Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

CHƯƠNG 9

‘Đấng Ki-tô là quyền năng của Đức Chúa Trời’

‘Đấng Ki-tô là quyền năng của Đức Chúa Trời’

1-3. (a) Các môn đồ trải qua điều đáng sợ nào trên biển Ga-li-lê, và Chúa Giê-su đã làm gì? (b) Tại sao sứ đồ Phao-lô có thể nói ‘Đấng Ki-tô là quyền năng của Đức Chúa Trời’?

 Các môn đồ vô cùng sợ hãi. Họ đang đi thuyền qua biển Ga-li-lê thì đột nhiên có một cơn bão ập tới. Hẳn họ đã từng thấy bão trên biển này vì vài người trong số họ từng là ngư dân dày dạn kinh nghiệm a (Ma-thi-ơ 4:18, 19). Nhưng đây là “một cơn bão gió dữ dội”, nhanh chóng làm cho biển động rất mạnh. Những môn đồ này gắng hết sức để đưa thuyền vào bờ, nhưng cơn bão quá mạnh. Những con sóng cao “đánh liên tiếp vào thuyền” và thuyền bắt đầu ngập nước. Bất kể những tiếng động khủng khiếp, Chúa Giê-su vẫn ngủ say ở phía sau thuyền vì ngài mệt mỏi sau một ngày dạy dỗ đám đông. Vì sợ bị mất mạng nên các môn đồ đánh thức ngài dậy và nài xin: “Chúa ơi, cứu với, chúng ta sắp chết rồi!”.—Mác 4:35-38; Ma-thi-ơ 8:23-25.

2 Chúa Giê-su không sợ hãi vì biết mình có quyền năng làm yên cơn bão. Thế nên, ngài quở trách gió và biển: “Suỵt! Yên lặng đi!”. Ngay lập tức, cơn bão ngừng lại và “mọi vật đều yên lặng”. Các môn đồ khiếp sợ và thì thầm với nhau: “Thật ra người này là ai?”. Họ ngạc nhiên khi thấy một người có thể quở trách gió và biển như sửa dạy một đứa trẻ ngang bướng, và chúng phải vâng lời.—Mác 4:39-41; Ma-thi-ơ 8:26, 27.

3 Nhưng Chúa Giê-su không phải là người thường. Đức Giê-hô-va đã dùng quyền năng theo những cách rất đặc biệt để giúp Chúa Giê-su và ban cho ngài quyền năng để giúp người khác. Sứ đồ Phao-lô được soi dẫn để viết về Chúa Giê-su: ‘Đấng Ki-tô là quyền năng của Đức Chúa Trời’ (1 Cô-rinh-tô 1:24). Qua Chúa Giê-su, Đức Chúa Trời biểu lộ quyền năng của ngài qua những cách nào? Cách Chúa Giê-su dùng quyền năng giúp đời sống chúng ta tốt hơn ra sao?

Quyền năng và uy quyền của Con một của Đức Chúa Trời

4, 5. (a) Đức Giê-hô-va ban quyền năng cho Con một để làm gì? (b) Chúa Giê-su được ban điều gì để thực hiện ý định của Cha ngài trong công cuộc sáng tạo?

4 Hãy nghĩ về quyền năng mà Chúa Giê-su có trước khi xuống thế làm người. Đức Giê-hô-va đã dùng “quyền năng muôn đời” của ngài khi tạo ra Con một, là đấng về sau được biết đến là Chúa Giê-su Ki-tô (Rô-ma 1:20; Cô-lô-se 1:15). Sau đó, Đức Giê-hô-va ban nhiều quyền năng cho Con ngài khi dùng ngài để tạo nên muôn vật. Kinh Thánh nói về người Con ấy: “Qua Ngôi Lời mà muôn vật bắt đầu hiện hữu, không qua ngài thì chẳng vật nào hiện hữu”.—Giăng 1:3.

