Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

CHƯƠNG 73

Người Sa-ma-ri chứng tỏ là người lân cận thật

Người Sa-ma-ri chứng tỏ là người lân cận thật

LU-CA 10:25-37

  • CÁCH ĐỂ HƯỞNG SỰ SỐNG VĨNH CỬU

  • NGƯỜI SA-MA-RI NHÂN LÀNH

Trong khi Chúa Giê-su còn ở gần Giê-ru-sa-lem, nhiều người Do Thái kéo đến gặp ngài. Một số đến vì muốn nghe ngài dạy, số khác là để thử ngài. Trong đó có một người thông thạo Luật pháp, ông hỏi ngài: “Thưa Thầy, tôi cần phải làm gì để được hưởng sự sống vĩnh cửu?”.—Lu-ca 10:25.

Chúa Giê-su nhận thấy ông ta đặt câu hỏi không phải vì muốn học hỏi. Có lẽ ông ta muốn gài bẫy để Chúa Giê-su trả lời theo cách sẽ xúc phạm người Do Thái. Chúa Giê-su thấy ông đã có sẵn câu trả lời riêng. Vì vậy, ngài khôn ngoan đáp lại theo cách khiến ông ta bộc lộ suy nghĩ của chính mình.

Chúa Giê-su hỏi: “Trong Luật pháp có viết gì? Anh hiểu thế nào?”. Người đàn ông này đã nghiên cứu kỹ Luật pháp Đức Chúa Trời, vì vậy ông dùng Luật pháp để trả lời. Ông trích Phục truyền luật lệ 6:5Lê-vi 19:18, nói rằng: “‘Ngươi phải yêu thương Giê-hô-va Đức Chúa Trời ngươi hết lòng, hết mình, hết sức lực và hết tâm trí’, và ‘yêu người lân cận như chính mình’” (Lu-ca 10:26, 27). Câu trả lời đó có đúng không?

Chúa Giê-su bảo ông: “Anh trả lời đúng; hãy tiếp tục làm thế thì anh sẽ nhận được sự sống”. Phải chăng cuộc nói chuyện đã kết thúc? Người đàn ông này không chỉ muốn có câu trả lời. Nhưng ông ta muốn “chứng tỏ mình là công chính”, để Chúa Giê-su khẳng định quan điểm của ông là đúng và để biện hộ cho cách ông đối xử với người khác. Thế nên ông hỏi: “Ai thật sự là người lân cận tôi?” (Lu-ca 10:28, 29). Câu hỏi này tuy có vẻ đơn giản nhưng ẩn chứa nhiều điều.

Người Do Thái nghĩ rằng từ “người lân cận” chỉ áp dụng cho những người giữ truyền thống Do Thái, và dường như Lê-vi 19:18 ủng hộ quan điểm này. Thậm chí có người Do Thái cho rằng việc giao thiệp với người thuộc dân tộc khác là “không được phép” (Công vụ 10:28). Vì vậy, người đàn ông này và có thể cả một số môn đồ của Chúa Giê-su cũng cho rằng mình là công chính nếu đối xử tốt với những anh em Do Thái. Nhưng họ có thể đối xử không tử tế với người thuộc dân tộc khác vì những người đó không thật sự là “người lân cận”.

Làm thế nào Chúa Giê-su điều chỉnh lối suy nghĩ này mà không khiến ông ta và những người Do Thái khác cảm thấy bị xúc phạm? Ngài làm thế bằng cách kể một câu chuyện: “Có một người đi từ Giê-ru-sa-lem xuống Giê-ri-cô và sa vào tay bọn cướp, bị chúng lột sạch, đánh đập rồi bỏ đi, để mặc cho dở sống dở chết”. Ngài kể tiếp: “Tình cờ có một thầy tế lễ đi xuống đường đó, nhưng khi thấy người ấy thì tránh sang bên kia đường. Cũng vậy, một người Lê-vi đi đến chỗ đó và thấy người thì tránh sang bên kia đường. Nhưng có một người Sa-ma-ri đi ngang qua, thấy người thì động lòng thương cảm”.—Lu-ca 10:30-33.

Người đàn ông đang nghe Chúa Giê-su kể chuyện hẳn biết rằng nhiều thầy tế lễ và người Lê-vi phụ việc sống tại Giê-ri-cô. Để đi từ đền thờ về nhà, họ phải qua một quãng đường dốc dài khoảng 23km. Đoạn đường này rất nguy hiểm vì thường có bọn cướp rình rập. Nếu một thầy tế lễ và người Lê-vi thấy người anh em Do Thái gặp nạn, hẳn họ nên giúp phải không? Trong câu chuyện Chúa Giê-su kể, họ đã không làm thế. Người giúp đỡ lại là một người Sa-ma-ri, dân mà người Do Thái khinh thường.—Giăng 8:48.

Người Sa-ma-ri đã giúp người Do Thái bị thương như thế nào? Chúa Giê-su tiếp tục câu chuyện: “Ông đến gần, đổ dầu và rượu lên vết thương rồi băng bó lại. Ông đặt người ấy lên lưng con vật của mình, đưa đến quán trọ và chăm sóc cho người. Hôm sau, ông lấy hai đơ-na-ri-on đưa cho chủ quán trọ và nói: ‘Xin chăm sóc cho anh ta, tốn thêm bao nhiêu, khi trở lại tôi sẽ trả’”.—Lu-ca 10:34, 35.

Kể xong câu chuyện, Chúa Giê-su, Bậc Thầy Lỗi Lạc, đặt một câu hỏi gợi suy nghĩ: “Theo anh, trong ba người ấy, ai đã cư xử như người lân cận với người sa vào tay bọn cướp?”. Có lẽ vì không muốn trả lời là “người Sa-ma-ri” nên người đàn ông đáp: “Là người đã thể hiện lòng thương xót với người bị nạn”. Rồi Chúa Giê-su nêu rõ bài học của câu chuyện và khuyến khích ông: “Anh hãy đi và làm y như vậy”.—Lu-ca 10:36, 37.

Quả là phương pháp dạy dỗ hiệu quả! Nếu Chúa Giê-su chỉ nói người thuộc dân tộc khác là người lân cận, liệu người đàn ông này và những người Do Thái đang lắng nghe có chấp nhận không? Hẳn là không. Tuy nhiên, bằng cách kể một câu chuyện đơn giản, dùng những chi tiết quen thuộc với người nghe, Chúa Giê-su đã cho thấy rõ câu trả lời của câu hỏi: “Ai thật sự là người lân cận tôi?”. Người lân cận thật là người thể hiện tình yêu thương và lòng nhân từ phù hợp với những điều Kinh Thánh dạy.