Lời cầu nguyện về sự ăn năn
Chương Hai Mươi Lăm
Lời cầu nguyện về sự ăn năn
1, 2. (a) Sự sửa phạt của Đức Chúa Trời nhằm mục đích gì? (b) Sau khi được Đức Giê-hô-va sửa phạt, dân Do Thái sẽ có sự lựa chọn nào?
SỰ SỬA PHẠT của Đức Giê-hô-va qua việc hủy diệt Giê-ru-sa-lem và đền thờ vào năm 607 TCN cho thấy Ngài bất bình cực độ. Dân Giu-đa bất tuân đáng bị nghiêm phạt. Thế nhưng, Đức Giê-hô-va không có ý tuyệt diệt dân Do Thái. Ngụ ý rằng mọi sự sửa phạt của Đức Giê-hô-va đều có mục đích, sứ đồ Phao-lô nói: “Thật các sự sửa-phạt lúc đầu coi như một cớ buồn-bã, chớ không phải sự vui-mừng; nhưng về sau sanh ra bông-trái công-bình và bình-an cho những kẻ đã chịu luyện-tập như vậy”.—Hê-bơ-rơ 12:11.
2 Dân Do Thái sẽ phản ứng thế nào trước sự sửa phạt nghiêm khắc đó? Họ có ghét sự sửa phạt của Đức Giê-hô-va không? (Thi-thiên 50:16, 17) Hay họ sẽ chấp nhận xem đó là sự rèn luyện? Họ có ăn năn và được chữa lành không? (Ê-sai 57:18; Ê-xê-chi-ên 18:23) Lời tiên tri của Ê-sai gợi ý rằng ít nhất có một số người từng sống ở Giu-đa trước đây sẽ vui lòng chấp nhận sự sửa phạt. Bắt đầu từ những câu cuối của Ês chương 63 câu 15-19, và cho đến hết Ês chương 64, dân Giu-đa được miêu tả như một dân tộc hối lỗi, thật lòng nài xin Đức Giê-hô-va. Nhà tiên tri Ê-sai đã dâng lời cầu nguyện ăn năn thay cho những người đồng hương sẽ phải lâm vào cảnh phu tù trong tương lai. Trong khi làm thế, ông nói về những biến cố tương lai như thể đang xảy ra trước mắt ông.
Một người Cha đầy lòng trắc ẩn
3. (a) Lời cầu nguyện mang nghĩa tiên tri của Ê-sai tôn vinh Đức Giê-hô-va như thế nào? (b) Lời cầu nguyện của Đa-ni-ên cho thấy lời cầu nguyện mang nghĩa tiên tri của Ê-sai thể hiện ý nghĩ ăn năn của dân Do Thái ở Ba-by-lôn ra sao? (Xem khung nơi trang 362).
3 Ê-sai cầu xin Đức Giê-hô-va: “Xin Chúa từ trên trời ngó xuống, từ chỗ ở thánh và vinh-hiển của Ngài mà nhìn-xem!” Nhà tiên tri nói về các tầng trời thiêng liêng, nơi ngự của Đức Giê-hô-va và các tạo vật thần linh vô hình của Ngài. Diễn đạt ý nghĩ của dân Do Thái phu tù, Ê-sai viết: “Chớ nào lòng nóng-nảy và công-việc lớn Ngài ở đâu? Lòng ước-ao sốt-sắng và sự thương-xót của Ngài bị ngăn-trở đến cùng tôi”. (Ê-sai 63:15) Đức Giê-hô-va đã kiềm chế quyền lực và cảm xúc sâu xa của Ngài—tức “lòng ước-ao sốt-sắng và sự thương-xót”—đối với dân Ngài. Tuy nhiên, Đức Giê-hô-va là “Cha” của dân tộc Do Thái. Áp-ra-ham và Y-sơ-ra-ên (Gia-cốp) là tổ phụ họ theo xác thịt, nhưng nếu được sống lại, có lẽ những tổ phụ này sẽ muốn từ bỏ con cháu bội đạo. Đức Giê-hô-va có lòng thương xót lớn lao hơn. (Thi-thiên 27:10) Với lòng biết ơn, Ê-sai nói: “Hỡi Đức Giê-hô-va, Ngài là Cha chúng tôi, danh Ngài là Đấng Cứu-chuộc chúng tôi từ trước đời đời”.—Ê-sai 63:16.
