Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Trung thành với Đức Giê-hô-va trước thử thách!

Trung thành với Đức Giê-hô-va trước thử thách!

Chương Ba

Trung thành với Đức Giê-hô-va trước thử thách!

1, 2. Những biến cố quan trọng nào được dùng như một sự mở đầu cho sự tường thuật của Đa-ni-ên?

BỨC MÀN trong sách tiên tri Đa-ni-ên được kéo lên vào một thời điểm mà trên sân khấu quốc tế có sự thay đổi quan trọng. A-si-ri vừa mất thủ đô là Ni-ni-ve. Nguyên cường quốc Ê-díp-tô bị thâu hẹp vào một địa vị ít quan trọng về phía nam nước Giu-đa. Còn Ba-by-lôn tiến lên nhanh chóng thành cường quốc chính trong cuộc tranh giành bá chủ thế giới.

2 Vào năm 625 TCN, Vua Ê-díp-tô là Pha-ra-ôn Nê-cô huy động nỗ lực cuối cùng để ngăn chặn sự bành trướng về phía nam của Ba-by-lôn. Nhằm mục đích này, ông điều quân tới Cạt-kê-mít, tọa lạc bên bờ vùng thượng lưu Sông Ơ-phơ-rát. Trận chiến mà sau này được gọi là trận chiến Cạt-kê-mít, là một biến cố lịch sử có tính cách quyết định. Đạo quân Ba-by-lôn do Hoàng Tử Nê-bu-cát-nết-sa thống lãnh đã phá tan lực lượng của Pha-ra-ôn Nê-cô. (Giê-rê-mi 46:2) Trên đà chiến thắng, Nê-bu-cát-nết-sa càn quét luôn Sy-ri và Pha-lê-tin và trong thực tế, chấm dứt sự bá chủ vùng này của Ê-díp-tô. Chỉ sau khi cha ông là Nabopolassar chết, chiến dịch của ông mới tạm ngưng.

3. Kết quả của chiến dịch đầu tiên của Nê-bu-cát-nết-sa chống lại thành Giê-ru-sa-lem là gì?

3 Năm sau, Nê-bu-cát-nết-sa—nay là vua Ba-by-lôn—một lần nữa chú ý đến chiến dịch quân sự của ông ở Sy-ri và Pha-lê-tin. Chính vào giai đoạn này, ông đến thành Giê-ru-sa-lem lần đầu tiên. Kinh Thánh tường thuật: “Trong đời Giê-hô-gia-kim trị-vì, Nê-bu-cát-nết-sa, vua Ba-by-lôn, xâm lấy xứ. Giê-hô-gia-kim thần-phục người trong ba năm, rồi người đổi ý và phản-nghịch với người”.—2 Các Vua 24:1.

-BU-CÁT-NẾT-SA Ở GIÊ-RU-SA-LEM

4. Nhóm chữ “năm thứ ba về đời Giê-hô-gia-kim” nơi Đa-ni-ên 1:1 được hiểu như thế nào?

4 Nhóm chữ “trong ba năm” đáng cho chúng ta chú ý đặc biệt vì những lời mở đầu của sách Đa-ni-ên đọc: “Năm thứ ba về đời Giê-hô-gia-kim, vua Giu-đa, thì Nê-bu-cát-nết-sa, vua Ba-by-lôn, đến thành Giê-ru-sa-lem và vây lấy”. (Đa-ni-ên 1:1) Vua Giê-hô-gia-kim cai trị từ năm 628 đến năm 618 TCN; và vào năm thứ ba đời vua này thì Nê-bu-cát-nết-sa chưa làm “vua Ba-by-lôn” nhưng vẫn còn là hoàng tử. Vào năm 620 TCN, Nê-bu-cát-nết-sa ép vua Giê-hô-gia-kim triều cống. Nhưng khoảng ba năm sau, Giê-hô-gia-kim phản nghịch. Do đó, chính vào năm 618 TCN, hay là vào năm thứ ba triều vua Giê-hô-gia-kim cai trị với tư cách vua chư hầu của Ba-by-lôn, Vua Nê-bu-cát-nết-sa đến Giê-ru-sa-lem lần thứ hai để trừng phạt Giê-hô-gia-kim vì dấy nghịch.

5. Kết quả của chiến dịch thứ hai của Nê-bu-cát-nết-sa chống lại thành Giê-ru-sa-lem là gì?

5 Kết quả của cuộc vây hãm này là “Chúa phó Giê-hô-gia-kim, vua Giu-đa, và một phần khí-mạnh của nhà Đức Chúa Trời vào tay người”. (Đa-ni-ên 1:2) Giê-hô-gia-kim có lẽ bị ám sát hoặc chết trong cuộc nổi loạn trong giai đoạn đầu của cuộc vây hãm. (Giê-rê-mi 22:18, 19) Vào năm 618 TCN, Giê-hô-gia-kin, con trai ông mới 18 tuổi lên kế vị. Nhưng ngôi vua của Giê-hô-gia-kin chỉ kéo dài ba tháng mười ngày, và ông đầu hàng vào năm 617 TCN.—So sánh 2 Các Vua 24:10-15.

