Giê-su chuẩn bị cho các sứ đồ trước khi ngài ra đi
Chương 116
Giê-su chuẩn bị cho các sứ đồ trước khi ngài ra đi
BỮA TIỆC cho lễ kỷ niệm đã xong, nhưng Giê-su và các sứ đồ vẫn còn ở trong căn phòng trên lầu. Mặc dù Giê-su sắp ra đi, nhưng ngài vẫn còn nhiều điều muốn nói. Ngài trấn an họ: “Lòng các ngươi chớ hề bối-rối; hãy tin Đức Chúa Trời”. Nhưng ngài nói thêm: “Cũng hãy tin ta nữa”.
Ngài nói tiếp: “Trong nhà Cha ta có nhiều chỗ ở... Ta đi sắm-sẵn cho các ngươi một chỗ... hầu cho ta ở đâu thì các ngươi cũng ở đó. Các ngươi biết ta đi đâu, và biết đường đi nữa”. Các sứ đồ không hiểu Giê-su muốn nói ngài sắp đi lên trời, cho nên Thô-ma hỏi: “Lạy Chúa, chúng tôi chẳng biết Chúa đi đâu; làm sao biết đường được?”
Giê-su đáp: “Ta là đường đi, lẽ thật, và sự sống”. Quả thực, chỉ có cách thừa nhận ngài và noi theo lối sống của ngài thì người ta mới có thể vào nhà trên trời của Cha, vì Giê-su nói: “Chẳng bởi ta thì không ai được đến cùng Cha”.
Tới phiên Phi-líp thưa: “Lạy Chúa, xin chỉ Cha cho chúng tôi, thì đủ rồi”. Chắc có lẽ Phi-líp muốn Giê-su cho họ thấy tận mắt một sự hiện hình của Đức Chúa Trời, như những sự hiện hình thời xưa mà Môi-se, Ê-li và Ê-sai đã được Đức Chúa Trời cho chứng kiến. Nhưng thật ra các sứ đồ có được một điều to tát hơn những sự hiện thấy kia nữa, như Giê-su nói: “Hỡi Phi-líp, ta ở cùng các ngươi đã lâu thay, mà ngươi chưa biết ta! Ai đã thấy ta, tức là đã thấy Cha”.
Giê-su phản ảnh hoàn toàn nhân cách của Cha ngài đến nỗi nếu ai sống cùng ngài và quan sát ngài thì cũng như thể trông thấy Cha. Tuy thế, Cha lớn hơn Con, như Giê-su nhìn nhận: “Những lời ta nói với các ngươi, chẳng phải ta tự nói”. Giê-su qui mọi tiếng tốt về sự dạy dỗ của ngài cho Cha trên trời.
Thật khích lệ biết bao cho các sứ đồ khi được nghe Giê-su nói với mình: “Quả thật, quả thật, ta nói cùng các ngươi, kẻ nào tin ta, cũng sẽ làm việc ta làm; lại cũng làm việc lớn hơn nữa”. Ngài không có ý nói môn đồ ngài có thể làm những phép lạ lớn hơn ngài. Ngài muốn nói rằng họ sẽ rao giảng lâu dài hơn nhiều, trên một địa phận rộng lớn hơn nhiều và cho nhiều người hơn nữa.
Giê-su ra đi, nhưng ngài sẽ không bỏ rơi môn đồ ngài. Ngài hứa: “Các ngươi nhơn danh ta mà cầu-xin điều chi mặc dầu, ta sẽ làm cho”. Ngoài ra, ngài còn nói: “Ta lại sẽ nài-xin Cha, Ngài sẽ ban cho các ngươi một Đấng Yên-ủi [đấng giúp đỡ, NW ] khác, để ở với các ngươi đời đời, tức là Thần lẽ thật”. Về sau, khi đã lên trời, Giê-su sẽ đổ thánh linh trên môn đồ và thánh linh sẽ giúp đỡ họ.