4, 5. (a) Đức Giê-hô-va để cho dân Do Thái rời xa đường lối Ngài theo nghĩa nào? (b) Đức Giê-hô-va muốn hình thức thờ phượng nào?
4 Ê-sai tiếp tục cầu nguyện cách chân tình: “Hỡi Đức Giê-hô-va, sao để chúng tôi lầm-lạc xa đường Ngài? sao để lòng chúng tôi cứng-cỏi đến nỗi chẳng kính-sợ Ngài? Xin hãy vì cớ các tôi-tớ Ngài và các chi-phái của cơ-nghiệp Ngài mà trở lại!” (Ê-sai 63:17) Đúng vậy, Ê-sai cầu xin Đức Giê-hô-va quan tâm đến các tôi tớ Ngài một lần nữa. Tuy nhiên, Đức Giê-hô-va khiến dân Do Thái rời xa đường lối Ngài theo nghĩa nào? Phải chăng Đức Giê-hô-va chịu trách nhiệm về sự cứng lòng này của họ đã khiến họ coi thường Ngài? Không, nhưng Ngài cho phép điều ấy xảy ra, và trong cơn tuyệt vọng, dân Do Thái than vãn là Đức Giê-hô-va đã để họ tự do hành động như thế. (Xuất Ê-díp-tô Ký 4:21; Nê-hê-mi 9:16) Họ ước gì Đức Giê-hô-va ra tay can thiệp, ngăn họ làm điều quấy.
5 Dĩ nhiên, Đức Giê-hô-va không xử sự với loài người theo cách đó. Chúng ta có tự do ý chí, và Đức Giê-hô-va để chúng ta tự quyết định chọn vâng lời Ngài hay không. (Phục-truyền Luật-lệ Ký 30:15-19) Đức Giê-hô-va muốn sự thờ phượng xuất phát từ lòng và trí của chúng ta phải được thúc đẩy bằng tình yêu chân thật. Bởi thế Ngài đã để cho dân Do Thái được sử dụng tự do ý chí, ngay cả khi điều này cho họ cơ hội phản nghịch Ngài. Bằng cách đó, Ngài đã làm lòng họ cứng cỏi.—2 Sử-ký 36:14-21.
6, 7. (a) Việc dân Do Thái lìa bỏ đường lối Đức Giê-hô-va đưa đến hậu quả nào? (b) Dân Do Thái bày tỏ ước muốn hão huyền nào, nhưng họ không có quyền mong đợi gì?
6 Hậu quả là gì? Ê-sai tiên tri: “Dân thánh của Ngài được xứ nầy làm kỷ-vật chưa bao lâu; mà kẻ thù chúng tôi đã giày-đạp nơi thánh của Ngài. Từ lâu nay chúng tôi đã như một dân không hề được Ngài cai-trị, và không còn đội danh Ngài nữa”. (Ê-sai 63:18, 19) Dân Đức Giê-hô-va đã được phép trông coi nơi thánh của Ngài một thời gian. Sau đó, Đức Giê-hô-va để cho nơi thánh bị phá hủy và dân Ngài bị lưu đày. Khi điều đó xảy ra thì như thể giữa Ngài và con cháu Áp-ra-ham chưa từng có giao ước và như thể họ chưa từng mang danh Ngài. Giờ đây bị lưu đày ở Ba-by-lôn, dân Do Thái kêu la tuyệt vọng: “Ôi! ước gì Ngài xé rách các từng trời, Ngài ngự xuống và làm rúng-động các núi trước mặt Ngài, như lửa đốt củi khô, như lửa làm sôi nước, hầu cho kẻ thù-nghịch biết danh Ngài, các dân-tộc run-rẩy trước mặt Ngài”. (Ê-sai 64:1, 2) Thật vậy, Đức Giê-hô-va có quyền năng giải cứu. Chắc chắn Ngài đã có thể ngự xuống và chiến đấu cho dân Ngài, “xé rách” các hệ thống chính quyền ví như trời, và đập tan các đế quốc vững chắc như núi. Đức Giê-hô-va hẳn có thể làm danh Ngài lừng lẫy bằng cách tỏ lòng sốt sắng mãnh liệt đối với dân Ngài.
