Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

CHƯƠNG MƯỜI BẢY

Đặc ân cầu nguyện với Đức Chúa Trời

Đặc ân cầu nguyện với Đức Chúa Trời

“Đấng Sáng Tạo của trời và đất” muốn nghe lời cầu nguyện của chúng ta.​—Thi thiên 115:15

1, 2. Tại sao bạn nghĩ cầu nguyện là một món quà đặc biệt, và tại sao chúng ta cần biết Kinh Thánh nói gì về việc cầu nguyện?

So với vũ trụ, trái đất vô cùng nhỏ bé. Khi Đức Giê-hô-va nhìn xuống trái đất, mọi dân tộc giống như một giọt nước trong thùng (Thi thiên 115:15; Ê-sai 40:15). Dù chúng ta rất nhỏ bé so với vũ trụ nhưng Thi thiên 145:18, 19 nói: “Đức Giê-hô-va ở gần hết thảy người kêu cầu ngài, kề bên hết thảy người kêu cầu ngài với lòng chân thành. Ngài thỏa mãn ước muốn người kính sợ ngài, nghe tiếng họ kêu cứu và giải thoát cho”. Quả là một đặc ân ngoài sức tưởng tượng! Đức Giê-hô-va, Đấng Tạo Hóa toàn năng, muốn đến gần và lắng nghe lời cầu nguyện của chúng ta. Thật vậy, cầu nguyện là một đặc ân và món quà đặc biệt mà Đức Giê-hô-va ban cho mỗi chúng ta.

2 Nhưng Đức Giê-hô-va chỉ lắng nghe khi chúng ta cầu nguyện theo cách ngài chấp nhận. Chúng ta có thể làm điều này như thế nào? Hãy xem Kinh Thánh nói gì về việc cầu nguyện.

TẠI SAO NÊN CẦU NGUYỆN VỚI ĐỨC GIÊ-HÔ-VA?

3. Tại sao bạn nên cầu nguyện với Đức Giê-hô-va?

3 Đức Giê-hô-va muốn bạn cầu nguyện, hay nói chuyện, với ngài. Làm sao chúng ta biết điều này? Xin đọc Phi-líp 4:6, 7. Hãy suy ngẫm về lời mời ân cần đó. Đấng Cai Trị của vũ trụ quan tâm sâu xa đến bạn và muốn bạn chia sẻ cảm xúc và vấn đề với ngài.

4. Việc thường xuyên cầu nguyện với Đức Giê-hô-va củng cố mối quan hệ của bạn với ngài như thế nào?

4 Cầu nguyện giúp chúng ta có mối quan hệ gần gũi với Đức Giê-hô-va. Khi hai người bạn thường xuyên trò chuyện với nhau về những suy nghĩ, mối quan tâm và cảm xúc, thì tình bạn của họ ngày càng gắn bó. Việc cầu nguyện với Đức Giê-hô-va cũng tương tự như vậy. Qua Kinh Thánh, ngài chia sẻ suy nghĩ, cảm xúc với bạn và cho bạn biết những gì ngài sẽ làm trong tương lai. Bạn có thể giãi bày với ngài ngay cả cảm xúc sâu kín nhất trong lòng bằng cách thường xuyên cầu nguyện. Khi làm thế, mối quan hệ của bạn với Đức Giê-hô-va sẽ ngày càng bền chặt.—Gia-cơ 4:8.

CHÚNG TA PHẢI LÀM GÌ ĐỂ ĐƯỢC ĐỨC CHÚA TRỜI ĐÁP LỜI CẦU NGUYỆN?

5. Tại sao chúng ta biết Đức Giê-hô-va không lắng nghe mọi lời cầu nguyện?

5 Đức Giê-hô-va có lắng nghe mọi lời cầu nguyện không? Không. Vào thời nhà tiên tri Ê-sai, Đức Giê-hô-va phán với dân Y-sơ-ra-ên: “Dù các ngươi có cầu nguyện cho nhiều, ta cũng chẳng thèm nghe đâu; tay các ngươi vấy đầy máu” (Ê-sai 1:15). Vì thế, nếu không cẩn thận, chúng ta sẽ làm những điều khiến mình xa cách Đức Giê-hô-va và ngài sẽ lờ đi lời cầu nguyện của chúng ta.

6. Tại sao đức tin rất quan trọng? Làm thế nào bạn cho thấy mình có đức tin?

6 Nếu muốn được Đức Giê-hô-va lắng nghe lời cầu nguyện, chúng ta phải có đức tin nơi ngài (Mác 11:24). Sứ đồ Phao-lô nói: “Không có đức tin thì chẳng thể nào làm vui lòng Đức Chúa Trời, vì người nào đến gần Đức Chúa Trời phải tin rằng có Đức Chúa Trời và ngài là đấng ban thưởng cho những ai sốt sắng tìm kiếm ngài” (Hê-bơ-rơ 11:6). Nhưng chỉ nói mình có đức tin thì chưa đủ. Chúng ta cần chứng tỏ đức tin qua việc vâng lời Đức Giê-hô-va mỗi ngày.—Đọc Gia-cơ 2:26.

