Người này có phù hợp với mình không?
CHƯƠNG 3
Người này có phù hợp với mình không?
Hãy dành thời gian để làm trắc nghiệm sau:
Hiện tại, bạn nghĩ người hôn phối tương lai của mình cần có những phẩm chất nào? Trong những điểm bên dưới, hãy đánh dấu ✔ vào bốn điểm mà bạn thấy quan trọng nhất.
□ Ngoại hình đẹp □ Thiêng liêng tính
□ Thân thiện □ Đáng tin cậy
□ Nhiều người biết đến □ Có đạo đức
□ Vui tính □ Có chí hướng
Trước đây bạn có để ý ai chưa? Trong danh sách kể trên, hãy đánh dấu × vào điểm mà bạn từng thấy thu hút nhất nơi người ấy.
Mỗi điểm trên đều có cái hay riêng, không có điểm nào là không tốt. Dù vậy, khi đang “say nắng” ai đó, bạn thường chú ý nhiều hơn đến bề nổi của người ấy, như những điểm ở cột bên trái chẳng hạn. Bạn có đồng ý như vậy không?
Nhưng đến khi trưởng thành, bạn bắt đầu dùng khả năng nhận thức để xem xét những điều quan trọng hơn, như ở cột bên phải. Ví dụ, bạn nhận ra cô gái xinh nhất xóm chưa chắc là đáng tin cậy, hoặc anh chàng được ái mộ nhất lớp chưa hẳn là đứng đắn. Khi đã qua thời tuổi trẻ bồng bột, có lẽ bạn không chỉ xét đến bề nổi của một người để trả lời câu hỏi: “Người này có phù hợp với mình không?”.
Biết rõ bản thân
Bạn cần biết rõ bản thân trước khi xem xét ai là đối tượng phù hợp với mình. Để hiểu thêm về chính mình, hãy trả lời những câu hỏi sau:
Ưu điểm của mình là gì? ․․․․․
Nhược điểm của mình là gì? ․․․․․
Mình có nhu cầu nào về mặt tình cảm và tâm linh? ․․․․․
Hiểu rõ chính mình thật không dễ chút nào, nhưng những câu hỏi như trên có thể là bước khởi đầu để giúp bạn. Càng hiểu bản thân, bạn càng dễ nhận ra ai là người sẽ giúp mình phát huy ưu điểm, thay vì khiến mình tệ hơn. a Nói sao nếu bạn nghĩ mình đã tìm được đúng người?
Ai cũng được?
“Mình có thể tìm hiểu thêm về nhau không?”. Câu hỏi đó sẽ làm bạn giật cả mình hoặc rộn ràng vui sướng, tùy vào người hỏi là ai. Giả sử là bạn đồng ý. Vậy trong thời gian hai người tìm hiểu, làm sao bạn biết người ấy có phù hợp với mình hay không?
Ví dụ như bạn muốn mua một đôi giày. Bạn đến cửa hàng và thấy có đôi ưng ý. Bạn mang thử, nhưng rồi thất vọng khi nhận ra nó quá chật. Bạn sẽ làm gì? Mua bằng mọi giá? Hay tìm đôi khác? Rõ ràng, tốt hơn là tìm đôi khác phù hợp. Thật vô lý khi mang đôi giày không vừa với mình!
Chọn bạn đời cũng tương tự thế. Có lẽ bạn thấy có vài người vừa ý. Nhưng không phải ai cũng phù hợp với bạn. Suy cho cùng, bạn muốn quen với người làm mình cảm thấy thoải mái, là người tâm đầu ý hợp và có cùng chí hướng (Sáng thế 2:18; Ma-thi-ơ 19:4-6). Bạn đã gặp được người ấy chưa? Nếu rồi, làm sao bạn biết người ấy có phù hợp với mình hay không?
Đừng chỉ nhìn bề nổi
Để trả lời câu hỏi vừa nêu, hãy thử nhận xét về đối phương. Nhưng phải cẩn thận! Có thể bạn chỉ thấy những gì muốn thấy. Vì vậy, đừng vội vàng làm chi. Hãy cố gắng nhận ra con người thật của người ấy. Việc này đòi hỏi nhiều nỗ lực, nhưng không thể bỏ qua. Để minh họa: Bạn đang muốn mua một chiếc xe. Bạn phải xem kỹ đến mức nào? Lẽ nào bạn chỉ quan tâm đến hình thức bên ngoài? Chẳng phải điều khôn ngoan là tìm hiểu kỹ hơn về động cơ của xe hay sao?