7 Đức Giê-hô-va đã làm điều ấy trong quá khứ. Ê-sai thuật lại: “Khi Ngài đã làm những sự đáng sợ mà chúng tôi không trông-mong, thì Ngài ngự xuống, và các núi đều rúng-động trước mặt Ngài”. (Ê-sai 64:3) Những hành động lớn lao ấy chứng minh rằng Đức Giê-hô-va là Đức Chúa Trời quyền năng. Tuy nhiên, dân Do Thái bất trung vào thời Ê-sai không có quyền mong đợi Đức Giê-hô-va hành động vì lợi ích của họ.
Quyền giải cứu thuộc về Đức Giê-hô-va
8. (a) Đức Giê-hô-va khác với thần giả của các nước ở điểm nào? (b) Mặc dù quyền năng, tại sao Đức Giê-hô-va không giải cứu dân Ngài? (c) Ê-sai 64:4 được Phao-lô trích dẫn và áp dụng như thế nào? (Xem khung nơi trang 366).
8 Các thần giả không có quyền năng giải cứu những kẻ thờ chúng. Ê-sai viết: “Từ xưa người ta chưa hề biết, tai chưa hề nghe, mắt chưa hề thấy ngoài Ngài có Đức Chúa Trời nào khác, hay vì kẻ trông-đợi mình mà làm những sự thể ấy. Ngài đã đón-rước kẻ vui lòng làm sự công-bình, kẻ đi trong đường-lối Ngài và nhớ đến Ngài”. (Ê-sai 64:4, 5a) Chỉ mình Đức Giê-hô-va là “Đấng hay thưởng cho kẻ tìm-kiếm Ngài”. (Hê-bơ-rơ 11:6) Ngài hành động để che chở những ai công bình và tưởng nhớ đến Ngài. (Ê-sai 30:18) Dân Do Thái có hành động như vậy không? Không. Ê-sai nói với Đức Giê-hô-va: “Nầy, Ngài đã nổi giận vì chúng tôi phạm tội; đã lâu như vậy, thì còn được cứu sao?” (Ê-sai 64:5b) Vì dân Đức Chúa Trời cứ luôn cố tình phạm tội nên Đức Giê-hô-va không có lý do để dằn cơn giận và giải cứu họ.
9. Những người Do Thái biết ăn năn có thể hy vọng gì, và chúng ta có thể học được gì từ điều này?
9 Dân Do Thái không thể xóa bỏ quá khứ, nhưng nếu ăn năn và trở lại với sự thờ phượng thanh sạch, họ có thể hy vọng được tha thứ và được ân phước trong tương lai. Đúng kỳ định, Đức Giê-hô-va sẽ thưởng cho những người biết ăn năn bằng cách giải thoát họ khỏi ách tù đày của Ba-by-lôn. Tuy nhiên, họ cần kiên nhẫn. Dù họ ăn năn, Đức Giê-hô-va cũng sẽ không thay đổi thời biểu của Ngài. Nhưng nếu tỉnh thức và sẵn sàng làm theo ý muốn Đức Giê-hô-va, chắc chắn cuối cùng họ sẽ được giải phóng. Cũng vậy, tín đồ Đấng Christ ngày nay kiên nhẫn trông chờ ngày Đức Giê-hô-va. (2 Phi-e-rơ 3:11, 12) Chúng ta rất quan tâm đến lời của sứ đồ Phao-lô: “Chớ mệt-nhọc về sự làm lành, vì nếu chúng ta không trễ-nải, thì đến kỳ, chúng ta sẽ gặt”.—Ga-la-ti 6:9.
10. Trong lời cầu nguyện, Ê-sai đã thẳng thắn thú nhận sự bất lực nào?
10 Lời cầu nguyện mang nghĩa tiên tri của Ê-sai không chỉ thú tội chính thức mà còn chân thành thừa nhận rằng dân sự không có khả năng tự giải cứu. Nhà tiên tri nói: “Chúng tôi hết thảy đã trở nên như vật ô-uế, mọi việc công-bình của chúng tôi như áo nhớp; chúng tôi thảy đều héo như lá, và tội-ác chúng tôi như gió đùa mình đi”. (Ê-sai 64:6) Vào cuối thời kỳ phu tù, có lẽ những người Do Thái đã ăn năn về sự bội đạo, đã quay về với Đức Giê-hô-va và làm điều công bình. Nhưng họ vẫn bất toàn. Những việc làm tốt lành của họ tuy đáng khen nhưng không đủ để chuộc tội vì giá trị của nó chẳng hơn gì cái áo nhớp. Sự tha thứ của Đức Giê-hô-va là một món quà, ban cho vì lòng thương xót, chứ không phải vì người nhận xứng đáng. Không ai có được nó nhờ việc làm của mình.—Rô-ma 3:23, 24.
