Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Kẻ thù của sự sống đời đời

Kẻ thù của sự sống đời đời

Chương 2

Kẻ thù của sự sống đời đời

1. Vì lẽ hiếm có hòa bình và hạnh phúc, chúng ta có những câu hỏi nào?

HẦU HẾT mọi người đều muốn được sống hạnh phúc trên đất. Vậy thì tại sao lại có nhiều kẻ khổ như thế? Có điều gì không ổn chăng? Vì lẽ hầu hết mọi người đều muốn hòa bình, tại sao các quốc gia tranh chiến với nhau và người ta ghen ghét lẫn nhau? Liệu có một tiềm lực nào thúc đẩy họ làm điều ác không? Liệu các quốc gia có chịu cùng một ảnh hưởng từ một quyền lực vô hình nào đó không?

2. Những tội ác nào trong lịch sử khiến cho nhiều người tự hỏi không biết có một quyền lực vô hình hung ác nào đang điều khiển nhân loại?

2 Nhiều người đã tự đặt những câu hỏi ấy khi họ xem xét sự tàn ác khủng khiếp của nhân loại: nào là những hơi độc kinh khủng đã được tung ra trong các trận chiến để làm chết ngộp và chết bỏng kẻ thù, nào là các bom săng đặc (napalm) và bom nguyên tử. Bạn cũng thử nghĩ đến những súng xịt lửa, những trại tập trung, sự tàn sát tập thể hàng triệu người cô thế, chẳng hạn như ở Kam-pu-chia trong những năm gần đây. Bạn có nghĩ rằng những việc hung ác đó chỉ vì tình cờ mà xảy đến không? Dẫu cho con người tự mình có thể làm những điều khủng khiếp, song khi bạn xem xét những hành vi vô cùng gian ác của loài người, bạn có tự hỏi không hiểu có một quyền lực vô hình hung ác nào xúi giục con người làm thế không?

3. Kinh-thánh nói gì về sự cai trị thế gian?

3 Ta không cần phải đoán mò. Kinh-thánh chỉ cho thấy rõ rằng một tạo vật thông minh vô hình đang kiểm soát con người và các quốc gia. Trong Kinh-thánh, Giê-su Christ gọi kẻ có quyền lực đó là “vua-chúa của thế-gian này” (Giăng 12:31; 14:30; 16:11). Hắn là ai thế?

4. Ma-quỉ đã chỉ cho Giê-su điều gì và đã đề nghị với ngài điều gì?

4 Để biết nhân vật này là ai, bạn hãy nghĩ đến điều gì đã xảy ra khi Giê-su bắt đầu làm thánh chức trên đất. Kinh-thánh nói cho chúng ta biết rằng sau khi Giê-su làm phép báp têm, ngài đi vào đồng vắng, nơi đó ngài chịu sự cám dỗ của một tạo vật vô hình được gọi là Sa-tan Ma-quỉ. Một phần của sự cám dỗ đó đã được miêu tả như sau: “Ma-quỉ lại đem ngài lên trên núi rất cao, chỉ cho ngài các nước thế-gian, cùng sự vinh-hiển các nước ấy, mà nói rằng: Ví bằng ngươi sấp mình trước mặt ta mà thờ-lạy, thì ta sẽ cho ngươi hết thảy mọi sự này” (Ma-thi-ơ 4:8, 9).

5. a) Điều gì chứng tỏ rằng tất cả các chính phủ trên thế gian thuộc về Ma-quỉ? b) Theo Kinh-thánh, ai là “chúa đời này”?

5 Bạn hãy tưởng tượng đến điều mà Ma-quỉ đã đề nghị cho Giê-su Christ: “hết thảy các nước thế-gian”! Tất cả các chính phủ thế gian đó có thật sự thuộc về Ma-quỉ không? Có chứ, vì nếu không thì làm sao hắn đã có thể đề nghị giao các nước đó cho Giê-su được? Giê-su đã không phủ nhận rằng các nước đó thuộc về Sa-tan, nếu không thì ngài đã cải chính rồi. Vậy Sa-tan quả là vua chúa vô hình của tất cả các nước trên thế gian này. Kinh-thánh nói một cách tỏ tường như sau: “Cả thế-gian đều phục dưới quyền ma-quỉ” (I Giăng 5:19). Thật thế, Lời của Đức Chúa Trời gọi Sa-tan là “chúa đời này” (II Cô-rinh-tô 4:4).

