Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Những người thờ phượng Đức Giê-hô-va được tự do

Những người thờ phượng Đức Giê-hô-va được tự do

Chương 5

Những người thờ phượng Đức Giê-hô-va được tự do

1, 2. (a) Đức Chúa Trời đã ban cho cặp vợ chồng đầu tiên loại tự do nào? (b) Hãy nêu ra một số định luật chi phối hoạt động của A-đam và Ê-va.

 KHI Đức Giê-hô-va sáng tạo cặp vợ chồng đầu tiên, họ hưởng được sự tự do hơn hẳn bất cứ sự tự do nào loài người có ngày nay. Tổ ấm của họ là Địa Đàng, vườn Ê-đen xinh đẹp. Nhờ trí tuệ và thân thể hoàn toàn, không bệnh tật nào làm mất niềm vui của họ trong cuộc sống. Họ không chờ chết như trong trường hợp của mọi người từ đó về sau. Ngoài ra, họ không phải là người máy, nhưng họ được ban cho tự do ý chí, khả năng tự quyết định tuyệt vời. Tuy nhiên, để tiếp tục vui hưởng sự tự do kỳ diệu ấy họ phải tôn trọng luật pháp Đức Chúa Trời.

2 Thí dụ, hãy xem xét những định luật vật lý do Đức Chúa Trời đặt ra. Dĩ nhiên, những định luật này không được chép thành văn nhưng A-đam và Ê-va được cấu tạo theo cách khiến họ tự nhiên vâng phục những định luật đó. Họ ăn khi đói, uống khi khát, ngủ khi mặt trời lặn. Đức Giê-hô-va cũng giao cho họ một công việc để làm. Thật ra, công việc đó tương đương với luật pháp vì nó sẽ chi phối cách họ hành động. Họ phải sinh con, quản trị mọi vật sống trên đất và làm cho Địa Đàng lan rộng ra khắp đất. (Sáng-thế Ký 1:28; 2:15) Thật là một định luật nhân từ và lợi ích biết bao! Luật đó đem lại cho họ một công việc hoàn toàn thỏa mãn, giúp họ tận dụng mọi khả năng trong những cách hữu ích. Họ cũng có rộng quyền tự do trong việc quyết định làm thế nào để thực hiện nhiệm vụ được giao. Còn có thể đòi hỏi gì thêm nữa không?

3. A-đam và Ê-va có thể học như thế nào để dùng quyền tự do quyết định cách khôn ngoan?

3 Dĩ nhiên, khi nhận đặc quyền quyết định, điều này không có nghĩa là bất cứ quyết định nào A-đam và Ê-va làm cũng đều mang lại kết quả tốt. Quyền tự do quyết định phải được thi hành trong phạm vi luật pháp và nguyên tắc của Đức Chúa Trời. Làm thế nào họ học được những điều này? Bằng cách lắng nghe Đấng Tạo Hóa và quan sát các công việc của Ngài. Đức Chúa Trời ban cho A-đam và Ê-va trí thông minh cần thiết để áp dụng những điều họ học. Nhờ được dựng nên cách hoàn toàn, khi quyết định việc gì khuynh hướng tự nhiên của họ là phản ánh những đức tính của Đức Chúa Trời. Thật vậy, họ sẽ cẩn thận làm như thế nếu thật sự biết ơn về những gì Đức Chúa Trời đã làm và muốn Ngài đẹp lòng.—Sáng-thế Ký 1:26, 27; Giăng 8:29.

4. (a) Lệnh cấm A-đam và Ê-va ăn trái của chỉ một cây có tước đoạt sự tự do của họ không? (b) Tại sao đòi hỏi này là hợp lý?

