhiên, một số phong tục tôn giáo rất lạ đối với nhiều du khách.

Thí dụ, những nhà sư hứa nguyện không đụng đến phụ nữ. Vì tôn trọng điều này nên phụ nữ cẩn thận không đến quá gần những nhà sư. Những phong tục tôn giáo còn ảnh hưởng đến cả việc đi xe buýt. Một người Tây Phương có thể thắc mắc khi thấy một bảng chữ trên xe ghi: “Xin đừng hỏi tài xế mấy giờ xe sẽ đến nơi”. Phải chăng tài xế không hứng thú trả lời những hành khách hay nôn nóng? Không. Những người theo đạo Phật ở đó tin rằng các nát (vong hồn) sẽ bực mình với câu hỏi như vậy và có thể làm xe buýt bị trễ.

Lịch sử Myanmar

Không ai biết rõ lịch sử thời ban đầu của Myanmar, nhưng dường như nhiều bộ lạc từ những xứ bên cạnh đã di dân đến đó. Dường như dân Mon đã đặt tên miền đất này là Suvannabhumi—có nghĩa là “Miền Đất Vàng”. Dân Tây Tạng-Miến Điện (Tibeto-Burman) từ phía đông dãy Hymalaya đến và dân Tai từ nơi mà bây giờ là tây nam Trung Quốc di dân vào. Địa thế đồi núi lởm chởm của Myanmar khiến các bộ lạc sống riêng biệt—vì thế có nhiều bộ lạc và nhiều tiếng nói.

Đầu thế kỷ 19, người Anh bắt đầu đến từ thuộc địa mới lập là Ấn Độ. Trước tiên, họ định cư ở vùng đất miền nam và cuối cùng chiếm toàn thể xứ này. Đến năm 1886, Burma (Miến Điện), tên của Myanmar vào lúc đó, đã bị sát nhập vào thuộc địa Ấn Độ của Anh.

Trong Thế Chiến II, xứ này trở thành trung tâm của cuộc chiến ác liệt và chỉ vài tháng trong năm 1942, quân đội Nhật đã đánh đuổi người Anh ra khỏi xứ này. Sau đó, “Đường Xe Lửa Tử Thần (“Death Railroad”) được dựng lên. Đường xe lửa này dài 400 kilômét, chạy xuyên qua những khu rừng thiêng nước độc để nối thị trấn Thanbyuzayat, Miến Điện, với thị trấn Nong Pladuk, Thái Lan. Vì thiếu sắt nên hầu hết các đường ray đem đến đây là từ các đường ray người ta nhổ lên tại miền trung Malaya (bây giờ là Malaysia). Một phần nhỏ của công trình này là bắc một cây cầu qua Sông Kwai và nó là cơ sở của một bộ phim được nhiều người biết đến.

Hơn 300.000 người—tù binh, dân Ấn Độ và Miến Điện—đã xây dựng đường xe lửa này cùng với sự hỗ trợ của 400 con voi. Hàng chục ngàn người chết trong khi làm việc. Vì bị máy bay Đồng Minh thả bom thường xuyên nên đường xe lửa này ít được dùng đến và cuối cùng bị bỏ hoang. Sau này, người ta nhổ gần hết các đường ray này và đem dùng ở những nơi khác.

Cuối cùng, lính Anh tấn công và thắng trận, lấy lại được xứ này từ tay người Nhật vào năm 1945. Nhưng người Anh chỉ cai trị được một thời gian ngắn vì Miến Điện dành được độc lập vào ngày 4-1-1948. Ngày 22-6-1989, Liên Hiệp Quốc chấp nhận tên mới của quốc gia này là Myanmar.

Xứ có những thủ đô vàng

Myanmar có nhiều thủ đô qua nhiều thế kỷ. Thí dụ, Mandalay nằm ở trung tâm Myanmar và được nhiều người gọi là Thành Phố Vàng. Có hàng trăm ngôi chùa và đền thuộc mọi thời kỳ trong quá khứ nằm rải rác khắp nơi. Thành phố có dân số 500.000 người này là thủ đô cuối cùng trước khi Anh chiếm đóng. Vua Mindon để lại cho Mandalay vinh dự hoàng gia vào năm 1857 khi ông cho xây một cung điện to lớn ở đó cho chính ông và các hoàng hậu. Thành phố cổ này rộng bốn cây số vuông, nằm trong phạm vi bức tường cao tám mét và có chân tường dầy ba mét. Một cái hào rộng 70 mét chạy dọc theo tường.

Năm 1885, người Anh đày người nối ngôi Mindon là Vua Thibaw sang Ấn Độ, nhưng họ không động đến cung điện. Tuy nhiên, Thế Chiến II đã không để yên và cung điện đó đã bị lửa thiêu trụi. Dân Myanmar không sờn lòng, xây lại một cung điện rất giống như trước và dựng cả những tòa nhà uy nghi bằng gỗ sơn đỏ và vàng trên chỗ đất cũ. Du khách có thể tới thăm cung điện này.

