Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

CHƯƠNG 16

“Thực thi công lý” khi bước đi cùng Đức Chúa Trời

“Thực thi công lý” khi bước đi cùng Đức Chúa Trời

1-3. (a) Tại sao chúng ta mang ơn Đức Giê-hô-va? (b) Đấng Giải Thoát đầy yêu thương đòi hỏi điều gì nơi chúng ta?

 Hãy hình dung anh chị bị mắc kẹt trên một chiếc tàu đang chìm. Khi anh chị bắt đầu cảm thấy tuyệt vọng thì cứu hộ đến. Anh chị cảm thấy vô cùng nhẹ nhõm khi người ấy đưa anh chị ra khỏi nơi nguy hiểm và nói: “Bạn an toàn rồi!”. Hẳn anh chị mang ơn người ấy phải không? Thật vậy, anh chị nợ người ấy mạng sống của mình.

2 Ví dụ trên giúp chúng ta hiểu những điều Đức Giê-hô-va đã làm cho mình. Chắc chắn chúng ta mang ơn ngài. Suy cho cùng, ngài đã cung cấp giá chuộc hầu giúp chúng ta được giải thoát khỏi tội lỗi và cái chết. Nếu thể hiện đức tin nơi giá chuộc quý báu ấy, chúng ta có thể tin chắc rằng mình sẽ được tha thứ và được hưởng sự sống vĩnh cửu (1 Giăng 1:7; 4:9). Như chúng ta đã học trong chương 14, giá chuộc là bằng chứng mạnh mẽ nhất cho thấy Đức Giê-hô-va là Đức Chúa Trời của công lý và ngài yêu thương chúng ta. Vậy chúng ta có thể làm gì để cho thấy mình biết ơn ngài?

3 Việc xem xét Đấng Giải Thoát đòi hỏi gì nơi chúng ta là điều thích hợp. Qua nhà tiên tri Mi-chê, Đức Giê-hô-va nói: “Hỡi phàm nhân, ngài đã cho người biết đâu là điều lành. Đức Giê-hô-va đòi hỏi người điều chi? Không gì khác hơn là thực thi công lý, yêu quý sự thành tín và bước đi khiêm tốn cùng Đức Chúa Trời mình!” (Mi-chê 6:8). Hãy lưu ý một trong những điều mà Đức Giê-hô-va đòi hỏi nơi chúng ta là “thực thi công lý” hay thể hiện sự công chính. Chúng ta có thể làm thế bằng cách nào?

Theo đuổi “sự công chính thật”

 4. Làm thế nào chúng ta biết Đức Giê-hô-va đòi hỏi mình sống theo tiêu chuẩn công chính của ngài?

4 Đức Giê-hô-va đòi hỏi chúng ta sống theo tiêu chuẩn của ngài về điều đúng và điều sai. Vì các tiêu chuẩn của ngài đều công chính, nên khi làm theo những tiêu chuẩn ấy chúng ta đang theo đuổi sự công chính. Lời Đức Chúa Trời khuyến khích chúng ta “hãy tìm kiếm sự công chính” (Xô-phô-ni 2:3). Kinh Thánh cũng khuyến giục chúng ta “mặc lấy nhân cách mới được dựng nên theo ý muốn Đức Chúa Trời, phù hợp với sự công chính thật” (Ê-phê-sô 4:24). Khi nỗ lực hết sức để sống theo tiêu chuẩn của Đức Giê-hô-va, chúng ta sẽ tránh xa những hành vi hung bạo, ô uế và vô luân vì những điều ấy đi ngược lại với tiêu chuẩn thánh và công chính của ngài.—Thi thiên 11:5; Ê-phê-sô 5:3-5.

5, 6. (a) Tại sao làm theo tiêu chuẩn của Đức Giê-hô-va không phải là gánh nặng? (b) Làm thế nào Kinh Thánh cho thấy việc theo đuổi sự công chính là quá trình liên tục?