4 Vậy, thật chính đáng khi Đức Chúa Trời chọn việc thử thách lòng sùng kính của họ đối với Ngài là Đấng Ban Sự Sống và xem họ có tự nguyện ở trong phạm vi do Ngài quy định hay không. Đức Giê-hô-va đã ban cho A-đam lệnh này: “Ngươi được tự-do ăn hoa-quả các thứ cây trong vườn. Nhưng về cây biết điều thiện và điều ác thì chớ hề ăn đến, vì một mai ngươi ăn, chắc sẽ chết”. (Sáng-thế Ký 2:16, 17) Sau khi được tạo nên, Ê-va cũng được cho biết luật pháp đó. (Sáng-thế Ký 3:2, 3) Hạn chế này có tước đoạt sự tự do của họ không? Chắc chắn không. Họ có dư dật thức ăn ngon đủ mọi loại mà không cần phải ăn trái của cây duy nhất đó. (Sáng-thế Ký 2:8, 9) Điều hoàn toàn hợp lý là họ phải nhìn nhận rằng trái đất do Đức Chúa Trời tạo nên, nó thuộc về Ngài. Vậy Ngài có quyền đặt ra luật pháp phù hợp với ý định của Ngài và mang lại lợi ích cho loài người.—Thi-thiên 24:1, 10.

5. (a) A-đam và Ê-va đã đánh mất sự tự do đầy vinh hiển của họ như thế nào? (b) Điều gì đã thay thế sự tự do đó và nó ảnh hưởng thế nào đến chúng ta?

5 Nhưng điều gì đã xảy ra? Một thiên sứ bị thúc đẩy bởi tham vọng ích kỷ đã sử dụng sai quyền tự do ý chí và hắn trở thành Sa-tan, nghĩa là “Kẻ Chống Đối”. Hắn lừa dối Ê-va bằng cách đoan chắc với bà một điều ngược lại ý muốn của Đức Chúa Trời. (Sáng-thế Ký 3:4, 5) A-đam đồng tình với Ê-va trong việc vi phạm luật pháp Đức Chúa Trời. Vì chiếm đoạt một vật không thuộc về mình, họ đã đánh mất sự tự do đầy vinh hiển. Tội lỗi chế ngự họ và cuối cùng họ phải chết như Đức Chúa Trời đã báo trước. Di sản họ truyền lại cho con cháu là tội lỗi—thể hiện qua khuynh hướng bẩm sinh xui khiến làm điều quấy. Tội lỗi cũng mang lại sự yếu đuối dẫn đến hậu quả là bệnh tật, tuổi già và sự chết. Khuynh hướng xui khiến làm điều quấy, lại thêm ảnh hưởng tồi tệ của Sa-tan, đã tạo ra một xã hội loài người với một lịch sử đầy hận thù, tội ác, áp bức, chiến tranh, cướp đi mạng sống hàng triệu người. Thật tương phản với sự tự do mà Đức Chúa Trời đã ban cho loài người lúc ban đầu!—Phục-truyền Luật-lệ Ký 32:4, 5; Gióp 14:1, 2; Rô-ma 5:12; Khải-huyền 12:9.

Có thể tìm thấy sự tự do ở đâu

6. (a) Có thể tìm thấy tự do thật ở đâu? (b) Chúa Giê-su nói về loại tự do nào?

6 Vì cớ tình trạng xấu xảy ra khắp nơi ngày nay, không có gì ngạc nhiên khi người ta khao khát được nhiều tự do hơn. Nhưng có thể tìm thấy tự do thật ở đâu? Chúa Giê-su phán: “Nếu các ngươi hằng ở trong đạo ta, thì thật là môn-đồ ta; các ngươi sẽ biết lẽ thật, và lẽ thật sẽ buông-tha các ngươi”. (Giăng 8:31, 32) Sự tự do này không phải là loại tự do mà loài người hy vọng có được khi trừ bỏ một lãnh tụ hay một chính thể và đưa một lãnh tụ hay chính thể khác lên thay. Thay vì thế, sự tự do này giải quyết tận cội rễ những vấn đề của loài người. Chúa Giê-su nói đến sự tự do khi thoát khỏi vòng nô lệ của tội lỗi. (Giăng 8:24, 34-36) Như thế, nếu một người trở thành môn đồ thật của Chúa Giê-su Christ, người đó cảm nghiệm một sự thay đổi đáng kể trong đời sống, một sự giải thoát!

