CHƯƠNG 20
“Có lòng khôn ngoan”—Nhưng khiêm nhường
1-3. Tại sao chúng ta có thể tin chắc Đức Giê-hô-va là đấng khiêm nhường?
Một người cha muốn dạy cậu con trai bé bỏng một bài học quan trọng. Ông thật sự muốn động đến lòng con. Vậy ông có thể làm điều này bằng cách nào? Khi nói chuyện với con, ông có nên đứng sừng sững trước mặt con như muốn đe dọa và nói những lời gay gắt không? Hay ông nên cúi xuống ngang tầm với con và nói nhẹ nhàng, yêu thương? Chắc chắn một người cha khôn ngoan và khiêm nhường sẽ đối xử nhân từ với con.
2 Đức Giê-hô-va là người Cha như thế nào? Ngài là đấng kiêu ngạo hay khiêm nhường, gay gắt hay mềm mại? Đức Giê-hô-va là đấng khôn ngoan tột bậc và biết rõ mọi điều. Tuy nhiên, có lẽ anh chị thấy rằng những người hiểu biết nhiều và thông minh thì thường không mấy khiêm nhường. Kinh Thánh nói: “Sự hiểu biết sinh kiêu ngạo” (1 Cô-rinh-tô 3:19; 8:1). Nhưng Đức Giê-hô-va là đấng “có lòng khôn ngoan” và cũng là đấng khiêm nhường (Gióp 9:4). Điều này không có nghĩa là ngài thấp kém hoặc thiếu sự oai nghi, nhưng vì ngài hoàn toàn không kiêu ngạo. Tại sao chúng ta tin chắc điều này?
3 Đức Giê-hô-va là đấng thánh khiết. Vì thế, ngài không có bất kỳ phẩm chất nào khiến ngài trở nên ô uế, chẳng hạn như kiêu ngạo (Mác 7:20-22). Ngoài ra, hãy lưu đến lời nhà tiên tri Giê-rê-mi nói với Đức Giê-hô-va: “Thật ngài sẽ nhớ và cúi xuống đoái thương con” a (Ai ca 3:20). Quả là một ý tưởng đáng kinh ngạc! Đức Giê-hô-va, Chúa Tối Thượng hoàn vũ, sẵn lòng “cúi xuống” ngang hàng với Giê-rê-mi để khích lệ người đàn ông bất toàn này (Thi thiên 113:7). Thật vậy, Đức Giê-hô-va là đấng khiêm nhường. Nhưng ngài thể hiện đức tính này như thế nào? Đức tính này liên quan ra sao đến sự khôn ngoan? Và sự khiêm nhường của ngài mang lại lợi ích nào cho chúng ta?
Đức Giê-hô-va cho thấy ngài khiêm nhường như thế nào?
4, 5. (a) Thế nào là một người khiêm nhường, đức tính này được thể hiện như thế nào, và tại sao chúng ta không nên nhầm lẫn đức tính này với tính nhu nhược và nhút nhát? (b) Đức Giê-hô-va thể hiện sự khiêm nhường như thế nào khi ngài đối xử với Đa-vít, và chúng ta nhận được lợi ích nào từ sự khiêm nhường của ngài?
4 Một người khiêm nhường thì sẽ không nghĩ quá cao về bản thân và không kiêu ngạo. Khiêm nhường là một đức tính trong lòng, được thể hiện qua sự mềm mại, kiên nhẫn và phải lẽ (Ga-la-ti 5:22, 23). Tuy nhiên, chúng ta không nên nhầm lẫn những phẩm chất tin kính này với tính nhu nhược và nhút nhát. Những phẩm chất tin kính ấy không hề trái ngược với sự nổi giận công chính của Đức Chúa Trời hoặc việc ngài dùng quyền năng hủy diệt. Trái lại, việc Đức Giê-hô-va khiêm nhường và mềm mại cho thấy ngài hoàn toàn có thể kiểm soát chính mình và sẽ luôn dùng quyền năng vĩ đại một cách đúng đắn (Ê-sai 42:14). Ngoài ra, sự khiêm nhường của Đức Giê-hô-va cho thấy ngài rất khôn ngoan. Như thế nào? Một học giả Kinh Thánh nói rằng để khiêm nhường, một người phải quên mình, và chỉ người như thế mới có thể được xem là có sự khôn ngoan thật. Sự khiêm nhường của Đức Giê-hô-va mang lại lợi ích cho chúng ta ra sao?