Giê-su sắp ra đi, vì ngài nói: “Còn ít lâu, thế-gian chẳng thấy ta nữa”. Giê-su sẽ là một tạo vật thần linh, không ai có thể nhìn thấy được. Nhưng ngài lại hứa với các sứ đồ trung thành: “Nhưng các ngươi sẽ thấy ta; vì ta sống thì các ngươi cũng sẽ sống”. Đúng vậy, không những sau khi sống lại ngài sẽ lấy hình người hiện đến với họ, mà khi đến kỳ định, ngài còn làm cho họ sống lại với ngài và lên trời với thể thần linh nữa.
Rồi Giê-su đưa ra một luật lệ đơn giản: “Ai có các điều răn của ta và vâng-giữ lấy, ấy là kẻ yêu-mến ta; người nào yêu-mến ta sẽ được Cha ta yêu lại, ta cũng sẽ yêu người, và tỏ cho người biết ta”.
Lúc ấy sứ đồ Giu-đa, còn gọi là Tha-đê, ngắt lời ngài: “Lạy Chúa, vì sao Chúa sẽ tỏ mình cho chúng tôi, mà không tỏ mình cho thế-gian?”
Giê-su trả lời: “Nếu ai yêu-mến ta, thì vâng-giữ lời ta, Cha ta sẽ thương-yêu người... Còn kẻ nào chẳng yêu-mến ta, thì không vâng-giữ lời ta”. Khác với các môn đồ biết vâng lời ngài, thế gian này bỏ ngoài tai những điều đấng Christ dạy dỗ. Vì vậy, ngài không tỏ mình cho thế gian này biết.
Trong suốt thời gian thi hành thánh chức ở trên đất, Giê-su đã giảng dạy vô số điều cho các sứ đồ. Làm thế nào mà họ có thể nhớ hết được, nhất là đến bây giờ mà họ còn nhiều điều chưa hiểu được rõ? Mừng thay, Giê-su hứa: “Nhưng Đấng Yên-ủi, tức là Đức Thánh-Linh mà Cha sẽ nhơn danh ta sai xuống, Đấng ấy sẽ dạy-dỗ các ngươi mọi sự, nhắc lại cho các ngươi nhớ mọi điều ta đã phán cùng các ngươi”.
Để củng cố tinh thần họ thêm nữa, Giê-su nói: “Ta để sự bình-an lại cho các ngươi; ta ban sự bình-an ta cho các ngươi... Lòng các ngươi chớ bối-rối”. Dù Giê-su sắp phải ra đi, nhưng ngài giải thích: “Nếu các ngươi yêu-mến ta, thì sẽ vui-mừng về điều ta đi đến cùng Cha, bởi vì Cha tôn-trọng hơn ta”.
Giê-su chỉ còn ở với các môn đồ một thời gian ngắn. Ngài nói: “Ta sẽ chẳng nói chi với các ngươi nữa, vì vua-chúa thế-gian nầy hầu đến; người chẳng có chi hết nơi ta”. Sa-tan Ma-quỉ, kẻ đã nhập vào Giu-đa và chế ngự hắn, chính là chúa của thế gian này. Nhưng nơi Giê-su không hề có một sự yếu kém tội lỗi nào để Sa-tan có thể lợi dụng làm cho ngài ngừng phụng sự Đức Chúa Trời.
Có được mối quan hệ mật thiết
Sau bữa tiệc lễ kỷ niệm, Giê-su khuyến khích các sứ đồ và nói chuyện thân thiết với họ. Bấy giờ có lẽ đã quá nửa đêm, nên Giê-su thúc giục: “Hãy đứng dậy, chúng ta phải đi khỏi đây”. Thế nhưng trước khi đi, Giê-su vì yêu thương họ nên kể tiếp một chuyện ví dụ đầy khích lệ.
