Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Kết thúc

Kết thúc

“Noi gương những người nhờ đức tin và lòng kiên nhẫn mà được hưởng những điều Đức Chúa Trời đã hứa”.—HÊ-BƠ-RƠ 6:12.

1, 2. Tại sao chúng ta phải xây đắp đức tin ngay bây giờ? Hãy minh họa.

 Đức tin. Đó là một từ ý nghĩa, miêu tả một phẩm chất cao quý. Tuy nhiên, khi thấy hoặc nghe từ đó, chúng ta cũng nên nghĩ đến một từ khác: “Cấp bách!”. Thật vậy, nếu không có đức tin, chúng ta cần cấp bách có được nó. Và nếu có đức tin rồi, chúng ta cần cấp bách bảo vệ và nuôi dưỡng nó. Tại sao?

2 Hãy tưởng tượng bạn đang băng qua một sa mạc mênh mông. Bạn không thể không có nước. Khi tìm được một ít, bạn phải bảo vệ nước khỏi ánh nắng mặt trời. Rồi bạn phải gia thêm nước để có đủ dùng cho đến khi về đích. Ngày nay, tất cả chúng ta đang sống trong một sa mạc thiêng liêng, một thế giới mà đức tin thật—giống như nước trong sa mạc—hiếm có và dễ mất đi nếu không được bảo vệ và gia thêm. Nhu cầu của chúng ta là cấp thiết. Chúng ta không thể sống nếu không có nước, tương tự, chúng ta sẽ chết về thiêng liêng nếu không có đức tin.—Rô 1:17.

3. Đức Giê-hô-va cho chúng ta những gì để xây đắp đức tin? Chúng ta cần nhớ hai điều nào?

3 Đức Giê-hô-va biết chúng ta cần đức tin cấp bách đến mức nào, ngài cũng biết việc xây đắp và duy trì đức tin khó ra sao ngày nay. Chắc chắn đó là lý do ngài cho chúng ta nhiều gương mẫu để noi theo. Đức Giê-hô-va hướng dẫn sứ đồ Phao-lô viết rằng: “Noi gương những người nhờ đức tin và lòng kiên nhẫn mà được hưởng những điều Đức Chúa Trời đã hứa” (Hê 6:12). Và đó cũng là lý do tổ chức của Đức Giê-hô-va khuyến khích chúng ta cố gắng noi theo gương của những người nam và nữ trung thành, chẳng hạn như những người mà chúng ta đã xem xét trong sách này. Dù vậy, bây giờ chúng ta nên làm gì? Hãy nhớ hai điều: (1) Chúng ta cần tiếp tục củng cố đức tin; (2) chúng ta cần luôn nhớ rõ hy vọng của mình.

4. Làm thế nào Sa-tan cho thấy hắn là kẻ thù của đức tin? Nhưng tại sao chúng ta không nên tuyệt vọng?

4 Tiếp tục củng cố đức tin. Đức tin có một kẻ thù lớn, đó là Sa-tan. Kẻ cai trị thế gian đã biến thế giới này thành một nơi như sa mạc, khiến chúng ta khó có thể duy trì đức tin. Hắn mạnh hơn chúng ta rất nhiều. Liệu chúng ta có nên tuyệt vọng cho rằng mình không thể xây đắp và củng cố đức tin? Không bao giờ! Đức Giê-hô-va là Bạn lớn của tất cả những người tìm kiếm đức tin thật. Đức Chúa Trời đảm bảo là ngài luôn kề bên chúng ta. Nhờ thế, chúng ta có thể chống lại Kẻ Quỷ Quyệt và thậm chí còn khiến hắn lánh xa! (Gia 4:7). Chúng ta chống lại hắn khi dành thì giờ mỗi ngày để củng cố và xây đắp đức tin. Bằng cách nào?

5. Những người trung thành trong Kinh Thánh có được đức tin bằng cách nào? Hãy giải thích.

5 Như chúng ta đã học, những người có đức tin trong Kinh Thánh không tự nhiên có sự trung thành. Họ là những bằng chứng sống cho thấy đức tin được sinh ra từ thần khí của Đức Giê-hô-va (Ga 5:22, 23). Họ cầu xin sự giúp đỡ, và kết quả là Đức Giê-hô-va tiếp tục củng cố đức tin của họ. Chúng ta hãy làm như họ, không bao giờ quên là Đức Giê-hô-va rộng lòng ban thần khí cho những người cầu xin ngài và sống phù hợp với lời cầu nguyện của mình (Lu 11:13). Chúng ta còn có thể làm thêm điều gì nữa?

6. Làm thế nào chúng ta có thể được lợi ích tối đa khi học về những lời tường thuật trong Kinh Thánh?

6 Trong sách này, chúng ta chỉ mới thảo luận một số gương đức tin nổi bật. Còn rất nhiều gương khác nữa! (Đọc Hê-bơ-rơ 11:32). Mỗi người họ đều thể hiện đức tin theo cách riêng. Chúng ta sẽ rút ra những bài học phong phú từ họ nếu thành tâm và cầu nguyện khi học hỏi cá nhân. Nếu chỉ đọc qua loa về những người có đức tin trong Kinh Thánh, chúng ta sẽ không thể xây đắp đức tin vững vàng. Để được lợi ích tối đa khi đọc, chúng ta cần dành thời gian đào sâu bối cảnh và ngữ cảnh của những lời tường thuật trong Kinh Thánh. Nếu luôn nhớ rằng những người nam và nữ bất toàn đó cũng có “cảm xúc như chúng ta” thì gương của họ sẽ có thật hơn với mình (Gia 5:17). Với sự đồng cảm, chúng ta có thể hình dung cảm xúc của họ khi đối mặt với những thử thách và vấn đề tương tự như chúng ta.

