Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

CHƯƠNG 5

‘Hãy xem những điều dữ và ghê tởm chúng đang làm’

‘Hãy xem những điều dữ và ghê tởm chúng đang làm’

Ê-XÊ-CHI-ÊN 8:9

TRỌNG TÂM CỦA CHƯƠNG: Sự suy đồi về mặt đạo đức và thiêng liêng của dân Giu-đa bội đạo

1-3. Đức Giê-hô-va muốn Ê-xê-chi-ên thấy điều gì trong đền thờ ở Giê-ru-sa-lem, và tại sao? (Xem giới thiệu Phần 2).

 Là con trai của thầy tế lễ, nhà tiên tri Ê-xê-chi-ên thông thạo Luật pháp Môi-se. Vì thế, ông quen thuộc với đền thờ ở Giê-ru-sa-lem và sự thờ phượng thanh sạch dành cho Đức Giê-hô-va diễn ra tại đó (Ê-xê 1:3; Mal 2:7). Nhưng vào năm 612 TCN, bất cứ người Do Thái trung thành nào, kể cả Ê-xê-chi-ên, cũng đều sẽ bị sốc nếu chứng kiến những điều đang diễn ra trong đền thờ của Đức Giê-hô-va.

2 Đức Giê-hô-va muốn Ê-xê-chi-ên thấy tình trạng tồi tệ tại đền thờ và sau đó kể lại cho “các trưởng lão của Giu-đa”, là những người Do Thái cùng bị lưu đày đang nhóm lại tại nhà ông. (Đọc Ê-xê-chi-ên 8:1-4; Ê-xê 11:24, 25; 20:1-3). Bằng thần khí thánh, Đức Giê-hô-va đem Ê-xê-chi-ên (qua khải tượng) đi hàng trăm cây số về phía tây, từ nhà của ông tại Tên-a-bíp gần sông Kê-ba ở Ba-by-lôn đến Giê-ru-sa-lem. Đức Giê-hô-va đặt nhà tiên tri này tại đền thờ, ở cổng phía bắc của sân trong. Từ vị trí này, qua một khải tượng, Đức Giê-hô-va đưa ông đi tham quan đền thờ.

3 Ê-xê-chi-ên chứng kiến bốn cảnh tượng gây sốc. Những cảnh tượng này phản ánh sự suy đồi tột độ về mặt thiêng liêng của dân Giu-đa. Chuyện gì xảy ra với sự thờ phượng thanh sạch dành cho Đức Giê-hô-va? Khải tượng này có ý nghĩa gì với chúng ta? Hãy cùng Ê-xê-chi-ên tham quan đền thờ. Nhưng trước hết, chúng ta cần xem xét đòi hỏi chính đáng của Đức Giê-hô-va nơi những người thờ phượng ngài.

“Ta... là Đức Chúa Trời đòi hỏi lòng sùng kính chuyên độc”

4. Đức Giê-hô-va đòi hỏi điều gì nơi những người thờ phượng ngài?

4 Khoảng chín thế kỷ trước thời Ê-xê-chi-ên, Đức Giê-hô-va đã cho biết rõ ngài đòi hỏi gì nơi những người thờ phượng ngài. Trong điều răn thứ hai của Mười Điều Răn, Đức Giê-hô-va phán với dân Y-sơ-ra-ên: a “Ta là Giê-hô-va Đức Chúa Trời ngươi, là Đức Chúa Trời đòi hỏi lòng sùng kính chuyên độc” (Xuất 20:5). Qua cụm từ “lòng sùng kính chuyên độc”, Đức Giê-hô-va cho thấy ngài không dung túng việc thờ phượng bất cứ thần nào khác. Chương 2 cho biết đòi hỏi đầu tiên của sự thờ phượng thanh sạch, đó là người nhận lòng sùng kính của chúng ta phải là Đức Giê-hô-va. Những người thờ phượng Đức Giê-hô-va phải đặt ngài lên hàng đầu trong đời sống (Xuất 20:3). Nói cách khác, Đức Giê-hô-va đòi hỏi họ giữ thanh sạch về mặt thiêng liêng bằng cách không pha trộn sự thờ phượng thật với sự thờ phượng sai lầm. Vào năm 1513 TCN, dân Y-sơ-ra-ên tự nguyện dự phần vào giao ước Luật pháp. Khi làm thế, họ đồng ý dâng cho Đức Giê-hô-va lòng sùng kính chuyên độc (Xuất 24:3-8). Đức Giê-hô-va là đấng thành tín và luôn giữ giao ước mà ngài đã lập. Ngài đòi hỏi dân dự phần vào giao ước cũng phải thành tín như thế.—Phục 7:9, 10; 2 Sa 22:26.