6. Nê-bu-cát-nết-sa làm gì với các khí dụng thánh của đền thờ Giê-ru-sa-lem?

6 Nê-bu-cát-nết-sa đoạt lấy các khí dụng thánh của đền thờ Giê-ru-sa-lem làm chiến lợi phẩm và “đem khí-mạnh ấy về đất Si-nê-a, vào nhà của thần mình, và để trong kho của thần mình”, là Marduk hay Mê-rô-đác theo tiếng Hê-bơ-rơ. (Đa-ni-ên 1:2; Giê-rê-mi 50:2) Người ta tìm được một bia khắc của Ba-by-lôn, trong đó Nê-bu-cát-nết-sa nói về đền thần Marduk: “Ta thâu trữ vàng bạc và đá quý... và để trong kho của vương quốc ta”. Chúng ta sẽ đọc về những khí dụng thánh này một lần nữa trong triều đại Bên-xát-sa.—Đa-ni-ên 5:1-4.

THÀNH PHẦN ƯU TÚ TRONG GIỚI TRẺ Ở GIÊ-RU-SA-LEM

7, 8. Qua các câu Đa-ni-ên 1:3, 4, và 6, chúng ta có thể suy đoán gì về gốc gác của Đa-ni-ên và ba đồng bạn của ông?

7 Không phải họ chỉ mang những của báu thuộc đền thờ Đức Giê-hô-va sang Ba-by-lôn không thôi. Sự tường thuật nói: “Vua truyền cho Át-bê-na, là người làm đầu các hoạn-quan mình, lấy trong con-cái Y-sơ-ra-ên, trong dòng vua, và trong hàng quan sang, mà đem đến mấy kẻ trai trẻ không có tật-nguyền, mặt-mày xinh-tốt, tập mọi sự khôn-ngoan, biết cách-trí, đủ sự thông-hiểu khoa-học, có thể đứng chầu trong cung vua”.—Đa-ni-ên 1:3, 4.

8 Những ai được chọn? Kinh Thánh cho chúng ta biết: “Trong bọn đó có Đa-ni-ên, Ha-na-nia, Mi-sa-ên và A-xa-ria là thuộc về con-cái Giu-đa”. (Đa-ni-ên 1:6) Nhờ điều này chúng ta biết rõ về gốc gác của Đa-ni-ên và các đồng bạn của ông. Chẳng hạn, họ là “con-cái Giu-đa” tức chi phái hoàng tộc. Không biết họ có thuộc dòng hoàng tộc hay không, nhưng hợp lý khi nghĩ rằng ít nhất họ cũng thuộc những gia đình có khá nhiều bề thế và ảnh hưởng. Ngoài việc có trí tuệ minh mẫn và thân thể tráng kiện, họ còn thông sáng, khôn ngoan, hiểu biết và sáng suốt—tất cả còn non trẻ ở mức được gọi là “trai trẻ”, có lẽ trong tuổi thiếu niên. Đa-ni-ên và đồng bạn phải là những thiếu niên xuất sắc—thành phần tinh hoa—trong số những người trẻ ở Giê-ru-sa-lem.

9. Tại sao chúng ta có thể chắc chắn là cha mẹ của Đa-ni-ên và của ba đồng bạn là những người kính sợ Đức Chúa Trời?

9 Lời tường thuật không cho chúng ta biết cha mẹ những người trẻ này là ai. Dẫu sao, họ hẳn là những người kính sợ Đức Chúa Trời, nghiêm chỉnh thi hành trách nhiệm của bậc cha mẹ. Khi xét đến sự suy đồi về đạo đức và thiêng liêng lan tràn ở Giê-ru-sa-lem vào thời ấy, đặc biệt trong giới ‘dòng vua, và trong hàng quan sang’, chúng ta thấy rõ các đức tính trổi bật nơi Đa-ni-ên và ba đồng bạn không phải tự nhiên mà có. Khỏi cần phải nói, khi thấy con mình bị đưa đến một vùng đất xa xôi, các bậc cha mẹ chắc chắn đau xót lắm. Giá mà họ được biết kết quả, họ sẽ hãnh diện biết bao nhiêu! Thật là quan trọng cho các bậc cha mẹ dùng “sự sửa-phạt khuyên-bảo của Chúa” mà dưỡng dục con cái mình!—Ê-phê-sô 6:4.

MỘT CUỘC CHIẾN ĐỂ CHIẾM ĐOẠT TRÍ ÓC

10. Các người trẻ Hê-bơ-rơ được dạy gì, và mục tiêu của việc này là gì?

10 Ngay lập tức, một cuộc chiến để chiếm đoạt trí óc non nớt của những người trẻ bị lưu đày này bắt đầu. Để chắc chắn là những thiếu niên Hê-bơ-rơ sẽ được uốn nắn để thích nghi với hệ thống Ba-by-lôn, Nê-bu-cát-nết-sa ra lệnh cho các hoạn quan dạy những người trẻ này “học-thức và tiếng của người Canh-đê”. (Đa-ni-ên 1:4) Đây không phải là sự giáo dục bình thường. Sách bách khoa The International Standard Bible Encyclopedia giải thích là sự giáo dục đó “gồm việc nghiên cứu tiếng Sumerian, Akkadian, A-ram... và các ngôn ngữ khác, cũng như văn học phong phú trong các thứ tiếng này”. “Văn học phong phú” bao gồm sử ký, toán học, thiên văn học v.v... Tuy nhiên, “tài liệu về tôn giáo, bói điềm và chiêm tinh... đóng một vai trò quan trọng”.