5 Làm theo tiêu chuẩn công chính của Đức Giê-hô-va có phải là gánh nặng không? Không. Nếu yêu thương Đức Giê-hô-va và muốn đến gần ngài thì một người sẽ không cảm thấy quá khó để làm theo những gì ngài đòi hỏi. Vì yêu mến Đức Chúa Trời và tất cả những phẩm chất của ngài, chúng ta muốn sống theo cách làm đẹp lòng ngài (1 Giăng 5:3). Hãy nhớ rằng Đức Giê-hô-va “yêu việc làm công chính” (Thi thiên 11:7). Chúng ta chỉ có thể noi theo sự công chính của Đức Giê-hô-va khi tập yêu mến những điều ngài yêu và ghét những điều ngài ghét.—Thi thiên 97:10.

6 Theo đuổi sự công chính không phải là điều dễ đối với con người bất toàn. Chúng ta phải lột bỏ nhân cách cũ cùng những việc làm tội lỗi và mặc lấy nhân cách mới. Kinh Thánh nói rằng nhân cách mới là nhân cách “đang được đổi mới” nhờ sự hiểu biết chính xác (Cô-lô-se 3:9, 10). Cụm từ “đang được đổi mới” cho thấy việc mặc lấy nhân cách mới là một quá trình liên tục và đòi hỏi sự nỗ lực không ngừng. Dù nỗ lực hết sức để làm điều đúng, nhưng vì là người bất toàn nên đôi khi chúng ta vẫn suy nghĩ, nói năng hoặc làm điều sai trái.—Rô-ma 7:14-20; Gia-cơ 3:2.

 7. Chúng ta nên có quan điểm nào về những lỗi lầm của mình khi cố gắng theo đuổi sự công chính?

7 Chúng ta nên có quan điểm nào về những lỗi lầm của mình khi cố gắng theo đuổi sự công chính? Dĩ nhiên chúng ta không muốn giảm nhẹ tính nghiêm trọng của tội lỗi, nhưng chúng ta cũng không muốn bỏ cuộc và nghĩ rằng mình không xứng đáng để phụng sự Đức Giê-hô-va vì lỗi lầm của bản thân. Đức Chúa Trời nhân từ đã có các sắp đặt giúp những người thật lòng ăn năn được nhận lại ân huệ của ngài. Sứ đồ Giăng viết: “Tôi viết cho anh em những điều này để anh em không phạm tội”. Nhưng ông nói thêm những lời ấm lòng sau: “Tuy nhiên, nếu có ai phạm tội [vì sự bất toàn di truyền] thì chúng ta có đấng giúp đỡ đang ở với Cha, đó là Chúa Giê-su Ki-tô” (1 Giăng 2:1). Thật vậy, Đức Giê-hô-va đã cung cấp giá chuộc là sự hy sinh của Chúa Giê-su, nhờ thế chúng ta có thể được ngài chấp nhận để làm tôi tớ ngài dù là người tội lỗi. Chẳng phải điều này thôi thúc chúng ta muốn nỗ lực hết sức để làm đẹp lòng Đức Giê-hô-va sao?

Tin mừng và sự công chính của Đức Chúa Trời

8, 9. Việc rao truyền tin mừng cho thấy Đức Giê-hô-va là đấng công chính như thế nào?

8 Một cách để thể hiện sự công chính và noi gương Đức Giê-hô-va là tích cực rao truyền tin mừng về Nước Trời. Làm thế nào việc rao truyền tin mừng cho thấy Đức Giê-hô-va là đấng công chính?

9 Đức Giê-hô-va đưa ra lời cảnh báo trước khi kết liễu thế gian gian ác này. Trong lời tiên tri về điều xảy ra vào thời kỳ cuối cùng, Chúa Giê-su nói: “Trước hết, tin mừng phải được rao truyền cho muôn dân” (Mác 13:10; Ma-thi-ơ 24:3). Từ “trước hết” ở đây hàm ý rằng những biến cố khác sẽ diễn ra sau khi tin mừng được rao truyền khắp đất. Các biến cố đó bao gồm hoạn nạn lớn, là thời điểm những kẻ ác sẽ bị hủy diệt và mở đường cho một thế giới mới công chính (Ma-thi-ơ 24:14, 21, 22). Chắc chắn không ai có lý do để nói rằng Đức Giê-hô-va bất công với những kẻ ác. Qua công việc rao giảng, ngài cảnh báo họ để họ có thể thay đổi và được cứu.—Giô-na 3:1-10.

