Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Nhân Chứng Giê-hô-va—Thách thức phẫu thuật/Đạo đức

Nhân Chứng Giê-hô-va—Thách thức phẫu thuật/Đạo đức

Phụ lục

Nhân Chứng Giê-hô-va—Thách thức phẫu thuật/Đạo đức

Được the American Medical Association from The Journal of the American Medical Association (JAMA) cho phép in lại, ngày 27-11-1981, Tập 246, Số 21, trang 2471, 2472. Copyright 1981, American Medical Association.

Các bác sĩ đối diện với một thách thức đặc biệt khi điều trị Nhân Chứng Giê-hô-va. Tín đồ của đạo này có niềm tin tôn giáo sâu đậm chống lại việc nhận máu tương đồng hoặc máu của mình, hồng cầu đặc, bạch cầu, hoặc tiểu cầu. Nhiều người sẽ chấp nhận dùng máy tim-phổi (không phết bằng máu), thẩm tích, hoặc dụng cụ tương tự nếu sự tuần hoàn ngoài thân không bị gián đoạn. Nhân viên y tế không cần phải lo về trách nhiệm pháp lý, vì các Nhân Chứng sẽ có các biện pháp thích đáng để giải trừ trách nhiệm liên quan đến việc họ từ chối dùng máu. Họ chấp nhận các chất lỏng thay thế không phải máu. Dùng những điều này và các kỹ thuật tỉ mỉ khác, các bác sĩ thực hiện đủ loại đại phẫu thuật nơi bệnh nhân Nhân Chứng người lớn và trẻ em. Vì vậy một tiêu chuẩn thực hành cho các bệnh nhân đó đã được phát triển phù hợp với giáo điều là điều trị “toàn diện con người”. (JAMA 1981;246:2471-2472)

CÁC bác sĩ đối diện với một thách thức ngày càng gia tăng và là một vấn đề y tế trọng đại. Tại Hoa Kỳ có gần một triệu Nhân Chứng Giê-hô-va không chấp nhận truyền máu. Số Nhân Chứng và những người kết hợp với họ đang gia tăng. Mặc dầu trước đây, nhiều bác sĩ và nhân viên bệnh viện đã xem sự từ chối truyền máu là một vấn đề pháp lý và đã tìm lệnh tòa án để tiến hành việc mà họ tin là nên làm trên phương diện y khoa, sách báo y khoa gần đây cho thấy đang có một thay đổi đáng kể về thái độ. Điều này có thể là kết quả của nhiều kinh nghiệm giải phẫu với bệnh nhân có mức huyết cầu tố rất thấp và có lẽ cũng phản ảnh nhận thức gia tăng về nguyên tắc pháp lý của sự ưng thuận có hiểu biết.

Ngày nay, rất nhiều trường hợp giải phẫu không cấp thiết và trường hợp chấn thương liên quan tới các Nhân Chứng người lớn và trẻ em, đang được xử lý không dùng máu. Gần đây, đại diện của Nhân Chứng Giê-hô-va đã đến gặp nhân viên phẫu thuật và hành chánh tại một số trung tâm y tế lớn nhất trong nước. Những cuộc hội thảo này cải thiện sự hiểu biết và giúp giải quyết các câu hỏi về việc thu hồi máu, ghép cơ quan, và tránh đối đầu về pháp lý/y khoa.

QUAN ĐIỂM CỦA NHÂN CHỨNG VỀ PHÉP CHỮA BỆNH

Nhân Chứng Giê-hô-va chấp nhận sự điều trị y khoa và phẫu thuật. Trên thực tế, nhiều người trong nhóm họ là bác sĩ, ngay cả bác sĩ phẫu thuật. Nhưng Nhân Chứng là những người rất sùng đạo; họ tin rằng Kinh Thánh cấm họ truyền máu, qua những đoạn như: “Các ngươi không nên ăn thịt còn hồn sống, nghĩa là có máu”. (Sáng-thế Ký 9:3-4); “[Các ngươi] phải đổ huyết nó ra, rồi lấy bụi đất lấp lại”. (Lê-vi Ký 17:13, 14); và “Kiêng-giữ cho khỏi... sự tà-dâm, sự ăn thịt thú-vật chết ngột và huyết” (Công-vụ 15:19-21).1

Dầu những câu này không phát biểu bằng từ ngữ y khoa, Nhân Chứng xem những lời này như loại ra truyền máu toàn phần, hồng cầu đặc, huyết tương, cũng như bạch cầu và tiểu cầu. Thế nhưng, sự hiểu biết của các Nhân Chứng về tôn giáo không tuyệt đối cấm dùng các thành phần như albumin, globulin miễn dịch và các chế phẩm chữa bệnh chảy máu; mỗi Nhân Chứng phải tự quyết định lấy là mình có thể nhận các thành phần này hay không.2