7-9. (a) Một số người có đức tin vào thời Kinh Thánh có thể cảm thấy thế nào về việc thờ phượng Đức Giê-hô-va theo cách của chúng ta ngày nay? (b) Tại sao chúng ta nên củng cố đức tin bằng hành động?

7 Chúng ta cũng có thể bồi đắp đức tin bằng hành động. Suy cho cùng, “đức tin không có việc làm cũng chết” (Gia 2:26). Hãy hình dung những người chúng ta đã thảo luận sẽ vui mừng thế nào nếu được bổ nhiệm làm công việc mà ngày nay Đức Giê-hô-va giao cho chúng ta!

8 Ví dụ, nói sao nếu Áp-ra-ham được bảo rằng ông có thể thờ phượng Đức Giê-hô-va, không phải tại những bàn thờ thô sơ dựng bằng đá trong hoang mạc, nhưng theo quy củ cùng với anh em đồng đạo tại những Phòng Nước Trời thoải mái và những hội nghị lớn? Ở những nơi ấy, những lời hứa mà ông chỉ “nhìn thấy từ xa” được thảo luận cũng như giải thích một cách chi tiết và lôi cuốn. (Đọc Hê-bơ-rơ 11:13). Và hãy nghĩ đến Ê-li. Nói sao nếu ông được bảo công việc của ông là đến gặp người ta trong hòa khí để rao truyền thông điệp an ủi và hy vọng, thay vì phải hành quyết những tiên tri gian ác của Ba-anh trong khi cố gắng phụng sự Đức Giê-hô-va dưới sự cai trị của một vua bội đạo độc ác? Thật vậy, chẳng phải những người có đức tin trong Kinh Thánh sẽ nắm ngay lấy cơ hội thờ phượng Đức Giê-hô-va theo cách của chúng ta ngày nay sao?

9 Vậy hãy củng cố đức tin bằng hành động. Khi làm thế, chúng ta sẽ biết cách áp dụng thực tế từ gương của những người trung thành trong Lời Đức Chúa Trời. Như được đề cập trong bài Mở đầu, chúng ta sẽ cảm thấy gần gũi với họ như những người bạn hơn bao giờ hết. Dù vậy, chẳng bao lâu nữa những tình bạn như thế sẽ có thật hơn với chúng ta.

10. Bạn sẽ có niềm vui nào trong địa đàng?

10 Luôn nhớ rõ hy vọng của mình. Những người nam và nữ trung thành luôn tìm được sức mạnh nơi hy vọng mà Đức Chúa Trời ban. Bạn có như thế không? Ví dụ, hãy tưởng tượng niềm vui được gặp gỡ những tôi tớ trung thành của Đức Chúa Trời khi “có sự sống lại của người công chính”. (Đọc Công vụ 24:15). Bạn muốn hỏi họ những câu nào?

11, 12. Trong thế giới mới bạn muốn hỏi những gì khi gặp (a) A-bên? (b) Nô-ê? (c) Áp-ra-ham? (d) Ru-tơ? (e) A-bi-ga-in? (f) Ê-xơ-tê?

11 Khi gặp A-bên, bạn có nóng lòng hỏi ông rằng cha mẹ ông là người thế nào không? Hoặc bạn có thể hỏi: “Anh có bao giờ nói chuyện với các chê-ru-bim canh giữ lối vào Ê-đen không? Họ có trả lời không?”. Còn Nô-ê thì sao? Bạn có thể hỏi ông: “Có khi nào anh khiếp sợ người Nê-phi-lim không? Làm sao anh có thể chăm sóc cho ngần ấy con thú khi ở trong tàu vào năm đó?”. Nếu gặp Áp-ra-ham, bạn có thể hỏi: “Hồi trước anh có bao giờ liên lạc với Sem không? Ai dạy anh về Đức Giê-hô-va? Rời bỏ U-rơ có khó không?”.

12 Tương tự, hãy nghĩ đến một số câu bạn có thể hỏi những phụ nữ trung thành được sống lại. “Ru-tơ, điều gì thôi thúc chị thờ phượng Đức Giê-hô-va?”. “A-bi-ga-in, chị có sợ khi nói với Na-banh là chị đã giúp Đa-vít thế nào không?”. “Ê-xơ-tê, sau khi câu chuyện trong Kinh Thánh kết thúc thì cuộc sống của chị và Mạc-đô-chê ra sao?”.

13. (a) Có thể những người được sống lại sẽ đặt những câu hỏi nào cho bạn? (b) Bạn cảm thấy thế nào về triển vọng được gặp những người nam và nữ trung thành thời xưa?

13 Dĩ nhiên, có thể những người nam và nữ trung thành đó cũng sẽ đặt nhiều câu hỏi cho bạn. Thật hào hứng khi kể với họ về đỉnh điểm của những ngày sau cùng và cách Đức Giê-hô-va ban phước cho dân ngài trong thời kỳ khó khăn! Chắc chắn họ sẽ vô cùng cảm động khi biết cách Đức Giê-hô-va đã thực hiện tất cả những lời hứa của ngài. Trong địa đàng, chúng ta sẽ không còn phải hình dung ra những tôi tớ trung thành được nhắc đến trong Kinh Thánh. Họ đều ở cùng với chúng ta! Vì vậy, ngay bây giờ hãy tiếp tục làm hết những gì có thể để họ trở nên có thật đối với bạn. Hãy tiếp tục noi theo đức tin của họ. Mong rằng bạn sẽ vui mừng chung vai sát cánh cùng họ phụng sự Đức Giê-hô-va, như những người bạn thân mãi mãi!