5 Thật khó để chúng ta hình dung cần bao nhiêu quyền năng để thực hiện nhiệm vụ tạo ra hàng triệu thiên sứ mạnh mẽ, vô số ngôi sao và sinh vật trên đất. Để hoàn thành được nhiệm vụ đó, Chúa Giê-su đã được Đức Giê-hô-va ban cho lực mạnh mẽ nhất là thần khí thánh. Người Con này rất vui khi được Đức Giê-hô-va dùng trong vai trò là Thợ Cả để tạo ra mọi vật khác.—Châm ngôn 8:22-31.

 6. Sau khi chết và được sống lại, Chúa Giê-su được ban cho khả năng và uy quyền để làm gì?

6 Ngoài quyền năng, Đức Giê-hô-va còn ban cho Chúa Giê-su uy quyền. Sau khi Chúa Giê-su chết và được sống lại, ngài nói: “Mọi quyền hành ở trên trời và dưới đất đã được giao cho tôi” (Ma-thi-ơ 28:18). Đúng vậy, Chúa Giê-su đã được ban cho khả năng và uy quyền để cai trị trên các tạo vật khác. Với tư cách là “Vua của các vua và Chúa của các chúa”, ngài được ban quyền để “dẹp tan mọi chính phủ cùng mọi quyền hành và thế lực” trên trời và dưới đất mà chống lại Cha ngài (Khải huyền 19:16; 1 Cô-rinh-tô 15:24-26). Đức Chúa Trời đặt mọi tạo vật dưới quyền của Chúa Giê-su. Ngài là đấng duy nhất không ở dưới quyền của Con ngài.—Hê-bơ-rơ 2:8; 1 Cô-rinh-tô 15:27.

 7. Tại sao chúng ta có thể tin chắc Chúa Giê-su sẽ không bao giờ lạm dụng quyền năng mà Đức Giê-hô-va ban?

7 Chúng ta có cần lo lắng là Chúa Giê-su sẽ lạm dụng quyền năng không? Chắc chắn không! Chúa Giê-su thật sự yêu thương Cha và ngài sẽ không bao giờ làm điều gì khiến Cha buồn lòng (Giăng 8:29; 14:31). Chúa Giê-su biết rõ Đức Giê-hô-va không bao giờ lạm dụng quyền năng. Nhiều lần, Chúa Giê-su thấy Cha ngài tìm cơ hội “để tỏ sức mạnh ngài vì lợi ích của những người có lòng trọn vẹn với ngài” (2 Sử ký 16:9). Giống như Cha ngài, Chúa Giê-su yêu thương con người. Vì thế, chúng ta có thể tin chắc ngài sẽ luôn dùng quyền năng để làm điều tốt (Giăng 13:1). Ngài luôn dùng quyền năng theo cách đó. Hãy xem xét khi ở trên đất Chúa Giê-su đã dùng quyền năng của ngài như thế nào và lý do ngài làm thế.

“Đầy quyền năng trong lời nói”

 8. Sau khi được xức dầu, Chúa Giê-su được ban quyền năng để làm gì?

8 Hẳn Chúa Giê-su đã không làm phép lạ nào khi lớn lên ở Na-xa-rét. Nhưng điều đó đã thay đổi sau khi ngài báp-têm vào năm 29 CN, lúc khoảng 30 tuổi (Lu-ca 3:21-23). Kinh Thánh cho biết: “Ngài được Đức Chúa Trời xức dầu bằng thần khí thánh và ban quyền năng, rồi ngài đi khắp xứ làm việc tốt và chữa lành tất cả những người bị Ác Quỷ áp bức” (Công vụ 10:38). Cụm từ “làm việc tốt” cho thấy Chúa Giê-su đã dùng quyền năng để giúp người khác. Sau khi được xức dầu, ngài đã “chứng tỏ là một đấng tiên tri đầy quyền năng trong lời nói lẫn việc làm”.—Lu-ca 24:19.