Một người cha khôn ngoan cư xử khiêm nhường và nhẹ nhàng với con cái
5 Vua Đa-vít viết trong một bài Thi thiên về Đức Giê-hô-va: “Ngài ban cho con tấm khiên giải cứu, dùng tay hữu ngài để hỗ trợ con; nhờ ngài khiêm nhường, con nên cao trọng” (Thi thiên 18:35). Điều này như thể Đức Giê-hô-va cúi xuống với Đa-vít, một người thấp hèn, để bảo vệ và chăm sóc ông mỗi ngày. Đa-vít nhận ra rằng chỉ nhờ sự khiêm nhường và giúp đỡ của Đức Giê-hô-va, ông mới có thể thoát khỏi kẻ thù và trở thành một vị vua vĩ đại. Thật vậy, nếu Đức Giê-hô-va không khiêm nhường và sẵn lòng cúi xuống để đối xử với chúng ta như người Cha dịu dàng và yêu thương, thì không ai trong chúng ta có hy vọng cứu rỗi.
6, 7. (a) Tại sao Kinh Thánh không bao giờ dùng từ “khiêm tốn” khi nói về Đức Giê-hô-va? (b) Có mối liên hệ nào giữa sự mềm mại và sự khôn ngoan, và ai nêu gương tốt nhất về tính mềm mại?
6 Điều đáng chú ý là có sự khác biệt giữa khiêm nhường và khiêm tốn. Khiêm tốn là một phẩm chất tuyệt vời mà những người trung thành cần vun trồng. Giống như tính khiêm nhường, tính khiêm tốn liên quan đến sự khôn ngoan. Chẳng hạn, Châm ngôn 11:2 nói: “Sự khôn ngoan ở với người khiêm tốn”. Tuy nhiên, Kinh Thánh không bao giờ dùng từ “khiêm tốn” khi nói về Đức Giê-hô-va. Tại sao? Vì từ “khiêm tốn” trong Kinh Thánh hàm ý một người ý thức những giới hạn của mình. Đấng Toàn Năng không có giới hạn nào ngoài những giới hạn mà ngài đặt ra cho mình vì ngài làm theo tiêu chuẩn công chính của ngài (Mác 10:27; Tít 1:2). Hơn nữa, vì Đức Giê-hô-va là Đấng Tối Cao nên ngài không ở dưới quyền của bất cứ ai. Vậy chúng ta không thể dùng từ “khiêm tốn” khi nói về Đức Giê-hô-va.
7 Tuy nhiên, Đức Giê-hô-va khiêm nhường và mềm mại. Ngài dạy các tôi tớ rằng mềm mại là điều cần thiết để có sự khôn ngoan thật. Lời ngài nói về “lòng mềm mại đến từ sự khôn ngoan” b (Gia-cơ 3:13). Hãy xem Đức Giê-hô-va nêu gương thế nào về phẩm chất này.
Đức Giê-hô-va khiêm nhường ủy quyền và lắng nghe người khác
8-10. (a) Tại sao việc Đức Giê-hô-va sẵn lòng ủy quyền và lắng nghe người khác là điều đáng kinh ngạc? (b) Đức Giê-hô-va đã khiêm nhường đối xử với các thiên sứ như thế nào?
8 Một bằng chứng ấm lòng về sự khiêm nhường của Đức Giê-hô-va là ngài sẵn sàng ủy quyền và lắng nghe người khác. Hẳn điều này khiến chúng ta vô cùng kinh ngạc, vì ngài không cần ai tư vấn hay giúp đỡ (Ê-sai 40:13, 14; Rô-ma 11:34, 35). Tuy nhiên, Kinh Thánh nhiều lần cho chúng ta thấy Đức Giê-hô-va thể hiện sự khiêm nhường qua những cách này.
