CHƯƠNG 3
“Được tràn đầy thần khí thánh”
Kết quả từ việc đổ thần khí thánh vào Lễ Ngũ Tuần
Dựa trên Công vụ 2:1-47
1. Hãy miêu tả bầu không khí của Lễ Ngũ Tuần.
Đường phố Giê-ru-sa-lem nhộn nhịp trong bầu không khí háo hức. a Khói từ bàn thờ tế lễ bay lên trong lúc những người Lê-vi hát bài Hallel (Thi thiên 113 đến 118), có lẽ theo thể hát đối đáp. Các ngả đường tấp nập khách viếng thăm. Họ đến từ những nơi rất xa như Ê-lam, Mê-sô-bô-ta-mi, Cáp-ba-đô-xi-a, Bon-tu, Ai Cập và Rô-ma. b Dịp gì vậy? Là Lễ Ngũ Tuần, còn gọi là “ngày dâng thổ sản chín đầu mùa” (Dân 28:26). Lễ hội thường niên này đánh dấu sự kết thúc mùa gặt lúa mạch và khởi đầu mùa gặt lúa mì. Đó là một ngày tràn ngập niềm vui.
2. Sự kiện đáng kinh ngạc nào xảy ra vào Lễ Ngũ Tuần năm 33 CN?
2 Khoảng chín giờ vào buổi sáng mùa xuân ấm áp năm 33 CN ấy, có một sự kiện xảy ra mà nhiều thế kỷ sau ai nghe cũng phải ngạc nhiên. Thình lình, từ trời “có tiếng động như tiếng gió thổi mạnh”, hay “như tiếng gió bão” (Công 2:2; Trịnh Văn Căn). Tiếng động ấy lan khắp căn nhà, nơi mà 120 môn đồ của Chúa Giê-su đang nhóm lại. Kế đến, một điều hết sức kinh ngạc xảy ra. Có gì như các lưỡi lửa hiện ra, mỗi cái đậu trên một môn đồ. c Rồi họ “được tràn đầy thần khí thánh” và bắt đầu nói những thứ tiếng khác. Khi các môn đồ ra khỏi nhà, những du khách họ gặp trên đường phố Giê-ru-sa-lem đều sửng sốt, vì các môn đồ có thể nói chuyện với họ! Thật vậy, mỗi người đều nghe “các môn đồ nói ngôn ngữ của họ”.—Công 2:1-6.
3. (a) Tại sao Lễ Ngũ Tuần năm 33 CN có thể được gọi là mốc lịch sử của sự thờ phượng thật? (b) Lời giảng của Phi-e-rơ liên quan chặt chẽ với việc dùng “các chìa khóa của Nước Trời” như thế nào?
3 Lời tường thuật đầy hào hứng này miêu tả một mốc lịch sử của sự thờ phượng thật, đó là sự thành lập dân Y-sơ-ra-ên thiêng liêng, tức hội thánh gồm các tín đồ được xức dầu (Ga 6:16). Nhưng không chỉ có thế. Khi nói với đoàn dân đông ngày hôm đó, Phi-e-rơ đã dùng chìa khóa thứ nhất trong ba “chìa khóa của Nước Trời”, mỗi chìa mở ra những đặc ân cho một nhóm người khác nhau (Mat 16:18, 19). Chìa khóa thứ nhất mở cho người Do Thái cũng như người cải đạo Do Thái cơ hội chấp nhận tin mừng và được xức dầu bằng thần khí thánh Đức Chúa Trời. d Vì vậy họ trở thành một phần của dân Y-sơ-ra-ên thiêng liêng, nhờ thế có hy vọng làm vua và thầy tế lễ trong Nước của Đấng Mê-si (Khải 5:9, 10). Với thời gian, đặc ân này cũng được mở rộng cho người Sa-ma-ri và sau đó là dân ngoại. Tín đồ đạo Đấng Ki-tô ngày nay có thể học được gì từ những sự kiện quan trọng vào Lễ Ngũ Tuần năm 33 CN?