6. a) Các chi tiết liên quan đến sự cai trị của Sa-tan giúp ta hiểu được điều gì? b) Sa-tan có ý định làm gì với chúng ta, do đó chúng ta cần phải làm gì?

6 Nhưng điều này giúp chúng ta hiểu tại sao Giê-su đã nói rằng: “Nước của ta chẳng phải thuộc về thế-gian này” (Giăng 18:36). Điều ấy cũng giúp chúng ta hiểu tại sao các nước thù ghét lẫn nhau và tìm cách tiêu trừ lẫn nhau trong khi niềm mong muốn của người bình thường là được sống trong hòa bình. Vâng, “Sa-tan dỗ-dành cả thiên-hạ” (Khải-huyền 12:9). Hắn cũng muốn dỗ dành chúng ta nữa. Hắn không muốn chúng ta nhận lãnh sự sống đời đời từ Đức Chúa Trời bởi thế chúng ta phải phấn đấu chống lại ảnh hưởng của hắn, để khỏi bị hắn xúi giục làm điều xằng bậy (Ê-phê-sô 6:12). Chúng ta cần phải biết rõ Sa-tan cùng cách hành động của hắn, ngõ hầu có thể kháng cự lại được những nỗ lực của hắn nhằm đánh lừa chúng ta.

MA-QUỈ LÀ AI?

7. Tại sao chúng ta không thể thấy Ma-quỉ được?

7 Sa-tan Ma-quỉ là một kẻ có thật. Hắn không phải chỉ là sự ác tiềm tàng trong lòng người, như một số người lầm tưởng. Dĩ nhiên là người ta không thể thấy Ma-quỉ được, cũng như không ai thấy Đức Chúa Trời được. Cả Đức Chúa Trời lẫn Ma-quỉ đều là thần linh, những hình thể sống cao siêu hơn loài người và mắt của chúng ta không thể nào thấy được (Giăng 4:24).

8. Tại sao nhiều người tin rằng Đức Chúa Trời đã tạo ra Ma-quỉ?

8 Một vài người có thể hỏi: Nhưng nếu Đức Chúa Trời là yêu thương, thì tại sao Ngài lại tạo ra Ma-quỉ vậy? (I Giăng 4:8). Sự thật là Đức Chúa Trời đã không tạo ra Ma-quỉ. Người ta có thể nói: Nhưng nếu Đức Chúa Trời đã tạo ra hết thảy mọi người, tất Ngài cũng đã tạo ra Ma-quỉ chứ? Nếu không thì ai đã tạo ra hắn đây? Ma-quỉ từ đâu mà đến vậy?

9. a) Những thiên sứ là tạo vật như thế nào? b) Các từ ngữ “ma-quỉ” và “sa-tan” có nghĩa gì?

9 Kinh-thánh giải thích rằng Đức Chúa Trời đã tạo ra rất nhiều tạo vật thần linh giống như Ngài. Trong Kinh-thánh những tạo vật thần linh này được gọi là thiên sứ. Họ cũng được gọi là “con trai Đức Chúa Trời” (Gióp 38:7; Thi-thiên 104:4; Hê-bơ-rơ 1:7, 13, 14). Đức Chúa Trời đã tạo ra họ hết thảy đều hoàn toàn. Không một ai trong họ là ma-quỉ hay sa-tan cả. Từ ngữ “ma-quỉ” có nghĩa là kẻ vu khống và từ ngữ “sa-tan” có nghĩa là kẻ chống đối.

10. a) Ai đã làm ra Sa-tan Ma-quỉ? b) Làm thế nào một người hiền lương có thể tự biến thành một kẻ phạm tội ác?

10 Dầu vậy, một ngày kia một trong những người con có thể thần linh này của Đức Chúa Trời đã tự mình biến thành Ma-quỉ, tức là một kẻ nói dối có lòng ghen ghét đi nói xấu về người khác. Hắn cũng đã tự biến thành Sa-tan, tức là một kẻ chống đối Đức Chúa Trời. Hắn đã không được tạo ra như vậy, song sau đó đã trở thành hạng người như thế. Để ví dụ: Một người ăn trộm lúc sanh ra không phải là kẻ trộm. Y có thể xuất thân từ một gia đình có tiếng tốt, có cha mẹ lương thiện và anh chị em tôn trọng luật pháp. Song chính vì ham tiền mà y lại trở thành một kẻ trộm cắp. Vậy thì bằng cách nào một trong các người con có thể thần linh của Đức Chúa Trời lại tự biến thành Sa-tan Ma-quỉ?

