Dân ngoại được thâu nhóm lại trong nhà cầu nguyện của Đức Chúa Trời
Chương Mười Bảy
Dân ngoại được thâu nhóm lại trong nhà cầu nguyện của Đức Chúa Trời
1, 2. Vào năm 1935, có thông báo hào hứng nào, và đó là một phần của điều gì?
VÀO ngày Thứ Sáu, 31-5-1935, Joseph F. Rutherford đã diễn thuyết trước một đám đông dự đại hội ở Washington, D.C. Anh thảo luận về danh tánh của đám đông “vô-số người” trong sự hiện thấy mà sứ đồ Giăng đã nhận được. Vào cao điểm của bài giảng, anh Rutherford nói: “Xin tất cả những ai có hy vọng sống đời đời trên đất hãy đứng lên!” Một anh hiện diện tại đại hội đó cho biết “hơn phân nửa số cử tọa đứng lên”. Diễn giả nói tiếp: “Nhìn kìa! Đám đông lớn!” Một chị khác có mặt tại đại hội nhớ lại: “Lúc đầu thì im lặng, rồi có tiếng reo mừng và tiếng vỗ tay vang dậy một hồi lâu”.—Khải-huyền 7:9.
2 Đó là những giây phút đáng lưu ý trong sự ứng nghiệm đang diễn tiến của lời tiên tri được chép nơi chương 56 sách Ê-sai của Kinh Thánh cách đây khoảng 2.700 năm. Như nhiều lời tiên tri khác trong sách Ê-sai, lời tiên tri này chứa đựng lời hứa đầy an ủi lẫn lời cảnh cáo nghiêm khắc. Lần ứng nghiệm đầu tiên của lời tiên tri này đã được áp dụng cho dân trong giao ước của Đức Chúa Trời vào thời Ê-sai, tuy nhiên sự ứng nghiệm này vẫn còn kéo dài nhiều thế kỷ cho tới tận thời chúng ta.
Điều kiện để được cứu rỗi
3. Muốn được Đức Chúa Trời cứu rỗi, người Do Thái phải làm gì?
3 Chương 56 sách Ê-sai bắt đầu với lời khuyên răn dân Do Thái. Tuy nhiên, tất cả những người thờ phượng thật cần chú ý đến những lời tiên tri này. Chúng ta đọc: “Đức Giê-hô-va phán như vầy: Hãy giữ điều chánh-trực, và làm sự công-bình; vì sự cứu-rỗi của ta gần đến, sự công-bình của ta sắp được bày-tỏ. Phước thay cho người làm điều đó, và con người cầm vững sự đó, giữ ngày Sa-bát đặng đừng làm ô-uế, cấm tay mình không làm một điều ác nào!” (Ê-sai 56:1, 2) Để được Đức Chúa Trời cứu rỗi, dân Giu-đa phải vâng theo Luật Pháp Môi-se, giữ sự chính trực và sống công bình. Tại sao? Vì chính Đức Giê-hô-va là công bình. Những ai theo đuổi sự công bình được hạnh phúc nhờ có ân huệ của Đức Giê-hô-va.—Thi-thiên 144:15b.
4. Tại sao việc giữ ngày Sa-bát là quan trọng ở Y-sơ-ra-ên?
4 Lời tiên tri nhấn mạnh việc giữ ngày Sa-bát vì Sa-bát là một khía cạnh quan trọng của Luật Pháp Môi-se. Thật vậy, một trong các lý do khiến dân Giu-đa cuối cùng bị lưu đày là vì họ coi thường ngày Sa-bát. (Lê-vi Ký 26:34, 35; 2 Sử-ký 36:20, 21) Sa-bát là một dấu hiệu biểu thị mối quan hệ đặc biệt giữa Đức Giê-hô-va và dân Do Thái, và những ai giữ ngày Sa-bát cho thấy họ coi trọng mối quan hệ đó. (Xuất Ê-díp-tô Ký 31:13) Ngoài ra, việc giữ ngày Sa-bát nhắc nhở dân sự trong thời Ê-sai rằng Đức Giê-hô-va là Đấng Tạo Hóa, đồng thời cũng nhắc họ nhớ lại lòng thương xót của Ngài đối với họ. (Xuất Ê-díp-tô Ký 20:8-11; Phục-truyền Luật-lệ Ký 5:12-15) Cuối cùng, việc giữ ngày Sa-bát khiến cho sự sắp đặt được đều đặn và có tổ chức để thờ phượng Đức Giê-hô-va. Nghỉ làm mỗi tuần một ngày giúp dân Giu-đa có cơ hội để cầu nguyện, học hỏi và suy ngẫm.