5, 6. Tại sao Đức Giê-hô-va xứng đáng để dân Y-sơ-ra-ên sùng kính một cách chuyên độc?

5 Có hợp lý không khi Đức Giê-hô-va đòi hỏi lòng sùng kính chuyên độc nơi dân Y-sơ-ra-ên? Chắc chắn là có! Vì ngài là Đức Chúa Trời Toàn Năng, Đấng Cai Trị Hoàn Vũ, đấng ban và duy trì sự sống (Thi 36:9; Công 17:28). Đức Giê-hô-va cũng là Đấng Giải Cứu của dân Y-sơ-ra-ên. Khi ban cho dân này Mười Điều Răn, ngài nhắc nhở họ: “Ta là Giê-hô-va Đức Chúa Trời ngươi, là đấng đã dẫn ngươi ra khỏi xứ Ai Cập, khỏi nhà nô lệ” (Xuất 20:2). Rõ ràng, Đức Giê-hô-va xứng đáng với vị trí độc nhất trong lòng dân Y-sơ-ra-ên.

6 Đức Giê-hô-va không hề thay đổi (Mal 3:6). Từ trước đến nay, ngài luôn đòi hỏi lòng sùng kính chuyên độc. Hãy hình dung Đức Giê-hô-va cảm thấy thế nào về bốn cảnh tượng tồi tệ mà ngài cho Ê-xê-chi-ên thấy qua khải tượng.

Cảnh tượng thứ nhất: Hình tượng ghen tuông

7. (a) Những người Do Thái bội đạo đang làm gì ở cổng phía bắc của đền thờ, và điều này khiến Đức Giê-hô-va phản ứng ra sao? (Xem hình nơi đầu bài). (b) Đức Giê-hô-va nổi cơn ghen theo nghĩa nào? (Xem chú thích).

7 Đọc Ê-xê-chi-ên 8:5, 6. Hẳn Ê-xê-chi-ên đã bị sốc! Tại cổng phía bắc của đền thờ, những người Do Thái bội đạo đang thờ một hình tượng. Có lẽ đó là một cột thờ tượng trưng cho A-sê-ra, nữ thần mà người Ca-na-an xem là vợ của Ba-anh. Dù hình tượng đó là gì đi nữa, những người Y-sơ-ra-ên bội đạo này đã vi phạm các điều khoản trong giao ước của Đức Giê-hô-va. Họ đã dâng lòng sùng kính cho một hình tượng, là điều đúng ra chỉ Đức Giê-hô-va mới xứng đáng nhận. Khi làm vậy, họ khiến ngài nổi cơn ghen và tức giận một cách chính đáng b (Phục 32:16; Ê-xê 5:13). Hãy nghĩ đến điều này: Trong hơn 400 năm, nơi thánh của đền thờ được xem là nơi mà Đức Giê-hô-va ngự (1 Vua 8:10-13). Nhưng giờ đây, qua việc thờ thần tượng ngay tại khu đền thờ, những người này đã khiến Đức Giê-hô-va “lìa xa nơi thánh của [ngài]”.