11. Để bảo đảm việc những người trẻ Hê-bơ-rơ đồng hóa vào đời sống ở triều đình Ba-by-lôn, người ta đã dùng những bước nào?

11 Để những người trẻ Hê-bơ-rơ này hoàn toàn tiếp nhận phong tục và văn hóa trong đời sống ở triều đình Ba-by-lôn, “vua định mỗi ngày ban cho họ một phần đồ ngon vua ăn và rượu vua uống, hầu cho khi đã nuôi họ như vậy ba năm rồi, thì họ sẽ đứng chầu trước mặt vua”. (Đa-ni-ên 1:5) Hơn nữa, “người làm đầu hoạn-quan đặt tên cho họ: cho Đa-ni-ên là Bên-tơ-xát-sa; cho Ha-na-nia là Sa-đơ-rắc; cho Mi-sa-ên là Mê-sác; và cho A-xa-ria là A-bết-Nê-gô”. (Đa-ni-ên 1:7) Trong thời Kinh Thánh, việc đặt tên mới cho một người để đánh dấu một biến cố quan trọng trong đời họ là một thực hành phổ thông. Chẳng hạn, Đức Giê-hô-va đổi tên Áp-ram và Sa-rai thành Áp-ra-ham và Sa-ra. (Sáng-thế Ký 17:5, 15, 16) Việc một người đổi tên người khác cho thấy rõ người đổi có thẩm quyền hoặc ưu thế. Khi Giô-sép trở thành quan quản trị thực phẩm của Ê-díp-tô, vua Pha-ra-ôn đặt tên ông là Xa-phơ-nát-Pha-nê-ách.—Sáng-thế Ký 41:44, 45; so sánh 2 Các Vua 23:34; 24:17.

12, 13. Tại sao có thể nói rằng việc đổi tên những người trẻ Hê-bơ-rơ là một nỗ lực nhằm phá đổ đức tin của họ?

12 Trong trường hợp Đa-ni-ên và ba người bạn Hê-bơ-rơ của ông, việc đổi tên có tầm mức quan trọng. Tên mà cha mẹ đặt cho họ phù hợp với sự thờ phượng Đức Giê-hô-va. “Đa-ni-ên” nghĩa là “Đức Chúa Trời là Quan Xét của tôi”. “Ha-na-nia” nghĩa là “Đức Giê-hô-va đã tỏ ân huệ”. “Mi-sa-ên” có thể có nghĩa là “Ai giống như Đức Chúa Trời?” Còn “A-xa-ria” nghĩa là “Đức Giê-hô-va đã giúp đỡ”. Hiển nhiên cha mẹ họ thiết tha hy vọng rằng con cái mình sẽ lớn lên dưới sự dìu dắt của Giê-hô-va Đức Chúa Trời để trở thành những tôi tớ trung thành và trung tín của Ngài.

13 Tuy nhiên, tên mới mà bốn người trai Hê-bơ-rơ được đặt gắn liền với danh của các thần giả, hàm ý là Đức Chúa Trời thật đã bị các thần này khuất phục. Đây quả là một nỗ lực ngấm ngầm nhằm phá đổ đức tin của những người trẻ này!

14. Các tên mới mà Đa-ni-ên và ba bạn đồng hành được đặt mang ý nghĩa gì?

14 Đa-ni-ên được đổi tên là Bên-tơ-xát-sa nghĩa là “Bảo vệ mạng sống của Vua”. Rõ ràng đây là dạng vắn tắt của một lời cầu khẩn với thần Bên hay Marduk, thần chính của Ba-by-lôn. Không biết Nê-bu-cát-nết-sa có giúp chọn tên cho Đa-ni-ên hay không, nhưng ông ta tự phụ nhận ấy là “theo tên thần của ta”. (Đa-ni-ên 4:8) Ha-na-nia được đổi tên là Sa-đơ-rắc mà một số học giả có thẩm quyền cho đây là một tên ghép có nghĩa là “Mệnh lệnh của Aku”. Điều đáng chú ý Aku là tên của một thần Sumerian. Mi-sa-ên được đổi thành Mê-sác (có thể là Mi·sha·aku), dường như đây là một sự bóp méo có mưu mẹo từ “Ai giống như Đức Chúa Trời?” thành “Ai được như Aku?” Còn A-xa-ria được đổi sang tên Ba-by-lôn là A-bết-Nê-gô, có lẽ nghĩa là “Tôi tớ của Nê-gô”. “Nê-gô” là một biến dạng của “Nê-bô”, tên của một thần mà một số nhà cai trị Ba-by-lôn cũng đặt cho mình.

NHẤT ĐỊNH GIỮ TRUNG THÀNH VỚI ĐỨC GIÊ-HÔ-VA

15, 16. Đa-ni-ên và các bạn đồng hành phải đối diện với nguy hiểm nào, và họ có phản ứng gì?