5. Tín đồ Đấng Christ có thể áp dụng nguyên tắc trong lời khuyên giữ ngày Sa-bát như thế nào?
5 Còn tín đồ Đấng Christ thì sao? Họ có được khuyến khích giữ ngày Sa-bát không? Không, vì tín đồ Đấng Christ không ở dưới Luật Pháp và do đó không buộc phải giữ ngày Sa-bát. (Cô-lô-se 2:16, 17) Tuy vậy, sứ đồ Phao-lô giải thích là có “một ngày yên-nghỉ” cho tín đồ Đấng Christ trung thành. “Ngày yên-nghỉ” này liên quan đến việc đặt đức tin nơi sự hy sinh làm giá chuộc của Chúa Giê-su để được cứu rỗi, chứ không chỉ cậy vào việc làm. (Hê-bơ-rơ 4:6-10) Do đó, lời tiên tri của Ê-sai về ngày Sa-bát nhắc nhở tôi tớ Đức Giê-hô-va ngày nay về sự cần thiết phải có đức tin nơi sự sắp đặt của Đức Chúa Trời về sự cứu rỗi. Đồng thời cũng nhắc nhở họ cần phải vun trồng một mối quan hệ mật thiết với Đức Giê-hô-va và luôn luôn trung thành thờ phượng Ngài.
Niềm an ủi cho người ngoại và người hoạn
6. Giờ đây có hai nhóm người nào được lưu ý đến?
6 Giờ đây Đức Giê-hô-va phán với hai nhóm người muốn phụng sự Ngài nhưng không hội đủ điều kiện theo Luật Pháp Môi-se để vào hội chúng Do Thái. Chúng ta đọc: “Người dân ngoại liên-hiệp cùng Đức Giê-hô-va chớ nên nói rằng: Đức Giê-hô-va chắc sẽ biệt ta ra khỏi dân Ngài. Kẻ hoạn cũng chớ nên nói rằng: Nầy, ta là cây khô”. (Ê-sai 56:3) Người ngoại sợ bị trục xuất khỏi Y-sơ-ra-ên, và nỗi lo sợ của kẻ hoạn là không con nối dõi. Cả hai nhóm cần phấn chấn lên. Trước khi biết lý do tại sao, chúng ta hãy xem xét vị thế của họ dưới Luật Pháp và trong mối tương quan với dân Y-sơ-ra-ên.
7. Luật Pháp đặt ra những giới hạn nào cho người ngoại ở Y-sơ-ra-ên?
7 Người ngoại không cắt bì không được cùng thờ phượng với dân Y-sơ-ra-ên. Chẳng hạn, họ không được ăn Lễ Vượt Qua. (Xuất Ê-díp-tô Ký 12:43) Người ngoại được hưởng công lý và được đối đãi tử tế nếu không ngang nhiên vi phạm luật pháp của xứ, tuy nhiên họ không có sự ràng buộc lâu bền với dân Đức Chúa Trời. Dĩ nhiên, một số người ngoại này hết lòng yêu thích Luật Pháp, nên đã chịu cắt bì để thể hiện điều đó. Họ đã cải đạo, được đặc ân thờ phượng nơi hành lang của nhà Đức Giê-hô-va và được xem như thuộc hội chúng Y-sơ-ra-ên. (Lê-vi Ký 17:10-14; 20:2; 24:22) Tuy nhiên, ngay cả những người cải đạo cũng không được tham gia trọn vẹn vào giao ước mà Đức Giê-hô-va lập với dân Y-sơ-ra-ên, và cũng không được sở hữu phần đất nào trong Đất Hứa. Những người ngoại khác có thể hướng về đền thờ để cầu nguyện, và Kinh Thánh cho thấy họ có thể dâng của-lễ hy sinh qua các thầy tế lễ, miễn là các của-lễ ấy phù hợp với Luật Pháp. (Lê-vi Ký 22:25; 1 Các Vua 8:41-43) Nhưng dân Y-sơ-ra-ên không được giao du thân mật với họ.