7. (a) Tại sao chúng ta nên khiêm nhường và cung kính khi cầu nguyện với Đức Giê-hô-va? (b) Bằng cách nào chúng ta cho thấy mình chân thật khi cầu nguyện?

7 Chúng ta nên khiêm nhường và cung kính khi cầu nguyện với Đức Giê-hô-va. Tại sao? Nếu nói chuyện với một vị vua hay tổng thống, chúng ta sẽ tỏ thái độ cung kính. Đức Giê-hô-va là Đức Chúa Trời Toàn Năng, vì thế chẳng phải chúng ta càng cần khiêm nhường và cung kính khi cầu nguyện với ngài sao? (Sáng thế 17:1; Thi thiên 138:6). Chúng ta cũng nên chân thật và cầu nguyện với Đức Giê-hô-va từ đáy lòng, thay vì lặp đi lặp lại theo thông lệ.—Ma-thi-ơ 6:7, 8.

8. Khi cầu nguyện về điều gì đó, chúng ta phải làm gì?

8 Khi cầu nguyện về điều gì đó, chúng ta phải nỗ lực hành động phù hợp với những gì mình xin. Chẳng hạn, nếu xin Đức Giê-hô-va đáp ứng nhu cầu hàng ngày, chúng ta không thể lười biếng và hy vọng ngài ban mọi thứ trong khi mình có khả năng làm việc. Chúng ta phải siêng năng và sẵn sàng nhận bất cứ công việc nào mình có thể làm (Ma-thi-ơ 6:11; 2 Tê-sa-lô-ni-ca 3:10). Hoặc nếu xin Đức Giê-hô-va giúp từ bỏ một điều xấu, chúng ta phải tránh bất cứ tình huống nào có thể khiến mình bị cám dỗ (Cô-lô-se 3:5). Giờ đây, hãy xem xét một số câu hỏi thường gặp về việc cầu nguyện.

NHỮNG CÂU HỎI THƯỜNG GẶP VỀ VIỆC CẦU NGUYỆN

9. Chúng ta nên cầu nguyện với ai? Giăng 14:6 dạy chúng ta điều gì về việc cầu nguyện?

9 Chúng ta nên cầu nguyện với ai? Chúa Giê-su dạy các môn đồ cầu nguyện với ‘Cha trên trời’ (Ma-thi-ơ 6:9). Ngài cũng nói: “Tôi là đường đi, chân lý và sự sống. Không ai đến được với Cha nếu không qua tôi” (Giăng 14:6). Vì thế, chúng ta chỉ nên cầu nguyện với Đức Giê-hô-va qua Chúa Giê-su. Cầu nguyện qua Chúa Giê-su có nghĩa gì? Để được Đức Giê-hô-va đáp lời cầu nguyện, chúng ta cần tôn trọng nhiệm vụ đặc biệt mà Đức Giê-hô-va giao cho Chúa Giê-su. Như chúng ta đã học, Chúa Giê-su xuống đất để cứu chuộc chúng ta khỏi tội lỗi và sự chết (Giăng 3:16; Rô-ma 5:12). Đức Giê-hô-va cũng bổ nhiệm Chúa Giê-su làm Thầy Tế Lễ Thượng Phẩm và Quan Xét.—Giăng 5:22; Hê-bơ-rơ 6:20.

Chúng ta có thể cầu nguyện vào mọi lúc

10. Chúng ta có cần cầu nguyện trong một tư thế đặc biệt không? Hãy giải thích.

10 Chúng ta có cần cầu nguyện trong một tư thế đặc biệt không? Không. Đức Giê-hô-va không đòi hỏi chúng ta phải quỳ, ngồi hoặc đứng khi cầu nguyện. Kinh Thánh cho biết chúng ta có thể cầu nguyện với Đức Giê-hô-va ở bất cứ tư thế cung kính nào (1 Sử ký 17:16; Nê-hê-mi 8:6; Đa-ni-ên 6:10; Mác 11:25). Điều quan trọng nhất với Đức Giê-hô-va không phải là tư thế, mà là thái độ đúng. Chúng ta có thể cầu nguyện thầm hoặc lớn tiếng ở bất cứ nơi đâu và bất cứ khi nào, dù ngày hay đêm. Khi cầu nguyện với Đức Giê-hô-va, chúng ta có thể tin rằng ngài sẽ lắng nghe, ngay cả khi không ai khác nghe thấy.—Nê-hê-mi 2:1-6.

