Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Những kim tự tháp của Mexico

Những kim tự tháp của Mexico

Những kim tự tháp của Mexico

THÔNG TÍN VIÊN TỈNH THỨC! Ở MEXICO

HẦU HẾT người ta ngày nay đều biết đến kim tự tháp của Ai Cập. Ở Châu Mỹ cũng vậy, nhất là tại Mexico, các nhà khảo cổ học đã tìm thấy những cấu trúc tựa như kim tự tháp. Giống như ở Ai Cập, những kim tự tháp ở Mexico đã được xây cất nhiều thế kỷ trước đây và được bao phủ trong màn đầy bí ẩn.

Kim tự tháp của Ai Cập là một ngôi mộ nằm trong đống đá khổng lồ được xây rất đối xứng. Những lối đi nằm bên trong dẫn đến ngôi mộ, là nơi quan trọng nhất của kim tự tháp. Tuy nhiên, kim tự tháp của Mexico là một gò đất lớn, có đền thờ ở trên đỉnh và bên ngoài có những bậc lên tới tận đỉnh. Ngoại trừ vài trường hợp, những kim tự tháp tìm thấy ở Châu Mỹ không phải là những ngôi mộ.

Teotihuacán—“Thành phố của các thần”

Ở Mexico, Teotihuacán là một trong những nơi có kim tự tháp đặc sắc nhất. Nằm cách thành phố Mexico khoảng 50 kilômét về hướng tây bắc, Teotihuacán vẫn còn bí ẩn đối với các chuyên gia về nhân chủng học và khảo cổ học. Thành phố lớn và cổ xưa này đã bị các thợ xây cất bỏ hoang hơn 500 năm trước khi văn hóa Aztec xuất hiện. Theo tiếng Nahuatl, tên Teotihuacán có nghĩa là “Thành phố của các thần” hoặc “Nơi người hóa thần”. Người ta nghĩ rằng dân Aztec đã đặt tên này khi đến thăm thành phố.

George Stuart, biên tập viên của tạp chí National Geographic, giải thích rằng “Teotihuacán là trung tâm đô thị thật sự đầu tiên của Tây Bán Cầu... Đô thị này xuất hiện vào khoảng đầu kỷ nguyên của đạo Đấng Christ, tồn tại khoảng bảy thế kỷ, rồi sau đó đã đi vào truyền thuyết. Vào lúc sự thịnh vượng đạt ở đỉnh cao, khoảng năm 500 CN, người ta phỏng đoán có 125.000 tới 200.000 dân sống ở đó”.

Kim Tự Tháp của Thần Mặt Trời rất vĩ đại nằm gần trung tâm thành phố. Đáy tháp có chiều ngang 220 mét, chiều dài 225 mét và năm tầng đất hiện nay đắp cao lên đến 63 mét. Muốn lên tới đỉnh, người ta phải leo hơn 240 bậc. Về hướng bắc của thành phố cổ xưa này là Kim Tự Tháp của Thần Mặt Trăng cao 40 mét. Xưa kia có những đền thờ được dựng trên đỉnh của hai kim tự tháp chính này.

Trong những thập niên gần đây, người ta đã biết nhiều về những kim tự tháp này. Tuy nhiên, như ông George cho biết: “Chúng ta vẫn chưa biết nhiều về nguồn gốc của dân Teotihuacán, họ nói tiếng gì, xã hội được tổ chức ra sao và nguyên nhân nào khiến họ bị suy đồi”.

Những chỗ kim tự tháp khác

Ngay tại trung tâm thành phố Mexico, người ta có thể thăm Ngôi Đền Chính của dân Aztec. Tuy không thấy kim tự tháp nào, nhưng tàn tích của cấu trúc kim tự tháp làm nền cho Ngôi Đền Chính vẫn còn đó. Các nhà khảo cổ đã tìm thấy hai bệ dùng để dâng mạng người tế thần.