Người hoạn nhận được danh đời đời
8. (a) Luật Pháp coi người hoạn như thế nào? (b) Các nước ngoại giáo dùng người hoạn ra sao, và từ ngữ “người hoạn” đôi khi ám chỉ gì?
8 Dù cha mẹ là người Do Thái, người hoạn cũng không được hưởng trọn quyền của một thành viên nước Y-sơ-ra-ên. a (Phục-truyền Luật-lệ Ký 23:1) Vào thời Kinh Thánh, ở một số nước ngoại giáo, người hoạn được dùng vào một mục đích đặc biệt, và người ta có tục hoạn một số trẻ em bị bắt làm tù binh. Người hoạn được bổ nhiệm làm quan chức trong triều đình, và có thể được dùng làm “thái-giám những cung-phi”, “thái-giám các phi-tần”, hoặc kẻ hầu hạ hoàng hậu. (Ê-xơ-tê 2:3, 12-15; 4:4-6, 9) Không có bằng chứng nào cho thấy dân Y-sơ-ra-ên theo những thực hành như thế hoặc chuyên tìm người hoạn nhằm phục vụ các vua Y-sơ-ra-ên. b
9. Những người hoạn theo nghĩa đen được Đức Giê-hô-va an ủi thế nào?
9 Ngoài việc chỉ được tham gia giới hạn vào sự thờ phượng Đức Chúa Trời thật, người hoạn theo nghĩa đen ở Y-sơ-ra-ên bị nhiều nỗi nhục vì không thể sinh con để nối dõi. Bởi thế những lời tiên tri kế tiếp thật an ủi biết bao! Chúng ta đọc: “Đức Giê-hô-va phán như vầy: Những kẻ hoạn hay giữ các ngày Sa-bát ta, lựa điều đẹp lòng ta, cầm vững lời giao-ước ta, thì ta sẽ ban cho họ tại trong nhà ta và trong tường ta một chỗ, và một danh tốt hơn danh của con trai con gái; ta lại sẽ ban cho họ một danh đời đời chẳng hề dứt đi”.—Ê-sai 56:4, 5.
10. Khi nào thì tình trạng của người hoạn được thay đổi, và kể từ đó họ được đặc ân gì?
10 Đúng vậy, sẽ đến lúc người hoạn, ngay cả theo nghĩa đen, cũng không còn bị ngăn trở để được chấp nhận trọn vẹn là tôi tớ Đức Giê-hô-va nữa. Nếu tuân lời, người hoạn sẽ được “một chỗ” trong nhà Đức Giê-hô-va và một danh, tốt hơn con trai và con gái. Khi nào điều này xảy ra? Chỉ xảy ra sau khi Chúa Giê-su chết. Vào lúc đó, giao ước Luật Pháp cũ được thay thế bằng giao ước mới, và dân Y-sơ-ra-ên xác thịt được thay thế bằng “dân Y-sơ-ra-ên của Đức Chúa Trời”. (Ga-la-ti 6:16) Kể từ đó, tất cả những ai thực hành đức tin có thể thờ phượng Đức Chúa Trời và được Ngài chấp nhận. Sự lành lặn về thân thể và tình trạng thể chất không còn quan trọng nữa. Dù trong tình trạng thể chất nào, những ai đã trung thành chịu đựng thì sẽ nhận được “một danh đời đời chẳng hề dứt đi”. Đức Giê-hô-va sẽ không quên họ. Tên họ sẽ được chép trong “sách để ghi-nhớ” của Ngài, và đến kỳ định, họ sẽ nhận được sự sống đời đời.—Ma-la-chi 3:16; Châm-ngôn 22:1; 1 Giăng 2:17.