11. a) Một thiên sứ phản nghịch đã biết đến ý định nào của Đức Chúa Trời? b) Thiên sứ này đã có ước muốn nào, và điều này đã đưa hắn đến hành động nào?

11 Thiên sứ mà sau này trở thành Ma-quỉ đã có mặt lúc Đức Chúa Trời tạo ra trái đất và sau đó cặp vợ chồng đầu tiên là A-đam và Ê-va (Gióp 38:4, 7). Như thế thì hắn tất có nghe Đức Chúa Trời phán rằng họ phải sanh sản con cái (Sáng-thế Ký 1:27, 28). Hắn biết rằng với thời gian cả trái đất sẽ đầy dẫy những người công bình thờ phượng Đức Chúa Trời. Đó là ý định của Đức Chúa Trời. Tuy nhiên, thiên sứ này đã tự cho rằng hắn đẹp đẽ và thông minh, hắn muốn người ta thờ phượng hắn thay vì thờ phượng Đức Chúa Trời (Ê-xê-chi-ên 28:13-15; Ma-thi-ơ 4:10). Đáng lẽ phải xua đuổi ước muốn xấu đó ra khỏi tâm trí thì hắn cứ nghiền ngẫm mãi ý tưởng ấy. Việc này đã thúc đẩy hắn hành động để đạt được điều hắn mong muốn, ấy là được tôn vinh và trọng vọng. Hắn đã làm gì? (Gia-cơ 1:14, 15).

12. a) Thiên sứ này nói chuyện với Ê-va bằng cách nào và hắn nói gì với nàng? b) Thiên sứ này đã trở thành Sa-tan Ma-quỉ như thế nào? c) Người ta hay có quan điểm sai lầm nào về hình dạng của Ma-quỉ?

12 Thiên sứ phản nghịch đã dùng một con rắn thấp hèn để nói chuyện với người đàn bà đầu tiên là Ê-va. Hắn đã làm điều này giống như là một người có tài nói không mở miệng, khiến người ta lầm tưởng rằng một con thú hay một hình nộm ở gần đấy đã nói. Song chính thiên sứ phản nghịch này, mà Kinh-thánh gọi là “con rắn xưa”, đã thật sự nói chuyện cùng Ê-va (Khải-huyền 12:9). Hắn nói rằng Đức Chúa Trời đã không nói sự thật với nàng, và Ngài đã ngăn cản nàng biết đến điều mà nàng có quyền biết (Sáng-thế Ký 3:1-5). Đây là một sự nói dối bỉ ổi đã khiến hắn trở thành một tên ma-quỉ. Hắn cũng trở thành một kẻ chống đối Đức Chúa Trời, tức một Sa-tan. Như bạn có thể thấy, Ma-quỉ không phải là một tạo vật có sừng, tay cầm chĩa ba đi tuần hành ở một nơi hành tội nào đó ở dưới “địa-ngục” như người ta lầm tưởng. Hắn thật ra là một thiên sứ đầy quyền năng, nhưng lại hung ác.

NGUYÊN NHÂN CỦA NHỮNG KHỐN KHỔ TRÊN THẾ GIAN

13. a) Ê-va đã phản ứng thế nào trước lời nói dối của Ma-quỉ? b) Ma-quỉ đã hô hào những điều gì?

13 Lời nói dối của Ma-quỉ đã đạt đến kết quả mà hắn mong muốn. Ê-va tin hắn và cãi lời Đức Chúa Trời. Đoạn nàng cũng lôi kéo được chồng nàng vi phạm luật pháp của Đức Chúa Trời nữa (Sáng-thế Ký 3:6). Ma-quỉ hô hào rằng con người có thể sống tự lập không cần đến Đức Chúa Trời. Hắn cho rằng con người có thể tự cai trị lấy, không cần được Đức Chúa Trời giúp đỡ. Ngoài ra, Ma-quỉ cũng khoác lác rằng hắn có thể khiến cho tất cả các con cháu của A-đam và Ê-va lìa xa Đức Chúa Trời.