9 Chẳng hạn, hãy xem một sự kiện quan trọng trong cuộc đời của Áp-ra-ham. Ông có ba vị khách đến thăm; ông gọi một người trong số họ là “Đức Giê-hô-va”. Những vị khách đó thật ra là các thiên sứ, nhưng một người đã nhân danh Đức Giê-hô-va mà đến và hành động nhân danh ngài. Khi thiên sứ đó nói và hành động thì như thể chính Đức Giê-hô-va đang nói và hành động. Qua vị thiên sứ này, Đức Giê-hô-va cho Áp-ra-ham biết là ngài đã nghe “tiếng than trách về Sô-đôm và Gô-mô-rơ thật lớn lắm”. Ngài phán: “Ta sẽ xuống xem tiếng than trách đã thấu đến ta có đúng hay không, và có thật là chúng làm những điều ác thể ấy không. Ta muốn biết thực hư thế nào” (Sáng thế 18:3, 20, 21). Dĩ nhiên, điều này không có nghĩa là Đức Giê-hô-va sẽ đích thân “xuống” trái đất. Nhưng ý của ngài là ngài sẽ sai các thiên sứ đến để điều tra sự việc (Sáng thế 19:1). Đức Giê-hô-va có thể thấy mọi điều, vậy tại sao ngài lại sai thiên sứ đến? Chắc chắn ngài không cần sự trợ giúp như thế để “biết” những gì thật sự đang xảy ra ở Sô-đôm và Gô-mô-rơ. Nhưng vì khiêm nhường nên ngài giao cho các thiên sứ nhiệm vụ tìm hiểu sự việc và đến thăm Lót cũng như gia đình ông ở Sô-đôm.
10 Ngoài ra, Đức Giê-hô-va còn là đấng sẵn lòng lắng nghe. Có lần ngài đã mời các thiên sứ nêu lên cách để đánh bại vua A-háp độc ác. Đức Giê-hô-va không cần sự trợ giúp như thế. Tuy nhiên, ngài đã chấp thuận lời đề nghị của một thiên sứ và giao cho thiên sứ ấy thực thi nhiệm vụ đó (1 Các vua 22:19-22). Chẳng phải điều này cho thấy Đức Giê-hô-va là đấng khiêm nhường sao?
11, 12. Áp-ra-ham chứng kiến sự khiêm nhường của Đức Giê-hô-va qua cách nào?
11 Đức Giê-hô-va thậm chí còn sẵn lòng lắng nghe những người bất toàn khi họ muốn bày tỏ mối quan tâm của mình. Chẳng hạn, khi Đức Giê-hô-va nói với Áp-ra-ham về ý định hủy diệt thành Sô-đôm và Gô-mô-rơ, người đàn ông trung thành này rất bối rối. Ông nói: “Không bao giờ ngài làm thế. Chẳng phải Đấng Phán Xét của toàn thể trái đất sẽ làm điều đúng sao?”. Ông hỏi liệu ngài có tha thứ cho các thành ấy nếu tìm thấy 50 người công chính ở đó không. Đức Giê-hô-va đã đảm bảo với ông là ngài sẽ tha cho họ. Nhưng Áp-ra-ham lại hỏi tiếp, lần này ông rút số người xuống còn 45, rồi 40, v.v. Dù Đức Giê-hô-va đã đảm bảo với ông là ngài sẽ làm điều đúng nhưng ông vẫn kiên trì hỏi cho đến khi con số giảm xuống còn mười. Có lẽ ông vẫn chưa hiểu hết về lòng thương xót của Đức Giê-hô-va. Dù sao đi nữa, Đức Giê-hô-va đã kiên nhẫn và khiêm nhường để cho Áp-ra-ham, người bạn và là tôi tớ của ngài, bày tỏ mối quan tâm của mình.—Sáng thế 18:23-33.
12 Hầu hết những người thông minh sẽ không kiên nhẫn lắng nghe những người kém thông minh hơn họ. c Nhưng Đức Chúa Trời khiêm nhường của chúng ta đã làm thế! Trong lần nói chuyện đó, Áp-ra-ham cũng nhận ra rằng Đức Giê-hô-va là đấng “chậm nóng giận” (Xuất Ai Cập 34:6). Có lẽ Áp-ra-ham nhận ra là mình không có quyền chất vấn hành động của Đấng Tối Cao, nên ông đã hai lần nài xin: “Lạy Đức Giê-hô-va, xin ngài đừng giận” (Sáng thế 18:30, 32). Dĩ nhiên, Đức Giê-hô-va không nổi giận. Ngài thật sự có “lòng mềm mại đến từ sự khôn ngoan”.
