Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

CHƯƠNG 39

Khốn cho thế hệ không chịu hưởng ứng

Khốn cho thế hệ không chịu hưởng ứng

MA-THI-Ơ 11:16-30 LU-CA 7:31-35

  • CHÚA GIÊ-SU QUỞ TRÁCH MỘT SỐ THÀNH

  • NGÀI MỜI NGƯỜI KHÁC ĐẾN ĐỂ ĐƯỢC NHẸ GÁNH VÀ LẠI SỨC

Chúa Giê-su xem trọng Giăng Báp-tít, nhưng đa số người thời đó có quan điểm nào về Giăng? Chúa Giê-su tuyên bố: “Thế hệ này... giống như trẻ con ngồi nơi phố chợ kêu réo bạn mình rằng: ‘Chúng tớ thổi sáo cho các cậu mà các cậu không nhảy múa, chúng tớ kêu gào mà các cậu không đấm ngực khóc than’”.—Ma-thi-ơ 11:16, 17.

Ý của Chúa Giê-su là gì? Ngài giải thích: “Giăng đến không ăn không uống thì người ta nói: ‘Ông ta bị quỷ ám’. Còn Con Người đến ăn và uống thì họ lại nói: ‘Xem kìa, một người tham ăn mê rượu, làm bạn với bọn thu thuế và kẻ tội lỗi’” (Ma-thi-ơ 11:18, 19). Giăng sống cuộc đời bình dị của người Na-xi-rê, thậm chí còn kiêng cữ rượu, nhưng thế hệ này lại nói ông bị quỷ ám (Dân số 6:2, 3; Lu-ca 1:15). Ngược lại, Chúa Giê-su sống bình thường như bao người khác, ngài ăn uống điều độ nhưng lại bị cáo buộc là tham ăn mê rượu. Dường như không gì có thể làm vừa lòng những người ấy.

Chúa Giê-su ví thế hệ này với trẻ con nơi phố chợ, chúng không chịu nhảy múa khi những đứa trẻ khác thổi sáo hay không chịu khóc than khi bạn bè kêu gào. Ngài phán: “Dù sao đi nữa, sự khôn ngoan được chứng minh là công chính bởi kết quả của nó” (Ma-thi-ơ 11:16, 19). Thật vậy, “kết quả”, tức việc làm của Giăng và Chúa Giê-su, chứng tỏ những lời cáo buộc của họ là sai.

Sau khi miêu tả thế hệ này là thế hệ không chịu hưởng ứng, Chúa Giê-su đặc biệt quở trách thành Cô-ra-xin, Bết-sai-đa và Ca-bê-na-um, là những nơi mà ngài từng làm nhiều việc phi thường. Ngài nói rằng nếu ngài thực hiện những việc ấy cho hai thành của dân Phê-ni-xi là Ty-rơ và Si-đôn thì họ đã ăn năn rồi. Ngài cũng đề cập đến Ca-bê-na-um, nơi hoạt động chính của ngài trong một thời gian. Ngay cả ở đó, phần lớn người ta cũng không hưởng ứng. Chúa Giê-su phán với thành này như sau: “Đến Ngày Phán Xét thì thành Sô-đôm sẽ được xử nhẹ hơn ngươi”.—Ma-thi-ơ 11:24.

Rồi Chúa Giê-su ca ngợi Cha ngài vì đã giấu những sự thật thiêng liêng quý báu “với người khôn ngoan và trí thức”, nhưng tiết lộ cho những người thấp hèn được ví như con trẻ (Ma-thi-ơ 11:25). Ngài đưa ra lời mời đầy hấp dẫn cho những người ấy: “Hãy đến với tôi, hỡi những ai nhọc nhằn và nặng gánh, tôi sẽ cho anh em được lại sức. Hãy mang ách của tôi và học theo tôi, vì tôi là người ôn hòa và có lòng khiêm nhường. Anh em sẽ được lại sức, vì ách của tôi dễ chịu và gánh của tôi nhẹ nhàng”.—Ma-thi-ơ 11:28-30.

Làm thế nào Chúa Giê-su giúp người khác được lại sức? Các nhà lãnh đạo tôn giáo đã chất lên người dân những truyền thống bó buộc, chẳng hạn như các điều luật khắt khe về ngày Sa-bát. Nhưng Chúa Giê-su giúp họ được lại sức bằng cách dạy họ chân lý của Đức Chúa Trời, là điều không hề bị vấy bẩn bởi các truyền thống ấy. Ngài cũng cho những người bị chính quyền áp bức và những ai mang nặng mặc cảm tội lỗi biết cách để được nhẹ gánh. Thật vậy, Chúa Giê-su cho họ biết cách để được tha thứ tội lỗi và hòa thuận lại với Đức Chúa Trời.

Tất cả những ai chấp nhận ách dễ chịu của Chúa Giê-su có thể dâng mình cho Đức Chúa Trời và phụng sự Cha trên trời đầy lòng trắc ẩn và thương xót. Đây không phải là gánh nặng vì các đòi hỏi của Đức Chúa Trời chẳng hề nặng nề.—1 Giăng 5:3.