8. Khải tượng của Ê-xê-chi-ên về hình tượng ghen tuông có ý nghĩa gì vào thời chúng ta?

8 Khải tượng của Ê-xê-chi-ên về hình tượng ghen tuông có ý nghĩa gì vào thời chúng ta? Hẳn dân Giu-đa bội đạo nhắc chúng ta nhớ đến khối Ki-tô giáo. Khối đạo này cho rằng mình thờ phượng Đức Chúa Trời. Nhưng ngài không chấp nhận sự thờ phượng ấy bởi vì họ thờ thần tượng. Vì Đức Giê-hô-va không thay đổi nên chúng ta có thể tin chắc rằng khối Ki-tô giáo, giống như dân Giu-đa bội đạo, đã khiến ngài tức giận một cách chính đáng (Gia 1:17). Chắc chắn Đức Giê-hô-va không chấp nhận hình thức biến chất này của đạo Đấng Ki-tô.

9, 10. Chúng ta nhận được bài học nào khi đọc về những người thờ thần tượng trong đền thờ?

9 Chúng ta nhận được bài học nào khi đọc về những người thờ thần tượng trong đền thờ? Để dâng cho Đức Giê-hô-va lòng sùng kính chuyên độc, chúng ta phải “tránh xa việc thờ thần tượng” (1 Cô 10:14). Có thể chúng ta tự nhủ: “Mình sẽ không bao giờ dùng hình tượng để thờ phượng Đức Giê-hô-va”. Nhưng có nhiều hình thức thờ thần tượng, trong đó một số hình thức này tinh vi hơn một số hình thức khác. Một sách tham khảo về Kinh Thánh cho biết: “Thờ thần tượng là lối nói ẩn dụ cho việc xem bất cứ thứ gì có giá trị hoặc quyền lực là quan trọng hơn việc thờ phượng Đức Chúa Trời”. Vì thế, thờ thần tượng có thể bao gồm bất cứ điều gì mà chúng ta đặt lên hàng đầu trong đời sống như của cải vật chất, tiền bạc, tình dục hoặc giải trí. Điều chúng ta đặt lên hàng đầu sẽ thay thế lòng sùng kính chuyên độc chỉ thuộc về Đức Giê-hô-va (Mat 6:19-21, 24; Ê-phê 5:5; Cô 3:5). Chúng ta phải cảnh giác trước mọi hình thức thờ thần tượng, vì chỉ Đức Giê-hô-va mới có quyền nhận sự thờ phượng chuyên độc và xứng đáng với vị trí độc nhất trong lòng chúng ta.—1 Giăng 5:21.

10 Cảnh tượng đầu tiên mà Đức Giê-hô-va cho Ê-xê-chi-ên thấy bao gồm “những điều kinh khủng và ghê tởm”. Nhưng Đức Giê-hô-va nói với nhà tiên tri trung thành của ngài: “Con sẽ thấy những điều ghê tởm còn tệ hơn nữa”. Điều gì có thể kinh khủng hơn việc thờ hình tượng ghen tuông ngay trong khu đền thờ?

Cảnh tượng thứ hai: 70 trưởng lão dâng hương cho các thần giả

11. Ê-xê-chi-ên chứng kiến những điều gớm ghiếc nào sau khi vào sân trong nơi gần bàn thờ?

11 Đọc Ê-xê-chi-ên 8:7-12. Khi đục xuyên qua tường và vào sân trong nơi gần bàn thờ, Ê-xê-chi-ên thấy trên tường có những hình chạm “loài vật bò trên đất và loài thú kinh tởm, cũng thấy mọi thần tượng gớm ghiếc”. c Những hình chạm này tượng trưng cho các thần giả. Điều mà Ê-xê-chi-ên thấy sau đó còn gớm ghiếc hơn: “Có 70 trưởng lão của nhà Y-sơ-ra-ên” đứng “trong bóng tối” và dâng hương cho các thần giả. Theo Luật pháp, việc đốt hương có mùi thơm dễ chịu tượng trưng cho lời cầu nguyện được nhậm của những người thờ phượng trung thành (Thi 141:2). Nhưng đối với Đức Giê-hô-va, hương mà 70 trưởng lão dâng cho các thần giả lại tạo ra mùi hôi thối. Những lời cầu nguyện của họ giống như mùi kinh tởm đối với ngài (Châm 15:8). Các trưởng lão này đã tự dối mình khi nghĩ: “Đức Giê-hô-va không thấy chúng ta đâu”. Nhưng Đức Giê-hô-va thấy họ và ngài cho Ê-xê-chi-ên chứng kiến điều mà họ đang làm trong đền thờ của ngài.

