Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

CHƯƠNG 11

“Ta đã lập con làm người canh”

“Ta đã lập con làm người canh”

Ê-XÊ-CHI-ÊN 33:7

TRỌNG TÂM CỦA CHƯƠNG: Đức Giê-hô-va bổ nhiệm một người canh và cho biết trách nhiệm của người ấy

1. Những người canh được Đức Giê-hô-va bổ nhiệm đã làm gì, và những biến cố nào xảy ra sau đó?

 Một người canh đứng trên tường thành Giê-ru-sa-lem, lấy tay che mắt khỏi ánh mặt trời lúc hoàng hôn. Khi đang quan sát phía đường chân trời, đột nhiên anh ta cầm tù và lên, hít sâu rồi thổi báo hiệu: Quân Ba-by-lôn đang đến! Nhưng đã quá muộn để cư dân ương ngạnh trong thành này hành động trước tiếng báo hiệu ấy. Trong nhiều thập kỷ, những người canh được Đức Giê-hô-va bổ nhiệm, tức các nhà tiên tri, đã phát đi lời cảnh báo rằng ngày này sẽ đến. Nhưng dân chúng không chịu nghe. Giờ đây, quân Ba-by-lôn bao vây thành. Sau nhiều tháng vây hãm, họ xuyên thủng tường thành, phá đổ đền thờ và giết hại hoặc bắt giữ cư dân Giê-ru-sa-lem.

2, 3. (a) Cư dân trên đất sắp phải đối mặt với điều gì? (b) Chúng ta sẽ thảo luận những câu hỏi nào?

2 Ngày nay, các lực lượng hành quyết của Đức Giê-hô-va đang tiến đến cuộc xung đột với những cư dân không tin kính trên đất (Khải 17:12-14). Cuộc xung đột này sẽ là đỉnh điểm của hoạn nạn lớn nhất trong lịch sử loài người (Mat 24:21). Nhưng chưa phải là quá muộn để hưởng ứng lời cảnh báo được phát đi từ những người mà Đức Giê-hô-va bổ nhiệm làm việc của người canh.

3 Điều gì thúc đẩy Đức Giê-hô-va bổ nhiệm người canh? Người canh công bố thông điệp nào? Ai đã thực hiện vai trò của người canh, và chúng ta đóng vai trò nào? Hãy cùng tìm lời giải đáp cho những câu hỏi này.

“Phải thay ta cảnh báo chúng”

4. Tại sao Đức Giê-hô-va bổ nhiệm những người canh? (Xem hình nơi đầu bài).

4 Đọc Ê-xê-chi-ên 33:7. Vào thời Kinh Thánh, những người canh thường đứng trên tường thành để giúp cư dân được an toàn. Họ là bằng chứng hữu hình cho thấy người cai trị của thành quan tâm đến dân chúng. Dù tiếng tù và của người canh có thể khiến cư dân đang ngủ giật mình, nhưng âm thanh chói tai đó lại có thể cứu mạng những ai hưởng ứng. Tương tự, Đức Giê-hô-va bổ nhiệm những người canh vì quan tâm đến dân ngài và muốn cứu mạng họ, chứ không phải vì muốn dùng thông điệp phán xét để khiến dân Y-sơ-ra-ên sợ hãi.

5, 6. Tính công bằng của Đức Chúa Trời được thấy rõ qua điều gì?

5 Khi bổ nhiệm Ê-xê-chi-ên làm người canh, Đức Giê-hô-va tiết lộ các phẩm chất của ngài. Những phẩm chất đó khiến chúng ta ấm lòng. Hãy xem xét hai trong số những phẩm chất ấy.

6 Công bằng: Phẩm chất này của Đức Giê-hô-va được thấy rõ qua việc ngài đối xử với mỗi chúng ta một cách không thiên vị. Chẳng hạn, dù đám đông bác bỏ thông điệp của Ê-xê-chi-ên nhưng Đức Giê-hô-va không xem tất cả người Y-sơ-ra-ên là những kẻ phản nghịch. Thay vì thế, ngài để ý đến cách phản ứng của mỗi cá nhân. Nhiều lần, Đức Giê-hô-va nhắc đến việc nói chuyện với “kẻ ác” và “người công chính”. Trong nguyên ngữ, những từ này được dùng ở dạng số ít, điều ấy cho thấy Đức Giê-hô-va xem người ta là những cá nhân. Vì thế, ngài phán xét dựa trên phản ứng của mỗi người trước thông điệp.—Ê-xê 33:8, 18-20.