Nhân Chứng tin rằng máu được đem ra khỏi thân thể phải bỏ đi, vì vậy họ không nhận truyền máu của chính mình khi đã được đem trữ trước. Họ không đồng ý dùng các phương pháp gom máu trong khi mổ hoặc làm loãng máu có liên quan đến việc lưu trữ máu. Tuy nhiên, nhiều Nhân Chứng cho phép dùng thẩm tích và máy tim-phổi (không phết bằng máu) cũng như thu hồi máu trong khi mổ nếu sự tuần hoàn ngoài thân không bị gián đoạn; bác sĩ cần thảo luận với mỗi bệnh nhân để xem lương tâm họ cho phép điều gì.2

Nhân Chứng không nghĩ rằng Kinh Thánh trực tiếp nói đến việc ghép cơ quan; cho nên mỗi Nhân Chứng phải tự quyết định về việc ghép giác mạc, thận, hay các mô tế bào khác.

ĐẠI PHẪU THUẬT CÓ THỂ ĐƯỢC

Dầu bác sĩ phẫu thuật thường từ chối chữa trị Nhân Chứng vì lập trường của họ về việc dùng chế phẩm máu hình như “trói tay bác sĩ”, nhiều bác sĩ ngày nay chọn coi trường hợp đó chỉ là một sự rắc rối khác thách thức tài năng của họ. Vì Nhân Chứng không phản đối những chất lỏng thay thế như chất keo, chất tinh thể, hoặc đốt điện, gây mê giảm huyết áp,3 hoặc hạ thân nhiệt, những phương pháp này đã được dùng một cách thành công. Hiện nay và tương lai người ta dùng chất hetastarch,4 chất dextran sắt cao lượng tiêm vào tĩnh mạch,5,6 và “dao mổ siêu âm”,7 những phương pháp này đầy hứa hẹn và không bị phản đối về mặt tôn giáo. Ngoài ra, nếu một chất thế máu vừa mới phát minh gần đây (Fluosol-DA) chứng tỏ là an toàn và hữu hiệu,8 thì việc sử dụng nó sẽ không mâu thuẫn với niềm tin của Nhân Chứng.

Năm 1977 Ott và Cooley9 báo cáo về 542 ca phẫu thuật tim-mạch thực hiện nơi Nhân Chứng không dùng máu và họ kết luận là phương pháp này có thể làm “với nguy hiểm thấp có thể chấp nhận được”. Thể theo lời yêu cầu của chúng tôi, gần đây ông Cooley đã xem lại thống kê của 1.026 ca mổ, 22% nơi trẻ em, và thấy rằng “nguy hiểm của phẫu thuật nơi nhóm bệnh nhân Nhân Chứng Giê-hô-va không cao hơn bao nhiêu so với các nhóm người khác”. Cũng như vậy, bác sĩ Michael E. DeBakey cho biết rằng “trong đại đa số trường hợp [liên quan tới Nhân Chứng], nguy hiểm phẫu thuật không dùng máu thật không cao hơn so với những bệnh nhân mà chúng tôi dùng máu” (thông tin riêng, tháng 3-1981). Ấn phẩm cũng ghi lại những đại phẫu thuật về khoa tiết niệu10 và chỉnh hình thành công.11 Bác Sĩ G. Dean MacEwen, và Bác Sĩ J. Richard Bowen viết rằng phẫu thuật nối đốt xương sống phía sau “đã được thực hiện thành công cho 20 trẻ em [Nhân Chứng]” (dữ kiện chưa công bố, tháng 8-1981). Họ nói thêm: “Bác sĩ mổ cần phải thiết lập triết lý là tôn trọng quyền bệnh nhân được từ chối truyền máu nhưng vẫn thực hiện các thao tác phẫu thuật một cách an toàn cho người bệnh”.

Ông Herbsman12 tường trình về sự thành công trong nhiều trường hợp, gồm cả một số liên quan tới các thiếu niên “đã mất rất nhiều máu lúc bị thương”. Ông nhìn nhận là “các Nhân Chứng ở vào thế hơi bất lợi khi phải cần máu. Tuy thế, cũng rõ ràng là chúng ta có các phương pháp thế máu”. Nhận thấy rằng nhiều bác sĩ phẫu thuật đã cảm thấy e ngại không muốn nhận điều trị Nhân Chứng vì “sợ hậu quả pháp lý”, ông cho thấy đây không phải là mối quan tâm hợp lý.