10, 11. Việc chúng ta rao truyền tin mừng phản ánh sự công chính của Đức Chúa Trời như thế nào?

10 Việc chúng ta rao truyền tin mừng phản ánh sự công chính của Đức Chúa Trời như thế nào? Trước hết, việc chúng ta cố gắng hết sức để giúp người khác nhận được sự cứu rỗi là điều công chính. Hãy xem lại ví dụ về việc anh chị được cứu khỏi một chiếc tàu đang chìm. Sau khi lên tàu cứu hộ an toàn, hẳn anh chị muốn giúp những người vẫn còn ở dưới nước. Tương tự, chúng ta có trách nhiệm đối với những người đang vật lộn trong “nước”, tượng trưng cho thế gian gian ác này. Đúng là nhiều người từ chối thông điệp cứu mạng của chúng ta, nhưng chừng nào Đức Giê-hô-va còn tiếp tục kiên nhẫn với họ thì chừng nấy chúng ta vẫn còn trách nhiệm giúp họ “ăn năn” và nhờ thế họ có triển vọng được cứu.—2 Phi-e-rơ 3:9.

11 Bằng cách rao truyền tin mừng cho tất cả những ai mình gặp, chúng ta đang thể hiện sự công chính theo một cách quan trọng khác, đó là chúng ta không thiên vị. Hãy nhớ là “Đức Chúa Trời không hề thiên vị, nhưng trong các dân, hễ ai kính sợ ngài và làm điều đúng thì được ngài chấp nhận” (Công vụ 10:34, 35). Nếu muốn noi gương ngài về sự công chính, chúng ta không nên có thành kiến với người khác. Thay vì vậy, chúng ta nên rao giảng cho mọi loại người, bất kể họ giàu hay nghèo, thuộc chủng tộc hoặc có địa vị xã hội nào. Khi làm thế, chúng ta cho tất cả những ai sẵn lòng lắng nghe có cơ hội được biết và hưởng ứng tin mừng.—Rô-ma 10:11-13.

Cách chúng ta đối xử với người khác

12, 13. (a) Tại sao chúng ta không nên vội xét đoán người khác? (b) Lời khuyên ‘đừng xét đoán nữa’ và ‘đừng lên án nữa’ của Chúa Giê-su có nghĩa gì? (Cũng xem chú thích).

12 Chúng ta cũng có thể thể hiện sự công chính qua việc đối xử với người khác theo cách mà Đức Giê-hô-va đối xử với mình. Rất dễ để chúng ta xét đoán, chỉ trích lỗi lầm và nghi ngờ động cơ của người khác. Nhưng có ai trong chúng ta muốn Đức Giê-hô-va nghi ngờ động cơ hoặc chỉ trích thậm tệ lỗi lầm của mình không? Hẳn là không. Ngài không đối xử với chúng ta như thế. Người viết Thi thiên nói: “Lạy Gia, nếu ngài để ý lầm lỗi thì Đức Giê-hô-va ôi, còn ai đứng nổi?” (Thi thiên 130:3). Chúng ta thật biết ơn Đức Giê-hô-va vì ngài là đấng công chính, thương xót và không tập trung vào lỗi lầm của mình (Thi thiên 103:8-10). Vậy, chúng ta nên đối xử thế nào với người khác?

13 Khi ai đó phạm lỗi, chúng ta có thể bắt chước sự công chính và lòng thương xót của Đức Giê-hô-va bằng cách không vội xét đoán họ, đặc biệt là trong những vấn đề không liên quan đến mình hoặc không quá quan trọng. Trong Bài giảng trên núi, Chúa Giê-su cảnh báo: “Đừng xét đoán người khác nữa, để anh em không bị xét đoán” (Ma-thi-ơ 7:1). Theo lời tường thuật của Lu-ca, Chúa Giê-su nói thêm: “Đừng lên án người khác nữa, để anh em không bị lên án” a (Lu-ca 6:37). Chúa Giê-su biết con người bất toàn có khuynh hướng lên án người khác. Vì thế, những ai đang lắng nghe ngài và có khuynh hướng đó thì cần ngừng xét đoán.

