Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Một nhà tiên tri cổ xưa với một thông điệp tân thời

Một nhà tiên tri cổ xưa với một thông điệp tân thời

Chương một

Một nhà tiên tri cổ xưa với một thông điệp tân thời

Ê-sai 1:1

1, 2. (a) Tình trạng đáng buồn nào chúng ta thấy trên thế giới ngày nay? (b) Một thượng nghị sĩ Hoa Kỳ bày tỏ sự quan tâm của ông về sự suy đồi của xã hội như thế nào?

NGÀY NAY ai lại không khao khát được giải tỏa khỏi các vấn đề mà nhân loại đang phải đối phó? Tuy nhiên, biết bao lần sự khao khát của chúng ta không được toại nguyện! Chúng ta mơ ước hòa bình, nhưng lại bị họa chiến tranh. Chúng ta quý chuộng an ninh và trật tự, nhưng lại không thể ngăn chặn được làn sóng tội ác gia tăng: cướp bóc, hãm hiếp và giết người. Chúng ta muốn tin cậy người hàng xóm, nhưng lại phải khóa cửa để bảo vệ. Chúng ta yêu thương con cái và cố gắng đặt vào lòng chúng những giá trị lành mạnh, nhưng thường bất lực nhìn chúng chịu thua trước ảnh hưởng không lành mạnh của bạn bè đồng lứa.

2 Chúng ta có thể đồng ý với nhận định của Gióp là đời sống ngắn ngủi của con người “đầy-dẫy sự khốn-khổ”. (Gióp 14:1) Ngày nay, hình như điều này đặc biệt đúng vì xã hội suy đồi ở mức chưa từng thấy. Một thượng nghị sĩ Hoa Kỳ nhận xét: “Ngày nay Chiến Tranh Lạnh không còn nữa, nhưng thật là bi thảm, thế giới đã trở thành môi trường thuận lợi cho sự trả thù và hành động dã man vì lý do sắc tộc, bộ lạc và tôn giáo phát sinh... Chúng ta đã hạ thấp những tiêu chuẩn về luân lý tới mức nhiều con em của chúng ta bị hoang mang, chán nản và có nhiều vấn đề khó khăn trầm trọng. Chúng ta đang gặt đầy dẫy nạn cha mẹ bỏ bê, ly dị, lạm dụng trẻ em, trẻ vị thành niên chửa hoang, bỏ học, dùng ma túy bất hợp pháp và bạo động nhan nhản ngoài đường phố. Giống như căn nhà của chúng ta, vừa thoát được trận động đất lớn mà chúng ta gọi là Chiến Tranh Lạnh, nay lại đang bị mối mọt gậm nhấm”.

3. Sách nào trong Kinh Thánh đặc biệt cho chúng ta hy vọng về tương lai?

3 Tuy nhiên, chúng ta không bị bỏ rơi trong tình trạng tuyệt vọng. Cách đây khoảng 2.700 năm, Đức Chúa Trời đã soi dẫn một người ở Trung Đông nói ra một loạt những lời tiên tri có ý nghĩa đặc biệt cho thời đại của chúng ta. Những thông điệp này được ghi lại trong sách Kinh Thánh mang tên nhà tiên tri—đó là Ê-sai. Ê-sai là ai, và tại sao chúng ta có thể nói rằng lời tiên tri của ông cung cấp ánh sáng cho toàn thể nhân loại ngày nay mặc dù được chép cách đây gần ba thiên niên kỷ?

Một người công bình trong thời nhiễu nhương

4. Ê-sai là ai, và ông phụng sự với tư cách nhà tiên tri của Đức Giê-hô-va khi nào?

4 Trong câu đầu tiên của sách, Ê-sai tự giới thiệu là “con trai A-mốt”; * ông cho biết ông phụng sự với tư cách là nhà tiên tri của Đức Chúa Trời vào “đời Ô-xia, Giô-tham, A-cha và Ê-xê-chia, là các vua nước Giu-đa”. (Ê-sai 1:1) Điều này có nghĩa là Ê-sai liên tục làm nhà tiên tri của Đức Chúa Trời cho nước Giu-đa ít nhất 46 năm, có lẽ bắt đầu vào cuối đời Vua Ô-xia—khoảng năm 778 TCN.

5, 6. Đời sống gia đình của Ê-sai như thế nào, và tại sao?

5 So sánh với những gì chúng ta biết về một số nhà tiên tri khác thì chúng ta biết rất ít về đời sống riêng tư của Ê-sai. Chúng ta biết ông có vợ và ông nói vợ ông là “nữ tiên-tri”. (Ê-sai 8:3) Theo cuốn Cyclopedia of Biblical, Theological, and Ecclesiastical Literature của McClintock và Strong, danh hiệu này cho thấy đời sống hôn nhân của Ê-sai “không những phù hợp với chức nghiệp của ông mà còn hòa lẫn vào nữa”. Rất có thể giống như một số người đàn bà khác kính sợ Đức Chúa Trời trong nước Y-sơ-ra-ên xưa, vợ của Ê-sai cũng được chỉ định nói tiên tri.—Các Quan Xét 4:4; 2 Các Vua 22:14.