Đức Giê-hô-va là đấng phải lẽ
13. Trong Kinh Thánh, từ “phải lẽ” có nghĩa gì, và tại sao từ này miêu tả rất đúng về Đức Giê-hô-va?
13 Sự khiêm nhường của Đức Giê-hô-va được thể hiện qua một đức tính tuyệt vời khác là tính phải lẽ. Đáng buồn là con người bất toàn thường thiếu đức tính này. Đức Giê-hô-va không chỉ sẵn lòng lắng nghe các tạo vật thông minh của ngài mà ngài còn sẵn sàng nhường nếu điều đó không trái với nguyên tắc công chính của ngài. Trong Kinh Thánh, từ “phải lẽ” có nghĩa đen là “nhường nhịn”. Đức tính này cũng là một bằng chứng rõ ràng cho thấy sự khôn ngoan của ngài. Gia-cơ 3:17 nói: “Sự khôn ngoan từ trên thì... phải lẽ”. Đức Giê-hô-va, đấng khôn ngoan tột bậc, cho thấy ngài phải lẽ như thế nào? Trước hết, ngài là đấng linh động. Hãy nhớ là danh Giê-hô-va dạy chúng ta rằng ngài có thể trở thành bất cứ điều gì cần thiết để hoàn thành ý định của ngài (Xuất Ai Cập 3:14). Chẳng phải điều này cho thấy ngài là đấng phải lẽ và linh động sao?
14, 15. Khải tượng của Ê-xê-chi-ên dạy chúng ta điều gì về phần trên trời của tổ chức Đức Giê-hô-va, và phần trên trời này khác với tổ chức của thế gian như thế nào?
14 Có một đoạn Kinh Thánh rất đáng chú ý giúp chúng ta hiểu được phần nào về tính linh động của Đức Giê-hô-va. Nhà tiên tri Ê-xê-chi-ên được ban cho một khải tượng miêu tả phần trên trời của tổ chức Đức Giê-hô-va, gồm các tạo vật thần linh. Ông thấy một cỗ xe khổng lồ do Đức Giê-hô-va điều khiển. Cách cỗ xe ấy di chuyển là điều đáng chú ý nhất. Mỗi bánh xe khổng lồ có bốn vành và nhiều mắt để chúng có thể nhìn mọi nơi và có thể đổi hướng ngay lập tức mà không cần dừng hoặc rẽ. Cỗ xe này không di chuyển ì ạch như những phương tiện cồng kềnh do con người tạo ra. Cỗ xe này có thể di chuyển với tốc độ nhanh như chớp và thậm chí có thể rẽ góc 90 độ! (Ê-xê-chi-ên 1:1, 14-28). Thật vậy, tổ chức của Đức Giê-hô-va rất linh động giống như ngài và luôn nhanh chóng thích nghi với bất cứ thay đổi nào.
15 Con người chỉ có thể cố gắng thích nghi, nhưng thường thì họ và tổ chức của họ phản ứng rất chậm khi có sự thay đổi. Hãy xem một minh họa: Một con tàu chở dầu hoặc một tàu lửa chở hàng có thể trông rất ấn tượng vì có kích thước lớn và động cơ mạnh. Nhưng liệu chúng có thể phản ứng nhanh khi có những thay đổi bất ngờ không? Nếu một chướng ngại vật rơi xuống chắn ngang đường ray phía trước tàu lửa thì việc nó đổi hướng là điều không thể. Việc đột ngột dừng lại cũng không phải là dễ. Sau khi hãm phanh, một chiếc tàu lửa có thể phải chạy khoảng hai ki-lô-mét nữa mới dừng lại được! Tương tự, sau khi tắt động cơ, một con tàu chở dầu có thể phải lướt thêm tám ki-lô-mét nữa mới dừng hẳn. Ngay cả khi cho máy chạy lùi, nó vẫn phải tiến thêm ba ki-lô-mét nữa! Minh họa này cho thấy rõ tổ chức của con người thường cứng nhắc và thiếu phải lẽ. Vì tự cao nên họ thường không chịu thích nghi khi nhu cầu và hoàn cảnh thay đổi. Sự cứng nhắc như thế đã khiến nhiều doanh nghiệp bị phá sản và thậm chí nhiều chính phủ bị lật đổ (Châm ngôn 16:18). Chúng ta thật vui mừng vì Đức Giê-hô-va và tổ chức của ngài hoàn toàn không giống vậy!
Đức Giê-hô-va thể hiện tính phải lẽ như thế nào?
16. Đức Giê-hô-va đã phải lẽ với Lót như thế nào trước khi hủy diệt thành Sô-đôm và Gô-mô-rơ?