9-11. (a) Chúa Giê-su giảng dạy chủ yếu ở đâu, và ngài đối mặt với thử thách nào? (b) Tại sao đoàn dân kinh ngạc về cách giảng dạy của Chúa Giê-su?

9 Chúa Giê-su có quyền năng trong lời nói như thế nào? Ngài thường giảng dạy ngoài trời, chẳng hạn bên bờ hồ và sườn núi cũng như trên đường và ở chợ (Mác 6:53-56; Lu-ca 5:1-3; 13:26). Người nghe có thể dễ dàng bỏ đi nếu những lời của ngài không thu hút họ. Vào thời đó không có sách in nên những người thích nghe điều Chúa Giê-su nói thì phải ghi nhớ trong trí. Vì thế, Chúa Giê-su cần dạy dễ hiểu, dễ nhớ và thu hút. Nhưng thử thách này không quá khó đối với Chúa Giê-su. Bài giảng trên núi là một ví dụ cho thấy điều ấy.

10 Vào một buổi sáng đầu năm 31 CN, có một đám đông tụ tập trên sườn núi gần biển Ga-li-lê. Một số người đến từ Giu-đê và Giê-ru-sa-lem, cách đó 100 đến 110 ki-lô-mét. Số khác thì đến từ vùng ven biển Ty-rơ và Si-đôn phía bắc. Nhiều người bệnh đã đến gần để chạm vào Chúa Giê-su và ngài chữa lành tất cả họ. Sau khi mọi người được chữa lành, ngài bắt đầu dạy dỗ họ (Lu-ca 6:17-19). Khi ngài dứt lời, họ rất ngạc nhiên trước những điều ngài nói. Tại sao?

11 Nhiều năm sau, một người đã nghe bài giảng đó viết: “Đoàn dân kinh ngạc về cách giảng dạy của ngài, vì ngài dạy như một người có uy quyền” (Ma-thi-ơ 7:28, 29). Họ có thể cảm nhận được quyền năng trong lời nói của ngài. Chúa Giê-su dạy họ những điều mà Đức Chúa Trời muốn họ biết, và mọi điều ngài dạy đều dựa trên Lời Đức Chúa Trời (Giăng 7:16). Chúa Giê-su dạy rõ ràng, thúc đẩy người nghe hành động và không ai có thể bắt bẻ được ngài. Sự dạy dỗ của ngài đi vào trọng tâm vấn đề và đi vào lòng người. Ngài dạy họ cách tìm được hạnh phúc, cách cầu nguyện, cách tìm kiếm Nước Trời và cách xây dựng một tương lai bền vững (Ma-thi-ơ 5:3–7:27). Những lời của ngài thúc đẩy người có lòng khao khát chân lý và sự công chính hành động. Những người đó đã sẵn sàng “từ bỏ chính mình” và mọi thứ để đi theo ngài (Ma-thi-ơ 16:24; Lu-ca 5:10, 11). Điều này cho thấy Chúa Giê-su có quyền năng trong lời nói.

‘Đầy quyền năng trong việc làm’

12, 13. Chúa Giê-su có ‘đầy quyền năng trong việc làm’ theo nghĩa nào, và ngài đã thực hiện những phép lạ khác nhau nào?

12 Chúa Giê-su cũng có ‘đầy quyền năng trong việc làm’ (Lu-ca 24:19). Các sách Phúc âm ghi lại hơn 30 phép lạ mà Chúa Giê-su đã thực hiện nhờ “quyền năng của Đức Giê-hô-va” b (Lu-ca 5:17). Hàng ngàn người đã nhận được lợi ích từ những phép lạ này. Chẳng hạn, Kinh Thánh cho biết Chúa Giê-su từng cung cấp thức ăn cho 5.000 người nam và lần khác là cho 4.000 người nam. Nếu tính cả phụ nữ và trẻ em thì đám đông có lẽ có hàng ngàn người nữa.—Ma-thi-ơ 14:13-21; 15:32-38.