11. (a) Phần lớn dân Do Thái phu tù lâm vào tình trạng tồi tệ về thiêng liêng như thế nào, và tại sao có tình trạng này? (b) Trong thời gian bị phu tù, đã có những gương xuất sắc nào về đức tin?
11 Nhìn về tương lai, Ê-sai thấy gì? Nhà tiên tri cầu nguyện: “Chẳng có ai kêu-cầu danh Ngài, hay là gắng sức đặng cầm lấy Ngài; vì Ngài đã ẩn mặt khỏi chúng tôi, để chúng tôi bị tiêu-mất bởi tội-ác mình”. (Ê-sai 64:7) Tình trạng thiêng liêng của dân sự rất thấp. Họ không còn kêu cầu danh Đức Chúa Trời. Tuy không còn phạm trọng tội thờ hình tượng, nhưng rõ ràng họ đã sao nhãng việc thờ phượng, và “không ai gắng sức đặng cầm lấy” Đức Giê-hô-va. Rõ ràng họ không được hưởng mối quan hệ lành mạnh với Đấng Tạo Hóa. Có lẽ một số cảm thấy không xứng đáng cầu nguyện cùng Đức Giê-hô-va. Một số khác có thể chỉ lo cuộc sống thường nhật, chẳng nghĩ gì đến Ngài. Dĩ nhiên trong số dân phu tù có những người như Đa-ni-ên, Ha-na-nia, Mi-sa-ên, A-xa-ria và Ê-xê-chi-ên là những tấm gương tốt về đức tin. (Hê-bơ-rơ 11:33, 34) Khi thời kỳ 70 năm phu tù sắp mãn, những người như A-ghê, Xa-cha-ri, Xô-rô-ba-bên và Thầy Tế Lễ Thượng Phẩm Giê-hô-sua đã sẵn sàng dẫn đầu trong việc kêu cầu danh Đức Giê-hô-va. Tuy vậy, lời cầu nguyện mang nghĩa tiên tri của Ê-sai dường như diễn tả tình trạng của đa số dân phu tù.
“Vâng lời tốt hơn của tế-lễ”
12. Việc dân Do Thái biết ăn năn, sẵn lòng thay đổi cách ăn ở đã được Ê-sai diễn tả như thế nào?
12 Những người Do Thái ăn năn sẵn lòng thay đổi. Thay mặt họ, Ê-sai cầu nguyện Đức Giê-hô-va: “Hỡi Đức Giê-hô-va, dầu vậy, bây giờ Ngài là Cha chúng tôi! Chúng tôi là đất sét, Ngài là thợ gốm chúng tôi; chúng tôi thảy là việc của tay Ngài”. (Ê-sai 64:8) Những lời này một lần nữa công nhận thẩm quyền của Đức Giê-hô-va với tư cách người Cha, hay Đấng Ban Sự Sống. (Gióp 10:9) Những người Do Thái biết ăn năn được ví như đất sét dễ nặn. Theo nghĩa bóng, những ai chấp nhận sự sửa phạt của Đức Giê-hô-va có thể được uốn nắn phù hợp với tiêu chuẩn của Ngài. Nhưng điều này chỉ có thể thực hiện nếu được Thợ Gốm là Đức Giê-hô-va tha thứ. Do đó, Ê-sai đã hai lần xin Đức Giê-hô-va nhớ rằng dân Do Thái là dân Ngài: “Hỡi Đức Giê-hô-va, xin Ngài chớ quá giận, đừng luôn-luôn nhớ đến tội-ác chúng tôi! Nầy, chúng tôi xin Ngài hãy đoái-xem, chúng tôi đều là dân Ngài!”—Ê-sai 64:9.