Giê-su bắt đầu: “Ta là gốc nho thật, Cha ta là người trồng nho”. Người Trồng nho Vĩ đại, là Giê-hô-va Đức Chúa Trời đã trồng cây nho tượng trưng ấy khi Ngài xức dầu cho Giê-su bằng thánh linh khi làm báp têm vào mùa thu năm 29 công nguyên. Nhưng Giê-su cho thấy tiếp rằng cây nho không chỉ tượng trưng cho một mình ngài mà thôi. Ngài nói: “Hễ nhánh nào trong ta mà không kết quả thì Ngài chặt hết; và Ngài tỉa-sửa những nhánh nào kết quả, để được sai trái hơn... Như nhánh nho, nếu không dính vào gốc nho, thì không tự mình kết quả được, cũng một lẽ ấy, nếu các ngươi chẳng cứ ở trong ta, thì cũng không kết quả được. Ta là gốc nho, các ngươi là nhánh”.
Sau đó 51 ngày là ngày Lễ Ngũ tuần. Vào dịp này, các sứ đồ và môn đồ khác trở thành những nhánh nho khi họ được thánh linh đổ trên họ. Cuối cùng sẽ có tất cả 144.000 người trở thành nhánh của cây nho theo nghĩa bóng. Họ sẽ cùng với gốc nho là Giê-su Christ hợp thành cây nho và cây này sinh ra trái của Nước Trời.
Giê-su cho biết bí quyết để sinh hoa kết trái: “Ai cứ ở trong ta và ta trong họ thì sinh ra lắm trái; vì ngoài ta, các ngươi chẳng làm chi được”. Còn nếu ai không sinh hoa kết trái, như Giê-su nói, “thì phải ném ra ngoài, cũng như nhánh nho; nhánh khô đi, người ta lượm lấy, quăng vào lửa, thì nó cháy”. Ngược lại, ngài hứa: “Ví bằng các ngươi cứ ở trong ta, và những lời ta ở trong các ngươi, hãy cầu-xin mọi điều mình muốn, thì sẽ được điều đó”.
Ngoài ra, Giê-su còn nói cùng các sứ đồ: “Nầy, Cha ta sẽ được sáng danh là thể nào: ấy là các ngươi được kết nhiều quả, thì sẽ làm môn-đồ của ta vậy”. Những trái mà Đức Chúa Trời muốn thấy các nhánh sinh ra là những đức tính giống đấng Christ, đặc biệt tình yêu thương. Hơn nữa, vì đấng Christ là một người rao giảng về Nước Trời, thì trong những trái mà Đức Chúa Trời ưa thích cũng bao hàm công việc đào tạo thêm môn đồ như Giê-su đã làm.
Giê-su khuyên nhủ: “Hãy cứ ở trong sự yêu-thương của ta”. Nhưng làm sao các sứ đồ có thể thực hiện điều ấy? Ngài nói: “Nếu các ngươi vâng-giữ các điều-răn của ta, thì sẽ ở trong sự yêu-thương ta”. Rồi ngài nói tiếp: “Điều-răn của ta đây nầy: Các ngươi hãy yêu nhau, cũng như ta đã yêu các ngươi. Chẳng có sự yêu-thương nào lớn hơn là vì bạn-hữu mà phó sự sống mình”.
Trong vài giờ nữa, Giê-su sẽ thể hiện tình yêu thương vượt bực ấy qua việc hy sinh mạng sống mình cho các sứ đồ, cũng như cho tất cả những người thực hành đức tin nơi ngài. Tấm gương ấy thúc đẩy các tín đồ phải có cùng một tình yêu thương bất vị kỷ đối với nhau. Tình yêu thương đó cho người ta biết họ là ai, như Giê-su nói lúc nãy: “Nếu các ngươi yêu nhau, thì ấy là tại điều đó mà thiên-hạ sẽ nhận biết các ngươi là môn-đồ ta”.
Giê-su cho biết ai là bạn của ngài: “Ví thử các ngươi làm theo điều ta dạy, thì các ngươi là bạn-hữu ta. Ta chẳng gọi các ngươi là đầy-tớ nữa, vì đầy-tớ chẳng biết điều chủ mình làm; nhưng ta đã gọi các ngươi là bạn-hữu ta, vì ta từng tỏ cho các ngươi biết mọi điều ta đã nghe nơi Cha ta”.