“Họ nhóm lại một chỗ” (Công vụ 2:1-4)
4. Tại sao có thể nói hội thánh đạo Đấng Ki-tô thời nay chính là sự nới rộng của hội thánh được hình thành năm 33 CN?
4 Hội thánh đạo Đấng Ki-tô khởi đầu với khoảng 120 môn đồ “nhóm lại một chỗ” là căn phòng trên lầu, và được xức dầu bằng thần khí thánh (Công 2:1). Cuối ngày hôm đó, tổng số thành viên đã báp-têm của hội thánh ấy lên đến hàng ngàn. Đó chỉ là khởi đầu trong sự phát triển của một tổ chức vẫn tiếp tục nới rộng vào thời nay! Thật vậy, đoàn thể những người nam và nữ kính sợ Đức Chúa Trời, tức hội thánh đạo Đấng Ki-tô thời nay, chính là phương tiện để ‘tin mừng về Nước Trời được rao truyền khắp đất để làm chứng cho muôn dân’, trước khi đến thời điểm kết thúc của thế gian này.—Mat 24:14.
5. Vào thế kỷ thứ nhất lẫn ngày nay, việc kết hợp với hội thánh đạo Đấng Ki-tô mang lại ân phước nào?
5 Hội thánh đạo Đấng Ki-tô cũng là nguồn sức mạnh về mặt thiêng liêng cho mỗi thành viên, cả những người được xức dầu lẫn “chiên khác” sau này (Giăng 10:16). Trong thư gửi cho các tín đồ ở Rô-ma, Phao-lô bày tỏ lòng quý trọng việc các thành viên trong hội thánh hỗ trợ lẫn nhau. Ông viết: “Tôi mong mỏi được gặp anh em để chia sẻ món quà thiêng liêng giúp anh em vững mạnh; hay để chúng ta khích lệ lẫn nhau bằng đức tin của mỗi người, tức là của anh em và của tôi”.—Rô 1:11, 12.
6, 7. Làm thế nào hội thánh đạo Đấng Ki-tô thời nay thực hiện sứ mạng được giao là rao giảng cho muôn dân?
6 Ngày nay, hội thánh đạo Đấng Ki-tô cũng có những mục tiêu giống như thời thế kỷ thứ nhất. Chúa Giê-su đã giao cho môn đồ ngài một công việc đầy thách đố nhưng rất hào hứng. Ngài bảo họ: “Hãy đi đào tạo người từ muôn dân trở thành môn đồ tôi, làm phép báp-têm cho họ nhân danh Cha, Con và thần khí thánh, dạy họ giữ mọi điều mà tôi đã truyền cho anh em”.—Mat 28:19, 20.
7 Hội thánh Nhân Chứng Giê-hô-va chính là công cụ để thực hiện công việc ấy vào thời nay. Dĩ nhiên, tiếp cận với những người thuộc các ngôn ngữ khác nhau là cả một thách đố. Dù vậy, Nhân Chứng Giê-hô-va đã xuất bản tài liệu dựa trên Kinh Thánh trong hơn 1.000 ngôn ngữ. Nếu đang tích cực kết hợp với hội thánh đạo Đấng Ki-tô, tham gia công việc rao giảng về Nước Trời và đào tạo môn đồ, thì anh chị có lý do để vui mừng. Anh chị nằm trong số người tương đối ít trên đất hiện nay có đặc ân làm chứng cặn kẽ về danh Đức Giê-hô-va!
8. Chúng ta nhận được lợi ích nào qua hội thánh đạo Đấng Ki-tô?
8 Để giúp anh chị vui mừng chịu đựng trong thời kỳ khó khăn này, Giê-hô-va Đức Chúa Trời đã cung cấp một đoàn thể anh em trên khắp thế giới. Phao-lô viết cho các tín đồ người Hê-bơ-rơ: “Hãy quan tâm đến nhau để khuyến giục nhau biểu lộ tình yêu thương và làm việc lành, chớ bỏ việc nhóm họp với nhau như một số người quen làm, nhưng hãy khuyến khích nhau, và khi thấy ngày ấy gần kề thì càng phải làm như thế nhiều hơn nữa” (Hê 10:24, 25). Hội thánh đạo Đấng Ki-tô là một sắp đặt của Đức Giê-hô-va để anh chị có thể khuyến khích người khác và chính anh chị cũng được khích lệ. Hãy luôn gắn bó với anh em đồng đạo. Đừng bao giờ bỏ việc “nhóm họp với nhau” tại các buổi họp của đạo Đấng Ki-tô!