13. Tình trạng xứ Y-sơ-ra-ên như thế nào trong thời gian dân Đức Chúa Trời bị lưu đày?
13 Trong thời gian phu tù, dân Do Thái chịu nhiều khổ sở, không phải chỉ vì bị giam cầm nơi xứ dân ngoại. Tình trạng hoang vu của Giê-ru-sa-lem và đền thờ mang lại sỉ nhục cho họ và cho Đức Chúa Trời của họ. Trong lời cầu nguyện về sự ăn năn, Ê-sai nhắc đến một số điều gây sỉ nhục: “Các thành thánh của Ngài đã nên đồng-vắng; Si-ôn đã trở nên đồng-vắng, Giê-ru-sa-lem đã trở nên hoang-vu. Nhà thánh và đẹp-đẽ của chúng tôi, tức là nơi tổ-phụ chúng tôi ngợi-khen Ngài, thì đã bị lửa đốt-cháy rồi; mọi nơi vui-vẻ của chúng tôi đều đã bị hủy-hoại”.—Ê-sai 64:10, 11.
14. (a) Đức Giê-hô-va đã cảnh báo thế nào về tình trạng hiện nay? (b) Tuy Đức Giê-hô-va hài lòng về đền thờ và của-lễ dâng tại đó, nhưng điều gì quan trọng hơn?
14 Dĩ nhiên, Đức Giê-hô-va biết rõ tình trạng nơi quê cha đất tổ của dân Do Thái. Khoảng 420 năm trước khi Giê-ru-sa-lem bị hủy diệt, Ngài đã cảnh báo dân Ngài là nếu bỏ mệnh lệnh Ngài và phụng sự các thần khác, Ngài sẽ “truất [họ] khỏi đất” và đền thờ đẹp đẽ sẽ “trở thành đống đổ nát”. (1 Các Vua 9:6-9; NW) Đành rằng Đức Giê-hô-va hài lòng về xứ mà Ngài ban cho dân Ngài, về đền thờ tráng lệ được xây để tôn vinh Ngài, và về của-lễ hy sinh dâng cho Ngài, nhưng sự trung tín và vâng lời quan trọng hơn lễ vật, và ngay cả của-lễ hy sinh. Nhà tiên tri Sa-mu-ên nói với Vua Sau-lơ: “Đức Giê-hô-va há đẹp lòng của-lễ thiêu và của-lễ thù-ân bằng sự vâng theo lời phán của Ngài ư? Vả, sự vâng lời tốt hơn của tế-lễ; sự nghe theo tốt hơn mỡ chiên đực”.—1 Sa-mu-ên 15:22.
15. (a) Ê-sai nài xin Đức Giê-hô-va theo nghĩa tiên tri như thế nào, và được đáp lại ra sao? (b) Những biến cố nào dẫn tới kết cuộc dân Y-sơ-ra-ên bị Đức Giê-hô-va từ bỏ?
15 Tuy nhiên, làm sao Đức Chúa Trời của Y-sơ-ra-ên lại có thể làm ngơ trước tai họa đổ trên dân biết ăn năn của Ngài? Câu hỏi này đã được Ê-sai nêu lên để kết thúc lời cầu nguyện mang nghĩa tiên tri của ông. Nhân danh dân Do Thái phu tù, ông nài xin: “Hỡi Đức Giê-hô-va, đã đến nỗi nầy, Ngài còn nín-nhịn được sao? Có lẽ nào Ngài cứ làm thinh, khiến chúng tôi chịu khổ không ngần?” (Ê-sai 64:12) Cuối cùng, Đức Giê-hô-va quả đã tha thứ dân Ngài, và vào năm 537 TCN, Ngài đem họ trở về quê hương để tái lập sự thờ phượng thanh sạch tại đó. (Giô-ên 2:13) Tuy nhiên, nhiều thế kỷ sau đó, Giê-ru-sa-lem và đền thờ lại bị phá hủy một lần nữa, và kết cuộc Đức Giê-hô-va đã từ bỏ dân tộc trong giao ước của Ngài. Tại sao? Vì dân sự đã xa lìa các điều răn của Ngài và bác bỏ Đấng Mê-si. (Giăng 1:11; 3:19, 20) Khi điều đó xảy ra, Đức Giê-hô-va đã thay thế dân Y-sơ-ra-ên bằng một dân mới, một dân thiêng liêng tức “dân Y-sơ-ra-ên của Đức Chúa Trời”.—Ga-la-ti 6:16; 1 Phi-e-rơ 2:9.