15 Việc đổi sang tên Ba-by-lôn, chương trình cải huấn, và chế độ ẩm thực đặc biệt—tất cả đều là nỗ lực không những nhằm đồng hóa Đa-ni-ên và ba người trẻ Hê-bơ-rơ vào lối sống của người Ba-by-lôn mà còn nhằm tách xa họ khỏi Đức Chúa Trời của mình là Đức Giê-hô-va, và khỏi sự dạy dỗ và nền móng về tôn giáo của họ. Đứng trước áp lực và sự cám dỗ ấy, những người trẻ này sẽ làm gì?

16 Sự tường thuật được soi dẫn nói: “Đa-ni-ên quyết-định trong lòng rằng không chịu ô-uế bởi đồ ngon vua ăn và rượu vua uống”. (Đa-ni-ên 1:8a) Mặc dầu chỉ có tên Đa-ni-ên được nhắc đến, nhưng những gì sau đó cho thấy ba người bạn ủng hộ quyết định của ông. Nhóm từ “quyết-định trong lòng” cho thấy sự dạy dỗ của cha mẹ Đa-ni-ên và của những người khác ở quê nhà đã động đến lòng của ông. Sự huấn luyện tương tự rõ ràng đã hướng dẫn ba người trai trẻ Hê-bơ-rơ kia khi họ quyết định. Điều này minh chứng giá trị của việc dạy dỗ con cái của chúng ta, ngay từ khi chúng dường như còn rất trẻ để hiểu được.—Châm-ngôn 22:6; 2 Ti-mô-thê 3:14, 15.

17. Tại sao Đa-ni-ên và các bạn đồng hành của ông chỉ phản đối đồ ăn hàng ngày của vua chứ không chống các sự sắp đặt khác?

17 Tại sao các người trẻ Hê-bơ-rơ chỉ phản đối đồ ăn ngon và rượu mà không phản đối những sắp đặt khác? Sự lý luận của Đa-ni-ên cho thấy rõ tại sao: “[Ông] không chịu ô-uế”. Việc phải học “học-thức và tiếng của người Canh-đê” và được đặt tên Ba-by-lôn dù đáng chống nhưng không nhất thiết làm cho một người ô uế. Chúng ta hãy xem xét gương của Môi-se trước đó gần 1.000 năm. Mặc dầu “được học cả sự khôn-ngoan của người Ê-díp-tô”, ông vẫn giữ trung thành với Đức Giê-hô-va. Sự giáo dục của cha mẹ ông đã cho ông một nền tảng vững chắc. Kết quả là “bởi đức-tin, Môi-se lúc đã khôn-lớn, bỏ danh-hiệu mình là con trai của công-chúa Pha-ra-ôn, đành cùng dân Đức Chúa Trời chịu hà-hiếp hơn là tạm hưởng sự vui-sướng của tội-lỗi”.—Công-vụ các Sứ-đồ 7:22; Hê-bơ-rơ 11:24, 25.

18. Đồ ăn của vua có thể làm những người trẻ Hê-bơ-rơ bị ô uế bằng những cách nào?

18 Bằng cách nào đồ ăn của vua Ba-by-lôn có thể làm những người trẻ bị ô uế? Trước hết, những đồ ăn ngon có thể nấu bằng những thứ mà Luật Môi-se cấm. Chẳng hạn, người Ba-by-lôn ăn những thú vật không sạch mà theo Luật Pháp, người Y-sơ-ra-ên không được ăn. (Lê-vi Ký 11:1-31; 20:24-26; Phục-truyền Luật-lệ Ký 14:3-20) Thứ hai là người Ba-by-lôn không có thói quen cắt tiết thú vật trước khi ăn thịt. Ăn thịt còn huyết là trực tiếp vi phạm luật của Đức Giê-hô-va về máu. (Sáng-thế Ký 9:1, 3, 4; Lê-vi Ký 17:10-12; Phục-truyền Luật-lệ Ký 12:23-25) Thứ ba là những người thờ thần giả thường có thói quen dâng cúng đồ ăn cho thần tượng trước khi dùng trong bữa ăn. Tôi tớ của Đức Giê-hô-va không tham dự những hoạt động như thế! (So sánh 1 Cô-rinh-tô 10:20-22). Cuối cùng ăn uống thỏa thuê với đồ ăn béo bổ và rượu ngon ngày này qua ngày khác không có lợi cho sức khỏe dù ở tuổi nào, huống hồ người trẻ.