MỐI LO NGẠI BỊ THƯA KIỆN VÀ TRẺ EM

Nhân Chứng sẵn sàng ký tên vào mẫu của Hiệp Hội Y Khoa Hoa Kỳ để giải trừ trách nhiệm pháp lý cho bác sĩ và bệnh viện,13 và hầu hết các Nhân Chứng đều mang một thẻ Y Tế được đề ngày và chứng nhận; thẻ đã được soạn với sự tham khảo ý kiến của giới thẩm quyền y tế và pháp lý. Những văn kiện này ràng buộc bệnh nhân (hoặc kẻ thừa kế di sản) và là một sự bảo vệ cho các bác sĩ, vì Chánh Án Warren Burger quyết định rằng một vụ thưa kiện hành nghề bất cẩn “sẽ tỏ ra không có bằng chứng” khi giấy khước từ đã được ký tên. Ngoài ra, bình luận về điều này trong một bài phân tích về “Điều trị cưỡng bách và tự do tôn giáo”, ông Paris14 viết: “Một nhà bình luận đã nghiên cứu sách báo tường trình rằng: ‘Tôi chưa tìm được căn cứ nào cho lời tuyên bố là bác sĩ sẽ chịu... trách nhiệm hình sự chỉ vì ông không ép truyền máu cho một bệnh nhân không đồng ý’. Mối nguy hiểm dường như là sản phẩm của một bộ óc phong phú về pháp lý hơn là một thực tế có thể xảy ra”.

Sự chữa trị cho trẻ em thường là mối quan tâm lớn nhất, thường đưa tới việc khởi tố cha mẹ dựa theo đạo luật về việc bỏ bê con cái. Nhưng nhiều bác sĩ và luật sư quen thuộc với những trường hợp của Nhân Chứng đã đặt nghi vấn về những vụ kiện như thế, vì họ tin là các bậc cha mẹ Nhân Chứng tìm cầu sự chữa trị y khoa tốt cho con của họ. Không muốn lẩn tránh trách nhiệm làm cha mẹ hoặc chuyển trách nhiệm đó cho một chánh án hay người thứ ba nào, Nhân Chứng khẩn khoản yêu cầu có sự lưu tâm dành cho giáo điều tôn giáo của gia đình. Bác Sĩ A. D. Kelly, cựu Thư Ký của Hiệp Hội Y Khoa Canada, viết15 rằng “cha mẹ của trẻ vị thành niên và người thân gần nhất của bệnh nhân bị hôn mê có quyền trình bày ý muốn của bệnh nhân... Tôi không khâm phục thủ tục một tòa án giả họp lúc 2 giờ sáng để truất quyền trông nom của cha mẹ trên một đứa con”.

Đương nhiên là cha mẹ có tiếng nói trong việc chăm sóc con họ, ví dụ như khi đứng trước tiềm năng lợi-hại của phẫu thuật, phóng xạ, hoặc liệu pháp hóa học. Vì lý do đạo đức đi xa hơn vấn đề nguy hiểm của truyền máu,16 các bậc cha mẹ Nhân Chứng yêu cầu dùng những liệu pháp không bị ngăn cấm về mặt tôn giáo. Điều này hợp với giáo điều y khoa là chữa trị “toàn diện con người”, không bỏ qua sự kiện một phương pháp xâm phạm đến niềm tin cơ bản của một gia đình có thể gây thiệt hại lâu dài về mặt tâm lý-xã hội. Hiện nay, các trung tâm lớn trên khắp nước từng có kinh nghiệm với Nhân Chứng, thường nhận bệnh nhân chuyển từ các cơ sở y tế không muốn chữa trị Nhân Chứng, ngay cả những trường hợp nhi khoa.

THÁCH THỨC CỦA BÁC SĨ

Điều dễ hiểu là đối với một bác sĩ hiến đời mình để bảo toàn tính mạng và sức khỏe bằng cách sử dụng mọi kỹ thuật có sẵn cho ông dùng, thì điều trị cho các Nhân Chứng Giê-hô-va hình như là một vấn đề khó xử. Khi viết xã luận, mở đầu một loạt bài về đại phẫu thuật nơi Nhân Chứng, ông Harvey17 công nhận: “Tôi thấy bực bội khi những niềm tin xen vào việc làm của tôi”. Nhưng, ông nói thêm: “Có lẽ chúng ta cũng quên một cách dễ dàng rằng phẫu thuật là một thủ công dựa trên kỹ thuật riêng của cá nhân. Kỹ thuật có thể được cải thiện”.