7. Đức Giê-hô-va xét xử người ta dựa trên cơ sở nào?

7 Tính công bằng của Đức Giê-hô-va cũng có thể được thấy qua cách ngài xét xử người ta. Mỗi cá nhân phải chịu trách nhiệm về cách phản ứng trước lời cảnh báo ở hiện tại, chứ không phải là điều người đó làm trong quá khứ. Đức Giê-hô-va nói với Ê-xê-chi-ên: “Khi ta bảo người ác rằng: ‘Ngươi chắc chắn sẽ chết’, nhưng người ấy từ bỏ tội lỗi rồi làm điều đúng và công chính,... thì người ấy chắc chắn sẽ được sống”. Rồi ngài nói một điều rất đáng chú ý: “Không tội lỗi nào của người sẽ bị nhớ lại để buộc tội người” (Ê-xê 33:14-16). Mặt khác, những người từng bước đi trên con đường công chính không thể mong đợi sự vâng lời trong quá khứ sẽ bào chữa cho sự phản nghịch ở hiện tại. Đức Giê-hô-va cho biết nếu một người “cậy vào sự công chính của riêng mình mà làm điều sai trái thì không việc công chính nào của nó sẽ được nhớ đến, nó sẽ chết vì điều sai trái mình đã làm”.—Ê-xê 33:13.

8. Những lời cảnh báo mang tính tiên tri dạy chúng ta điều gì về tính công bằng của Đức Giê-hô-va?

8 Tính công bằng của Đức Giê-hô-va cũng được thấy rõ qua việc ngài cảnh báo một thời gian rất lâu trước khi hành động. Ê-xê-chi-ên bắt đầu công việc tiên tri khoảng sáu năm trước khi quân Ba-by-lôn hủy diệt Giê-ru-sa-lem. Nhưng Ê-xê-chi-ên không phải là người đầu tiên cảnh báo dân Đức Chúa Trời rằng họ sẽ phải chịu trách nhiệm cho hành động của mình. Hơn một thế kỷ trước khi Giê-ru-sa-lem bị hủy diệt, Đức Giê-hô-va dùng các nhà tiên tri Ô-sê, Ê-sai, Mi-chê, Ô-đết và Giê-rê-mi làm người canh. Đức Giê-hô-va bảo Giê-rê-mi nhắc người Y-sơ-ra-ên: “Ta lập người canh, họ kêu gọi rằng: ‘Hãy chú ý nghe tiếng thổi tù và!’” (Giê 6:17). Đức Giê-hô-va và những người canh này không chịu trách nhiệm về những mạng sống bị mất khi người Ba-by-lôn thi hành án phạt của Đức Giê-hô-va.

9. Đức Giê-hô-va thể hiện tình yêu thương thành tín như thế nào?

9 Yêu thương: Đức Giê-hô-va thể hiện tình yêu thương thành tín qua việc phái những người canh đi cảnh báo không chỉ người công chính mà còn kẻ ác, là kẻ khiến ngài rất đau lòng và làm ô danh ngài. Hãy nghĩ đến điều này: Người Y-sơ-ra-ên được biết đến là dân của Đức Giê-hô-va, nhưng nhiều lần họ quay lưng lại với ngài và chạy theo các thần giả. Trước sự phản bội của họ, Đức Giê-hô-va cho thấy ngài đau lòng đến mức nào bằng cách ví dân này với người vợ ngoại tình (Ê-xê 16:32). Dù vậy, Đức Giê-hô-va không vội từ bỏ họ. Ngài muốn làm hòa chứ không muốn trả thù. Việc dùng gươm phán xét là giải pháp cuối cùng, chứ không phải là phản ứng đầu tiên của ngài. Tại sao? Ngài nói với Ê-xê-chi-ên: “Ta không vui chút nào trước cái chết của kẻ ác, nhưng ta muốn kẻ ác thay đổi con đường mình để được sống” (Ê-xê 33:11). Đó là cảm nghĩ của Đức Giê-hô-va vào thời xưa cũng như thời nay.—Mal 3:6.