13 Chúa Giê-su đã thực hiện nhiều phép lạ khác nhau. Ngài có quyền trên các quỷ và dễ dàng đuổi chúng ra khỏi một người (Lu-ca 9:37-43). Ngài đã biến nước thành rượu (Giăng 2:1-11). Hãy tưởng tượng các môn đồ kinh ngạc thế nào khi ‘thấy Chúa Giê-su đi trên mặt biển’ (Giăng 6:18, 19). Ngài có khả năng chữa lành mọi bệnh nghiêm trọng (Mác 3:1-5; Giăng 4:46-54). Ngài chữa lành bằng nhiều cách. Có lúc ngài chữa lành cho người bệnh từ xa, có lúc ngài trực tiếp chạm vào họ (Ma-thi-ơ 8:2, 3, 5-13). Một số người thì được chữa lành ngay lập tức, còn số khác thì khỏi dần dần.—Mác 8:22-25; Lu-ca 8:43, 44.

“Họ thấy Chúa Giê-su đang đi trên mặt biển”

14. Chúa Giê-su đã chứng tỏ quyền năng làm người chết sống lại trong những trường hợp nào?

14 Điều đáng kinh ngạc nhất là Chúa Giê-su có quyền năng làm người chết sống lại. Kinh Thánh ghi lại ba trường hợp về điều này, đó là một bé gái 12 tuổi, người con trai duy nhất cho một góa phụ và người em trai yêu quý của hai người chị. Sau khi Chúa Giê-su làm cho họ sống lại, họ được đoàn tụ với người thân (Lu-ca 7:11-15; 8:49-56; Giăng 11:38-44). Không có gì là quá khó đối với ngài. Ngài đã làm sống lại bé gái 12 tuổi vừa mới chết và vẫn đang nằm trên giường. Ngài đã làm con trai của góa phụ đang nằm trên cáng sống lại, hẳn là trong ngày được đem đi chôn. Ngài cũng làm La-xa-rơ sống lại và ông bước ra khỏi mộ sau khi đã chết được bốn ngày.

Sử dụng quyền một cách vị tha, có suy xét và đầy quan tâm

15, 16. Điều gì cho thấy Chúa Giê-su dùng quyền một cách vị tha?

15 Hãy tưởng tượng nếu một nhà cai trị bất toàn được ban quyền như Chúa Giê-su thì nguy cơ người ấy lạm quyền sẽ lớn đến mức nào. Những người cai trị bất toàn thường ích kỷ, kiêu ngạo và tham lam nên họ dùng quyền để làm hại người khác. Nhưng Chúa Giê-su thì không như thế. Ngài chẳng hề phạm tội.—1 Phi-e-rơ 2:22.

16 Chúa Giê-su dùng quyền năng để giúp ích cho người khác chứ không bao giờ trục lợi riêng. Khi đói, ngài từ chối biến đá thành bánh để đáp ứng nhu cầu của bản thân (Ma-thi-ơ 4:1-4). Việc ngài có ít của cải là bằng chứng cho thấy ngài không dùng quyền năng để làm giàu (Ma-thi-ơ 8:20). Ngoài ra, khi làm phép lạ, ngài mất đi sức lực. Ngay cả trong trường hợp chỉ chữa lành cho một người thì ngài cũng cảm nhận được lực ấy ra khỏi ngài (Mác 5:25-34). Dù vậy, ngài để cho đám đông chạm vào mình, và họ được chữa lành (Lu-ca 6:19). Quả là một đấng đầy lòng vị tha!