1 Phi-e-rơ 3:4; Ê-phê-sô 3:16.
Tìm bạn đời còn quan trọng hơn nhiều. Thế nhưng, nhiều cặp đôi chỉ nhìn bề nổi mà thôi. Họ nhanh chóng tìm thấy điểm chung như: “Chúng mình nghe cùng loại nhạc”. “Chúng mình có cùng sở thích”. “Chúng mình hòa hợp về mọi mặt!”. Tuy nhiên, như đã nói ở trên, nếu thật sự đã qua tuổi bồng bột thì bạn sẽ không chỉ xét đến bề nổi. Bạn thấy mình cần biết “con người bề trong” của người ấy.—Chẳng hạn, để hiểu rõ hơn về người ấy, thay vì chỉ tập trung vào mức độ hòa hợp giữa hai người, hãy để ý đến những gì xảy ra khi có bất đồng. Người ấy phản ứng ra sao? Khăng khăng làm theo ý mình, “giận dữ” hoặc “lăng mạ”? (Ga-la-ti 5:19, 20; Cô-lô-se 3:8). Hay người ấy phải lẽ, sẵn sàng nhường nhịn để giữ hòa khí khi vấn đề không phải là đúng hay sai?—Gia-cơ 3:17.
Một yếu tố khác cần được xem xét là: Người ấy có hay thao túng, ghen tuông và muốn bạn là của riêng không? Người ấy luôn muốn biết nhất cử nhất động của bạn? Ngọc cho biết: “Tớ nghe kể có một cặp đã cãi nhau chỉ vì một người khó chịu khi người kia không đều đặn ‘báo cáo’ cho mình. Tớ nghĩ đó là dấu hiệu xấu”.—1 Cô-rinh-tô 13:4.
Các vấn đề nêu trên chủ yếu liên quan đến tính cách và hạnh kiểm. Tuy nhiên, điều quan trọng không kém là tìm hiểu xem người ấy có tiếng như thế nào. Người khác nghĩ gì về người ấy? Bạn có Công vụ 16:1, 2.
thể hỏi thăm những người đã biết người ấy được một thời gian, chẳng hạn như các anh chị thành thục trong hội thánh. Đó là cách để biết người ấy có tiếng tốt hay không.—Sau khi xem qua những khía cạnh trên, hãy viết ra nhận xét của bạn về người ấy.
Tính cách: ․․․․․
Hạnh kiểm: ․․․․․
Danh tiếng: ․․․․․
Bạn cũng sẽ được lợi ích khi xem xét khung “ Anh ấy sẽ là người chồng tốt không?” nơi trang 39, hoặc “ Cô ấy sẽ là người vợ tốt không?” nơi trang 40. Những câu hỏi trong đó sẽ giúp bạn xác định người ấy có phải là bạn đời phù hợp với mình hay không.
Nói sao nếu bạn nhận ra người ấy không phù hợp với mình? Trong trường hợp đó, bạn phải đối mặt với câu hỏi hóc búa khác:
Có nên chia tay?
Đôi lúc chia tay là giải pháp tốt nhất. Như trường hợp của bạn Jill. Bạn ấy kể: “Mới đầu mình cũng vui khi bạn trai suốt ngày lo lắng mình đi đâu, làm gì, với ai. Nhưng dần dần mình không thể dành thời gian cho ai khác ngoài anh ấy. Thậm chí anh ấy còn ghen khi mình dành thời gian cho gia đình, nhất là cho ba mình. Khi
chấm dứt mối quan hệ, mình nhẹ nhõm tựa như trút bỏ được gánh nặng ngàn cân!”.Câu chuyện của Sarah cũng tương tự. Bạn ấy quen John, nhưng bắt đầu thấy anh ta là người ưa mỉa mai, hay đòi hỏi và thô lỗ. Sarah kể: “Có lần, anh ta trễ hẹn với mình đến ba tiếng đồng hồ! Vậy mà khi tới nhà chẳng thèm chào hỏi mẹ mình câu nào, lại còn nói: ‘Lẹ lên. Tụi mình trễ rồi’. Không phải là: ‘Anh trễ’, mà là: ‘Tụi mình trễ’! Đáng lẽ anh ta phải xin lỗi hay giải thích, nhất là phải lễ phép với mẹ mình!”. Dĩ nhiên, không nhất thiết phải chia tay chỉ vì một hai hành động hay tính cách gây thất vọng (Thi thiên 130:3). Thế nhưng, Sarah chia tay John vì nhận ra anh ta thường xuyên thô lỗ với người khác chứ không phải chỉ đôi ba lần.