10, 11. Chúng ta có thể rút ra những bài học nào từ cách Đức Giê-hô-va đối xử với dân ngài?

10 Chúng ta có thể học được gì từ việc Đức Giê-hô-va đối xử với người Y-sơ-ra-ên một cách công bằng và yêu thương? Một bài học là chúng ta phải xem những người mà mình rao giảng là các cá nhân riêng biệt, chứ không phải thuộc về một đám đông. Thật sai lầm khi vội xét đoán một người là không xứng đáng nghe thông điệp chỉ vì hạnh kiểm trong quá khứ, hoặc vì chủng tộc, kinh tế hay ngôn ngữ của người đó! Đức Giê-hô-va dạy sứ đồ Phi-e-rơ một bài học vẫn còn thiết thực vào thời nay: “Đức Chúa Trời không hề thiên vị, nhưng trong các dân, hễ ai kính sợ ngài và làm điều đúng thì được ngài chấp nhận”.—Công 10:34, 35.

Chúng ta có cùng quan điểm với Đức Giê-hô-va về người khác không? (Xem đoạn 10)

11 Một bài học quan trọng khác là chúng ta cần để ý đến chính mình. Những việc công chính trong quá khứ không thể bào chữa cho hành vi sai trái ở hiện tại. Hãy nhớ là chúng ta cũng có khuynh hướng tội lỗi giống như những người mà mình rao giảng. Lời khuyên của sứ đồ Phao-lô dành cho hội thánh ở Cô-rinh-tô cũng áp dụng cho chúng ta: “Ai nghĩ mình đang đứng thì phải coi chừng kẻo ngã. Anh em không gặp cám dỗ nào khác với mọi người” (1 Cô 10:12, 13). Chúng ta không bao giờ muốn “cậy vào sự công chính của riêng mình”, tức nghĩ rằng vì mình làm việc tốt nên có thể làm điều sai trái mà không bị trừng phạt (Ê-xê 33:13). Dù đã phụng sự Đức Giê-hô-va bao lâu đi nữa, chúng ta vẫn phải duy trì thái độ khiêm nhường và sẵn sàng vâng lời.

12. Nếu từng phạm tội trọng thì chúng ta nên nhớ điều gì?

12 Tuy nhiên, nói sao nếu trong quá khứ chúng ta phạm tội trọng và đã ăn năn nhưng nay vẫn mang mặc cảm tội lỗi? Qua thông điệp của Ê-xê-chi-ên, chúng ta biết Đức Giê-hô-va sẽ trừng phạt những người làm điều sai trái mà không ăn năn. Nhưng chúng ta cũng được biết rằng Đức Giê-hô-va chủ yếu là Đức Chúa Trời của tình yêu thương chứ không phải của sự báo thù (1 Giăng 4:8). Nếu chứng tỏ sự ăn năn qua hành động thì chúng ta không nên cảm thấy Đức Chúa Trời không thể tha thứ cho mình được (Gia 5:14, 15). Đức Giê-hô-va sẵn lòng tha thứ cho những người Y-sơ-ra-ên phạm tội ngoại tình về mặt thờ phượng, ngài cũng sẵn lòng tha thứ cho chúng ta.—Thi 86:5.

“Hãy nói với dân con”

13, 14. (a) Những người canh rao báo thông điệp nào? (b) Ê-sai rao báo thông điệp nào?

13 Đọc Ê-xê-chi-ên 33:2, 3. Người canh của Đức Giê-hô-va rao báo thông điệp nào? Một công việc quan trọng của người canh là công bố những lời cảnh báo. Nhưng họ cũng rao truyền tin mừng. Hãy xem một số ví dụ.