Đức Giê-hô-va, “Đấng nghe lời cầu-nguyện”
16. Kinh Thánh dạy gì về sự tha thứ của Đức Giê-hô-va?
16 Chúng ta có thể rút tỉa được nhiều bài học quan trọng từ những gì đã xảy ra cho dân Y-sơ-ra-ên. Chúng ta nhận thức được rằng Đức Giê-hô-va là “thiện, sẵn tha-thứ”. (Thi-thiên 86:5) Là những tạo vật bất toàn, chúng ta được cứu rỗi nhờ vào lòng thương xót và sự tha thứ của Ngài. Không việc làm nào có thể giúp chúng ta đạt được những ân phước này. Tuy nhiên, Đức Giê-hô-va tha thứ có điều kiện. Chỉ những ai ăn năn và trở lại mới được hưởng sự tha thứ của Đức Chúa Trời.—Công-vụ 3:19.
17, 18. (a) Làm sao chúng ta biết Đức Giê-hô-va thật sự chú ý đến tư tưởng và cảm nghĩ của chúng ta? (b) Tại sao Đức Giê-hô-va kiên nhẫn đối với loài người tội lỗi?
17 Chúng ta cũng học được rằng Đức Giê-hô-va rất chú ý đến tư tưởng và cảm nghĩ chúng ta bày tỏ khi cầu nguyện với Ngài. Ngài là “Đấng nghe lời cầu-nguyện”. (Thi-thiên 65:2, 3) Sứ đồ Phi-e-rơ bảo đảm với chúng ta: “Mắt của Chúa đoái-trông người công-bình, tai Ngài lắng nghe lời cầu-nguyện người”. (1 Phi-e-rơ 3:12) Ngoài ra, chúng ta cũng học được là khi ăn năn cầu nguyện, phải khiêm nhường thú tội. (Châm-ngôn 28:13) Dù sao điều này không có nghĩa là chúng ta có thể lạm dụng lòng thương xót của Đức Chúa Trời. Kinh Thánh khuyến cáo tín đồ Đấng Christ “chớ chịu ơn Đức Chúa Trời luống không”.—2 Cô-rinh-tô 6:1.
18 Cuối cùng, chúng ta hiểu được mục đích của việc Đức Chúa Trời kiên nhẫn với dân Ngài, vốn là những người có bản chất tội lỗi. Sứ đồ Phi-e-rơ giải thích rằng Đức Giê-hô-va kiên nhẫn vì “không muốn cho một người nào chết mất, song muốn cho mọi người đều ăn-năn”. (2 Phi-e-rơ 3:9) Tuy nhiên, những kẻ cứ mãi lạm dụng lòng kiên nhẫn của Đức Chúa Trời, cuối cùng sẽ bị trừng phạt. Kinh Thánh cho biết: “[Đức Giê-hô-va] sẽ trả lại cho mỗi người tùy theo công-việc họ làm: Ai bền lòng làm lành, tìm sự vinh-hiển, sự tôn-trọng và sự chẳng hề chết, thì báo cho sự sống đời đời; còn ai có lòng chống-trả, không vâng-phục lẽ thật, mà vâng-phục sự không công-bình, thì báo cho họ sự giận và cơn thạnh-nộ”.—Rô-ma 2:6-8.
19. Đức Giê-hô-va biểu lộ những đức tính bất di bất dịch nào?
19 Đây là cách Đức Chúa Trời xử sự với dân Y-sơ-ra-ên xưa. Ngày nay, trong mối quan hệ của chúng ta với Ngài, Đức Giê-hô-va vẫn áp dụng cùng nguyên tắc vì Ngài không thay đổi. Trong khi trừng trị những kẻ đáng phạt, Ngài luôn luôn là “Giê-hô-va!... Đức Chúa Trời nhân-từ, thương-xót, chậm giận, đầy-dẫy ân-huệ và thành-thực, ban ơn đến ngàn đời, xá điều gian-ác, tội trọng, và tội-lỗi; nhưng chẳng kể kẻ có tội là vô-tội, và nhân tội tổ-phụ phạt đến con cháu trải ba bốn đời”.—Xuất Ê-díp-tô Ký 34:6, 7.