Dân ngoại cùng thờ phượng với dân Đức Chúa Trời
11. Người dân ngoại cần làm gì để nhận được ân phước?
11 Thế còn những người dân ngoại thì sao? Giờ đây lời tiên tri hướng về những người này, và Đức Giê-hô-va nói với họ bằng những lời đầy an ủi. Ê-sai viết: “Các người dân ngoại về cùng Đức Giê-hô-va, đặng hầu-việc Ngài, đặng yêu-mến danh Đức Giê-hô-va, đặng làm tôi-tớ Ngài; tức là hết thảy những kẻ giữ ngày Sa-bát cho khỏi làm ô-uế, và cầm vững lời giao-ước ta, thì ta sẽ đem họ lên trên núi thánh ta, làm cho họ vui-mừng trong nhà cầu-nguyện ta. Của-lễ thiêu và hi-sinh họ dâng trên bàn-thờ ta, sẽ được nhận lấy; vì nhà ta sẽ gọi là nhà cầu-nguyện cho mọi dân-tộc”.—Ê-sai 56:6, 7.
12. Lời tiên tri của Chúa Giê-su về “chiên khác” đã từng được hiểu như thế nào?
12 Vào thời chúng ta, “các người dân ngoại” dần dần được nhận diện. Trước thế chiến thứ nhất, đã có sự hiểu biết là số người được cứu rỗi nhiều hơn số người có hy vọng lên trời cai trị với Chúa Giê-su—những người mà ngày nay chúng ta nhận diện là dân Y-sơ-ra-ên của Đức Chúa Trời. Các học viên Kinh Thánh đã biết và hiểu lời của Chúa Giê-su nơi Giăng 10:16: “Ta còn có chiên khác chẳng thuộc về chuồng nầy; ta cũng phải dẫn nó về nữa, chiên đó sẽ nghe tiếng ta, rồi sẽ chỉ có một bầy, và một người chăn mà thôi”. Những “chiên khác” này được hiểu là lớp người có hy vọng sống trên đất. Nhưng hầu hết các học viên Kinh Thánh thời ấy tin rằng chiên khác sẽ xuất hiện trong Triều Đại Một Ngàn Năm của Chúa Giê-su Christ.
13. Tại sao có thể suy ra rằng chiên được nói đến nơi chương 25 sách Ma-thi-ơ phải xuất hiện trong những ngày cuối cùng của hệ thống mọi sự này?
13 Cuối cùng, câu Kinh Thánh liên hệ nói về chiên đã được hiểu rõ hơn. Dụ ngôn của Chúa Giê-su về chiên và dê được tường thuật nơi chương 25 sách Ma-thi-ơ. Theo dụ ngôn đó, chiên nhận được sự sống đời đời vì hỗ trợ các anh em của Chúa Giê-su. Do đó, họ là lớp người riêng rẽ và khác biệt với các anh em được xức dầu của Đấng Christ. Vào năm 1923, trong một đại hội ở Los Angeles, California, Hoa Kỳ, cử tọa được giải thích rằng các chiên đó phải xuất hiện trong những ngày cuối cùng của hệ thống mọi sự này, chứ không phải trong Một Ngàn Năm. Tại sao? Vì dụ ngôn đó nằm trong phần Chúa Giê-su trả lời câu hỏi: “Lúc nào những sự đó sẽ xảy ra và có điềm gì chỉ về sự hiện diện của Chúa và sự cuối cùng của hệ thống mọi sự?”—Ma-thi-ơ 24:3, NW.
14, 15. Vị thế của chiên khác trong thời kỳ cuối cùng dần dần được hiểu rõ như thế nào?
14 Trong thập niên 1920, một số người kết hợp với các Học Viên Kinh Thánh cảm thấy thánh linh của Đức Giê-hô-va không làm chứng rằng họ có hy vọng lên trời. Tuy thế, họ vẫn là tôi tớ nhiệt thành của Đức Chúa Trời Tối Cao. Đến năm 1931, vị thế của họ được hiểu rõ hơn khi sách Vindication được xuất bản, thảo luận từng câu một của sách Ê-xê-chi-ên. Sách Vindication giải thích sự hiện thấy về “người” đeo sừng mực. (Ê-xê-chi-ên 9:1-11) “Người” này đi qua Giê-ru-sa-lem và ghi dấu trên trán những người than thở và khóc lóc về những sự gớm ghiếc phạm ở đây. “Người” này tượng trưng cho các anh em của Chúa Giê-su, những tín đồ xức dầu của Đấng Christ còn sót lại, sống trên đất vào thời kỳ phán xét khối đạo tự xưng theo Đấng Christ, tượng trưng bởi Giê-ru-sa-lem. Những người được đánh dấu là chiên khác sống vào thời kỳ đó. Trong sự hiện thấy, họ được che chở khi những người hành quyết của Đức Giê-hô-va báo thù thành bội đạo ấy.