19. Những người trẻ Hê-bơ-rơ có thể lý luận như thế nào, nhưng điều gì đã giúp họ đi đến kết luận đúng?

19 Biết phải làm gì là một chuyện, nhưng có can đảm để làm trong khi bị áp lực và cám dỗ là chuyện khác. Đa-ni-ên và ba đồng bạn có thể lý luận rằng vì ở cách biệt xa, cha mẹ và bạn bè của họ đâu biết họ làm gì. Họ cũng có thể vin cớ đó là lệnh vua và dường như không còn có cách nào khác. Hơn nữa, những người trẻ khác hẳn đã mau mắn chấp nhận sự sắp đặt và coi như đặc ân được tham dự, chứ không phải là sự khổ sở. Nhưng sự suy nghĩ sai lầm như thế có thể dễ dàng khiến rơi vào bẫy lén lút phạm tội, là một cạm bẫy đối với nhiều người trẻ. Những người trẻ Hê-bơ-rơ biết rằng “con mắt Đức Giê-hô-va ở khắp mọi nơi” và “Đức Chúa Trời sẽ đem đoán-xét các công-việc, đến nỗi việc kín-nhiệm hơn hết, hoặc thiện hoặc ác cũng vậy”. (Châm-ngôn 15:3; Truyền-đạo 12:14) Vậy tất cả chúng ta hãy rút ra một bài học từ phong cách của những người trẻ trung thành này.

ĐƯỢC THƯỞNG VÌ CAN ĐẢM VÀ KIÊN TRÌ

20, 21. Đa-ni-ên đã có hành động nào, và kết quả là gì?

20 Vì trong lòng đã quyết định chống lại những ảnh hưởng xấu nên Đa-ni-ên khởi sự hành động phù hợp với quyết định của mình. Ông “[“tiếp tục”, NW] cầu-xin người làm đầu hoạn-quan để đừng bắt mình phải tự làm ô-uế”. (Đa-ni-ên 1:8b) Các chữ “tiếp tục cầu-xin” là một cách diễn tả đáng chú ý. Thông thường, cần phải cố gắng bền bỉ nếu chúng ta hy vọng thành công trong việc chống lại cám dỗ hoặc vượt qua được những yếu kém nào đó.—Ga-la-ti 6:9.

21 Trong trường hợp Đa-ni-ên, sự kiên trì của ông được tưởng thưởng. “Đức Chúa Trời khiến Đa-ni-ên được ơn và thương-xót trước mặt người làm đầu hoạn-quan”. (Đa-ni-ên 1:9) Không phải vì sự thông minh, đẹp trai và dễ thương của Đa-ni-ên và các bạn của ông mà mọi sự diễn tiến tốt đẹp. Nhưng chính nhờ sự ban phước của Đức Giê-hô-va. Hẳn Đa-ni-ên nhớ câu châm ngôn Hê-bơ-rơ: “Hãy hết lòng tin-cậy Đức Giê-hô-va, chớ nương-cậy nơi sự thông-sáng của con; phàm trong các việc làm của con, khá nhận-biết Ngài, thì Ngài sẽ chỉ-dẫn các nẻo của con”. (Châm-ngôn 3:5, 6) Thật vậy, vâng theo lời khuyên này đem lại phần thưởng.

22. Vị hoạn quan đưa ra sự phản đối hợp lý nào?

22 Lúc đầu hoạn quan từ chối: “Ta sợ vua, là chủ ta, đã chỉ-định đồ ăn đồ uống của các ngươi. Lẽ nào vua sẽ thấy mặt-mày các ngươi tiều-tụy hơn những kẻ trai trẻ khác đồng tuổi với các ngươi, và các ngươi nộp đầu ta cho vua sao?” (Đa-ni-ên 1:10) Hoạn quan có lý do để sợ hãi và từ chối. Vua Nê-bu-cát-nết-sa không phải là người để khinh nhờn, và viên chức này cũng ý thức rằng ông sẽ mất “đầu” nếu đi nghịch lại chỉ thị của vua. Vậy Đa-ni-ên làm gì?

23. Qua đường lối ông lựa, chúng ta thấy Đa-ni-ên thông sáng và khôn ngoan như thế nào?

23 Đây là lúc cần đến sự thông sáng và sự khôn ngoan. Người trẻ Đa-ni-ên có lẽ đã nhớ câu châm ngôn: “Lời đáp êm-nhẹ làm nguôi cơn-giận; còn lời xẳng-xớm trêu thạnh-nộ thêm”. (Châm-ngôn 15:1) Thay vì cứng đầu khăng khăng đòi chấp nhận lời thỉnh cầu và có thể khiêu khích người khác khiến họ coi như ông muốn tử vì đạo, Đa-ni-ên tạm để vấn đề qua một bên. Vào đúng lúc, ông đến gặp ‘quan coi-sóc’; quan này có lẽ bằng lòng cho phép xê xích đôi chút vì ông không trực tiếp chịu trách nhiệm trước mặt vua.—Đa-ni-ên 1:11.

ĐỀ NGHỊ THỬ MƯỜI NGÀY

24. Đa-ni-ên đề nghị cuộc thử nghiệm nào?

24 Đa-ni-ên đề nghị với quan coi sóc một cuộc thử nghiệm như sau: “Tôi xin ông hãy thử những kẻ tôi-tớ ông trong mười ngày, cho chúng tôi chỉ ăn rau uống nước. Sau đó, sẽ nhìn nét mặt chúng tôi với nét mặt những kẻ trai trẻ ăn đồ-ăn ngon của vua; rồi ông sẽ làm cho những kẻ tôi-tớ ông theo như điều ông đã thấy”.—Đa-ni-ên 1:12, 13.