Đức Giê-hô-va thấy mọi việc ghê tởm mà người ta làm “trong bóng tối” (Xem đoạn 11)

12. Tại sao chúng ta phải giữ lòng trung thành ngay cả khi ở “trong bóng tối”, và ai đặc biệt cần nêu gương tốt về phương diện này?

12 Chúng ta có thể học được gì từ lời tường thuật của Ê-xê-chi-ên về 70 trưởng lão Y-sơ-ra-ên đã dâng hương cho các thần giả? Để Đức Chúa Trời nghe lời cầu nguyện và để sự thờ phượng của chúng ta được thanh sạch trước mắt ngài, chúng ta phải giữ lòng trung thành ngay cả khi ở “trong bóng tối” (Châm 15:29). Hãy nhớ là Đức Giê-hô-va luôn nhìn thấy mọi điều chúng ta làm. Nếu xem Đức Giê-hô-va là đấng có thật, chúng ta sẽ không làm bất cứ điều gì khiến ngài buồn lòng, ngay cả khi chúng ta ở một mình (Hê 4:13). Đặc biệt, các trưởng lão trong hội thánh phải nêu gương tốt trong việc làm theo nguyên tắc Kinh Thánh (1 Phi 5:2, 3). Hội thánh mong đợi chính đáng là một trưởng lão đứng trên bục để dẫn đầu trong việc thờ phượng phải sống theo nguyên tắc Kinh Thánh, ngay cả khi ở “trong bóng tối”, tức là lúc mà người khác không thấy anh.—Thi 101:2, 3.

Cảnh tượng thứ ba: “Các phụ nữ... than khóc thần Tham-mu”

13. Ê-xê-chi-ên thấy những phụ nữ bội đạo đang làm gì tại một trong các cổng của đền thờ?

13 Đọc Ê-xê-chi-ên 8:13, 14. Sau hai cảnh tượng đầu tiên về những thực hành ghê tởm, Đức Giê-hô-va lại nói với Ê-xê-chi-ên: “Con sẽ thấy những điều ghê tởm chúng đang làm còn tệ hơn nữa”. Vậy nhà tiên tri thấy điều gì sau đó? Tại “lối ra vào ở cổng phía bắc của nhà Đức Giê-hô-va”, ông thấy “các phụ nữ ngồi than khóc thần Tham-mu”. Tham-mu là thần của vùng Mê-sô-bô-ta-mi. Thần này được gọi là Đu-mu-xi trong các tài liệu của người Su-me và được xem là chồng hoặc người tình của nữ thần sinh sản I-sơ-ta. d Những người phụ nữ Y-sơ-ra-ên đang than khóc theo một nghi lễ tôn giáo liên hệ đến cái chết của thần Tham-mu. Khi than khóc thần này trong đền thờ của Đức Giê-hô-va, họ đang thực hành một nghi lễ ngoại giáo tại trung tâm của sự thờ phượng thanh sạch. Nhưng một nghi lễ ngoại giáo không trở nên thánh chỉ vì được thực hành trong đền thờ của Đức Chúa Trời. Theo quan điểm của Đức Giê-hô-va, các phụ nữ bội đạo này đang làm “những điều ghê tởm”.