15 Đến năm 1932, vở kịch mang nghĩa tiên tri về Vua Giê-hu của Y-sơ-ra-ên và Giô-na-đáp, một người ủng hộ không phải là người Y-sơ-ra-ên, được hiểu rõ hơn. Sự hiểu biết này cho thấy những chiên khác hỗ trợ các anh em xức dầu của Đấng Christ như thế nào—giống như Giô-na-đáp đi theo ủng hộ Giê-hu để hủy diệt sự thờ phượng Ba-anh. Cuối cùng, đến năm 1935, những chiên khác đang sống trong thời kỳ cuối cùng của hệ thống mọi sự này được nhận diện là đám đông trong sự hiện thấy của sứ đồ Giăng. Điều này được giải thích lần đầu tiên tại đại hội nói trên ở Washington, D.C., khi Joseph F. Rutherford nêu rõ những người có hy vọng sống trên đất là đám đông “vô-số” người.
16. “Các người dân ngoại” được hưởng đặc ân và trách nhiệm nào?
16 Do đó, vai trò quan trọng của “các người dân ngoại” trong ý định của Đức Giê-hô-va vào những ngày cuối cùng này dần dần được sáng tỏ. Họ đến với Y-sơ-ra-ên của Đức Chúa Trời để thờ phượng Đức Giê-hô-va. (Xa-cha-ri 8:23) Cùng với dân tộc thiêng liêng đó, họ dâng của-lễ hy sinh được Đức Chúa Trời chấp nhận và họ được vào ngày yên nghỉ. (Hê-bơ-rơ 13:15, 16) Hơn nữa, họ thờ phượng tại đền thờ thiêng liêng của Đức Chúa Trời, là “nhà cầu-nguyện của muôn dân”, giống như đền thờ ở Giê-ru-sa-lem. (Mác 11:17) Thực hành đức tin nơi sự hy sinh làm giá chuộc của Chúa Giê-su Christ, họ “giặt và phiếu trắng áo mình trong huyết Chiên Con”. Họ không ngừng phụng sự Đức Giê-hô-va, “ngày đêm hầu việc Ngài”.—Khải-huyền 7:14, 15.
17. Những người dân ngoại thời nay cầm vững giao ước mới như thế nào?
17 Qua việc kết hợp với dân Y-sơ-ra-ên của Đức Chúa Trời, những người dân ngoại thời nay cầm vững giao ước mới theo nghĩa họ được hưởng những lợi ích và ân phước của giao ước này. Dù không dự phần vào giao ước đó, nhưng họ hết lòng tuân theo những luật nằm trong giao ước. Do đó, luật pháp của Đức Giê-hô-va ở trong lòng họ, và họ nhận biết Đức Giê-hô-va là Cha trên trời và là Đấng Thống Trị Tối Cao của họ.—Giê-rê-mi 31:33, 34; Ma-thi-ơ 6:9; Giăng 17:3.
18. Công việc thâu nhóm nào được thực hiện trong kỳ cuối cùng?
18 Ê-sai tiên tri tiếp: “Chúa Giê-hô-va, Đấng nhóm dân tan-lạc của Y-sơ-ra-ên, phán như vầy: Dân nó đã được nhóm lại rồi, ta sẽ còn nhóm các dân khác lại về cùng nó”. (Ê-sai 56:8) Trong kỳ cuối cùng, Đức Giê-hô-va đã thâu nhóm “dân tan-lạc của Y-sơ-ra-ên”, tức những người xức dầu còn sót lại. Ngoài ra, Ngài cũng đang thâu nhóm những người khác thuộc đám đông nữa. Họ cùng nhau thờ phượng trong bình an và hòa hợp dưới sự giám sát của Đức Giê-hô-va và Chúa Giê-su Christ, Vua do Ngài tấn phong. Vì họ trung thành với chính phủ của Đức Giê-hô-va do Đấng Christ cầm đầu, nên Đấng Chăn Chiên Hiền Lành sẽ hợp nhất họ thành một bầy vui mừng.