16 Hãy trở lại trường hợp của thành Sô-đôm và Gô-mô-rơ bị hủy diệt. Thiên sứ chỉ thị rõ ràng cho Lót và gia đình ông: “Hãy trốn lên miền núi”. Tuy nhiên, Lót không muốn đi đến đó. Ông nài xin: “Không được đâu, Đức Giê-hô-va ôi! Con xin ngài”. Vì sợ là mình sẽ chết nếu chạy lên miền núi nên Lót xin Đức Giê-hô-va cho ông và gia đình chạy đến thành Xoa gần đó. Nhưng Đức Giê-hô-va đã có ý định hủy diệt thành ấy. Hơn nữa, Lót không cần sợ hãi khi phải trốn lên miền núi vì chắc chắn Đức Giê-hô-va có khả năng bảo toàn mạng sống của ông. Dù thế, Đức Giê-hô-va đã nhân nhượng trước lời nài xin của Lót. Thiên sứ nói với Lót: “Được, ta sẽ chiếu cố cho con lần nữa mà không hủy diệt thành con nói đến” (Sáng thế 19:17-22). Chẳng phải điều này cho thấy Đức Giê-hô-va là đấng phải lẽ sao?
17, 18. Đức Giê-hô-va cho thấy ngài phải lẽ như thế nào đối với dân thành Ni-ni-ve?
17 Đức Giê-hô-va luôn thể hiện lòng thương xót và làm điều đúng. Vì thế, ngài sẵn sàng điều chỉnh hành động khi một người thật lòng ăn năn về điều sai trái họ đã làm. Hãy xem điều đã xảy ra khi nhà tiên tri Giô-na được phái đến thành Ni-ni-ve, một thành hung bạo và gian ác. Giô-na đi khắp các đường của thành Ni-ni-ve để công bố thông điệp đơn giản đến từ Đức Giê-hô-va là 40 ngày nữa thành lớn này sẽ bị hủy diệt. Tuy nhiên, tình thế hoàn toàn thay đổi. Dân thành Ni-ni-ve ăn năn!—Giô-na, chương 3.
18 Hãy xem Đức Giê-hô-va phản ứng khác với Giô-na như thế nào về sự thay đổi này. Trong trường hợp ấy, Đức Giê-hô-va đã linh động và tha thứ cho dân thành Ni-ni-ve thay vì trở thành “chiến binh dũng mãnh” và hủy diệt họ d (Xuất Ai Cập 15:3). Ngược lại, Giô-na thì cứng nhắc và thiếu lòng thương xót. Thay vì bắt chước tính phải lẽ của Đức Giê-hô-va, ông lại phản ứng giống như con tàu chở dầu và tàu lửa chở hàng được đề cập ở trên. Ông đã loan báo sự hủy diệt thì ông muốn điều đó phải xảy ra! Tuy nhiên, Đức Giê-hô-va đã kiên nhẫn dạy cho nhà tiên tri thiếu kiên nhẫn này một bài học đáng nhớ về tính phải lẽ và lòng thương xót của ngài.—Giô-na, chương 4.
19. (a) Tại sao chúng ta có thể tin chắc Đức Giê-hô-va là đấng phải lẽ về những gì ngài đòi hỏi nơi chúng ta? (b) Làm thế nào Châm ngôn 19:17 cho thấy Đức Giê-hô-va là người Chủ tốt, phải lẽ và khiêm nhường tột bậc?
19 Đức Giê-hô-va cũng cho thấy ngài là đấng phải lẽ về những gì ngài đòi hỏi nơi chúng ta. Vua Đa-vít nói: “Ngài biết rõ chúng ta nắn nên bởi gì, ngài luôn nhớ rằng chúng ta chỉ là bụi đất” (Thi thiên 103:14). Đức Giê-hô-va hiểu những giới hạn và sự bất toàn của chúng ta hơn chúng ta. Ngài không bao giờ đòi hỏi chúng ta nhiều hơn những gì mình có thể làm. Kinh Thánh nói rằng một số người là “chủ tốt và biết điều”, còn số khác thì là “chủ khó tính” (1 Phi-e-rơ 2:18). Vậy Đức Giê-hô-va là Chủ như thế nào? Hãy lưu ý điều được nói nơi Châm ngôn : “Người làm ơn cho kẻ thấp hèn là cho Đức Giê-hô-va vay mượn”. Rõ ràng, chỉ có người chủ tốt và phải lẽ thì mới để ý đến những điều tử tế mà một người làm cho người thấp hèn. Câu Kinh Thánh này còn hàm ý rằng Đức Giê-hô-va, Đấng Tối Cao, cảm thấy mắc nợ những người thấp hèn như chúng ta về những điều tốt mà chúng ta làm cho người khác. Thật vậy, Đức Giê-hô-va là đấng khiêm nhường tột bậc. 19:17