Nói sao nếu bạn cũng thấy người ấy không phù hợp với mình? Nếu thế, đừng lờ đi cảm nhận của bạn! Dù khó chấp nhận, nhưng cách tốt nhất là chấm dứt mối quan hệ. Châm ngôn 22:3 nói: “Người khôn khéo thấy nguy hiểm và ẩn mình”. Nếu người ấy bộc lộ một hay vài dấu hiệu nguy hiểm được nói đến nơi trang 39 và 40 thì tốt nhất nên chia tay, ít ra là cho đến khi người ấy thay đổi. Đúng là kết thúc một cuộc tình không dễ chút nào. Nhưng hôn nhân là sợi dây ràng buộc vĩnh viễn. Thà đau lòng một chút còn hơn phải hối hận cả đời!
Nói lời chia tay
Làm sao để nói lời chia tay? Trước hết, hãy chọn hoàn cảnh thích hợp. Như thế nào? Hãy hình dung, nếu bạn là người ấy, bạn muốn được đối xử ra sao? (Ma-thi-ơ 7:12). Bạn có muốn nghe điều đó trước mặt người khác không? Hẳn là không. Trừ khi hoàn cảnh không cho phép, đừng chia tay bằng cách để lại lời nhắn qua điện thoại, gửi tin nhắn hay e-mail. Thay vì thế, hãy chọn thời gian và địa điểm thích hợp để nói về chuyện quan trọng này.
Vậy, bạn nên nói gì? Sứ đồ Phao-lô khuyên tín đồ đạo Đấng Ki-tô “nói thật” với người khác (Ê-phê-sô 4:25). Cách tốt nhất là khéo léo nhưng kiên quyết. Hãy nói rõ lý do bạn cảm thấy mối quan hệ này sẽ không đi đến đâu. Không cần phải đưa ra cả một danh sách những thiếu sót của người ấy hay tuôn ra một tràng những lời trách móc. Thay vì nói người ấy “không” làm cái này hay “không bao giờ” làm cái kia, tốt hơn là nói ra cảm xúc của bạn, chẳng hạn như: “Anh cần một người...” hay “Em cảm thấy chuyện chúng mình nên dừng lại vì...”.
Đây không phải lúc để bạn mập mờ hay đổi ý vì người khác. Hãy nhớ rằng bạn quyết định chia tay là có lý do. Vì vậy, hãy cẩn thận nếu người ấy cố xoay chuyển tình thế bằng mưu mẹo. Một bạn nữ tên Lori kể: “Sau khi chia tay, bạn trai cũ của mình lúc nào cũng tỏ vẻ đau khổ. Mình nghĩ anh ta làm vậy để mình mủi lòng, và đúng là mình đã cảm thấy thế. Nhưng mình không để điều đó làm mình thay đổi quyết định”. Như Lori, hãy biết rõ bạn muốn gì. Hãy kiên định, và khi nói không thì phải là không.—Sau khi chia tay
Đừng ngạc nhiên nếu cõi lòng bạn tan nát sau khi chia tay. Có thể bạn còn cảm thấy như người viết Thi thiên: “Con đây ưu phiền, vô cùng chán nản, suốt cả ngày dài buồn bã lang thang” (Thi thiên 38:6). Một số người bạn thật lòng quan tâm có lẽ khuyên bạn nối lại tình xưa. Nhưng hãy thận trọng! Bạn mới là người phải lãnh hậu quả, chứ không phải họ. Do đó, hãy giữ vững lập trường, dù có lẽ bạn đang đau buồn về chuyện đã qua.
Hãy tin chắc rằng nỗi đau nào rồi cũng nguôi ngoai. Ngoài ra, để chống chọi với nỗi buồn, hãy thử những cách sau:
Dốc đổ nỗi lòng với một người bạn đáng tin cậy b (Châm ngôn 15:22). Cầu nguyện với Đức Giê-hô-va (Thi thiên 55:22). Tiếp tục bận rộn (1 Cô-rinh-tô 15:58). Đừng tự cô lập bản thân (Châm ngôn 18:1). Hãy chơi với những người có thể khích lệ mình. Cố gắng nghĩ đến những điều tích cực.—Phi-líp 4:8.
Với thời gian, hẳn bạn sẽ quen với một người mới. Chắc chắn lúc đó bạn đã có cái nhìn thăng bằng hơn. Biết đâu bạn sẽ thấy người ấy đúng là đối tượng phù hợp với mình!
XEM THÊM VỀ ĐỀ TÀI NÀY TRONG TẬP 1, CHƯƠNG 31
Trong thời gian hẹn hò, đâu là giới hạn khi biểu lộ sự trìu mến?