25. Món “rau” mà Đa-ni-ên cùng ba người bạn đồng hành dùng có lẽ bao gồm những gì?

25 Chỉ có ‘rau và nước’ trong mười ngày—phải chăng họ trông “tiều-tụy” khi so sánh với những người khác? “Rau” dịch từ một chữ Hê-bơ-rơ có nghĩa là “hạt”. Một số bản dịch Kinh Thánh dịch là “hạt đậu” có nghĩa là “những hạt ăn được trong các loại đậu khác nhau (như đậu Hà Lan, đậu đỏ, hay đậu lăng)”. Theo một số học giả, văn mạch cho thấy chế độ ẩm thực không phải chỉ có hạt đậu. Một tài liệu tham khảo nói rằng: “Đa-ni-ên và các bạn của ông chỉ yêu cầu các món rau đậu mà quần chúng thường dùng thay vì các món ăn béo bổ và nhiều thịt trên bàn của vua”. Do đó, món rau có thể bao gồm đậu Hà Lan, dưa leo, tỏi, tỏi tây, đậu lăng, dưa, hành và bánh mì các loại. Chắc không ai nghĩ đó là chế độ ăn uống kham khổ. Dường như quan coi sóc thấy được vấn đề. Cuối cùng ông “nhậm lời họ xin, và thử họ trong mười ngày”. (Đa-ni-ên 1:14) Kết quả là gì?

26. Sau mười ngày thử nghiệm, kết quả là gì, và tại sao lại được kết quả như vậy?

26 “Mười ngày ấy qua rồi, thấy mặt họ lại có vẻ xinh-tươi đầy-đặn hơn mọi kẻ trai trẻ khác đã ăn đồ ngon vua ăn”. (Đa-ni-ên 1:15) Đừng coi đây là bằng chứng chế độ ăn rau tốt hơn chế độ ăn thịt béo bổ. Mười ngày là một khoảng thời gian quá ngắn để cho bất cứ loại chế độ ăn uống nào sinh ra kết quả thấy được, nhưng không quá ngắn đối với Đức Giê-hô-va để thực hiện ý định của Ngài. Lời Ngài nói: “Phước-lành của Đức Giê-hô-va làm cho giàu-có; Ngài chẳng thêm sự đau lòng gì lẫn vào”. (Châm-ngôn 10:22) Bốn người trẻ Hê-bơ-rơ đặt đức tin và trông cậy nơi Đức Giê-hô-va, và Ngài đã không bỏ họ. Nhiều thế kỷ sau, Chúa Giê-su Christ nhịn ăn 40 ngày và vẫn sống. Vì vậy, ngài đã trích những lời từ Phục-truyền Luật-lệ Ký 8:3, nơi đây chúng ta đọc: “Loài người sống chẳng phải nhờ bánh mà thôi, nhưng loài người sống nhờ mọi lời bởi miệng Đức Giê-hô-va mà ra”. Về điều này, kinh nghiệm của Đa-ni-ên và các bạn ông là một tấm gương tuyệt hảo.

THÔNG SÁNG VÀ KHÔN NGOAN THAY CHO ĐỒ ĂN NGON VÀ RƯỢU

27, 28. Chế độ ăn uống mà Đa-ni-ên và ba bạn ghép mình vào là một sự chuẩn bị cho những việc lớn hơn trước mặt như thế nào?

27 Mười ngày mới chỉ là một cuộc thử nghiệm, nhưng kết quả quá rõ. “Vậy, Ham-mên-xa cất phần đồ-ăn ngon và rượu của họ, và cho họ ăn rau”. (Đa-ni-ên 1:16) Chúng ta có thể dễ dàng tưởng tượng những người trẻ khác trong khóa huấn luyện nghĩ gì về Đa-ni-ên và các bạn đồng hành của ông. Đối với họ, từ chối bữa tiệc hàng ngày của vua để ăn rau xem ra quá điên khùng. Nhưng những cuộc trắc nghiệm và thử thách cam go sắp xảy ra, và điều này đòi hỏi những người trẻ Hê-bơ-rơ này phải huy động toàn thể sự tỉnh táo và sự nghiêm chỉnh của họ. Trên hết mọi sự, chính đức tin và sự tin cậy nơi Đức Giê-hô-va mới giúp họ vượt qua được sự thử thách về đức tin.—So sánh Giô-suê 1:7.

28 Chúng ta có thể thấy Đức Giê-hô-va ở với những người trẻ này trong câu kế tiếp: “Đức Chúa Trời ban cho bốn người trai trẻ đó được thông-biết tỏ-sáng trong mọi thứ học-thức và sự khôn-ngoan. Đa-ni-ên cũng biết được mọi sự hiện-thấy và chiêm-bao”. (Đa-ni-ên 1:17) Để đương đầu với những thời kỳ khó khăn sắp đến, họ cần nhiều hơn là thể chất mạnh mẽ và sức khỏe tốt. “Vì sự khôn-ngoan sẽ vào trong lòng con, và linh-hồn con sẽ lấy sự hiểu-biết làm vui-thích. Sự dẽ-dặt sẽ coi-sóc con, sự thông-sáng sẽ gìn-giữ con, để cứu con khỏi đường dữ, khỏi kẻ nói việc gian-tà”. (Châm-ngôn 2:10-12) Đây chính là điều Đức Giê-hô-va ban cho bốn người trai trẻ trung thành để trang bị họ đương đầu với những gì chờ đón họ.