Được làm bạn thân của Giê-su là một mối quan hệ quí giá biết bao! Nhưng để tiếp tục có được mối quan hệ đó, các tín đồ phải tiếp tục “kết quả”. Nếu làm thế, Giê-su nói: “Mọi điều các ngươi sẽ nhơn danh ta cầu-xin Cha, thì Ngài ban cho các ngươi”. Quả là một phần thưởng tuyệt vời cho những ai sinh hoa kết trái cho Nước Trời! Giê-su lại bảo các sứ đồ hãy “yêu-mến lẫn nhau”, rồi ngài giải thích rằng thế gian sẽ ghét họ. Tuy nhiên, ngài an ủi họ: “Ví bằng người đời ghét các ngươi, thì hãy biết rằng họ đã ghét ta trước các ngươi”. Tiếp đó ngài cho biết lý do tại sao người đời ghét môn đồ ngài: “Vì các ngươi không thuộc về thế-gian và ta đã lựa-chọn các ngươi giữa thế-gian, bởi cớ đó người đời ghét các ngươi”.
Ngài giải thích thêm tại sao người đời ghét họ: “Vì danh ta họ sẽ lấy mọi điều đó đãi các ngươi, bởi họ không biết Đấng [Giê-hô-va Đức Chúa Trời] đã sai ta đến”. Những phép lạ của Giê-su thật ra đã kết án những kẻ ghét ngài, như ngài nói: “Ví thử ta không làm giữa họ những việc mà chưa có người khác làm, thì họ vô-tội, nhưng bây giờ họ đã thấy các việc ấy, và lại ghét ta cùng Cha ta”. Và đúng như Giê-su nói, lời đã chép trong Kinh-thánh nay được ứng nghiệm: “Họ ghét ta vô cớ”.
Rồi như ngài đã làm khi nãy, Giê-su lại giúp cho các sứ đồ yên tâm bằng cách hứa sẽ gởi thánh linh đến giúp họ, tức sinh hoạt lực mạnh mẽ của Đức Chúa Trời: “Ấy chính Ngài [thánh linh] sẽ làm chứng về ta. Còn các ngươi cũng sẽ làm chứng về ta”.
Dặn dò thêm trước khi ra đi
Giê-su và các sứ đồ sắp sửa rời phòng trên lầu. Giê-su nói thêm: “Ta bảo các ngươi những điều đó, để cho các ngươi khỏi vấp-phạm”. Đoạn, ngài cho họ lời cảnh giác nghiêm trọng: “Họ sẽ đuổi các ngươi ra khỏi nhà hội; vả lại, giờ đến, khi ai giết các ngươi, tưởng rằng thế là hầu việc Đức Chúa Trời”.
Rõ ràng là các sứ đồ cảm thấy lo lắng vì lời cảnh giác ấy. Dù trước đó Giê-su đã bảo rằng thế gian sẽ ghét họ, nhưng ngài không nói thẳng là họ sẽ bị giết. Ngài giải thích: “Từ lúc ban đầu ta chưa nói cho các ngươi, vì ta đương ở cùng các ngươi”. Tuy nhiên, trước khi chia ly, ngài khôn ngoan làm sao khi cho họ biết những điều đó để chuẩn bị!
Giê-su nói tiếp: “Hiện nay ta về cùng Đấng đã sai ta đến, và trong các ngươi chẳng một ai hỏi ta rằng: Thầy đi đâu?” Trước đó họ hỏi Giê-su sắp đi đâu, nhưng bây giờ thì tâm thần họ bối rối bởi lời cảnh giác của ngài nên chẳng ai màng hỏi han gì thêm. Như Giê-su nói: “Vì ta đã nói những điều đó cho các ngươi, thì lòng các ngươi chứa-chan sự phiền-não”. Các sứ đồ rất đau buồn vì không những họ biết họ sẽ bị ngược đãi một cách thậm tệ và bị giết mà còn vì Thầy mình sắp ra đi nữa.