17. Chúa Giê-su cho thấy ngài dùng quyền một cách có suy xét như thế nào?

17 Chúa Giê-su dùng quyền một cách có suy xét. Ngài không bao giờ dùng quyền năng để gây ấn tượng hoặc thu hút sự chú ý về mình (Ma-thi-ơ 4:5-7). Chẳng hạn, Chúa Giê-su từ chối thực hiện một phép lạ để thỏa mãn tính hiếu kỳ của Hê-rốt (Lu-ca 23:8, 9). Thay vì khoe khoang về quyền năng của mình, Chúa Giê-su thường dặn người được chữa lành đừng nói cho người khác biết (Mác 5:43; 7:36). Ngài không muốn người ta tin ngài là Đấng Mê-si dựa vào những tin đồn giật gân.—Ma-thi-ơ 12:15-19.

18-20. (a) Điều gì chi phối cách Chúa Giê-su dùng quyền năng? (b) Anh chị cảm thấy thế nào về cách Chúa Giê-su chữa lành cho người đàn ông bị điếc?

18 Dù là đấng quyền năng, Chúa Giê-su không giống như những nhà cai trị dùng quyền mà không màng đến nhu cầu và sự đau khổ của người khác. Ngài quan tâm đến người ta. Chỉ thấy người khác đau khổ cũng khiến ngài xúc động đến mức ngài muốn hành động để xoa dịu nỗi đau của họ (Ma-thi-ơ 14:14). Ngài quan tâm sâu xa đến cảm xúc cũng như nhu cầu của họ, và điều này chi phối cách ngài dùng quyền năng của mình. Hãy xem một ví dụ cảm động được ghi nơi Mác 7:31-37.

19 Vào dịp này, đoàn dân đông tìm đến Chúa Giê-su. Họ mang đến cho ngài nhiều người bệnh và ngài chữa lành tất cả (Ma-thi-ơ 15:29, 30). Nhưng Chúa Giê-su thấy một người đàn ông cần sự giúp đỡ đặc biệt. Ông bị điếc và hầu như không nói được. Có lẽ Chúa Giê-su nhận thấy ông khá lo sợ và ngượng ngùng nên ngài tử tế dẫn ông ra chỗ khác, cách xa đám đông. Rồi Chúa Giê-su ra dấu cho ông biết điều ngài sắp làm. Ngài “đặt ngón tay vào hai lỗ tai ông, nhổ nước bọt rồi sờ vào lưỡi ông” c (Mác 7:33). Kế đến, Chúa Giê-su ngước mắt lên trời và thở dài. Qua những hành động này, như thể ngài nói với người đàn ông: “Điều tôi sắp làm cho anh là đến từ quyền năng của Đức Chúa Trời”. Rồi Chúa Giê-su phán: “Hãy mở ra” (Mác 7:34). Thính giác của ông lập tức được phục hồi và có thể nói chuyện bình thường.

20 Thật cảm động khi suy nghĩ về lòng quan tâm sâu xa của Chúa Giê-su dành cho những người mà ngài chữa lành nhờ quyền năng của Đức Chúa Trời! Chẳng phải chúng ta được an ủi khi biết Đức Chúa Trời đã chọn một đấng nhân từ và yêu thương như Chúa Giê-su để làm Vua Nước Trời sao?

Phép lạ của Chúa Giê-su cho thấy trước điều sẽ đến

21, 22. (a) Các phép lạ của Chúa Giê-su cho thấy trước điều gì? (b) Vì Chúa Giê-su có thể kiểm soát các lực thiên nhiên, chúng ta có thể mong đợi điều gì dưới sự cai trị của ngài?

21 Những phép lạ mà Chúa Giê-su thực hiện trên đất cho thấy trước những ân phước tuyệt vời sẽ đến dưới sự cai trị của ngài. Trong thế giới mới, Chúa Giê-su một lần nữa sẽ làm phép lạ, nhưng trên quy mô toàn cầu! Hãy xem một số triển vọng tuyệt vời trong tương lai.