“Mỗi người đều nghe... ngôn ngữ của họ” (Công vụ 2:5-13)
9, 10. Một số anh chị tình nguyện làm gì để tiếp cận với những người nói ngôn ngữ khác?
9 Hãy tưởng tượng sự hào hứng tràn ngập trong nhóm người Do Thái và người cải đạo Do Thái vào Lễ Ngũ Tuần năm 33 CN. Phần đông trong số họ rất có thể sử dụng một ngôn ngữ chung, như tiếng Hy Lạp hoặc Hê-bơ-rơ. Nhưng giờ đây, “mỗi người đều nghe các môn đồ nói ngôn ngữ của họ” (Công 2:6). Hẳn những người ấy rất cảm động khi nghe tin mừng trong tiếng mẹ đẻ. Dĩ nhiên, tín đồ đạo Đấng Ki-tô ngày nay không được ban khả năng kỳ diệu để nói tiếng nước ngoài. Tuy nhiên, nhiều người đã tình nguyện rao truyền thông điệp Nước Trời cho người thuộc mọi nước. Họ làm thế bằng cách nào? Một số đã học ngoại ngữ để có thể phục vụ trong một hội thánh nói tiếng nước ngoài gần đó hoặc thậm chí dọn đến nước khác. Họ thường nhận thấy rằng người nghe rất cảm kích nỗ lực của họ.
10 Hãy xem kinh nghiệm của chị Christine. Chị đã học một khóa tiếng Gujarati cùng bảy Nhân Chứng khác. Khi gặp một đồng nghiệp nói tiếng này, chị chào người phụ nữ trẻ ấy bằng tiếng mẹ đẻ của cô. Cô rất ấn tượng và muốn biết tại sao chị nỗ lực để học một ngôn ngữ khó như thế. Chị Christine đã có dịp làm chứng tốt. Cô ấy nói với chị: “Hẳn chị có điều gì đó rất quan trọng để nói”.
11. Chúng ta được trang bị thế nào để rao giảng tin mừng cho người nói ngôn ngữ khác?
11 Tất nhiên không phải ai trong chúng ta cũng có thể học ngôn ngữ khác. Dù vậy, chúng ta có thể chuẩn bị sẵn sàng để rao giảng thông điệp Nước Trời cho người thuộc các nhóm ngôn ngữ khác. Bằng cách nào? Một cách là dùng ứng dụng JW Language® để học một lời chào hỏi đơn giản bằng ngôn ngữ phổ biến trong khu vực. Anh chị cũng có thể học một vài câu gợi sự chú ý của người nghe. Hãy hướng họ đến jw.org, và có thể cho xem các video và ấn phẩm đa dạng có trong ngôn ngữ của họ. Khi dùng những công cụ này trong thánh chức, chúng ta sẽ có cùng niềm vui mà các anh em vào thế kỷ thứ nhất đã có khi những người đến từ vùng khác kinh ngạc vì được nghe tin mừng, “mỗi người đều nghe [bằng] ngôn ngữ của họ”.
‘Phi-e-rơ đứng dậy’ (Công vụ 2:14-37)
12. (a) Nhà tiên tri Giô-ên đã nói gì liên quan đến sự kiện phi thường diễn ra tại Lễ Ngũ Tuần năm 33 CN? (b) Tại sao vào thế kỷ thứ nhất người ta mong đợi lời tiên tri của Giô-ên được ứng nghiệm?