Vậy nên Giê-su giải thích: “Ta đi là ích-lợi cho các ngươi; vì nếu ta không đi, Đấng Yên-ủi sẽ không đến cùng các ngươi đâu; song nếu ta đi, thì ta sẽ sai Ngài đến”. Giê-su là người thì chỉ có thể ở một nơi mà thôi, nhưng khi lên trời, thì ngài có thể gửi thánh linh của Đức Chúa Trời đến giúp các tín đồ bất cứ ở nơi nào. Do đó việc Giê-su ra đi sẽ là điều lợi ích.
Giê-su nói thánh linh “sẽ khiến thế-gian tự-cáo về tội-lỗi, về sự công-bình và về sự phán-xét”. Tội lỗi của thế gian sẽ tự tỏ ra, ấy là không thực hành đức tin nơi Con của Đức Chúa Trời. Ngoài ra, chứng cớ hùng hồn về sự công bình của Giê-su cũng sẽ được tỏ rõ qua việc Giê-su lên trời và đến với Cha mình. Và việc Sa-tan với thế gian độc ác này đã không thể phá hủy lòng trung thành của Giê-su là một bằng cớ rõ rệt cho thấy chúa của thế gian này đã bị phán xét và kết án.
Giê-su nói tiếp: “Ta còn có nhiều chuyện nói với các ngươi nữa; nhưng bây giờ những điều đó cao quá sức các ngươi”. Vì lẽ đó, ngài hứa khi ngài đổ thánh linh, tức sinh hoạt lực của Đức Chúa Trời, thì thánh linh sẽ giúp họ thông hiểu những điều đó theo đúng sức của họ.
Một điều các sứ đồ đặc biệt không hiểu là Giê-su sắp phải chết rồi sẽ hiện ra cùng họ sau khi sống lại. Thành thử họ hỏi nhau: “Ngài dạy: Còn ít lâu các ngươi sẽ chẳng thấy ta; rồi ít lâu nữa các ngươi lại thấy ta; và rằng: Vì ta về cùng Cha; thế là làm sao?”
Giê-su biết họ muốn hỏi ngài, nên ngài giảng: “Quả thật, quả thật, ta nói cùng các ngươi, các ngươi sẽ khóc-lóc, than-vãn, còn người đời sẽ mừng-rỡ; các ngươi sẽ ở trong sự lo-buồn, nhưng sự lo-buồn các ngươi sẽ đổi làm vui-vẻ”. Không lâu sau, vào buổi chiều hôm đó, khi Giê-su bị giết, các nhà lãnh đạo tôn giáo của thế gian vui mừng lắm, trong lúc các môn đồ than khóc. Tuy nhiên nỗi ưu phiền ấy biến thành vui mừng khi Giê-su được sống lại! Và niềm vui mừng ấy tiếp tục khi ngài truyền cho môn đồ sức mạnh để làm chứng về ngài bằng cách đổ thánh linh của Đức Chúa Trời trên họ vào ngày Lễ Ngũ tuần.
Giê-su so sánh tình trạng của các sứ đồ như tình trạng của người đàn bà đang đau đẻ. Ngài nói: “Người đờn-bà, lúc sanh-đẻ thì đau-đớn, vì giờ mình đến rồi”. Nhưng ngài lưu ý rằng khi mẹ tròn con vuông, người mẹ sẽ chẳng còn nhớ gì đến cơn đau đớn đó nữa, và ngài khuyến khích các sứ đồ: “Khác nào như các ngươi hiện ở trong cơn đau-đớn, nhưng ta sẽ lại thấy các ngươi [khi ta sống lại], thì lòng các ngươi vui-mừng, và chẳng ai cướp lấy sự vui-mừng các ngươi được”.