14 Ê-sai, người phụng sự từ khoảng năm 778 TCN đến năm 732 TCN, cảnh báo rằng người Ba-by-lôn sẽ chiếm Giê-ru-sa-lem và đem cư dân của thành đi lưu đày (Ê-sai 39:5-7). Nhưng ông cũng được soi dẫn để viết: “Nghe kìa! Những lính canh của ngươi đang cất tiếng. Họ đồng thanh reo mừng, vì sẽ thấy rõ ràng Đức Giê-hô-va mang dân Si-ôn về” (Ê-sai 52:8). Ê-sai công bố tin tốt lành nhất: Sự thờ phượng thật sẽ được khôi phục!

15. Giê-rê-mi rao báo thông điệp nào?

15 Giê-rê-mi, người phụng sự từ năm 647 TCN đến năm 580 TCN, thường bị người ta gọi một cách bất công là kẻ chuyên rao thảm họa. Đúng là ông đã làm tốt công việc cảnh báo người Y-sơ-ra-ên gian ác về những thảm họa mà Đức Giê-hô-va sẽ giáng trên họ. a Nhưng ông cũng rao truyền tin mừng khi báo trước việc dân Đức Chúa Trời hồi hương và sự thờ phượng thanh sạch được khôi phục ở xứ của họ.—Giê 29:10-14; 33:10, 11.

16. Thông điệp của Ê-xê-chi-ên đem lại lợi ích cho những người bị lưu đày ở Ba-by-lôn như thế nào?

16 Ê-xê-chi-ên được bổ nhiệm làm người canh vào năm 613 TCN và tiếp tục thực hiện công việc này ít nhất cho đến năm 591 TCN. Như đã thảo luận trong Chương 56, Ê-xê-chi-ên sốt sắng cảnh báo người Y-sơ-ra-ên về sự hủy diệt sắp xảy ra với họ, nhờ đó ông không mắc tội đổ máu về mạng sống của họ. Khi thi hành nhiệm vụ, ông không chỉ cảnh báo về sự trừng phạt của Đức Giê-hô-va dành cho kẻ bội đạo ở Giê-ru-sa-lem mà còn giúp những người bị lưu đày ở Ba-by-lôn đứng vững về thiêng liêng để sẵn sàng cho công việc trong tương lai. Vào cuối thời kỳ lưu đày kéo dài 70 năm, Đức Giê-hô-va sẽ “trồng” một nhóm người còn sót lại ở vùng đất Y-sơ-ra-ên được khôi phục (Ê-xê 36:7-11). Nhóm người này chủ yếu bao gồm con cháu của những người chú ý đến thông điệp của Ê-xê-chi-ên. Như được thảo luận ở các chương khác trong Phần 3 của ấn phẩm này, Ê-xê-chi-ên có nhiều tin mừng để chia sẻ, điều đó khẳng định rằng sự thờ phượng thanh sạch sẽ được khôi phục ở Giê-ru-sa-lem.

17. Đức Giê-hô-va bổ nhiệm những người canh vào lúc nào?

17 Các nhà tiên tri này thi hành nhiệm vụ của họ trước và sau thời điểm thành Giê-ru-sa-lem bị hủy diệt vào năm 607 TCN. Nhưng họ có phải là những người duy nhất được Đức Giê-hô-va dùng làm người canh không? Câu trả lời là không. Trước mỗi sự kiện quan trọng trong quá trình thực hiện ý định của ngài, Đức Giê-hô-va bổ nhiệm những người canh để họ cảnh báo người gian ác và rao truyền tin mừng.

Những người canh vào thế kỷ thứ nhất

18. Giăng Báp-tít làm công việc nào?

18 Vào thế kỷ thứ nhất CN, Giăng Báp-tít làm công việc của người canh. Ông cảnh báo người Y-sơ-ra-ên theo huyết thống rằng họ sẽ sớm bị từ bỏ (Mat 3:1, 2, 9-11). Nhưng ông còn làm nhiều hơn thế. Chúa Giê-su nói rằng Giăng là “sứ giả” được báo trước, tức người dọn đường cho Đấng Mê-si (Mal 3:1; Mat 11:7-10). Một phần của công việc này là rao báo tin mừng: “Chiên Con của Đức Chúa Trời”, tức Chúa Giê-su, đã đến và sẽ cất đi “tội lỗi của thế gian”.—Giăng 1:29, 30.