[Câu hỏi thảo luận]
[Khung/Hình nơi trang 362]
Lời cầu nguyện về sự ăn năn của Đa-ni-ên
Nhà tiên tri Đa-ni-ên sống ở Ba-by-lôn trong suốt thời kỳ 70 năm dân Do Thái bị lưu đày. Vào năm lưu đày thứ 68, qua lời tiên tri của Giê-rê-mi, Đa-ni-ên nhận thức rằng giai đoạn lưu đày của Y-sơ-ra-ên sắp mãn. (Giê-rê-mi 25:11; 29:10; Đa-ni-ên 9:1, 2) Đa-ni-ên cầu nguyện Đức Giê-hô-va—một lời cầu nguyện về sự ăn năn nhân danh toàn thể dân Do Thái. Đa-ni-ên kể lại: “Ta để mặt hướng về Chúa là Đức Chúa Trời, lấy sự khấn-nguyện, nài-xin, với sự kiêng-ăn, mặc bao gai, đội tro mà tìm. Vậy, ta cầu-nguyện Giê-hô-va Đức Chúa Trời ta, và ta xưng tội cùng Ngài”.—Đa-ni-ên 9:3, 4.
Đa-ni-ên nói lời cầu nguyện này khoảng hai trăm năm sau khi Ê-sai viết lời cầu nguyện mang nghĩa tiên tri nơi chương 63 và 64 sách Ê-sai. Hiển nhiên, nhiều người Do Thái thành thật cũng cầu nguyện Đức Giê-hô-va trong những năm làm phu tù đầy gian nan. Tuy nhiên, Kinh Thánh nhấn mạnh lời cầu nguyện của Đa-ni-ên vì dường như nó tiêu biểu cho cảm nghĩ của nhiều người Do Thái trung thành. Do đó, lời cầu nguyện của ông cho thấy rằng những cảm xúc trong lời cầu nguyện mang nghĩa tiên tri của Ê-sai đúng là những cảm xúc của những người Do Thái trung thành ở Ba-by-lôn.
Hãy lưu ý đến những điểm tương tự giữa lời cầu nguyện của Đa-ni-ên và của Ê-sai:
Ê-sai 64:10, 11 Đa-ni-ên 9:16-18
[Khung nơi trang 366]
“Mắt chưa thấy”
Trong lá thư gửi cho người Cô-rinh-tô, sứ đồ Phao-lô trích dẫn sách Ê-sai khi viết: “Như có chép rằng: Ấy là sự mắt chưa thấy, tai chưa nghe, và lòng người chưa nghĩ đến, nhưng Đức Chúa Trời đã sắm sẵn điều ấy cho những người yêu-mến Ngài”. (1 Cô-rinh-tô 2:9) a Lời của Phao-lô cũng như của Ê-sai không có ý nói đến những điều Đức Giê-hô-va sửa soạn cho dân Ngài, hoặc cơ nghiệp trên trời hoặc địa đàng tương lai. Phao-lô áp dụng lời của Ê-sai để nói về những ân phước mà tín đồ Đấng Christ vào thế kỷ thứ nhất đã được hưởng rồi, như việc hiểu được những điều sâu nhiệm của Đức Chúa Trời và được Đức Giê-hô-va soi sáng về thiêng liêng.
Chúng ta chỉ có thể hiểu được những điều sâu nhiệm về thiêng liêng khi nào được Đức Giê-hô-va tiết lộ vào kỳ định của Ngài—và ngay cả khi đó, chúng ta phải là một người thiêng liêng, có mối liên lạc mật thiết với Đức Giê-hô-va. Lời của Phao-lô áp dụng cho những người có ít hay không có thiêng liêng tính. Mắt họ không thể thấy, hay nhận thức lẽ thật thiêng liêng, và tai họ không thể nghe, hay hiểu những điều đó. Sự hiểu biết về những điều mà Đức Chúa Trời đã sửa soạn cho người yêu mến Ngài thậm chí không đi vào lòng những người như thế. Nhưng những người đã dâng mình cho Đức Chúa Trời, như sứ đồ Phao-lô, được Ngài tiết lộ những điều này qua thánh linh.—1 Cô-rinh-tô 2:1-16.
a [Chú thích]
Phao-lô không trích dẫn nguyên văn lời trong Kinh Thánh phần tiếng Hê-bơ-rơ. Hình như ông kết hợp các ý tưởng của Ê-sai 52:15; 64:4; và Ê-sai 65:17.
[Hình nơi trang 367]
Dân Đức Chúa Trời được phép trông coi Giê-ru-sa-lem và đền thờ “chưa bao lâu”