22 Chúa Giê-su sẽ làm cho hệ sinh thái của trái đất trở lại trạng thái hoàn hảo. Hãy nhớ là Chúa Giê-su đã có khả năng làm dịu cơn bão dữ dội thì ngài cũng có thể kiểm soát các lực thiên nhiên. Dưới sự cai trị của Đấng Ki-tô, nhân loại chắc chắn sẽ không cần phải sợ những cơn bão, động đất, núi lửa hoặc những thảm họa thiên nhiên khác làm hại. Là Thợ Cả, đấng được Đức Giê-hô-va dùng để tạo ra trái đất và mọi loài sống trên đó, ngài hiểu rõ mọi điều liên quan đến trái đất. Ngài biết cách dùng tài nguyên trái đất một cách hợp lý. Dưới sự cai trị của ngài, cả trái đất sẽ biến thành địa đàng.—Lu-ca 23:43.

23. Là Vua Nước Trời, Chúa Giê-su sẽ thỏa mãn mọi nhu cầu của nhân loại như thế nào?

23 Nói sao về các nhu cầu của nhân loại? Hẳn chúng ta còn nhớ là với rất ít lương thực, ngài đã cung cấp dư dật thực phẩm cho hàng ngàn người. Vậy nên, chúng ta có thể tin chắc là khi ngài cai trị trái đất, sẽ không ai bị đói nữa. Sẽ có dư tràn thức ăn cho tất cả mọi người (Thi thiên 72:16). Việc ngài đã từng chữa lành bệnh tật cho thấy những người bệnh, mù, điếc, thương tật và què sẽ được chữa lành hoàn toàn và vĩnh viễn (Ê-sai 33:24; 35:5, 6). Ngài đã từng làm người chết sống lại nên với tư cách là Vua quyền năng trên trời, ngài sẽ làm sống lại hàng triệu người mà Cha ngài nhớ đến.—Giăng 5:28, 29.

24. Khi suy ngẫm về quyền năng của Chúa Giê-su, chúng ta cần nhớ điều gì, và tại sao?

24 Khi suy ngẫm về quyền năng của Chúa Giê-su, chúng ta cần nhớ rằng người Con này noi gương Cha một cách hoàn hảo (Giăng 14:9). Vì thế, cách Chúa Giê-su dùng quyền năng cho chúng ta thấy rõ cách Đức Giê-hô-va dùng quyền năng. Chẳng hạn, hãy nhớ lại cách Chúa Giê-su đã ân cần chữa lành cho một người phong cùi. Động lòng thương cảm, Chúa Giê-su chạm vào người đàn ông đó và nói: “Tôi muốn!” (Mác 1:40-42). Qua những lời tường thuật như thế, Đức Giê-hô-va như thể đang nói với chúng ta: “Đây là cách mà ta dùng quyền năng!”. Chắc chắn, anh chị cũng muốn cảm tạ và ngợi khen Đức Chúa Trời toàn năng vì ngài dùng quyền năng một cách đầy yêu thương.

a Biển Ga-li-lê thường có những cơn bão bất ngờ. Vì biển này có độ thấp (khoảng 200 mét dưới mực nước biển) nên không khí ở đó ấm hơn nhiều so với khu vực xung quanh. Điều này gây ra sự nhiễu loạn khí quyển. Gió mạnh thổi từ núi Hẹt-môn phía bắc xuống thung lũng Giô-đanh. Thời tiết lặng gió trên biển có thể nhanh chóng chuyển thành một cơn bão dữ dội.

b Ngoài ra, đôi khi các sách Phúc âm gộp nhiều phép lạ khác nhau trong một lời miêu tả bao quát. Ví dụ, vào dịp nọ, “cả thành” đến gặp ngài và ngài chữa lành “nhiều” người bệnh.—Mác 1:32-34.

c Nhiều người vào thời đó tin rằng nước bọt có thể được dùng để chữa bệnh. Có thể Chúa Giê-su đã nhổ nước bọt chỉ để cho người ấy biết ông sắp được chữa lành. Dù sao đi nữa, Chúa Giê-su không dùng nước bọt của ngài để chữa lành bệnh cho người đàn ông này.