11. Chúng ta có thể cầu nguyện với Đức Giê-hô-va về một số điều nào?

11 Chúng ta có thể cầu nguyện về điều gì? Chúng ta có thể cầu nguyện về bất cứ điều gì Đức Giê-hô-va chấp nhận. Kinh Thánh nói: “Nếu chúng ta xin bất cứ điều gì phù hợp với ý muốn ngài thì ngài nghe chúng ta” (1 Giăng 5:14). Chúng ta có thể cầu nguyện về những mối quan tâm riêng không? Có. Cầu nguyện với Đức Giê-hô-va có thể được ví như nói chuyện với một người bạn thân. Chúng ta có thể thổ lộ với Đức Giê-hô-va bất cứ điều gì trong lòng và trí mình (Thi thiên 62:8). Chúng ta có thể xin ngài ban thần khí thánh mạnh mẽ để giúp mình làm điều đúng (Lu-ca 11:13). Chúng ta cũng có thể xin Đức Giê-hô-va ban sự khôn ngoan để có những quyết định đúng và ban sức mạnh để đối phó với khó khăn (Gia-cơ 1:5). Chúng ta nên cầu xin Đức Giê-hô-va tha thứ tội lỗi (Ê-phê-sô 1:3, 7). Chúng ta cũng nên cầu nguyện cho người khác, trong đó có gia đình và anh em trong hội thánh.—Công vụ 12:5; Cô-lô-se 4:12.

12. Điều gì nên là quan trọng nhất trong lời cầu nguyện của chúng ta?

12 Điều gì nên là quan trọng nhất trong lời cầu nguyện của chúng ta? Đó là Đức Giê-hô-va và ý muốn của ngài. Chúng ta nên cảm tạ ngài từ đáy lòng về mọi điều ngài đã làm cho mình (1 Sử ký 29:10-13). Khi Chúa Giê-su xuống trái đất, ngài đã dạy các môn đồ cách cầu nguyện. (Đọc Ma-thi-ơ 6:9-13). Ngài nói rằng trước hết chúng ta nên cầu nguyện cho danh Đức Chúa Trời được nên thánh. Sau đó, Chúa Giê-su dạy chúng ta nên cầu xin cho Nước Đức Chúa Trời đến và ý muốn của Đức Giê-hô-va được thực hiện trên khắp đất. Chỉ sau khi cầu nguyện về những điều quan trọng này, Chúa Giê-su mới nói chúng ta nên cầu nguyện về các nhu cầu cá nhân. Khi đặt Đức Giê-hô-va và ý muốn của ngài lên hàng đầu trong lời cầu nguyện, chúng ta cho thấy điều gì là quan trọng nhất đối với mình.

13. Lời cầu nguyện của chúng ta nên kéo dài bao lâu?

13 Lời cầu nguyện của chúng ta nên kéo dài bao lâu? Kinh Thánh không nhắc đến điều này. Lời cầu nguyện của chúng ta ngắn hay dài là tùy vào hoàn cảnh. Chẳng hạn, chúng ta có thể cầu nguyện ngắn gọn trước bữa ăn nhưng dài hơn khi cảm tạ Đức Giê-hô-va hoặc giãi bày với ngài về những mối quan tâm riêng (1 Sa-mu-ên 1:12, 15). Chúng ta không muốn cầu nguyện dài chỉ để gây ấn tượng với người khác, như một số người vào thời Chúa Giê-su đã làm (Lu-ca 20:46, 47). Những lời cầu nguyện như thế không tạo ấn tượng với Đức Giê-hô-va. Điều quan trọng với ngài là chúng ta cầu nguyện từ đáy lòng.

14. Chúng ta nên cầu nguyện bao nhiêu lần, và điều này cho chúng ta biết gì về Đức Giê-hô-va?

14 Chúng ta nên cầu nguyện bao nhiêu lần? Đức Giê-hô-va mời chúng ta thường xuyên cầu nguyện với ngài. Kinh Thánh nói chúng ta nên “kiên trì cầu nguyện” và “không ngừng cầu nguyện” (Ma-thi-ơ 26:41; Rô-ma 12:12; 1 Tê-sa-lô-ni-ca 5:17). Đức Giê-hô-va luôn sẵn lòng lắng nghe. Mỗi ngày, chúng ta có thể cảm tạ ngài về tình yêu thương và lòng rộng rãi của ngài. Chúng ta cũng có thể xin ngài ban sự hướng dẫn, sức mạnh và niềm an ủi. Nếu thật sự quý trọng đặc ân cầu nguyện, chúng ta sẽ tận dụng mọi cơ hội để nói chuyện với Đức Giê-hô-va.