6 Ê-sai và vợ ông có ít nhất hai con trai, mỗi con được đặt tên mang nghĩa tiên tri. Con đầu là Sê-a-Gia-súp, tháp tùng ông khi ông đi rao thông điệp của Đức Chúa Trời cho Vua A-cha gian ác. (Ê-sai 7:3) Hiển nhiên Ê-sai và vợ ông đã làm cho việc thờ phượng Đức Chúa Trời thành bổn phận chung của gia đình—thật là một gương tốt cho các cặp vợ chồng ngày nay!

7. Hãy mô tả tình trạng nước Giu-đa vào thời Ê-sai.

7 Ê-sai và gia đình ông sống vào một giai đoạn nhiễu nhương trong lịch sử nước Giu-đa. Nào là bất ổn về chính trị thường xảy ra, nào là hối lộ làm hư hỏng tòa án, và sự giả hình làm tan nát cơ cấu về tôn giáo của xã hội. Trên các đỉnh đồi, ngợp những bàn thờ thần giả. Thậm chí một số vua cổ xúy sự thờ phượng tà giáo. Chẳng hạn A-cha không những dung túng dân sự thờ hình tượng mà chính ông cũng dự vào bằng cách đưa con cái mình “qua lửa” trong một nghi lễ cúng tế cho thần Mô-lóc của xứ Ca-na-an. * (2 Các Vua 16:3, 4; 2 Sử-ký 28:3, 4) Tất cả những điều này xảy ra giữa một dân tộc ở trong mối liên lạc giao ước với Đức Giê-hô-va!—Xuất Ê-díp-tô Ký 19:5-8.

8. (a) Các Vua Ô-xia và Giô-tham đã nêu gương nào, và dân sự có theo sự hướng dẫn của họ không? (b) Ê-sai đã tỏ ra dạn dĩ như thế nào giữa một dân tộc bội nghịch?

8 Đáng khen là một số người đồng thời với Ê-sai—gồm cả một số vua quan—đã cố gắng cổ võ sự thờ phượng thật. Trong số những người này, có Vua Ô-xia là người làm “điều thiện trước mặt Đức Giê-hô-va”. Tuy vậy trong triều đại của ông, dân sự vẫn “cúng-tế và xông hương trên các nơi cao”. (2 Các Vua 15:3, 4) Vua Giô-tham cũng “làm điều thiện trước mặt Đức Giê-hô-va”. Tuy nhiên, “dân-sự lại càng làm luông-tuồng nữa”. (2 Sử-ký 27:2) Vâng, hầu như trong suốt thời gian Ê-sai làm thánh chức tiên tri, vương quốc Giu-đa ở trong tình trạng suy sụp về thiêng liêng và đạo đức. Nói chung, dân sự đều làm ngơ trước bất cứ ảnh hưởng tốt nào của các vua của họ. Chúng ta có thể hiểu được việc rao thông điệp của Đức Chúa Trời cho một dân tộc cứng cổ như thế không phải là dễ. Tuy thế, khi Đức Giê-hô-va nêu câu hỏi: “Ta sẽ sai ai đi? Ai sẽ đi cho chúng ta?” Ê-sai không hề lưỡng lự. Ông nói lớn: “Có tôi đây; xin hãy sai tôi”.—Ê-sai 6:8.

Một thông điệp cứu rỗi

9. Tên của Ê-sai có ý nghĩa gì, và tên này liên quan đến chủ đề của cuốn sách như thế nào?

9 Tên của Ê-sai có nghĩa là “Sự cứu rỗi của Đức Giê-hô-va”, và chúng ta có thể lấy ý nghĩa tên này để tóm tắt chủ đề thông điệp của ông. Đành rằng một số lời tiên tri của Ê-sai nói về sự đoán phạt, nhưng chủ đề cứu rỗi được nổi bật. Ê-sai không ngừng nói là vào đúng kỳ, Đức Giê-hô-va sẽ giải thoát dân Y-sơ-ra-ên khỏi sự lưu đày ở Ba-by-lôn, cho một số người sót lại trở về Si-ôn và khôi phục đất nước trở lại tình trạng huy hoàng như thuở trước như thế nào. Hiển nhiên, đặc ân được viết và nói những lời tiên tri liên quan đến sự khôi phục thành Giê-ru-sa-lem yêu dấu đem lại cho Ê-sai sự vui mừng lớn lao!

10, 11. (a) Tại sao ngày nay chúng ta nên chú ý đến sách Ê-sai? (b) Sách Ê-sai hướng sự chú ý đến Đấng Mê-si như thế nào?