Giáo Sư Bolooki18 để ý đến một bản tường trình gây lo ngại là một trong các bệnh viện cứu thương bận nhất tại Dade County, Florida, có một “chính sách bao quát là từ chối điều trị” Nhân Chứng. Ông nêu ra rằng “hầu hết các phương pháp phẫu thuật trong nhóm bệnh nhân này có ít nguy hiểm hơn thường lệ”. Ông nói thêm: “Dầu các bác sĩ phẫu thuật có thể cảm thấy như họ bị tước mất một dụng cụ y tế hiện đại... Tôi tin chắc rằng họ sẽ học được rất nhiều khi giải phẫu các bệnh nhân này”.

Thay vì coi bệnh nhân Nhân Chứng là một vấn đề, càng ngày càng có nhiều bác sĩ chấp nhận tình thế đó như một thách thức y khoa. Để vượt qua thách thức này, họ khai triển một tiêu chuẩn hành nghề cho nhóm bệnh nhân này và đã được chấp nhận tại nhiều trung tâm y tế trên khắp nước. Các bác sĩ này đồng thời cung cấp sự chăm sóc tốt nhất cho lợi ích toàn diện của bệnh nhân. Như ông Gardner và đồng nghiệp19 nhận xét: “Ai sẽ được lợi ích nếu thân thể người bệnh được chữa lành nhưng đời sống thiêng liêng với Đức Chúa Trời, theo cách nhìn của người đó, bị tổn thương, đưa tới một đời sống vô ý nghĩa và có lẽ còn tệ hơn cái chết”.

Nhân Chứng nhận biết rằng, trên phương diện y khoa, niềm tin kiên định của họ có vẻ làm tăng sự nguy hiểm và có thể gây khó khăn cho việc điều trị họ. Vì vậy, họ thường tỏ lộ lòng biết ơn đặc biệt về sự điều trị họ nhận được. Thêm vào các yếu tố quan trọng của một niềm tin sâu đậm và một ý muốn sống mãnh liệt, họ vui lòng hợp tác với bác sĩ và nhân viên y tế. Cho nên, cả bệnh nhân lẫn bác sĩ đều liên kết để đương đầu với thách thức khác thường này.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Jehovah’s Witnesses and the Question of Blood. Brooklyn, NY, Watchtower Bible and Tract Society, 1977, trang 1-64.

2. Tháp Canh (Anh ngữ) 1978;99 (ngày 15 tháng 6):29-31.

3. Gây mê giảm huyết áp làm phẫu thuật hông được dễ dàng, MEDICAL NEWS. JAMA 1978;239:181.

4. Hetastarch (Hespan)—một chất mới làm tăng thể tích huyết tương. Med Lett Drugs Ther 1981;23:16.

5. Hamstra RD, Block MH, Schocket AL:dextran sắt để tiêm trong y học lâm sàng. JAMA 1980;243:1726-1731.

6. Lapin R: Đại phẫu thuật nơi Nhân Chứng Giê-hô-va. Contemp ­Orthop 1980;2:647-654.

7. Fuerst ML: ‘Dao mổ siêu âm’ làm giảm hư hại mạch. Med Trib 1981;22:1,30.

8. Gonzáles ER: Truyện chiến công về ‘máu nhân tạo’: Fluosol một lợi ích đặc biệt cho Nhân Chứng Giê-hô-va. JAMA 1980;243:719-724.

9. Ott DA, Cooley DA: Phẫu thuật tim-mạch nơi Nhân Chứng Giê-hô-va. JAMA 1977;238:1256-1258.

10. Roen PR, Velcek F: Đại phẫu thuật khoa tiết niệu không dùng máu. NY State J Med 1972;72:2524-2527.

11. Nelson CL, Martin K, Lawson N, et al: Thay hông toàn bộ không dùng máu. Contemp Orthop 1980;2:655-658.

12. Herbsman H: Điều trị Nhân Chứng Giê-hô-va. Emerg Med 1980;12:73-76.

13. Medicolegal Forms With Legal Analysis. Chicago, American Medical Association, 1976, p. 83.

14. Paris JJ: Điều trị cưỡng bách và tự do tôn giáo: Luật của ai sẽ thắng thế? Univ San Francisco Law Rev 1975;10:1-35.

15. Kelly AD: Aequanimitas Can Med Assoc J 1967;96:432.

16. Kolins J: Tử vong vì truyền máu. JAMA 1981;245:1120.

17. Harvey JP: Một vấn đề về khéo tay nghề. Contemp Orthop 1980;2:629.

18. Bolooki H: Điều trị Nhân Chứng Giê-hô-va: Gương chăm sóc tốt. Miami Med 1981;51:25-26.

19. Gardner B, Bivona J, Alfonso A, et al: Đại phẫu thuật nơi Nhân Chứng Giê-hô-va. NY State J Med 1976;76:765-766.