Chúng ta noi gương Đức Chúa Trời về sự công chính khi chia sẻ tin mừng với người khác một cách không thiên vị

14. Chúng ta cần ngừng xét đoán người khác vì những lý do nào?

14 Tại sao chúng ta cần ngừng xét đoán người khác? Một lý do là chúng ta không có quyền làm thế. Môn đồ Gia-cơ nhắc chúng ta rằng: “Chỉ có một Đấng Lập Luật và Đấng Phán Xét” là Đức Giê-hô-va. Rồi Gia-cơ nêu lên một câu hỏi đáng suy nghĩ: “Anh em là ai mà xét đoán người lân cận mình?” (Gia-cơ 4:12; Rô-ma 14:1-4). Ngoài ra, vì là người tội lỗi nên chúng ta rất dễ xét đoán người khác một cách thiếu công bằng. Chúng ta có thể không nhìn thấy những điểm tốt của họ vì không thích điều gì đó nơi họ, chúng ta cảm thấy họ đã đối xử tệ với mình, chúng ta ghen tị hoặc nghĩ mình tốt hơn họ. Chúng ta cũng không thể đọc được lòng của người khác hoặc biết rõ hoàn cảnh của họ. Suy ngẫm về điều này sẽ giúp chúng ta tránh vội bắt lỗi người khác. Dựa trên những lý do đó, chúng ta không có quyền nghi ngờ động cơ của anh em hoặc chỉ trích nỗ lực của họ trong việc phụng sự Đức Chúa Trời. Thật tốt biết bao nếu chúng ta bắt chước gương Đức Giê-hô-va bằng cách tập trung vào ưu điểm thay vì khuyết điểm của họ!

15. Lời nói hoặc hành động nào không có chỗ trong vòng những người thờ phượng Đức Chúa Trời, và tại sao?

15 Chúng ta nên đối xử với những thành viên trong gia đình như thế nào? Gia đình lẽ ra là nơi mà mọi người cảm thấy được an toàn. Nhưng đáng buồn là trong thế giới ngày nay, đó là nơi mà mọi người thường đối xử tệ với nhau. Nhiều người chồng, người vợ hoặc cha mẹ đối xử với gia đình giống như một thẩm phán vô tâm. Họ nói những lời độc địa, ác ý và thậm chí còn đánh đập những thành viên trong gia đình. Tuy nhiên, lời nói mỉa mai, cay nghiệt và hành vi bạo lực thì không có chỗ trong vòng những người thờ phượng Đức Chúa Trời (Ê-phê-sô 4:29, 31; 5:33; 6:4). Lời khuyên của Chúa Giê-su là ‘đừng đoán xét nữa’ và ‘đừng lên án nữa’ cũng áp dụng trong phạm vi gia đình. Hãy nhớ rằng việc thể hiện sự công chính bao gồm đối xử với người khác theo cách mà Đức Giê-hô-va đối xử với chúng ta. Đức Chúa Trời không bao giờ đối xử hà khắc hay tàn nhẫn với chúng ta. Thay vì thế, ngài “giàu lòng trắc ẩn” với những ai yêu mến ngài (Gia-cơ 5:11). Quả là một gương tuyệt vời để chúng ta noi theo!

Trưởng lão “vì công lý” mà phục vụ

16, 17. (a) Đức Giê-hô-va đòi hỏi điều gì nơi các trưởng lão? (b) Các trưởng lão cần làm gì khi một người không thật lòng ăn năn, và tại sao?

16 Tất cả chúng ta đều có trách nhiệm “thực thi công lý” hay thể hiện sự công chính, nhưng các trưởng lão trong hội thánh đạo Đấng Ki-tô đặc biệt cần làm thế. Hãy lưu ý đến những điều Ê-sai viết trong lời tiên tri về “các quan”, tức các trưởng lão: “Kìa! Sẽ có một vua vì lẽ công chính mà trị vì, cùng với các quan vì công lý mà cai trị” (Ê-sai 32:1). Thật vậy, Đức Giê-hô-va đòi hỏi các trưởng lão noi gương ngài trong việc thực thi công lý. Họ có thể làm điều này như thế nào?