[Chú thích]
a Để hiểu thêm về chính mình, hãy xem những câu hỏi nơi Chương 1, dưới tiểu đề “Bạn đã sẵn sàng để kết hôn chưa?”.
b Cha mẹ hoặc những người trưởng thành khác, chẳng hạn như trưởng lão, có thể giúp bạn. Có lẽ bạn sẽ khám phá ra rằng chính họ cũng từng trải qua nỗi đau tương tự vào thời trẻ.
CÂU KINH THÁNH THEN CHỐT
“Ngay cả đứa trẻ cũng bộc lộ mình qua hành động, cho thấy hạnh kiểm nó có trong sạch, ngay thẳng không”.—Châm ngôn 20:11.
MẸO
Một số hoạt động có thể giúp hai người hiểu thêm về tính cách của nhau:
● Cùng học Lời Đức Chúa Trời.
● Quan sát cách người kia tham gia nhóm họp và thi hành thánh chức.
● Cùng làm sạch sẽ Phòng Nước Trời và tham gia các dự án xây cất.
BẠN CÓ BIẾT...?
Các cuộc nghiên cứu nhiều lần cho thấy là hôn nhân giữa hai người khác tôn giáo thì dễ dẫn đến ly dị hơn.
KẾ HOẠCH HÀNH ĐỘNG!
Nếu phải lòng một người không tin đạo, mình sẽ ․․․․․
Để biết đối phương có tiếng là người thế nào, mình có thể ․․․․․
Về đề tài này, điều mình muốn hỏi cha mẹ là: ․․․․․
BẠN NGHĨ SAO?
● Những đức tính nào của bạn có thể giúp cho hôn nhân?
● Bạn nghĩ người hôn phối tương lai cần có những đức tính nào?
● Nếu bạn kết hôn với người không cùng đức tin, những vấn đề nào có thể nảy sinh?
● Để biết về tính cách, hạnh kiểm và danh tiếng của đối phương, bạn có thể làm gì?
[Câu nổi bật nơi trang 37]
“Cách người ấy đối xử với gia đình chính là cách người ấy đối xử với bạn sau này”.—Tín
[Khung nơi trang 34]
“Chớ mang ách chung”
“Chớ mang ách chung với người không tin đạo”. Hẳn là bạn hiểu nguyên tắc này nơi 2 Cô-rinh-tô 6:14. Dù vậy, có thể bạn vẫn nảy sinh tình cảm với một người không tin đạo. Vì sao? Đôi lúc, đó chỉ là sự hấp dẫn giữa hai người khác phái. Một bạn nam tên Mark cho biết: “Mình luôn thấy cô ấy ở lớp thể dục. Mỗi lần gặp là cô ấy lại chủ động bắt chuyện với mình. Cho nên tình bạn của chúng mình mới bắt đầu nảy nở”.
Nếu bạn biết rõ bản thân và tin chắc vào tiêu chuẩn mình đang sống theo, nếu chín chắn và không bị cảm xúc lấn át, bạn sẽ biết mình nên làm gì. Thật vậy, cho dù người kia có thu hút, dễ mến hay đạo đức đến đâu thì cũng sẽ không giúp bạn xây đắp tình bạn với Đức Giê-hô-va.—Gia-cơ 4:4.
Dĩ nhiên, nếu đã nảy sinh tình cảm thì kết thúc không hề dễ dàng. Đó là điều mà bạn nữ tên Cindy đã trải qua. Bạn ấy kể: “Ngày nào mình cũng khóc. Mình nhớ anh ấy da diết, ngay cả khi đang nhóm họp. Mình yêu anh đến nỗi nghĩ rằng thà chết còn hơn mất anh”. Dù vậy, không lâu sau đó, Cindy thấy lời mẹ khuyên về chuyện hẹn hò của mình quả là chí lý. Bạn ấy nói: “Thật tốt là mình đã chia tay. Mình tin chắc là Đức Giê-hô-va sẽ ban cho những điều mình cần”.
Bạn có cùng hoàn cảnh với Cindy không? Nếu vậy, bạn không phải đương đầu một mình! Bạn có thể tâm sự với cha mẹ. Đó là điều mà Jim đã làm khi “say nắng” một bạn nữ cùng lớp. Bạn ấy chia sẻ: “Cuối cùng mình cũng nhờ ba mẹ giúp đỡ. Đó là bí quyết giúp mình vượt qua”. Các trưởng lão cũng có thể giúp bạn. Đừng ngại nói với họ về những gì bạn đang trải qua.—Ê-sai 32:1, 2.