Người canh mù, chó câm
19. Thú đồng và thú rừng nhận được lời mời nào?
19 Tiếp theo những lời nồng ấm và xây dựng nói trên là những lời mâu thuẫn, đáng kinh ngạc. Đức Giê-hô-va sẵn sàng tỏ lòng thương xót đối với người dân ngoại và người hoạn. Nhưng nhiều người tự xưng là thành viên của hội thánh Đức Chúa Trời bị kết án và đoán phạt. Thậm chí họ còn không đáng được chôn cất hẳn hoi, mà chỉ đáng bị loài thú dữ cắn nuốt. Do đó, chúng ta đọc: “Hỡi loài thú đồng, loài thú rừng, hết thảy hãy đến mà cắn-nuốt”. (Ê-sai 56:9) Những dã thú này sắp được thết tiệc gì đây? Lời tiên tri sẽ giải thích, hầu nhắc chúng ta về số phận đang chờ đợi những kẻ chống đối Đức Chúa Trời trong trận chiến Ha-ma-ghê-đôn sắp tới; họ sẽ bị giết, xác họ để lại cho chim trời ăn.—Khải-huyền 19:17, 18.
20, 21. Những lỗi nào khiến các nhà lãnh đạo tôn giáo thành người hướng dẫn vô dụng về thiêng liêng?
20 Lời tiên tri nói tiếp: “Những kẻ canh-giữ của Y-sơ-ra-ên đều là đui-mù, không biết chi hết. Chúng nó thảy đều là chó câm, chẳng biết sủa, đều chiêm-bao, nằm sóng-sượt, và ham ngủ; lại là chó mê ăn, không biết no. Ấy là những kẻ chăn chiên chẳng khôn-sáng: mọi người theo đường riêng mình, mỗi người tìm tư-lợi mình, người nào cũng vậy. Nó nói rằng: Hãy đến, ta sẽ lấy rượu, chúng ta say vì rượu mạnh; ngày mai sẽ cũng như ngày nay, trọng-thể quá bội”.—Ê-sai 56:10-12.
21 Các nhà lãnh đạo tôn giáo của Giu-đa tự nhận là thờ phượng Đức Giê-hô-va. Họ cho mình là “kẻ canh-giữ” của Ngài. Nhưng về thiêng liêng, họ là những kẻ mù, câm và ham ngủ. Nếu không thể canh chừng và báo nguy thì nào được ích gì? Những kẻ canh giữ về mặt tôn giáo đó thiếu sự hiểu biết, không thể hướng dẫn về thiêng liêng cho những người giống như chiên. Ngoài ra, họ còn thối nát, đầy ham muốn ích kỷ vô độ. Thay vì theo sự chỉ dẫn của Đức Giê-hô-va, họ lại theo đường riêng mình, đeo đuổi tư lợi bất nghĩa, uống rượu say sưa, và khuyến khích người khác làm như mình. Không hề ý thức về sự đoán phạt sắp tới của Đức Chúa Trời, họ dám bảo dân chúng rằng mọi chuyện sẽ tốt đẹp.
22. Các nhà lãnh đạo tôn giáo vào thời Chúa Giê-su giống các nhà lãnh đạo tôn giáo của Giu-đa xưa như thế nào?
22 Trong lời tiên tri trước đây, Ê-sai đã dùng hình ảnh tương tự để miêu tả các nhà lãnh đạo tôn giáo bất trung của Giu-đa—say sưa về thiêng liêng, ngủ gật, và thiếu sự hiểu biết. Họ đặt gánh nặng truyền thống loài người trên dân sự, giảng dạy giáo lý giả dối, và nương cậy nơi A-si-ri thay vì Đức Chúa Trời. (2 Các Vua 16:5-9; Ê-sai 29:1, 9-14) Rõ ràng là họ đã không rút được bài học nào. Đáng buồn là vào thế kỷ thứ nhất, cũng có những nhà lãnh đạo như thế. Thay vì chấp nhận tin mừng do chính Con Đức Chúa Trời đem đến, họ lại chối bỏ Chúa Giê-su và âm mưu giết ngài. Chúa Giê-su đã thẳng thắn gọi họ là “kẻ mù làm người dẫn-đưa”, và ngài nói thêm là nếu “kẻ mù dẫn-đưa kẻ mù, thì cả hai sẽ cùng té xuống hố”.—Ma-thi-ơ 15:14.
