Tiếp tục dạy dỗ trong ngày thứ bảy
Chương 68
Tiếp tục dạy dỗ trong ngày thứ bảy
NGÀY thứ bảy là ngày cuối cùng của Lễ Lều tạm. Giê-su đang giảng dạy trong khu của đền thờ gọi là “Kho”. Khu này dường như nằm trong Sân Phụ Nữ, nơi có để những rương cho dân chúng bỏ những gì họ đóng góp vào đó.
Mỗi tối trong kỳ lễ, khu vực này được chiếu sáng đặc biệt. Người ta đặt tại đấy bốn đèn cực kỳ to lớn, mỗi cái có bốn bồn to đầy dầu. Nhờ đốt dầu trong 16 cái bồn đó nên đèn cháy sáng rực vào ban đêm, có thể chiếu rất xa khắp chỗ lân cận. Những gì Giê-su nói bây giờ có thể gợi cho người nghe nhớ đến ánh sáng đó. Ngài nói: “Ta là sự sáng của thế-gian; người nào theo ta, chẳng đi trong nơi tối-tăm, nhưng có được ánh sáng của sự sống”.
Người Pha-ri-si phản đối: “Thầy tự làm chứng về mình, thì lời chứng thầy không đáng tin”.
Giê-su đáp: “Dẫu ta tự làm chứng về mình, nhưng lời chứng ta là đáng tin, vì ta biết mình đã từ đâu mà đến và đi đâu; song các ngươi không biết ta từ đâu mà đến, cũng chẳng hay ta đi đâu”. Ngài nói thêm: “Ta tự làm chứng cho ta, và Cha là Đấng đã sai ta đến cũng làm chứng cho ta”.
Người Pha-ri-si hỏi: “Cha của thầy ở đâu?”
Giê-su trả lời: “Các ngươi chẳng biết ta, và cũng chẳng biết Cha ta. Nếu các ngươi biết ta, thì cũng biết Cha ta nữa”. Dù người Pha-ri-si vẫn muốn Giê-su bị bắt, nhưng không ai dám đụng đến ngài.
Giê-su lại nói thêm: “Ta đi... Các ngươi không thể đến được nơi ta đi”.
Đến đây dân Do Thái nghe vậy bèn hỏi nhau: “Người đã nói: Các ngươi không thể đến được nơi ta đi, vậy người sẽ tự-tử sao?”
Giê-su giải thích: “Các ngươi bởi dưới mà có; còn ta bởi trên mà có. Các ngươi thuộc về thế-gian nầy; còn ta không thuộc về thế-gian nầy”. Rồi ngài nói tiếp: “Nếu các ngươi chẳng tin ta là Đấng đó thì chắc sẽ chết trong tội-lỗi các ngươi”.
Lẽ dĩ nhiên, Giê-su ám chỉ về đời sống của ngài trước khi xuống thế gian làm người và về việc ngài là đấng Mê-si hay Christ mà Đức Chúa Trời đã hứa. Tuy nhiên, họ vẫn hỏi ngài với giọng khinh khi: “Vậy thầy là ai?”
Thấy họ chối bỏ mình, Giê-su đáp: “Như lời ta đã nói với các ngươi từ ban đầu”. Tuy thế ngài nói tiếp: “Đấng đã sai ta đến là thật, và điều chi ta nghe bởi Ngài, ta truyền lại cho thế-gian”. Ngài còn nói: “Khi các ngươi treo Con người lên, bấy giờ sẽ biết ta là ai, và biết ta không tự mình làm điều gì, nhưng nói điều Cha ta đã dạy ta. Đấng đã sai ta đến vẫn ở cùng ta, chẳng để ta ở một mình, vì ta hằng làm sự đẹp lòng Ngài”.
Khi nghe Giê-su nói những điều này, nhiều người tin nơi ngài. Ngài nói với những người này: “Nếu các ngươi hằng ở trong đạo ta, thì thật là môn-đồ ta; các ngươi sẽ biết lẽ thật, và lẽ thật sẽ buông-tha [giải thoát, NW ] các ngươi”.
Những kẻ chống đối ngắt lời ngài: “Chúng tôi là dòng-dõi Áp-ra-ham, chưa hề làm tôi-mọi ai, vậy sao thầy nói rằng: Các ngươi sẽ trở nên tự-do?”
Mặc dù thường sống dưới ách cai trị của ngoại bang, song dân Do Thái không công nhận bất cứ kẻ áp bức nào làm chủ họ. Họ từ chối không nhận là nô lệ của ai cả. Tuy vậy, Giê-su cho họ thấy rằng họ thật ra là nô lệ. Theo nghĩa nào? Giê-su nói: “Quả thật, quả thật, ta nói cùng các ngươi, ai phạm tội-lỗi là tôi-mọi của tội-lỗi”.
Vì không công nhận mình là nô lệ của tội lỗi, dân Do Thái tự đặt họ vào một tình trạng hiểm nghèo. Giê-su giải thích: “Tôi-mọi không ở luôn trong nhà, mà con thì ở đó luôn”. Bởi vì người nô lệ không có quyền thừa tự nên có nguy cơ bị đuổi bất cứ lúc nào. Chỉ có con đẻ hoặc con nuôi trong gia đình mới có thể “ở luôn”, tức là ở suốt đời.
Giê-su nói tiếp: “Vậy nếu Con buông-tha các ngươi, các ngươi sẽ thật được tự do”. Như thế, lẽ thật đem sự tự do cho loài người chính là lẽ thật về Con, tức là Giê-su Christ. Và chỉ nhờ vào sự hy sinh mạng sống làm người hoàn toàn của ngài mà người ta mới có thể được giải thoát khỏi tội lỗi đưa họ đến sự chết. (Giăng 8:12-36).
▪ Trong ngày thứ bảy của kỳ lễ, Giê-su giảng dạy ở đâu? Buổi tối có gì xảy ra, và điều này có liên hệ gì với lời dạy dỗ của Giê-su?
▪ Giê-su nói gì về nguồn gốc của ngài, và điều này tiết lộ gì về lý lịch ngài?
▪ Người Do Thái thật sự là nô lệ theo ý nghĩa nào, nhưng lẽ thật nào sẽ cho họ được tự do?