14. Chúng ta có thể học được gì từ quan điểm của Đức Giê-hô-va về điều mà những phụ nữ bội đạo này đang làm?

14 Chúng ta học được gì từ quan điểm của Đức Giê-hô-va về điều mà những phụ nữ này đang làm? Để giữ cho sự thờ phượng được thanh sạch, chúng ta không bao giờ pha trộn sự thờ phượng ấy với những thực hành ngoại giáo ô uế. Vì thế, chúng ta không được dính líu đến các ngày lễ bắt nguồn từ ngoại giáo. Nguồn gốc có thật sự quan trọng không? Có. Ngày nay, những thực hành liên quan đến một số ngày lễ như Tết Nguyên Đán và Lễ Giáng Sinh có vẻ như vô hại. Nhưng đừng quên rằng Đức Giê-hô-va thấy những thực hành ngoại giáo thời xưa, là nguồn gốc của nhiều ngày lễ hiện nay. Theo quan điểm của Đức Giê-hô-va, những thực hành ngoại giáo không bớt phần ghê tởm theo thời gian hoặc chỉ vì chúng được pha trộn với sự thờ phượng thanh sạch.—2 Cô 6:17; Khải 18:2, 4.

Cảnh tượng thứ tư: 25 người đàn ông “cúi lạy mặt trời”

15, 16. Hai mươi lăm người đàn ông đang làm gì ở sân trong của đền thờ? Tại sao hành động của họ xúc phạm nặng nề đến Đức Giê-hô-va?

15 Đọc Ê-xê-chi-ên 8:15-18. Đức Giê-hô-va mở đầu cảnh tượng thứ tư và cũng là cảnh tượng cuối cùng bằng một câu quen thuộc: “Con sẽ thấy những điều ghê tởm còn tệ hơn, còn xấu hơn nữa”. Có lẽ nhà tiên tri tự hỏi: “Còn điều gì kinh khủng hơn những thứ mà mình đã chứng kiến?”. Ê-xê-chi-ên được đưa tới sân trong của đền thờ. Tại lối ra vào đền thờ, ông thấy 25 người đàn ông đang cúi lạy “mặt trời ở hướng đông”. Những người này đã xúc phạm Đức Giê-hô-va một cách rất thậm tệ. Như thế nào?

16 Hãy hình dung cảnh này: Lối vào đền thờ của Đức Chúa Trời hướng về phía đông. Những người thờ phượng ngài khi vào đền thờ sẽ hướng mặt về phía tây và quay lưng về phía mặt trời mọc, là phía đông. Nhưng 25 người đàn ông trong khải tượng đã “quay lưng lại đền thờ” và hướng mặt về phía đông để thờ lạy mặt trời. Khi làm thế, họ đã quay lưng lại với Đức Giê-hô-va, vì đền thờ đó là “nhà Đức Giê-hô-va” (1 Vua 8:10-13). Những người đàn ông này là kẻ bội đạo. Họ đã lờ đi Đức Giê-hô-va và vi phạm mệnh lệnh được ghi nơi Phục truyền luật lệ 4:15-19. Quả là một sự xúc phạm đối với Đức Chúa Trời, là đấng xứng đáng nhận lòng sùng kính chuyên độc!

Đức Giê-hô-va xứng đáng nhận lòng sùng kính chuyên độc của những người thờ phượng ngài

17, 18. (a) Chúng ta có thể học được gì từ lời tường thuật về những người thờ lạy mặt trời? (b) Những người Y-sơ-ra-ên bội đạo đã làm tổn hại các mối quan hệ nào, và bằng cách nào?

17 Chúng ta có thể học được gì từ lời tường thuật về những người thờ lạy mặt trời? Chúng ta cần hướng đến Đức Giê-hô-va để được soi sáng về thiêng liêng. Khi làm thế, chúng ta giữ cho sự thờ phượng của mình được thanh sạch. Hãy nhớ rằng “Giê-hô-va Đức Chúa Trời là vầng dương” và Lời ngài là “ánh sáng” cho đường lối chúng ta (Thi 84:11; 119:105). Qua Lời ngài và các ấn phẩm dựa trên Kinh Thánh của tổ chức ngài, Đức Giê-hô-va soi sáng lòng và trí của chúng ta, cho chúng ta biết cách để có một đời sống thỏa nguyện ngay bây giờ và sự sống vĩnh cửu trong tương lai. Nếu tìm kiếm sự hướng dẫn của thế gian về cách sống thì chúng ta đang quay lưng lại với Đức Giê-hô-va. Khi hành động như thế, chúng ta sẽ xúc phạm nặng nề đến Đức Giê-hô-va và khiến ngài rất đau lòng. Chúng ta không bao giờ muốn làm thế với Cha trên trời. Khải tượng của Ê-xê-chi-ên cũng là một lời cảnh báo để chúng ta tránh xa những người quay lưng lại với chân lý, tức những kẻ bội đạo.—Châm 11:9.