19, 20. Chúa Giê-su và các môn đồ của ngài hành động với tư cách là người canh như thế nào?

19 Chúa Giê-su là người canh nổi bật nhất. Như Ê-xê-chi-ên, ngài được Đức Giê-hô-va phái đến “nhà Y-sơ-ra-ên” (Ê-xê 3:17; Mat 15:24). Chúa Giê-su cảnh báo rằng nước Y-sơ-ra-ên theo huyết thống sẽ sớm bị từ bỏ và Giê-ru-sa-lem sẽ bị hủy diệt (Mat 23:37, 38; 24:1, 2; Lu 21:20-24). Nhưng công việc chính của ngài là rao báo tin mừng.—Lu 4:17-21.

20 Khi còn sống trên đất, Chúa Giê-su bảo các môn đồ của ngài: “Hãy luôn thức canh” (Mat 24:42). Họ đã vâng theo mệnh lệnh của ngài và thực hiện vai trò của người canh. Các môn đồ cảnh báo rằng Đức Giê-hô-va đã từ bỏ nhà Y-sơ-ra-ên theo huyết thống và thành Giê-ru-sa-lem trên đất (Rô 9:6-8; Ga 4:25, 26). Như những người canh trước thời đó, họ cũng rao báo tin mừng. Thông điệp của họ chứa đựng lời thông báo đáng chú ý, đó là dân Y-sơ-ra-ên thiêng liêng của Đức Chúa Trời sẽ gồm cả những người thuộc dân ngoại, và những người ấy sẽ có đặc ân giúp Đấng Ki-tô khôi phục sự thờ phượng thanh sạch trên đất.—Công 15:14; Ga 6:15, 16; Khải 5:9, 10.

21. Phao-lô nêu gương như thế nào?

21 Trong số những người canh vào thế kỷ thứ nhất, sứ đồ Phao-lô đã nêu gương nổi bật. Ông xem trọng trách nhiệm của mình. Như Ê-xê-chi-ên, Phao-lô biết rằng ông sẽ mắc tội đổ máu nếu không hoàn thành nhiệm vụ (Công 20:26, 27). Phao-lô làm theo khuôn mẫu của những người canh khác, ông không chỉ cảnh báo người ta mà còn rao truyền tin mừng (Công 15:35; Rô 1:1-4). Thực tế, dưới sự hướng dẫn của thần khí thánh, ông đã trích dẫn lời tiên tri được Ê-sai ghi lại: “Trên các núi, đẹp thay bàn chân của người đem tin mừng”. Phao-lô dùng câu này để nói đến việc rao giảng về Nước Trời của môn đồ Chúa Giê-su.—Ê-sai 52:7, 8; Rô 10:13-15.

22. Điều gì xảy ra sau khi các sứ đồ qua đời?

22 Sau khi các sứ đồ qua đời, sự bội đạo được báo trước đã áp đảo hội thánh đạo Đấng Ki-tô (Công 20:29, 30; 2 Tê 2:3-8). Trong một giai đoạn kéo dài, những tín đồ giả hiệu được ví như cỏ dại trở nên đông đảo hơn so với các môn đồ trung thành được ví như lúa mì, và thông điệp Nước Trời cũng bị lấn át bởi những dạy dỗ sai lầm (Mat 13:36-43). Tuy nhiên, khi đến thời điểm Đức Giê-hô-va can thiệp vào các sự việc của con người, một lần nữa ngài thể hiện tình yêu thương và sự công bằng qua việc bổ nhiệm những người canh để họ phát đi lời cảnh báo rõ ràng và rao truyền tin mừng. Họ là ai?