17 Những người nam hội đủ điều kiện về thiêng liêng này biết rõ rằng để thực thi công lý của Đức Giê-hô-va, họ phải giữ cho hội thánh thanh sạch. Đôi khi các trưởng lão phải xét xử những trường hợp phạm tội trọng. Khi thi hành trách nhiệm đó, họ nhớ rằng Đức Giê-hô-va muốn họ thể hiện lòng thương xót bất cứ khi nào có thể. Do đó, họ cố gắng giúp đỡ để người phạm tội ăn năn. Nói sao nếu các trưởng lão đã cố gắng hết sức nhưng người phạm tội vẫn không thật lòng ăn năn? Trong trường hợp đó, các trưởng lão sẽ hành động một cách kiên quyết dựa trên sự chỉ dẫn phản ánh công lý hoàn hảo của Đức Giê-hô-va: “Hãy loại bỏ kẻ gian ác khỏi anh em”. Điều này có nghĩa là họ phải loại bỏ người đó khỏi hội thánh (1 Cô-rinh-tô 5:11-13; 2 Giăng 9-11). Dù cảm thấy buồn khi phải làm thế, nhưng các trưởng lão ý thức rằng đó là điều phải làm để bảo vệ sự thanh sạch của hội thánh về đạo đức lẫn thiêng liêng. Tuy nhiên, họ vẫn hy vọng một ngày nào đó người phạm tội sẽ ăn năn và trở về với hội thánh.—Lu-ca 15:17, 18.

18. Các trưởng lão muốn nhớ điều gì khi cho lời khuyên dựa trên Kinh Thánh?

18 Noi gương Đức Giê-hô-va trong việc thực thi công lý cũng bao gồm cho lời khuyên dựa trên Kinh Thánh khi cần. Dĩ nhiên, các trưởng lão không tìm khuyết điểm và cũng không tìm mọi cơ hội để sửa sai anh em. Nhưng có thể một người bị “lạc lối mà chưa nhận ra”. Khi nhớ rằng công lý của Đức Giê-hô-va không hà khắc cũng không nhẫn tâm, các trưởng lão sẽ được thúc đẩy để “cố gắng sửa người ấy lại với tinh thần mềm mại” (Ga-la-ti 6:1). Do đó, các trưởng lão sẽ không trách mắng người phạm lỗi hoặc dùng những lời lẽ gay gắt với họ. Thay vì thế, các anh sẽ cho lời khuyên một cách yêu thương để khích lệ người ấy. Ngay cả khi phải cho lời khuyên thẳng thắn để giúp người phạm lỗi thấy hậu quả nếu tiếp tục đi sai đường, các trưởng lão cũng luôn nhớ rằng người ấy vẫn là chiên của Đức Giê-hô-va b (Lu-ca 15:7). Khi các trưởng lão khuyên bảo hoặc khiển trách một cách yêu thương thì việc sửa dạy người phạm lỗi sẽ hữu hiệu hơn.

19. Các trưởng lão phải đưa ra một số quyết định nào, và họ phải dựa vào đâu để quyết định?

19 Các trưởng lão thường phải đưa ra một số quyết định mà sẽ ảnh hưởng đến anh em đồng đạo. Chẳng hạn, đôi khi các trưởng lão họp lại với nhau để xem những anh nào trong hội thánh hội đủ điều kiện để được đề cử làm trưởng lão hoặc phụ tá. Các trưởng lão biết rõ tầm quan trọng của việc không thiên vị. Họ để những đòi hỏi của Đức Chúa Trời hướng dẫn họ trong việc đưa ra những quyết định ấy chứ không dựa vào cảm xúc cá nhân. Khi làm thế, họ hành động “không có bất cứ thành kiến hay sự thiên vị nào”.—1 Ti-mô-thê 5:21.