Cho đến lúc đó, các sứ đồ chưa bao giờ nhân danh Giê-su để cầu nguyện, nhưng bấy giờ ngài bảo: “Điều chi các ngươi sẽ cầu-xin nơi Cha, thì Ngài sẽ nhơn danh ta mà ban cho các ngươi... vì chính Cha yêu-thương các ngươi, nhơn các ngươi đã yêu-mến ta, và tin rằng ta từ nơi Cha mà đến. Ta ra từ Cha mà đến thế-gian; nay ta lìa-bỏ thế-gian mà về cùng Cha”.
Những lời của Giê-su là sự khích lệ lớn cho các sứ đồ. Họ nói: “Bởi đó nên chúng tôi tin thầy ra từ Đức Chúa Trời”. Giê-su hỏi: “Bây giờ các ngươi tin chăng? Nầy, giờ đến, đã đến rồi, là khi các ngươi sẽ tản-lạc, ai đi đường nấy, và để ta lại một mình”. Chuyện này có vẻ khó tin, nhưng sẽ xảy ra thật, ngay cả trước khi đêm ấy tàn nữa!
Giê-su nói: “Ta đã bảo các ngươi những điều đó, hầu cho các ngươi có lòng bình-yên trong ta”. Ngài kết luận: “Các ngươi sẽ có sự hoạn-nạn trong thế-gian, nhưng hãy cứ vững lòng, ta đã thắng thế-gian rồi!” Giê-su đã thắng thế gian này bằng cách trung thành làm theo ý muốn Đức Chúa Trời, bất chấp mọi nỗ lực của Sa-tan và thế gian của hắn nhằm phá hủy lòng trung kiên của ngài.
Cầu nguyện kết thúc trong phòng trên lầu
Vì tình thương sâu đậm đối với các sứ đồ, Giê-su chuẩn bị tinh thần họ về việc ngài sắp phải ra đi. Bấy giờ, sau khi dùng nhiều thì giờ để khuyến khích và trấn an họ, Giê-su ngước mắt lên trời và cầu xin Cha mình: “Xin làm vinh-hiển Con, hầu cho Con cũng làm vinh-hiển Cha, và nhơn quyền-phép Cha đã ban cho Con cai-trị loài xác-thịt, Con được ban sự sống đời đời cho những kẻ mà Cha đã giao-phó cho Con”.
Sự sống đời đời! Giê-su đề cập đến một vấn đề thật hấp dẫn làm sao! Nhờ nhận được quyền phép để “cai-trị loài xác-thịt”, Giê-su có thể làm cho tất cả nhân loại đang bị án tử hình được lợi ích của sự hy sinh làm giá chuộc của ngài. Tuy nhiên, Giê-su chỉ ban “sự sống đời đời” cho những ai được Cha ngài chấp thuận. Nhằm khai triển đề tài về sự sống đời đời, Giê-su cầu nguyện tiếp:
“Vả, sự sống đời đời là nhìn biết Cha, tức là Đức Chúa Trời có một và thật, cùng Giê-su Christ, là đấng Cha đã sai đến”. Thật vậy, muốn được giải cứu, chúng ta cần phải học hỏi để thu thập sự hiểu biết về Đức Chúa Trời và Con ngài. Nhưng chỉ biết trong trí óc thôi thì không đủ.
Chúng ta phải biết Đức Chúa Trời và Con ngài một cách thân thiết và thắt chặt tình bạn với hai đấng ấy. Ta phải có lối suy nghĩ cũng như nhìn mọi sự theo quan điểm của hai đấng ấy. Và trên hết, chúng ta phải hết sức cố gắng bắt chước những đức tính kỳ diệu của hai đấng ấy khi cư xử với người khác.
Tiếp đó Giê-su cầu nguyện: “Con đã tôn-vinh Cha trên đất, làm xong công-việc Cha giao cho làm”. Giê-su đã hoàn thành sứ mệnh cho tới giây phút đó và tin chắc sẽ thành công trong tương lai nên Giê-su cầu xin: “Cha ôi! bây giờ xin lấy sự vinh-hiển Con vốn có nơi Cha trước khi chưa có thế-gian mà làm vinh-hiển Con nơi chính mình Cha”. Đúng thế, Giê-su xin Cha ban lại cho ngài sự vinh hiển ở trên trời mà ngài đã có lúc trước bằng cách cho ngài sống lại.