[Khung/Hình nơi trang 39]
Trắc nghiệm
Anh ấy sẽ là người chồng tốt không?
Điểm cơ bản
□ Nếu được giao quyền hạn, anh ấy dùng quyền đó ra sao?—Ma-thi-ơ 20:25, 26.
□ Anh ấy có những mục tiêu nào?—1 Ti-mô-thê 4:15.
□ Anh ấy có đang cố gắng đạt được những mục tiêu đó không?—1 Cô-rinh-tô 9:26, 27.
□ Anh ấy đối xử ra sao với gia đình?—Xuất Ai Cập 20:12.
□ Bạn anh ấy là người thế nào?—Châm ngôn 13:20.
□ Anh ấy thường nói về điều gì?—Lu-ca 6:45.
□ Anh ấy có quan điểm nào về tiền bạc?—Hê-bơ-rơ 13:5, 6.
□ Anh ấy thích những trò giải trí nào?—Thi thiên 97:10.
□ Anh ấy biểu lộ lòng yêu mến Đức Giê-hô-va ra sao?—1 Giăng 5:3.
Điểm đáng quý
□ Anh ấy có siêng năng không?—Châm ngôn 6:9-11.
□ Anh ấy có biết cách quản lý tiền bạc không?—Lu-ca 14:28.
□ Anh ấy có tiếng tốt không?—Công vụ 16:1, 2.
□ Anh ấy có quan tâm đến người khác không?—Phi-líp 2:4.
Dấu hiệu nguy hiểm
□ Anh ấy có dễ nổi nóng không?—Châm ngôn 22:24.
□ Anh ấy có lôi kéo bạn làm chuyện thiếu đứng đắn không?—Ga-la-ti 5:19.
□ Anh ấy có lăng mạ hay bạo hành người khác không?—Ê-phê-sô 4:31.
□ Anh ấy có vấn đề liên quan tới rượu bia không?—Châm ngôn 20:1.
□ Anh ấy có ghen tuông và ích kỷ không?—1 Cô-rinh-tô 13:4, 5.
[Khung/Hình nơi trang 40]
Trắc nghiệm
Cô ấy sẽ là người vợ tốt không?
Điểm cơ bản
□ Cô ấy thể hiện tinh thần vâng phục như thế nào trong gia đình và hội thánh?—Ê-phê-sô 5:21, 22.
□ Cô ấy đối xử ra sao với gia đình?—Xuất Ai Cập 20:12.
□ Bạn cô ấy là người thế nào?—Châm ngôn 13:20.
□ Cô ấy thường nói về điều gì?—Lu-ca 6:45.
□ Cô ấy có quan điểm nào về tiền bạc?—1 Giăng 2:15-17.
□ Cô ấy có những mục tiêu nào?—1 Ti-mô-thê 4:15.
□ Cô ấy có đang cố gắng đạt được những mục tiêu đó không?—1 Cô-rinh-tô 9:26, 27.
□ Cô ấy thích những trò giải trí nào?—Thi thiên 97:10.
□ Cô ấy biểu lộ lòng yêu mến Đức Giê-hô-va ra sao?—1 Giăng 5:3.
Điểm đáng quý
□ Cô ấy có siêng năng không?—Châm ngôn 31:17, 19, 21, 22, 27.
□ Cô ấy có biết cách quản lý tiền bạc không?—Châm ngôn 31:16, 18.
□ Cô ấy có tiếng tốt không?—Ru-tơ 3:11.
□ Cô ấy có quan tâm đến người khác không?—Châm ngôn 31:20.
Dấu hiệu nguy hiểm
□ Cô ấy có hay gây gổ với người khác không?—Châm ngôn 21:19.
□ Cô ấy có lôi kéo bạn làm chuyện thiếu đứng đắn không?—Ga-la-ti 5:19.
□ Cô ấy có lăng mạ hay bạo hành người khác không?—Ê-phê-sô 4:31.
□ Cô ấy có vấn đề liên quan tới rượu bia không?—Châm ngôn 20:1.
□ Cô ấy có ghen tuông và ích kỷ không?—1 Cô-rinh-tô 13:4, 5.
[Hình nơi trang 30]
Không phải đôi giày nào cũng vừa với bạn. Tương tự, không phải ai cũng là đối tượng phù hợp
[Hình nơi trang 31]
Khi chọn xe, chẳng phải điều quan trọng là không chỉ nhìn bề ngoài sao? Vậy thì chọn bạn đời còn quan trọng hơn nhiều!