Người canh ngày nay
23. Lời tiên tri nào của Phi-e-rơ về các nhà lãnh đạo tôn giáo đã được ứng nghiệm?
23 Sứ đồ Phi-e-rơ báo trước là sẽ có giáo sư giả dấy lên để lừa dối tín đồ Đấng Christ. Ông viết: “Trong dân-chúng [ở Y-sơ-ra-ên] cũng đã có tiên-tri giả, và cũng sẽ có giáo-sư giả trong anh em; họ sẽ truyền những đạo dối làm hại, chối Chúa đã chuộc mình, tự mình chuốc lấy sự hủy-phá thình-lình”. (2 Phi-e-rơ 2:1) Kết quả của sự dạy dỗ giả dối và chủ nghĩa bè phái của những giáo sư giả đó là gì? Đó là khối đạo tự xưng theo Đấng Christ. Hàng giáo phẩm của đạo ấy ngày nay cầu xin Đức Chúa Trời ban phước cho bè bạn chính khách của họ và rồi hứa hẹn một tương lai sáng sủa. Những nhà lãnh đạo của các tôn giáo tự xưng cũng chứng tỏ là mù, câm và ngủ gật về những điều thiêng liêng.
24. Giữa dân Y-sơ-ra-ên thiêng liêng và người dân ngoại có sự hợp nhất nào?
24 Tuy nhiên, Đức Giê-hô-va đang đem hàng triệu người dân ngoại đến thờ phượng với những người còn lại thuộc dân Y-sơ-ra-ên của Đức Chúa Trời trong nhà cầu nguyện thiêng liêng vĩ đại của Ngài. Những người ngoại này mặc dù đến từ nhiều nước, chủng tộc và ngôn ngữ khác nhau, nhưng họ hợp nhất với nhau, và cũng hợp nhất với dân Y-sơ-ra-ên của Đức Chúa Trời. Họ tin chắc rằng sự cứu rỗi chỉ có thể đến từ Giê-hô-va Đức Chúa Trời qua Chúa Giê-su Christ. Tình yêu thương đối với Đức Giê-hô-va đã thúc đẩy họ kết hợp với các anh em được xức dầu của Đấng Christ để nói lên đức tin mình. Và họ được niềm an ủi lớn qua những lời mà một sứ đồ được soi dẫn viết: “Nếu miệng ngươi xưng Đức Chúa Jêsus ra và lòng ngươi tin rằng Đức Chúa Trời đã khiến Ngài từ kẻ chết sống lại, thì ngươi sẽ được cứu”.—Rô-ma 10:9.
[Chú thích]
a Với thời gian từ ngữ “người hoạn” cũng được dùng để chỉ một quan chức triều đình, chứ không ám chỉ viên quan bị cắt bộ phận sinh dục. Dường như người Ê-thi-ô-bi được Phi-líp làm báp têm là một người cải đạo—ông làm báp têm trước khi con đường được mở cho người ngoại không cắt bì—nên ông phải là người hoạn theo nghĩa này.—Công-vụ 8:27-39.
b Ê-bết-Mê-lết, người cứu giúp Giê-rê-mi và là người thân cận với Vua Sê-đê-kia, được gọi là hoạn quan. Điều này dường như chỉ có ý nói ông là một quan trong triều đình chứ không có ý nói ông thật sự bị hoạn theo nghĩa đen.—Giê-rê-mi 38:7-13.
[Câu hỏi thảo luận]
[Hình nơi trang 250]
Ngày Sa-bát cung cấp cơ hội để cầu nguyện, học hỏi và suy ngẫm
[Các hình nơi trang 256]
Vị thế của chiên khác được giải thích rõ ràng tại đại hội ở Washington, D.C., vào năm 1935 (bên dưới là ảnh chụp cảnh báp têm, bên phải là chương trình)
[Hình nơi trang 259]
Dã thú được mời đến dự tiệc
[Các hình nơi trang 261]
Dân ngoại và dân Y-sơ-ra-ên của Đức Chúa Trời cùng hợp nhất