29. Tại sao Đa-ni-ên có thể “biết được mọi sự hiện-thấy và chiêm-bao”?

29 Kinh Thánh nói là Đa-ni-ên “biết được mọi sự hiện-thấy và chiêm-bao”. Điều này không có nghĩa ông là một người đồng bóng. Điều đáng chú ý là mặc dù Đa-ni-ên được coi là một trong các nhà tiên tri lớn người Do Thái, ông không bao giờ được soi dẫn để thốt ra những lời công bố như “Chúa Giê-hô-va phán như vầy” hoặc “Đức Giê-hô-va vạn-quân phán như vầy”. (Ê-sai 28:16; Giê-rê-mi 6:9) Song, chỉ với sự hướng dẫn của thánh linh Đức Chúa Trời, Đa-ni-ên mới có thể hiểu và thông giải các sự hiện thấy và giấc mơ tiết lộ ý định của Đức Giê-hô-va.

CUỐI CÙNG LÀ CUỘC THỬ THÁCH QUYẾT LIỆT

30, 31. Đường lối mà Đa-ni-ên và các bạn đồng hành lựa chọn chứng tỏ là có lợi cho họ như thế nào?

30 Ba năm cải huấn và đào tạo trôi qua. Kế đến là cuộc thử thách quyết liệt—đích thân vua phỏng vấn từng người. “Đến kỳ vua định để đem họ đến, thì người làm đầu hoạn-quan dắt họ đến trước mặt Nê-bu-cát-nết-sa”. (Đa-ni-ên 1:18) Đây là lúc bốn người trẻ phải tự chính mình biện hộ. Việc bám chặt lấy luật pháp của Đức Giê-hô-va thay vì buông xuôi theo đường lối của người Ba-by-lôn có chứng tỏ lợi ích cho họ không?

31 “Vua nói chuyện cùng họ; và trong hết thảy bọn họ, không thấy ai bằng Đa-ni-ên, Ha-na-nia, Mi-sa-ên, và A-xa-ria; vậy họ được đứng chầu trước mặt vua”. (Đa-ni-ên 1:19) Lối sống của họ trong ba năm trước đó hoàn toàn được xác minh! Họ không hề điên khùng khi nhất định ăn uống theo một chế độ phù hợp với đức tin và lương tâm của họ. Bằng cách trung thành với điều có thể được xem là nhỏ mọn, Đa-ni-ên và các bạn của ông được ban phước với những điều lớn hơn. Đặc ân “được đứng chầu trước mặt vua” là mục tiêu mà tất cả những người trẻ trong chương trình huấn luyện mơ ước. Chúng ta không biết có phải chỉ bốn người trẻ Hê-bơ-rơ được lựa hay không vì Kinh Thánh không nói gì đến. Dù sao, lối sống trung thành của họ quả đã đưa lại cho họ một “phần thưởng lớn”.—Thi-thiên 19:11.

32. Tại sao có thể nói là Đa-ni-ên, Ha-na-nia, Mi-sa-ên, và A-xa-ria được hưởng một đặc ân lớn hơn là việc được ở trong triều đình của nhà vua?

32 Kinh Thánh nói: “Con có thấy người nào siêng-năng trong công-việc mình chăng? Người ấy hẳn sẽ đứng ở trước mặt các vua”. (Châm-ngôn 22:29) Do đó, Đa-ni-ên, Ha-na-nia, Mi-sa-ên, và A-xa-ria được Nê-bu-cát-nết-sa chọn để đứng chầu trước mặt vua, tức là thuộc triều đình của vua. Trong tất cả những điều này, chúng ta có thể thấy bàn tay của Đức Giê-hô-va lèo lái vấn đề để qua những người trai trẻ này—đặc biệt là qua Đa-ni-ên—những khía cạnh quan trọng trong ý định của Đức Chúa Trời được tiết lộ. Mặc dù việc được tuyển chọn làm thành phần trong triều đình của Nê-bu-cát-nết-sa là một vinh dự, việc được Vua Hoàn Vũ là Đức Giê-hô-va dùng theo một cách đặc biệt là một vinh dự lớn lao hơn nhiều.

33, 34. (a) Tại sao nhà vua lại có ấn tượng tốt đối với các người trẻ Hê-bơ-rơ? (b) Từ kinh nghiệm của bốn người Hê-bơ-rơ, chúng ta có thể rút ra bài học nào?

33 Chẳng bao lâu sau đó, Nê-bu-cát-nết-sa phát hiện sự khôn ngoan và sáng suốt mà bốn người trẻ Hê-bơ-rơ được Đức Giê-hô-va ban cho cao xa gấp bội so với những cố vấn và người khôn ngoan trong triều đình của ông. “Vả, khi vua hỏi họ những câu hỏi về mọi sự khôn-ngoan sáng-suốt, thì thấy họ giỏi hơn gấp mười những đồng-bóng và thuật-sĩ trong cả nước mình”. (Đa-ni-ên 1:20) Làm sao lại không như vậy được? Những “đồng-bóng” và “thuật-sĩ” tin cậy vào sự hiểu biết của Ba-by-lôn có tính cách mê tín và thuộc đời này. Còn Đa-ni-ên và các bạn của ông tin cậy nơi sự khôn ngoan từ trên cao. Không thể nào so sánh hay thi đua được!