7. (a) Giờ đây chúng ta có thể thoát khỏi tội lỗi theo nghĩa nào? (b) Chúng ta phải làm gì để có được sự tự do đó?

7 Điều đó không có nghĩa là hiện tại những tín đồ thật của Đấng Christ không còn cảm thấy ảnh hưởng của khuynh hướng bẩm sinh thiên về hành vi tội lỗi nữa. Vì gánh chịu tội lỗi, họ vẫn phải phấn đấu chống lại khuynh hướng này. (Rô-ma 7:21-25) Tuy nhiên, nếu một người thật sự sống phù hợp với những điều dạy dỗ của Chúa Giê-su, người đó sẽ không còn làm nô lệ cho tội lỗi nữa. Lúc đó, tội lỗi sẽ không như một kẻ độc tài ra lệnh, buộc người đó mù quáng tuân theo. Người sẽ không bị kẹt trong một lối sống thiếu mục đích và dẫn đến một lương tâm xấu. Người sẽ có một lương tâm trong sạch trước mặt Đức Chúa Trời vì những tội lỗi trong quá khứ đã được tha thứ dựa trên căn bản đức tin nơi sự hy sinh làm của-lễ của Đấng Christ. Có thể những khuynh hướng tội lỗi cố tìm cách bộc lộ, nhưng khi từ chối không chịu hành động theo chúng nhờ nhớ lại những dạy dỗ trong sạch của Đấng Christ, người chứng tỏ tội lỗi không còn chế ngự mình.—Rô-ma 6:12-17.

8. (a) Đạo thật Đấng Christ ban cho chúng ta sự tự do nào? (b) Chúng ta nên có thái độ nào đối với những nhà cầm quyền thế gian?

8 Hãy xem xét những sự tự do mà chúng ta vui hưởng với tư cách là tín đồ Đấng Christ. Chúng ta được giải thoát khỏi hậu quả của những dạy dỗ sai lầm, khỏi lệ thuộc vào mê tín dị đoan và vòng nô lệ của tội lỗi. Những lẽ thật tuyệt diệu về tình trạng của người chết và sự sống lại khiến chúng ta không còn quá sợ hãi phi lý về sự chết. Việc biết rằng chẳng bao lâu nữa Nước công bình của Đức Chúa Trời sắp sửa thay thế các chính phủ bất toàn của loài người giải thoát chúng ta khỏi nỗi tuyệt vọng. (Đa-ni-ên 2:44; Ma-thi-ơ 6:10) Tuy nhiên, sự tự do đó không cho phép chúng ta tỏ ra bất kính đối với những nhà cầm quyền và khinh thường luật pháp của họ.—Tít 3:1, 2; 1 Phi-e-rơ 2:16, 17.

9. (a) Đức Giê-hô-va giúp chúng ta một cách đầy yêu thương để hưởng được tự do tối đa mà hiện nay nhân loại có thể có như thế nào? (b) Làm sao chúng ta có thể quyết định khôn ngoan?

9 Đức Giê-hô-va không bỏ mặc chúng ta tự mò mẫm để khám phá lối sống nào là tốt nhất. Ngài biết bản chất của chúng ta, biết điều gì mang đến cho chúng ta sự thỏa mãn thật, và lợi ích vĩnh cửu của chúng ta là gì. Ngài cũng biết những tư tưởng và hành vi nào của một người có thể hủy hoại mối liên hệ với Ngài và với người đồng loại, thậm chí ngăn trở việc người đó được vào thế giới mới. Đức Giê-hô-va thông báo những điều này cho chúng ta một cách yêu thương qua Kinh Thánh và tổ chức hữu hình của Ngài. (Mác 13:10; Ga-la-ti 5:19-23; 1 Ti-mô-thê 1:12, 13) Thế thì tùy chúng ta sử dụng quyền tự do ý chí mà Đức Chúa Trời ban cho để quyết định mình phải làm gì. Không như A-đam, nếu khắc ghi vào lòng những điều Kinh Thánh dạy, chúng ta sẽ quyết định khôn ngoan. Chúng ta sẽ chứng tỏ mối liên hệ tốt đối với Đức Giê-hô-va là điều quan tâm chính trong đời sống mình.