Rồi Giê-su tóm lược hoạt động chính của mình trên đất: “Con đã tỏ danh Cha ra cho những người Cha giao cho Con từ giữa thế-gian; họ vốn thuộc về Cha, Cha giao họ cho Con, và họ đã giữ lời Cha”. Giê-su dùng danh của Đức Chúa Trời là Giê-hô-va trong thánh chức, và dạy mọi người cách phát âm chính xác, nhưng ngài còn làm hơn thế nữa để tỏ danh Đức Chúa Trời ra cho các sứ đồ. Ngài còn giúp họ quí trọng và hiểu biết thêm về Đức Giê-hô-va, về bản tính và về ý định của Ngài.
Giê-su thừa nhận Cha là Đấng cao hơn mà mình phải phục tùng. Ngài khiêm tốn nói: “Con đã truyền cho họ những lời Cha đã truyền cho Con, và họ đã nhận lấy; nhìn biết quả thật rằng Con đến từ nơi Cha, và tin rằng ấy là Cha sai Con đến”.
Phân biệt rõ tín đồ của mình với những người khác trong nhân loại, Giê-su cầu nguyện tiếp: “Con... chẳng phải vì thế-gian mà cầu-nguyện, nhưng vì kẻ Cha đã giao cho Con... Đang khi Con còn ở với họ, Con gìn-giữ họ... Con đã gìn-giữ họ, trừ đứa con của sự hư-mất ra thì trong đám họ không một người nào bị thất-lạc”. Đứa con đó là Giu-đa Ích-ca-ri-ốt. Chính lúc ấy, Giu-đa đang đi làm cái việc ghê gớm là phản bội Giê-su. Như thế, hắn vô tình làm Kinh-thánh được ứng nghiệm vậy.
Giê-su tiếp tục cầu nguyện: “Thế-gian ghen-ghét họ... Con chẳng cầu Cha cất họ khỏi thế-gian, nhưng xin Cha gìn-giữ họ cho khỏi điều ác. Họ không thuộc về thế-gian, cũng như Con không thuộc về thế-gian”. Môn đồ của Giê-su sống trong thế gian, tức xã hội loài người có tổ chức do Sa-tan đô hộ, nhưng họ luôn luôn phải tách rời khỏi thế gian và mọi sự ác của thế gian.
Giê-su cầu tiếp: “Xin Cha lấy lẽ thật khiến họ nên thánh; lời Cha tức là lẽ thật”. Ở đây, Giê-su gọi phần Kinh-thánh viết bằng tiếng Hê-bơ-rơ và được soi dẫn mà Ngài luôn dẫn chiếu là “lẽ thật”. Tuy vậy, những điều Giê-su dạy môn đồ và những điều họ chép lại sau đó dưới sự soi dẫn của thánh linh hợp thành phần Kinh-thánh viết bằng tiếng Hy Lạp và cũng là “lẽ thật” nữa. Lẽ thật ấy có thể khiến con người trở nên thánh sạch, thay đổi toàn bộ cuộc sống và giúp người đó trở thành một người tách biệt khỏi thế gian.
Đoạn, Giê-su cầu xin: “Ấy chẳng những vì họ... nhưng cũng vì kẻ sẽ nghe lời họ mà tin đến Con nữa”. Vì thế, Giê-su cầu nguyện cho những người trở thành môn đồ được xức dầu và cho cả các môn đồ khác trong tương lai, là những người sẽ được hợp thành “một bầy”. Ngài cầu xin gì cho tất cả những người này?