12 ‘Phi-e-rơ đứng dậy’ nói với đám đông đến từ nhiều nước (Công 2:14). Ông giải thích cho tất cả những ai muốn nghe biết rằng khả năng kỳ diệu nói tiếng nước ngoài là do Đức Chúa Trời ban để làm ứng nghiệm lời tiên tri của Giô-ên: “Ta sẽ đổ thần khí trên mọi loại người” (Giô-ên 2:28). Trước khi lên trời, Chúa Giê-su nói với môn đồ ngài: “Tôi sẽ xin Cha và ngài sẽ ban [cho anh em] một sự trợ giúp khác”, và ngài cho biết đó là “thần khí”.—Giăng 14:16, 17.
13, 14. Phi-e-rơ cố gắng động đến lòng người nghe bằng cách nào, và làm sao chúng ta có thể bắt chước cách của ông?
13 Lời kết của Phi-e-rơ trước đám đông thật quả quyết: “Hỡi cả nhà Y-sơ-ra-ên, hãy biết chắc rằng Chúa Giê-su này, người mà anh em xử tử trên cây cột, đã được Đức Chúa Trời lập làm Chúa và Đấng Ki-tô” (Công 2:36). Tất nhiên là phần đông những người đang lắng nghe Phi-e-rơ đã không có mặt khi Chúa Giê-su bị xử tử trên cây khổ hình. Nhưng với tư cách một dân tộc, họ phải chịu trách nhiệm chung về hành động đó. Dù vậy, hãy để ý là Phi-e-rơ nói với đồng hương Do Thái một cách tôn trọng và động đến lòng. Mục tiêu của ông là thúc đẩy người nghe ăn năn, chứ không phải lên án họ. Đám đông ấy có cảm thấy bị xúc phạm vì lời nói của ông không? Chắc chắn không. Trái lại, dân chúng “đau nhói trong lòng”. Họ hỏi: “Chúng tôi phải làm gì?”. Rất có thể cách nói tôn trọng của Phi-e-rơ là một yếu tố quan trọng trong việc động đến lòng nhiều người, nhờ thế họ được thúc đẩy để ăn năn.—Công 2:37.
14 Chúng ta có thể bắt chước cách của Phi-e-rơ để động đến lòng người ta. Khi làm chứng cho người khác, chúng ta không cần tranh luận về mỗi quan điểm trái Kinh Thánh mà chủ nhà nêu lên. Thay vì thế, chúng ta nên thảo luận dựa trên những điều mà cả hai có thể chấp nhận. Nếu đã tạo được điểm chung với người nghe, thì sau đó chúng ta có thể khéo léo lý luận dựa trên Lời Đức Chúa Trời. Thường khi các sự thật trong Kinh Thánh được trình bày theo cách tích cực như thế, những người có lòng thành có thể dễ hưởng ứng hơn.
“Mỗi người hãy chịu phép báp-têm” (Công vụ 2:38-47)
15. (a) Phi-e-rơ đã nói gì, và người ta hưởng ứng ra sao? (b) Tại sao hàng ngàn người nghe tin mừng tại Lễ Ngũ Tuần hội đủ điều kiện để được báp-têm trong cùng ngày đó?
15 Vào ngày Lễ Ngũ Tuần đầy hào hứng năm 33 CN, Phi-e-rơ nói với những người hưởng ứng gồm người Do Thái và người cải đạo Do Thái: “Anh em hãy ăn năn, mỗi người hãy chịu phép báp-têm” (Công 2:38). Kết quả là khoảng 3.000 người chịu phép báp-têm, có thể tại các hồ trong thành Giê-ru-sa-lem hoặc gần đó. e Đây có phải là một hành động hấp tấp không? Lời tường thuật này có được xem là tiền lệ để các học viên Kinh Thánh và con cái của các tín đồ đạo Đấng Ki-tô vội vàng chịu phép báp-têm khi chưa sẵn sàng không? Không phải vậy. Hãy nhớ rằng những người Do Thái cũng như người cải đạo Do Thái chịu phép báp-têm vào Lễ Ngũ Tuần năm 33 CN là những người siêng năng học Lời Đức Chúa Trời. Họ cũng thuộc về dân tộc đã được dâng cho Đức Giê-hô-va. Hơn nữa, họ đã thể hiện lòng sốt sắng của mình, một số đi từ rất xa để có mặt tại kỳ lễ thường niên này. Sau khi chấp nhận những sự thật trọng yếu liên quan đến vai trò của Chúa Giê-su Ki-tô trong ý định của Đức Chúa Trời, họ sẵn sàng tiếp tục phụng sự ngài, nhưng giờ đây với tư cách môn đồ đã báp-têm của Đấng Ki-tô.