10 Nhưng các thông điệp về sự đoán phạt và cứu rỗi này có liên hệ gì đến chúng ta? Hạnh phúc thay, Ê-sai tiên tri không chỉ vì lợi ích của nước Giu-đa gồm hai chi phái mà thôi. Trái lại, thông điệp của ông có ý nghĩa đặc biệt cho thời đại của chúng ta nữa. Ê-sai đã vẽ ra một bức tranh tuyệt đẹp về cách Nước Đức Chúa Trời chẳng bao lâu nữa sẽ đem lại các ân phước lớn lao cho trái đất của chúng ta. Về khía cạnh này, một phần đáng kể trong sách Ê-sai đặt trọng tâm vào Đấng Mê-si đã được báo trước. Đấng này sẽ là Vua cai trị Nước Đức Chúa Trời. (Đa-ni-ên 9:25; Giăng 12:41) Chắc chắn không phải tình cờ mà danh Giê-su và danh Ê-sai dường như diễn tả cùng một ý tưởng, vì danh Giê-su nghĩa là “Đức Giê-hô-va là sự cứu rỗi”.

11 Dĩ nhiên, cho tới khoảng bảy thế kỷ sau Ê-sai, Chúa Giê-su mới sinh ra. Tuy vậy, những lời tiên tri về Đấng Mê-si chứa đựng trong sách Ê-sai rất chi tiết và vô cùng chính xác đến độ như thể một nhân chứng tận mắt chứng kiến mô tả cuộc đời trên đất của Chúa Giê-su. Một tạ̀i liệu ghi nhận, chính vì điểm này mà sách Ê-sai đôi khi được gọi là cuốn “Phúc Âm Thứ Năm”. Do đó, không mấy ai ngạc nhiên khi thấy Chúa Giê-su và các sứ đồ của ngài hay trích sách Ê-sai nhiều hơn các sách khác để làm sáng tỏ danh tánh Đấng Mê-si.

12. Tại sao chúng ta háo hức bắt tay vào việc khảo sát sách Ê-sai?

12 Bằng những lời lẽ sáng ngời, Ê-sai mô tả “trời mới đất mới” mà trong đó “sẽ có một vua lấy nghĩa trị-vì, các quan-trưởng lấy lẽ công-bình mà cai-trị”. (Ê-sai 32:1, 2; 65:17, 18; 2 Phi-e-rơ 3:13) Do đó sách Ê-sai lưu ý đến hy vọng làm ấm lòng về Nước của Đức Chúa Trời do Đấng Mê-si là Chúa Giê-su Christ làm Vua. Điều này khích lệ chúng ta biết bao để mỗi ngày nức lòng mong đợi “sự cứu-rỗi của [Đức Giê-hô-va]”! (Ê-sai 25:9; 40:28-31) Vậy chúng ta hãy háo hức khảo sát thông điệp quý giá trong sách Ê-sai. Trong khi làm như vậy, niềm tin tưởng của chúng ta nơi các lời hứa của Đức Chúa Trời sẽ được vững chắc hơn nhiều. Chúng ta cũng được giúp để tin chắc Giê-hô-va thật sự là Đức Chúa Trời của sự cứu rỗi của chúng ta.

[Chú thích]

^ đ. 4 Chúng ta không nên lẫn lộn A-mốt, cha của Ê-sai, với nhà tiên tri A-mốt phụng sự vào đầu đời Vua Ô-xia, và là người viết sách Kinh Thánh mang tên ông.

^ đ. 7 Một số người nói rằng “qua lửa” có thể chỉ hàm ý một nghi lễ tẩy sạch. Tuy nhiên, dường như trong văn cảnh này, câu ấy nói đến một sự cúng tế theo nghĩa đen. Về việc dân Ca-na-an và dân Y-sơ-ra-ên bội đạo thực hành cúng tế trẻ con thì không còn nghi ngờ gì nữa.—Phục-truyền Luật-lệ Ký 12:31; Thi-thiên 106:37, 38.

[Câu hỏi]

[Khung/​Hình nơi trang 7]

Ê-sai là ai?

Ý NGHĨA CỦA TÊN: “Sự cứu rỗi của Đức Giê-hô-va”

GIA ĐÌNH: Có vợ và ít nhất hai con trai

NƠI CƯ TRÚ: Giê-ru-sa-lem

SỐ NĂM PHỤNG SỰ: Ít nhất 46 năm, từ khoảng năm 778 TCN tới sau năm 732 TCN

PHỤNG SỰ QUA CÁC ĐỜI VUA GIU-ĐA: Ô-xia, Giô-tham, A-cha, Ê-xê-chia

CÁC NHÀ TIÊN TRI ĐỒNG THỜI: Mi-chê, Ô-sê, Ô-đết

[Hình nơi trang 6]

Ê-sai và vợ ông đã làm cho việc thờ phượng Đức Chúa Trời thành bổn phận chung của gia đình