34 Trải qua các thời đại, không có gì thay đổi nhiều. Vào thế kỷ thứ nhất CN, khi triết lý Hy Lạp và luật pháp La Mã chiếm ưu thế, sứ đồ Phao-lô được soi dẫn viết: “Sự khôn-ngoan đời nầy trước mặt Đức Chúa Trời là sự dại-dột. Như có chép rằng: Ấy là Chúa bắt những kẻ khôn-ngoan trong mưu-kế họ. Lại rằng: Chúa thông-biết ý-tưởng của người khôn-ngoan; Ngài biết ý-tưởng họ đều là vô-ích. Vậy, chớ ai khoe mình về loài người”. (1 Cô-rinh-tô 3:19-21) Ngày nay, chúng ta cần bám chặt lấy những điều Đức Giê-hô-va dạy dỗ và chớ để cho sự quyến rũ hay là sự rực rỡ giả tạo của thế gian làm chúng ta dễ dàng chuyển lay.—1 Giăng 2:15-17.

TRUNG THÀNH ĐẾN CUỐI CÙNG

35. Kinh Thánh cho chúng ta biết về ba người bạn đồng hành của Đa-ni-ên đến mức nào?

35 Đức tin mạnh mẽ của Ha-na-nia, Mi-sa-ên, và A-xa-ria được biểu lộ rõ ràng nơi chương 3 sách Đa-ni-ên, khi nói về pho tượng bằng vàng của Nê-bu-cát-nết-sa trong đồng bằng Đu-ra và sự thử thách về lò lửa hực. Những người Hê-bơ-rơ kính sợ Đức Chúa Trời này chắc chắn đã giữ được sự trung thành với Đức Giê-hô-va cho đến chết. Chúng ta biết được điều này vì sứ đồ Phao-lô rõ ràng ám chỉ họ khi viết về những người “bởi đức-tin... tắt ngọn lửa hừng”. (Hê-bơ-rơ 11:33, 34) Họ là những tấm gương tuyệt hảo cho các tôi tớ của Đức Giê-hô-va, già cũng như trẻ.

36. Đa-ni-ên có sự nghiệp tuyệt vời nào?

36 Còn về Đa-ni-ên, câu cuối cùng của chương 1 nói: “Đa-ni-ên cứ ở đó cho đến năm đầu đời vua Si-ru”. Lịch sử cho biết Si-ru lật đổ Ba-by-lôn chỉ trong một đêm vào năm 539 TCN. Hiển nhiên vì nổi danh và có tiếng tốt nên Đa-ni-ên tiếp tục được giữ lại phục vụ dưới triều vua Si-ru. Thật ra, Đa-ni-ên 10:1 cho biết là vào “năm thứ ba đời vua Si-ru nước Phe-rơ-sơ”, Đức Giê-hô-va tiết lộ cho Đa-ni-ên một sự việc quan trọng đáng chú ý. Nếu Đa-ni-ên còn niên thiếu lúc bị đem sang Ba-by-lôn vào năm 617 TCN thì khi nhận được sự hiện thấy sau cùng này, ông phải gần 100 tuổi. Thật là một sự nghiệp phụng sự Đức Giê-hô-va trung thành, lâu dài và đầy ân phước!

37. Sau khi xem xét Đa-ni-ên chương 1, chúng ta rút ra được bài học nào?

37 Chương mở đầu của sách Đa-ni-ên không phải chỉ là một câu chuyện về việc bốn người trai trẻ thành công trong việc đối phó với thử thách về đức tin. Nó cho chúng ta biết nhiều hơn nữa. Nó cho thấy Đức Giê-hô-va có thể dùng bất cứ ai Ngài muốn để hoàn thành ý định của Ngài. Sự tường thuật chứng minh rằng những gì Đức Giê-hô-va cho phép xảy ra, lúc đầu có vẻ như một tai họa, có thể nhằm một mục đích hữu dụng. Nó cũng cho chúng ta thấy trung tín trong những điều nhỏ đem lại phần thưởng lớn.

BẠN HỌC ĐƯỢC GÌ?

• Có thể nói gì về gốc gác của Đa-ni-ên và ba người bạn trẻ của ông?

• Việc dưỡng dục bốn người trẻ Hê-bơ-rơ được đem ra thử nghiệm ở Ba-by-lôn như thế nào?

• Đức Giê-hô-va thưởng cho bốn người Hê-bơ-rơ vì lập trường can đảm của họ như thế nào?

• Các tôi tớ của Đức Giê-hô-va ngày nay có thể học được những bài học gì từ Đa-ni-ên và ba người bạn đồng hành của ông?

[Câu hỏi thảo luận]

[Trang hình ảnh nơi trang 30]