Nằm dưới mạn sông cách Mandalay 200 kilômét là Pagan. Đó là một cố đô khác. Nó được thiết lập trong thiên niên kỷ đầu tiên của kỷ nguyên chung và đạt tới tột đỉnh huy hoàng vào thế kỷ 11; nhưng chỉ 200 năm sau nó đã bị bỏ hoang. Tuy vậy, hàng trăm ngôi chùa và đền thờ đổ nát nằm rải rác chung quanh và trong vài thôn làng nhỏ gợi cho người ta nhớ lại cảnh huy hoàng trước kia.

Ngày nay, thủ đô Yangon (tên chính thức là Rangoon cho đến năm 1989) là một thành phố nhộn nhịp với hơn ba triệu dân, phố xá tấp nập, đầy xe hơi, xe buýt, taxi bóp còi inh ỏi. Tuy nhiều tòa nhà cũ, làm người ta nhớ lại thời thuộc địa Anh, nằm dọc theo các đại lộ có hàng cây hai bên đường, nhưng hình dáng in lên nền trời của thành phố ngày nay bao gồm cả những khách sạn nhiều tầng và những tòa nhà của các cơ quan.

Cũng in lên nền trời này là tháp hình chóp mạ vàng cao 98 mét của Chùa Shwedagon được xây cách đây 2.500 năm và tháp này cho thấy sự giàu có và tài năng kiến trúc xuất chúng của thời xưa. Người ta nói rằng có khoảng 7.000 viên kim cương và các loại đá quý khác nhau được gắn chung quanh tháp. Đỉnh tháp là một viên kim cương 76 cara. Cũng như nhiều tòa nhà xưa ở Myanmar, Chùa Shwedagon bị chiến tranh và động đất tàn phá và làm hư hại, nhưng phần lớn ngôi chùa này đã được xây lại.

Tuy nhiên, một số người cho rằng Chùa Sule vàng mới thật sự là kiến trúc chính ở Yangon. Chùa Sule cao 46 mét và được xây cách đây 2.000 năm. Chùa này tạo thành một bùng binh vàng, lớn nằm tại nơi giao nhau của bốn đường chính của thành phố và chung quanh có các cửa hàng nằm san sát nhau.

Vàng thiêng liêng

Năm 1914, hai Học Viên Kinh Thánh Quốc Tế (tên gọi Nhân Chứng Giê-hô-va vào thời đó) từ Ấn Độ đến Rangoon để tìm kiếm những người quý loại vàng tốt hơn: vàng thiêng liêng. Năm 1928 và 1930, có thêm các giáo sĩ đến, và tới năm 1939, ba hội thánh với tổng cộng 28 Nhân Chứng được thành lập. Văn phòng chi nhánh của Nhân Chứng Giê-hô-va tại Bombay, Ấn Độ, trông nom công việc ở đó cho đến năm 1938. Từ đó cho đến năm 1940 thì được chi nhánh Úc trông nom. Sau Thế Chiến II, năm 1947, Myanmar mở văn phòng chi nhánh đầu tiên tại Rangoon.

Tháng Giêng năm 1978, văn phòng chi nhánh được dời đến đường Inya. Tòa nhà bốn tầng dùng làm trụ sở trung ương được gọi là Nhà Bê-tên Myanmar. Gia đình Bê-tên gồm 52 người cần cù làm việc lo cho nhu cầu của khoảng 3.000 Nhân Chứng tích cực hoạt động trong đất nước này. Myanmar có nhiều ngôn ngữ bộ lạc, nên dịch thuật là công việc chính tại chi nhánh. Công việc siêng năng của Nhân Chứng Giê-hô-va đã góp thêm một “cục vàng” vào tài nguyên phong phú của Miền Đất Vàng này.

[Bản đồ nơi trang 17]

(Để có thông tin đầy đủ, xin xem ấn phẩm)

BANGLADESH

ẤN ĐỘ

TRUNG QUỐC

LÀO

THÁI LAN

MYANMAR

Mandalay

Pagan

YANGON

VỊNH BENGAL

[Nguồn tư liệu]

Mountain High Maps® Copyright © 1997 Digital Wisdom, Inc.

[Các hình nơi trang 17]

Từ trên: Đàn ông và phụ nữ mặc váy lungi; một chú tiểu; phụ nữ thoa “thanaka”

[Hình nơi trang 18]

Rao giảng tại một nơi trồng đậu phụng

[Hình nơi trang 18]

Đồ gỗ chạm trổ bán tại chợ địa phương

[Nguồn tư liệu]

chaang.com

[Hình nơi trang 18]

Khắc mẫu hình trên mặt bàn sơn mài

[Hình nơi trang 18]

Chén sơn mài được tô điểm tuyệt đẹp

[Nguồn tư liệu]

chaang.com

[Hình nơi trang 20]

Văn phòng chi nhánh Nhân Chứng Giê-hô-va tại Myanmar

[Nguồn hình ảnh nơi trang 16]

© Jean Leo Dugast/Panos