“Cho ai nấy hiệp làm một, như Cha ở trong Con, và Con ở trong Cha..., để hiệp làm một cũng như chúng ta vẫn là một”. Giê-su và Cha ngài không phải là một đấng theo nghĩa đen, nhưng cả hai đều đồng ý với nhau về mọi vấn đề. Giê-su cầu nguyện sao cho các tín đồ cũng có sự đồng tình ấy, hầu cho “thế-gian biết chính Cha đã sai Con đến, và Cha đã yêu-thương họ cũng như Cha đã yêu-thương Con”.
Bấy giờ, Giê-su cầu xin một điều đặc biệt cho các môn đồ được xức dầu. Ngài cầu xin gì? “Con muốn Con ở đâu thì những kẻ Cha đã giao cho Con cũng ở đó với Con, để họ ngắm xem sự vinh-hiển của Con, là vinh-hiển Cha đã ban cho Con, vì Cha đã yêu Con trước khi sáng-thế”, có nghĩa trước khi A-đam và Ê-va sinh con cái. Trước khi đó rất lâu, Đức Chúa Trời yêu thương Con một của mình và người Con này về sau trở nên Giê-su Christ.
Trong phần kết thúc của lời cầu nguyện, Giê-su lại nhấn mạnh: “Con đã tỏ danh Cha ra cho họ, Con lại sẽ tỏ ra nữa, để cho tình yêu-thương của Cha dùng yêu-thương Con ở trong họ, và chính mình Con cũng ở trong họ nữa”. Đối với các sứ đồ, biết danh của Đức Chúa Trời có nghĩa là cá nhân họ biết đến tình yêu thương của Ngài. (Giăng 14:1 đến 17:26; 13:27, 35, 36; 10:16; Lu-ca 22:3, 4; Xuất Ê-díp-tô Ký 24:10; I Các Vua 19:9-13; Ê-sai 6:1-5; Ga-la-ti 6:16; Thi-thiên 35:19; 69:4; Châm-ngôn 8:22, 30).
▪ Giê-su sắp sửa đi đâu, và Giê-su trả lời Thô-ma thế nào về việc ngài đi đến đó?
▪ Qua lời yêu cầu, Phi-líp có lẽ muốn Giê-su cho họ điều gì?
▪ Tại sao một người đã thấy Giê-su thì cũng thấy Cha ngài nữa?
▪ Môn đồ của Giê-su sẽ làm những việc lớn hơn ngài như thế nào?
▪ Sa-tan không có gì hết nơi Giê-su theo ý nghĩa nào?
▪ Đức Giê-hô-va trồng cây nho tượng trưng khi nào, và những người khác trở thành các phần của cây nho ấy khi nào và bằng cách nào?
▪ Cuối cùng, cây nho có bao nhiêu nhánh?
▪ Đức Chúa Trời muốn các nhánh sinh loại trái nào?
▪ Chúng ta có thể kết bạn với Giê-su như thế nào?
▪ Tại sao thế gian ghét môn đồ của Giê-su?
▪ Lời cảnh giác nào của Giê-su làm các sứ đồ cảm thấy lo lắng?
▪ Tại sao các sứ đồ không hỏi Giê-su rằng ngài sẽ đi đâu?
▪ Các sứ đồ đặc biệt không hiểu gì?
▪ Giê-su minh họa thế nào cho thấy tình trạng của các sứ đồ sẽ thay đổi từ buồn rầu đến vui mừng?
▪ Giê-su nói các sứ đồ sắp sửa làm gì?
▪ Giê-su chiến thắng thế gian như thế nào?
▪ Việc Giê-su nhận được “quyền-phép để cai-trị loài xác-thịt” có nghĩa như thế nào?
▪ Việc thu thập sự hiểu biết về Đức Chúa Trời và Con của Ngài có nghĩa gì?
▪ Giê-su làm sáng tỏ danh của Đức Chúa Trời qua những cách nào?
▪ “Lẽ thật” là gì, và làm sao lẽ thật ấy có thể khiến tín đồ đấng Christ “nên thánh” được?
▪ Đức Chúa Trời, Con Ngài và tất cả những người thờ phượng thật đều là một như thế nào?
▪ Sự “sáng-thế” là khi nào?