20, 21. (a) Các trưởng lão cố gắng trở thành người như thế nào, và tại sao? (b) Các trưởng lão có thể làm gì để giúp đỡ “người buồn nản”?

20 Các trưởng lão thực thi công lý của Đức Chúa Trời theo những cách khác nữa. Sau khi báo trước là các trưởng lão sẽ “vì công lý” mà phục vụ, Ê-sai nói tiếp: “Mỗi người sẽ như một nơi núp gió, một nơi ẩn náu tránh cơn mưa bão, như các dòng nước trong xứ khô hạn, bóng vách đá lớn trong đất cằn cỗi” (Ê-sai 32:1, 2). Điều này có nghĩa là các trưởng lão cố gắng trở thành nguồn an ủi và khích lệ cho anh em đồng đạo.

21 Ngày nay, có vô số vấn đề gây nản lòng nên nhiều anh em cần được khích lệ. Hỡi các trưởng lão, các anh có thể làm gì để giúp đỡ “người buồn nản”? (1 Tê-sa-lô-ni-ca 5:14). Hãy lắng nghe họ với lòng thấu cảm (Gia-cơ 1:19). Có thể họ cần chia sẻ “nỗi lo trong lòng” với người mà họ tin cậy (Châm ngôn 12:25). Hãy trấn an họ rằng Đức Giê-hô-va cũng như anh em đồng đạo quý trọng và yêu mến họ (1 Phi-e-rơ 1:22; 5:6, 7). Ngoài ra, các anh có thể cầu nguyện với họ và cho họ. Những người buồn nản sẽ rất được an ủi khi nghe một trưởng lão thay mặt dâng lời cầu nguyện chân thành cho họ (Gia-cơ 5:14, 15). Đức Giê-hô-va, Đức Chúa Trời của công lý, chắc chắn sẽ để ý đến những nỗ lực đầy yêu thương của các anh nhằm giúp đỡ những người buồn nản.

Các trưởng lão phản ánh công lý của Đức Giê-hô-va khi khích lệ người buồn nản

22. Chúng ta có thể noi gương Đức Giê-hô-va về công lý hay sự công chính bằng những cách nào, và kết quả là gì?

22 Thật vậy, bằng cách noi gương Đức Giê-hô-va về công lý hay sự công chính, chúng ta sẽ ngày càng đến gần hơn với ngài. Khi sống theo tiêu chuẩn công chính, chia sẻ thông điệp cứu mạng và tập trung vào ưu điểm thay vì khuyết điểm của người khác, chúng ta đang bắt chước sự công chính của Đức Chúa Trời. Hỡi các trưởng lão, khi giữ cho hội thánh thanh sạch, cho lời khuyên khích lệ dựa trên Kinh Thánh, đưa ra quyết định không thiên vị và khích lệ người buồn nản thì các anh đang phản ánh công lý của Đức Chúa Trời. Từ trời nhìn xuống, hẳn Đức Giê-hô-va vui mừng biết bao khi thấy dân ngài đang cố gắng hết sức để “thực thi công lý” hay thể hiện sự công chính trong việc bước đi cùng với ngài!

a Một số bản dịch dịch là “đừng xét đoán” và “đừng lên án”. Những cách dịch ấy hàm ý “đừng bắt đầu xét đoán” và “đừng bắt đầu lên án”. Tuy nhiên, ở đây người viết Kinh Thánh dùng thì hiện tại, diễn tả một hành động diễn ra liên tục. Điều này cho thấy những hành động này đang diễn ra và cần phải ngừng lại.

b Nơi 2 Ti-mô-thê 4:2, Kinh Thánh nói rằng đôi khi các trưởng lão phải “sửa dạy, khiển trách, khuyên bảo”. Từ Hy Lạp được dịch là “khuyên bảo” có thể có nghĩa là “khích lệ” và liên quan đến một từ có thể nói đến một luật sư giúp đỡ ai đó trong vấn đề pháp lý. Thế nên, ngay cả khi các trưởng lão đưa ra lời khuyên mạnh mẽ thì họ vẫn phải là người giúp đỡ những ai cần sự hỗ trợ về thiêng liêng.