Mong muốn một loại tự do khác

10. Một số Nhân Chứng Giê-hô-va đã muốn với tới loại tự do nào?

10 Đôi khi một số người trẻ là Nhân Chứng Giê-hô-va—kể cả những người khác không còn trẻ nữa—có thể cảm thấy mong muốn một loại tự do khác. Thế gian đối với họ có vẻ quyến rũ, và càng nghĩ đến, lòng họ càng khát khao làm những điều đang thịnh hành trong thế gian, trái với đạo Đấng Christ. Những người đó có lẽ không dự định dùng ma túy, say sưa hoặc phạm tội tà dâm. Nhưng họ bắt đầu giao du với một số người không phải là tín đồ thật của Đấng Christ, mong muốn được họ chấp nhận. Có lẽ họ bắt đầu bắt chước ngôn ngữ và hạnh kiểm của những người này.—3 Giăng 11.

11. Đôi khi sự cám dỗ làm điều quấy đến từ đâu?

11 Đôi khi sự cám dỗ để làm theo những hành vi trái với đạo Đấng Christ đến từ một người tự cho mình phụng sự Đức Giê-hô-va. Một số tín đồ Đấng Christ thời ban đầu đã làm như vậy, và ngày nay điều này cũng có thể xảy ra. Những kẻ đó thường muốn làm những việc khiến họ cảm thấy vui thích, nhưng lại là những điều trái với luật pháp Đức Chúa Trời. Họ khuyến khích người khác “vui chơi” một chút. Họ “hứa sự tự-do cho người, mà chính mình thì làm tôi-mọi sự hư-nát”.—2 Phi-e-rơ 2:19.

12. Hành vi trái với luật pháp và nguyên tắc Đức Chúa Trời gây ra những hậu quả đau buồn nào?

12 Hậu quả của loại tự do đó luôn luôn tai hại vì có nghĩa là cãi lại luật pháp Đức Chúa Trời. Thí dụ, quan hệ tính dục trái phép khiến nội tâm bị xáo trộn, bệnh tật, sự chết, có thai ngoài ý muốn và có thể gây đổ vỡ trong hôn nhân. (1 Cô-rinh-tô 6:18; 1 Tê-sa-lô-ni-ca 4:3-8) Lạm dụng ma túy có thể sinh tính cáu kỉnh, nói lắp, mắt mờ, chóng mặt, khó thở, ảo giác và chết. Ma túy có thể khiến người ta nghiện ngập, dẫn đến việc phạm tội ác hầu nuôi tật xấu đó. Nghiện rượu cũng dẫn đến hậu quả tương tự. (Châm-ngôn 23:29-35) Những ai hành động như thế có thể nghĩ mình được tự do, nhưng rồi họ khám phá quá trễ là đã làm nô lệ cho tội lỗi. Tội lỗi quả là một người chủ độc ác làm sao! Lý luận về vấn đề này ngay bây giờ có thể giúp chúng ta được che chở để tránh kinh nghiệm đau đớn ấy.—Ga-la-ti 6:7, 8.

Nguồn gốc của những vấn đề

13. (a) Những ham muốn dẫn đến các vấn đề thường được khơi dậy như thế nào? (b) Để hiểu “bạn-bè xấu” là ai, chúng ta cần quan điểm của ai? (c) Khi trả lời những câu hỏi nêu ra trong đoạn 13, hãy nhấn mạnh quan điểm của Đức Giê-hô-va.