18 Đến lúc này, Ê-xê-chi-ên đã chứng kiến bốn cảnh tượng tồi tệ về việc thờ thần tượng và sự thờ phượng sai lầm. Những cảnh tượng này cho thấy dân Giu-đa đã trở nên ô uế đến mức nào về mặt thiêng liêng. Sự ô uế này khiến mối quan hệ của họ với Đức Chúa Trời bị rạn nứt. Nhưng sự ô uế về mặt thiêng liêng và sự suy đồi về đạo đức thường đi đôi với nhau. Vì thế, không ngạc nhiên gì khi dân Y-sơ-ra-ên bội đạo đã thực hành đủ mọi hình thức của những điều trái đạo đức, gây tổn hại đến mối quan hệ của họ với cả Đức Giê-hô-va lẫn người đồng loại. Hãy xem cách nhà tiên tri Ê-xê-chi-ên miêu tả sự thối nát về đạo đức của dân Giu-đa bội đạo.

Ô uế về đạo đức—“Hành vi bẩn thỉu giữa ngươi”

19. Ê-xê-chi-ên miêu tả tình trạng suy đồi về đạo đức của dân trong giao ước như thế nào?

19 Đọc Ê-xê-chi-ên 22:3-12. Cả xứ Giu-đa, từ người lãnh đạo đến dân chúng, đều tha hóa về đạo đức. Các “thủ lĩnh”, tức các nhà lãnh đạo, dùng quyền hành để làm đổ máu vô tội. Hẳn dân chúng cũng bắt chước những nhà lãnh đạo khi khinh thường Luật pháp của Đức Chúa Trời. Trong gia đình, con cái “khinh dể” cha mẹ và việc loạn luân trở nên phổ biến. Trong xứ, những người Y-sơ-ra-ên phản nghịch đã lừa đảo ngoại kiều cũng như ngược đãi trẻ mồ côi cha và góa phụ. Những người nam của Y-sơ-ra-ên ăn nằm với vợ người khác. Dân chúng buông mình theo lối sống tham lam vô độ qua việc hối lộ, tống tiền và cho vay nặng lãi. Hẳn Đức Giê-hô-va rất đau lòng khi thấy dân trong giao ước của ngài chà đạp Luật pháp và lờ đi tình yêu thương mà ngài thể hiện qua Luật pháp ấy. Sự suy đồi về đạo đức của họ là một sự xúc phạm đến chính ngài. Qua nhà tiên tri Ê-xê-chi-ên, Đức Giê-hô-va phán với dân vô đạo đức này: “Ngươi đã quên mất ta”.

Dưới sự ảnh hưởng của khối Ki-tô giáo, thế gian ngày càng chìm đắm trong tình trạng bạo lực và vô luân (Xem đoạn 20)

20. Tại sao sự miêu tả của Ê-xê-chi-ên về tình trạng đạo đức của dân Giu-đa có ý nghĩa vào thời nay?

20 Tại sao sự miêu tả của Ê-xê-chi-ên về tình trạng đạo đức của dân Giu-đa lại có ý nghĩa vào thời nay? Sự tha hóa của dân bội đạo này nhắc chúng ta nhớ đến thế gian suy đồi về đạo đức hiện nay. Các nhà lãnh đạo chính trị lạm dụng quyền hành và hà hiếp dân thường. Những nhà lãnh đạo tôn giáo, đặc biệt là hàng giáo phẩm của khối Ki-tô giáo, đã chúc phước cho các cuộc chiến cướp đi tính mạng của hàng triệu người. Họ hạ thấp các tiêu chuẩn thanh sạch và rõ ràng của Kinh Thánh về tính dục. Hậu quả là các tiêu chuẩn đạo đức của thế giới này ngày càng suy đồi. Hẳn điều Đức Giê-hô-va nói với dân Giu-đa bội đạo cũng áp dụng cho khối Ki-tô giáo: “Ngươi đã quên mất ta”.