20. Tại sao chúng ta có thể tin chắc Đức Giê-hô-va nghe và đáp lời cầu nguyện của mình?
20 Ngày nay, Đức Giê-hô-va cũng đối xử mềm mại và phải lẽ với các tôi tớ của ngài. Khi chúng ta cầu nguyện với đức tin, ngài sẽ lắng nghe. Dù ngài không sai các thiên sứ đến để phán với chúng ta thì chúng ta cũng không nên kết luận rằng ngài không đáp lời cầu nguyện của mình. Hãy nhớ khi sứ đồ Phao-lô xin các anh em đồng đạo “tiếp tục cầu nguyện” để ông được ra khỏi tù, ông nói thêm: “Để tôi được trở lại với anh em sớm hơn” (Hê-bơ-rơ 13:18, 19). Như vậy, lời cầu nguyện của chúng ta có thể thúc đẩy Đức Giê-hô-va làm điều mà có lẽ ngài sẽ không làm nếu mình không cầu nguyện!—Gia-cơ 5:16.
21. Sự khiêm nhường của Đức Giê-hô-va không có nghĩa là gì, và anh chị cảm thấy thế nào về sự khiêm nhường của ngài?
21 Dù Đức Giê-hô-va thể hiện sự khiêm nhường qua việc mềm mại, sẵn lòng lắng nghe, kiên nhẫn và phải lẽ nhưng điều này không có nghĩa là ngài cho phép người ta vi phạm luật pháp của ngài. Giới lãnh đạo tôn giáo có lẽ nghĩ là họ đang phải lẽ khi dạy người ta những lời êm tai rằng không có gì sai khi làm điều Đức Giê-hô-va ghét (2 Ti-mô-thê 4:3). Con người thường chọn làm điều mà họ biết là sai nếu điều đó tiện hơn cho họ, rồi sau đó họ nói là mình đang phải lẽ. Nhưng đó không phải là cách mà Đức Giê-hô-va thể hiện tính phải lẽ. Đức Giê-hô-va là đấng thánh khiết và sẽ không bao giờ vi phạm tiêu chuẩn công chính của ngài (Lê-vi 11:44). Vậy chúng ta cần hiểu lý do tại sao Đức Giê-hô-va phải lẽ, đó là vì ngài khiêm nhường. Và chúng ta yêu thương ngài vì điều ấy. Chẳng phải anh chị cảm thấy vô cùng hào hứng khi biết Đức Giê-hô-va là đấng khôn ngoan nhất nhưng cũng là đấng khiêm nhường nhất sao? Thật vui mừng khi được đến gần một Đức Chúa Trời mềm mại, kiên nhẫn và phải lẽ!
a Những nhà sao chép Kinh Thánh thời xưa, tức người Sopherim, đã sửa câu này thành Giê-rê-mi cúi xuống chứ không phải là Đức Giê-hô-va. Dường như họ nghĩ rằng việc quy cho Đức Chúa Trời một hành động khiêm nhường như thế là không phù hợp. Do đó, nhiều bản dịch không truyền tải đúng ý nghĩa của câu Kinh Thánh tuyệt vời này.
b Bản dịch khác dịch là “đức khiêm nhường đến từ sự khôn ngoan”.
c Điều đáng chú ý là Kinh Thánh nói rằng một người không kiên nhẫn thì là người kiêu ngạo (Truyền đạo 7:8). Vì thế, sự kiên nhẫn của Đức Giê-hô-va cũng cho thấy ngài rất khiêm nhường.—2 Phi-e-rơ 3:9.
d Thi thiên 86:5 nói rằng Đức Giê-hô-va “thật tốt, sẵn lòng thứ tha”. Khi bài Thi thiên này được dịch sang tiếng Hy Lạp, cụm từ “sẵn lòng thứ tha” được dịch là e·pi·ei·kesʹ, tức “phải lẽ”.