13 Hãy nghĩ xem những vấn đề thường bắt đầu từ đâu? Kinh Thánh giải thích: “Mỗi người bị cám-dỗ khi mắc tư-dục xui-giục mình. Đoạn, lòng tư-dục cưu-mang, sanh ra tội-ác; tội-ác đã trọn, sanh ra sự chết”. (Gia-cơ 1:14, 15) Những ham muốn đó được khơi dậy như thế nào? Bằng những điều xâm nhập vào tâm trí. Thường đó là hậu quả của việc giao du với những người không áp dụng các nguyên tắc Kinh Thánh. Dĩ nhiên, tất cả chúng ta đều biết nên tránh “bạn-bè xấu”. (1 Cô-rinh-tô 15:33) Nhưng bạn bè nào mới là xấu? Đức Giê-hô-va xem vấn đề này như thế nào? Lý luận dựa trên những câu hỏi sau đây và tra xem những câu Kinh Thánh dẫn chiếu sẽ giúp chúng ta đi đến kết luận đúng.

 Một số người nào đó có vẻ đáng kính trọng, điều đó có nghĩa họ là bạn bè tốt không? (Sáng-thế Ký 34:1, 2, 18, 19)

 Cách nói chuyện, có lẽ những trò bông đùa của họ, cho chúng ta thấy có nên thân thiết với họ không? (Ê-phê-sô 5:3, 4)

 Đức Giê-hô-va có cảm nghĩ gì nếu chúng ta chọn giao du mật thiết với những kẻ không yêu mến Ngài? (2 Sử-ký 19:1, 2)

 Dù bất đắc dĩ phải làm việc hoặc học chung với những người không cùng đức tin, tại sao chúng ta cần phải cẩn trọng? (1 Phi-e-rơ 4:3, 4)

 Xem truyền hình và phim ảnh, sử dụng Internet, đọc sách, tạp chí và nhật báo là những phương cách giao tiếp với người khác. Chúng ta cần phải đề phòng các loại tài liệu nào đến từ những nguồn này? (Châm-ngôn 3:31; Ê-sai 8:19; Ê-phê-sô 4:17-19)

 Việc chọn bạn để giao du cho Đức Giê-hô-va biết gì về hạng người của chúng ta? (Thi-thiên 26:1, 4, 5; 97:10)

14. Sự tự do huy hoàng nào chờ đón những ai trung thành áp dụng ngay bây giờ lời khuyên của Lời Đức Chúa Trời?

14 Thế giới mới của Đức Chúa Trời ở ngay trước mắt chúng ta. Qua chính phủ của Nước Đức Chúa Trời, nhân loại sẽ được giải cứu khỏi ảnh hưởng của Sa-tan và toàn bộ hệ thống gian ác. Dần dần, mọi hậu quả của tội lỗi sẽ được loại bỏ khỏi loài người biết vâng lời khiến họ được hoàn toàn về trí tuệ và thể chất, nhờ vậy chúng ta có thể hưởng sự sống vĩnh cửu trong Địa Đàng. Cuối cùng toàn thể các tạo vật sẽ vui hưởng sự tự do hòa hợp hoàn toàn với “Thánh-Linh của Chúa”. (2 Cô-rinh-tô 3:17) Giờ đây, liệu có khôn ngoan không khi liều bỏ hết những điều đó chỉ vì xem nhẹ lời khuyên của Lời Đức Chúa Trời? Qua việc thi hành sự tự do của tín đồ Đấng Christ ngày nay một cách khôn ngoan, mong sao tất cả chúng ta cho thấy rõ mình thật lòng mong muốn “sự tự-do vinh-hiển của con-cái Đức Chúa Trời”.—Rô-ma 8:21.

Thảo luận để ôn lại

• Cặp vợ chồng đầu tiên đã hưởng loại tự do nào? Sự tự do đó như thế nào so với những gì nhân loại hiện có?

• Tín đồ thật của Đấng Christ có sự tự do nào? Tự do này tương phản thế nào với điều mà thế gian cho là tự do?

• Tại sao tránh bạn bè xấu là điều quan trọng? Không như A-đam, chúng ta chấp nhận những phán quyết của ai về điều xấu?

[Câu hỏi thảo luận]

[Các hình nơi trang 46]

Lời Đức Chúa Trời cảnh giác: “Anh em chớ mắc lừa. Bạn-bè xấu làm hư thói-nết tốt”