15. Tại sao chúng ta nên nói “a-men” vào cuối lời cầu nguyện?

15 Tại sao chúng ta nên nói “a-men” vào cuối lời cầu nguyện? Chữ “a-men” có nghĩa là “chắc chắn” hay “xin xảy ra như vậy”. Đây là một cách cho thấy những gì chúng ta nói trong lời cầu nguyện là chân thật (Thi thiên 41:13). Kinh Thánh dạy rằng điều thích hợp là nói “a-men”, dù là thầm hay lớn tiếng, sau khi nghe người khác cầu nguyện. Điều này cho thấy chúng ta đồng ý với những gì được nói đến.—1 Sử ký 16:36; 1 Cô-rinh-tô 14:16.

CÁCH ĐỨC CHÚA TRỜI ĐÁP LỜI CẦU NGUYỆN

16. Đức Giê-hô-va có thật sự đáp lời cầu nguyện của chúng ta không? Hãy giải thích.

16 Đức Giê-hô-va có thật sự đáp lời cầu nguyện của chúng ta không? Chắc chắn có. Kinh Thánh gọi ngài là “Đấng Nghe Lời Cầu Nguyện” (Thi thiên 65:2). Đức Giê-hô-va nghe và đáp lại những lời cầu nguyện chân thành của hàng triệu người, và ngài làm thế qua nhiều cách.

17. Đức Giê-hô-va dùng các thiên sứ và tôi tớ trên đất như thế nào để đáp lời cầu nguyện?

17 Đức Giê-hô-va dùng các thiên sứ và tôi tớ trên đất để đáp lời cầu nguyện của chúng ta (Hê-bơ-rơ 1:13, 14). Kinh nghiệm cho thấy có nhiều người đã cầu xin sự giúp đỡ để hiểu Kinh Thánh, và không lâu sau đó có một Nhân Chứng Giê-hô-va đến thăm họ. Kinh Thánh cho biết các thiên sứ cũng tham gia vào việc rao truyền “tin mừng” trên khắp đất. (Đọc Khải huyền 14:6). Ngoài ra, nhiều người trong chúng ta cầu nguyện với Đức Giê-hô-va về những nhu cầu hoặc vấn đề cụ thể, và sau đó nhận được sự giúp đỡ cần thiết từ một anh em đồng đạo.—Châm ngôn 12:25; Gia-cơ 2:16.

Đức Giê-hô-va có thể đáp lời cầu nguyện của chúng ta qua anh em đồng đạo

18. Đức Giê-hô-va dùng thần khí thánh và Kinh Thánh như thế nào để đáp lời cầu nguyện?

18 Đức Giê-hô-va dùng thần khí thánh để đáp lời cầu nguyện của chúng ta. Khi chúng ta xin ngài giúp mình đối phó với một vấn đề, ngài có thể dùng thần khí thánh để hướng dẫn và thêm sức cho chúng ta (2 Cô-rinh-tô 4:7). Đức Giê-hô-va cũng dùng Kinh Thánh để đáp lời cầu nguyện và giúp chúng ta đưa ra những quyết định khôn ngoan. Khi đọc Lời Đức Chúa Trời, chúng ta có thể tìm được những câu Kinh Thánh giúp ích cho mình. Đức Giê-hô-va cũng có thể thúc đẩy một ai đó bình luận tại buổi nhóm họp về điều chúng ta cần nghe hoặc thôi thúc một trưởng lão chia sẻ với chúng ta một điểm trong Kinh Thánh.—Ga-la-ti 6:1.

19. Tại sao có những lúc Đức Giê-hô-va dường như không đáp lời cầu nguyện của chúng ta?

19 Dù vậy, đôi khi chúng ta thắc mắc: “Tại sao Đức Giê-hô-va chưa đáp lời cầu nguyện của mình?”. Hãy nhớ rằng ngài biết khi nào là thời điểm để đáp lời cầu nguyện và bằng cách nào. Ngài biết những gì chúng ta cần. Có lẽ chúng ta phải tiếp tục cầu nguyện để cho thấy mình có tấm lòng thành thật và đức tin nơi ngài (Lu-ca 11:5-10). Đôi khi Đức Giê-hô-va đáp lời cầu nguyện theo cách chúng ta không ngờ. Chẳng hạn, khi chúng ta cầu nguyện về một tình huống khó khăn, thay vì loại bỏ vấn đề, ngài sẽ ban cho chúng ta sức mạnh để chịu đựng.—Đọc Phi-líp 4:13.

20. Tại sao chúng ta nên thường xuyên cầu nguyện với Đức Giê-hô-va?

20 Cầu nguyện với Đức Giê-hô-va quả là một đặc ân ngoài sức tưởng tượng! Chúng ta có thể chắc chắn rằng ngài sẽ nghe chúng ta (Thi thiên 145:18). Và chúng ta càng thường xuyên cầu nguyện chân thành với Đức Giê-hô-va thì tình bạn của chúng ta với ngài sẽ càng bền chặt.