16. Các môn đồ Đấng Ki-tô thời thế kỷ thứ nhất đã thể hiện tinh thần hy sinh như thế nào?
16 Chắc chắn Đức Giê-hô-va đã ban phước cho nhóm người ấy. Lời tường thuật cho biết: “Hết thảy những ai trở thành môn đồ đều nhóm lại và đóng góp mọi thứ làm của chung. Họ bán của cải và đất đai mình rồi phân phát tiền thu được cho tất cả, tùy theo nhu cầu của mỗi người” f (Công 2:44, 45). Tất cả các môn đồ chân chính của Đấng Ki-tô hẳn muốn bắt chước tinh thần yêu thương và hy sinh đó.
17. Một người cần làm những bước nào để hội đủ điều kiện chịu phép báp-têm?
17 Sự dâng mình và phép báp-têm của tín đồ đạo Đấng Ki-tô đòi hỏi một số bước cần thiết dựa trên Kinh Thánh. Một người phải thu thập sự hiểu biết về Lời Đức Chúa Trời (Giăng 17:3). Người đó cần phải thể hiện đức tin, ăn năn lối sống cũ và bày tỏ lòng hối cải thật sự (Công 3:19). Kế đến, người đó phải cải hóa, hay quay trở lại, và bắt đầu làm điều đúng phù hợp với ý muốn Đức Chúa Trời (Rô 12:2; Ê-phê 4:23, 24). Sau các bước này, người đó dâng mình cho Đức Chúa Trời qua lời cầu nguyện rồi chịu phép báp-têm.—Mat 16:24; 1 Phi 3:21.
18. Đặc ân nào mở ra cho môn đồ đã báp-têm của Đấng Ki-tô?
18 Anh chị có phải là một môn đồ của Chúa Giê-su Ki-tô, đã dâng mình và chịu phép báp-têm không? Nếu có, hãy quý trọng đặc ân mở ra cho anh chị. Như các môn đồ thời thế kỷ thứ nhất, là những người được tràn đầy thần khí thánh, anh chị có thể được dùng theo cách hữu hiệu để làm chứng cặn kẽ và thực hiện ý muốn của Đức Giê-hô-va!
a Xem khung “ Giê-ru-sa-lem—Trung tâm của Do Thái giáo”.
b Xem khung “ Rô-ma—Thủ đô của một đế quốc”; khung “ Người Do Thái ở Mê-sô-bô-ta-mi và Ai Cập”; và khung “ Đạo Đấng Ki-tô ở Bon-tu”.
c “Những lưỡi lửa” này không phải là lửa thật mà chỉ “như những lưỡi lửa”, dường như cho thấy điều xuất hiện trên mỗi môn đồ có hình dạng và ánh sáng của ngọn lửa.
d Xem khung “ Người cải đạo Do Thái là ai?”
e Để so sánh, tại hội nghị quốc tế của Nhân Chứng Giê-hô-va vào ngày 7-8-1993 ở Kiev, Ukraine, có 7.402 người chịu phép báp-têm trong sáu hồ bơi. Phải mất hai giờ mười lăm phút mới hoàn tất buổi báp-têm ấy.
f Sắp đặt tạm thời này đáp ứng nhu cầu phát sinh vào lúc ấy, vì những khách viếng thăm tiếp tục ở lại Giê-ru-sa-lem để học biết thêm về niềm tin mới. Đây là việc đóng góp tình nguyện, không nên lẫn lộn với hình thức bị bắt buộc đóng góp để dùng chung.—Công 5:1-4.