Đức Giê-hô-va lại cung cấp những người canh để cảnh báo kẻ ác

23. Anh Russell cùng cộng sự đóng vai trò nào?

23 Trong những thập niên trước năm 1914, anh Charles Taze Russell và cộng sự đã hành động với tư cách là “sứ giả... dọn một con đường” trước khi Nước của Đấng Mê-si được thành lập b (Mal 3:1). Nhóm đó cũng làm công việc của người canh. Họ dùng tạp chí Tháp Canh Si-ôn và sứ giả loan báo sự hiện diện của Đấng Ki-tô (Zion’s Watch Tower and Herald of Christ’s Presence) để cảnh báo người ta về sự phán xét của Đức Chúa Trời và rao báo tin mừng về Nước Trời.

24. (a) Đầy tớ trung tín hành động với tư cách là người canh như thế nào? (b) Anh chị học được gì từ gương của những người canh trong quá khứ? (Xem biểu đồ “Một số người canh gương mẫu”).

24 Sau khi Nước Trời được thành lập, Chúa Giê-su bổ nhiệm một nhóm nhỏ các anh phụng sự với tư cách là đầy tớ trung tín (Mat 24:45-47). Kể từ đó, đầy tớ trung tín, nay được biết đến là Hội đồng Lãnh đạo, đã làm công việc của người canh. Họ không chỉ dẫn đầu trong việc cảnh báo về “ngày báo thù” mà còn dẫn đầu trong việc rao báo “năm ban ơn của Đức Giê-hô-va”.—Ê-sai 61:2; cũng xem 2 Cô-rinh-tô 6:1, 2.

25, 26. (a) Mọi môn đồ của Chúa Giê-su có nhiệm vụ gì, và họ thi hành nhiệm vụ đó bằng cách nào? (b) Chúng ta sẽ thảo luận điều gì trong chương tới?

25 Đầy tớ trung tín dẫn đầu công việc của người canh. Tuy nhiên, Chúa Giê-su giao nhiệm vụ “luôn thức canh” cho mọi môn đồ của ngài (Mác 13:33-37). Chúng ta vâng theo mệnh lệnh đó bằng cách tiếp tục tỉnh thức về thiêng liêng, trung thành ủng hộ người canh thời nay. Chúng ta chứng tỏ mình tỉnh thức bằng cách hoàn thành trách nhiệm rao giảng (2 Ti 4:2). Điều gì thúc đẩy chúng ta làm công việc này? Một phần là vì chúng ta muốn cứu mạng người khác (1 Ti 4:16). Chẳng bao lâu nữa, rất nhiều người sẽ bị mất mạng vì lờ đi lời cảnh báo của người canh thời nay (Ê-xê 3:19). Nhưng động lực chính là chúng ta muốn chia sẻ tin tốt lành nhất: Sự thờ phượng thanh sạch đã được khôi phục! Ngay bây giờ, trong “năm ban ơn của Đức Giê-hô-va”, vẫn còn cơ hội để nhiều người hơn nữa cùng chúng ta thờ phượng Đức Giê-hô-va là Đức Chúa Trời công bằng và yêu thương. Chẳng bao lâu nữa, tất cả những người sống sót khi thế gian gian ác này kết thúc sẽ nhận được lợi ích từ sự cai trị yêu thương của Con ngài là Chúa Giê-su Ki-tô. Chẳng lẽ chúng ta lại do dự trong việc hỗ trợ người canh thời nay rao báo tin tốt lành như thế?—Mat 24:14.

Chúng ta vui mừng hỗ trợ người canh thời nay bằng cách chia sẻ tin mừng (Xem đoạn 25)

26 Ngay cả trước khi thế gian gian ác này kết thúc, Đức Giê-hô-va đã hợp nhất dân ngài một cách kỳ diệu. Chương tới sẽ thảo luận một lời tiên tri về hai thanh gỗ minh họa cho cách sự hợp nhất này xảy ra.

a Cụm từ “thảm họa” xuất hiện hơn 50 lần trong sách Giê-rê-mi.

b Để biết thêm về lời tiên tri này và sự ứng nghiệm của lời ấy, xin xem sách Nước Đức Chúa Trời đang cai trị!, chương 2 có tựa “Nước Trời được thành lập ở trên trời”.