21. Chúng ta có thể học được gì từ sự ô uế về đạo đức của dân Giu-đa?

21 Là dân của Đức Giê-hô-va, chúng ta có thể học được gì từ sự ô uế về đạo đức của dân Giu-đa? Để sự thờ phượng của mình được ngài chấp nhận, chúng ta phải giữ hạnh kiểm thanh sạch trong mọi khía cạnh. Điều này không hề dễ trong thế gian tha hóa về đạo đức ngày nay (2 Ti 3:1-5). Tuy nhiên, chúng ta biết Đức Giê-hô-va cảm thấy thế nào trước mọi hình thức tha hóa về đạo đức (1 Cô 6:9, 10). Vì yêu mến Đức Giê-hô-va và luật pháp ngài, chúng ta làm theo các tiêu chuẩn đạo đức của ngài (Thi 119:97; 1 Giăng 5:3). Việc trở nên tha hóa về đạo đức cho thấy chúng ta không yêu thương Đức Chúa Trời thánh khiết. Chúng ta không bao giờ muốn làm bất cứ điều gì khiến Đức Giê-hô-va nói với mình: “Ngươi đã quên mất ta”.

22. (a) Sau khi xem xét những điều Đức Giê-hô-va tiết lộ về dân Giu-đa, anh chị quyết tâm làm gì? (b) Chúng ta sẽ thảo luận điều gì trong chương tới?

22 Chúng ta đã học được một số bài học quý giá từ việc Đức Giê-hô-va tiết lộ sự suy đồi về mặt đạo đức và thiêng liêng của dân Giu-đa. Chắc chắn, chúng ta càng quyết tâm dâng lòng sùng kính chuyên độc cho Đức Giê-hô-va, là điều mà ngài hoàn toàn xứng đáng nhận. Để làm thế, chúng ta cần đề phòng mọi hình thức thờ thần tượng và giữ thanh sạch về đạo đức. Nhưng Đức Giê-hô-va đã xử lý dân bất trung của ngài như thế nào? Khi Ê-xê-chi-ên kết thúc chuyến tham quan đền thờ, Đức Giê-hô-va nói rõ với ông: “Ta sẽ giận dữ mà ra tay” (Ê-xê 8:17, 18). Chúng ta muốn biết Đức Giê-hô-va xử lý dân Giu-đa bất trung như thế nào, vì ngài sẽ thi hành án phạt tương tự trên thế gian gian ác này. Chương tới sẽ xem xét những phán quyết của Đức Giê-hô-va trở thành hiện thực như thế nào.

a Trong sách Ê-xê-chi-ên, từ “Y-sơ-ra-ên” thường được dùng để nói đến cư dân Giu-đa và Giê-ru-sa-lem.—Ê-xê 12:19, 22; 18:2; 21:2, 3.

b Việc dùng từ “ghen tuông” cho thấy Đức Giê-hô-va xem sự trung thành là vấn đề rất quan trọng. Chúng ta có thể nghĩ đến sự phẫn nộ của người chồng khi vợ không chung thủy (Châm 6:34). Như một người chồng, Đức Giê-hô-va có lý do chính đáng để phẫn nộ khi dân trong giao ước của ngài bất trung qua việc thờ thần tượng. Một sách tham khảo cho biết: “Đức Chúa Trời ghen tuông... là do sự thánh khiết của Ngài. Vì một mình Ngài là Đấng Thánh..., Ngài sẽ không dung túng bất cứ đối thủ nào”.—Xuất 34:14.

c Cụm từ Hê-bơ-rơ được dịch là “thần tượng gớm ghiếc” có lẽ liên quan đến một từ Hê-bơ-rơ mang nghĩa là “phân”, và được dùng để tỏ ý khinh bỉ.

d Một số người cho rằng Tham-mu là tên gọi khác của Nim-rốt nhưng không có cơ sở thực tế nào cho thấy điều đó.