Tại Mexico, Chichén Itzá là chỗ có kim tự tháp được thăm viếng nhiều nhất. Những cấu trúc xưa đổ nát ở đây rất dễ cho người ta đến thăm vì gần thành phố Mérida ở Yucatán, tuy có rất nhiều cấu trúc đổ nát khác nằm trong vùng Maya. Mặc dù được xây trong đất đai của Maya, nhưng những kiến trúc đó cho thấy dân Toltec đã một thời có ảnh hưởng đến những vùng này. Một số cấu trúc cho thấy thợ xây cất hiểu biết về thiên văn học và toán học phức tạp.

Tại Palenque, du khách sẽ thấy một khu kiến trúc liên hợp và chung quanh có khu rừng Chiapas bao bọc. Có nhiều kim tự tháp và cấu trúc to lớn, trong số đó có một Cung Điện và một Đền Thờ Bia Ký. Cuốn Maya—3000 Years of Civilization giải thích Đền Thờ Bia Ký “là một trong số những đền thờ nổi tiếng nhất trong vùng Trung Mỹ (Mesoamerica) vì nó không những chỉ là cái nền để xây đền như tất cả các đền thờ khác, nhưng nó còn là một đài bia mộ. Bên trong là những bậc thang dẫn xuống phòng chứa thây người chết. Phòng này hết sức lộng lẫy, chưa từng thấy trong vùng Maya”. Người ta xây ngôi mộ này cho thống đốc Pacal, hay Uoxoc Ahau, nhân vật sống vào thế kỷ thứ bảy.

Đây chỉ là vài kim tự tháp ở Mexico. Người ta có thể thấy những tàn tích và kim tự tháp khác tại nhiều nơi khắp nước. Ngoài ra, Guatamala và Hondura cũng có những kim tự tháp to lớn. Tất cả những cấu trúc cổ xưa này cho thấy dân vùng Trung Mỹ muốn xây dựng nơi thờ phượng ở những nơi đất cao. Trong sách Las Antiguas Culturas Mexicanas, tác giả Walter Krickerberg viết: “Tục lệ xây đền thờ trên những tầng có bậc đi lên bắt đầu từ thời xa xưa khi người ta thờ những nơi cao”. Ông viết thêm: “Trong khi chúng ta coi trời như là ‘vòm’, những dân tộc khác lại coi trời tượng trưng cho một ngọn núi và nhờ đó mặt trời mọc vào buổi sáng và lặn vào buổi chiều. Vì thế, những sườn núi giống như những bậc của một cấu trúc khổng lồ. Do đó, ‘ngọn núi nhân tạo’ đã biến thành kim tự tháp có nhiều bậc, và từ những huyền thoại và phong tục mà suy ra thì nhiều dân tộc ở vùng Trung Mỹ đã biến ngọn núi nhân tạo đó thành biểu tượng của trời”.

Khái niệm trên có lẽ làm học viên Kinh Thánh nhớ lại lời tường thuật trong Kinh Thánh nói về Tháp Ba-bên. Tháp này nằm trong thành phố mà sau này gọi là Ba-by-lôn. Riêng về những người xây cất cái tháp này, Sáng-thế Ký 11:4 ghi: “[Họ] nói rằng: Nào! Chúng ta hãy xây một cái thành và dựng lên một cái tháp, chót cao đến tận trời; ta hãy lo làm cho rạng danh [ta]”. Cách Ba-by-lôn không xa, các nhà khảo cổ đã tìm thấy những cấu trúc kim tự tháp được gọi là tháp ziggurat.

Hình thức thờ phượng bắt nguồn từ Ba-by-lôn đã lan ra nhiều nơi trên toàn thế giới và có thể đã lan đến vùng mà sau này gọi là Mexico. Không có gì đáng ngạc nhiên khi những tháp ziggurat của Ba-by-lôn và cả tôn giáo ở đó chính là nguyên mẫu cho những kim tự tháp huyền bí và hùng vĩ của Mexico.

[Hình nơi trang 16]

Teotihuacán

[Nguồn tư liệu]

CNCA.-INAH.-MEX Reproducción Autorizada por el Instituto Nacional de Antropología e Historia

[Hình nơi trang 17]

Palenque