14. Tại sao Đức Chúa Trời đã không tiêu diệt Sa-tan ngay lập tức?

14 Dĩ nhiên là Đức Chúa Trời đã có thể tiêu diệt Sa-tan ngay lập tức. Song làm thế sẽ không giải quyết ổn thỏa được những nghi vấn mà Sa-tan đã nêu lên, những nghi vấn này có thể làm cho các thiên sứ khác đang chứng kiến mọi sự phải phân vân thắc mắc. Vì thế Đức Chúa Trời đã cho phép Sa-tan có thì giờ để chứng minh những điều mà hắn đã hô hào. Kết quả là gì?

15, 16. a) Thời gian trôi qua đã chứng minh điều gì về những lời hô hào của Ma-quỉ? b) Biến cố nào sắp xảy đến rồi?

15 Thời gian trôi qua đã chứng minh rằng nhân loại không thể nào tự cai trị lấy với kết quả tốt mà không cần đến sự giúp đỡ của Đức Chúa Trời. Những cố gắng của họ đã hoàn toàn thất bại. Loài người đã sống cực kỳ khổ sở dưới ách đô hộ của các chính phủ loài người mà theo Kinh-thánh cho biết là do Ma-quỉ giựt dây. Thời hạn mà Đức Chúa Trời đã cho phép cũng cho thấy rõ ràng là Sa-tan không thể nào làm cho tất cả mọi người từ bỏ sự thờ phượng Đức Chúa Trời. Luôn luôn có một số người trung thành với sự cai trị của Đức Chúa Trời. Ví dụ bạn có thể đọc trong Kinh-thánh rằng Sa-tan đã hoài công trong việc toan lôi cuốn Gióp thôi phụng sự Đức Chúa Trời (Gióp 1:6-12).

16 Như vậy thì những lời hô hào của Ma-quỉ đã chứng tỏ là sai lầm. Chắc chắn là hắn đáng bị tiêu diệt vì đã mở đường cho sự phản nghịch chống lại Đức Chúa Trời. Đáng mừng thay, chúng ta đang ở vào thời kỳ mà Đức Chúa Trời sẽ chấm dứt sự đô hộ của Sa-tan. Khi tả giai đoạn đầu của sự hủy diệt này, Kinh-thánh nói đến một trận chiến tranh quyết liệt xảy ra trên trời mà con người ở dưới đất không hề hay biết. Bạn hãy đọc cẩn thận lời tường thuật sau đây trong Kinh-thánh:

17. a) Kinh-thánh miêu tả cuộc chiến đấu ở trên trời ra sao? b) Cuộc chiến đấu đó có hậu quả gì đối với những ai ở trên trời, và những người ở dưới đất?

17 “Bấy giờ có một cuộc chiến-đấu trên trời: Mi-chen và các sứ người tranh-chiến cùng con rồng, rồng cũng cùng các sứ mình tranh-chiến lại, song chúng nó không thắng, và chẳng còn thấy nơi chúng nó ở trên trời nữa. Con rồng lớn đó bị quăng xuống, tức là con rắn xưa, gọi là Ma-quỉ và Sa-tan, dỗ-dành cả thiên-hạ, nó đã bị quăng xuống đất, các sứ nó cũng bị quăng xuống với nó. Bởi vậy, hỡi các từng trời và các đấng ở đó, hãy vui mừng đi. Khốn nạn cho đất và biển vì ma-quỉ biết thì-giờ mình còn chẳng bao nhiêu, nên giận hoảng mà đến cùng các ngươi” (Khải-huyền 12:7-9, 12).

18. a) Chiến tranh trên trời đã xảy ra khi nào? b) Điều gì đã xảy ra trên đất từ khi Sa-tan bị “quăng xuống đất”?

18 Khi nào trận chiến tranh ấy đã diễn ra ở trên trời? Những bằng cớ chứng tỏ rằng việc đó đã xảy ra vào thời Thế chiến thứ nhứt vốn bắt đầu vào năm 1914. Sách Khải-huyền cho thấy là vào thời đó Sa-tan đã bị đuổi ra khỏi các từng trời, điều này có nghĩa là kể từ lúc đó chúng ta đang sống trong khoảng “thì-giờ còn chẳng bao nhiêu” dành cho hắn. Như vậy, đây là những “ngày sau-rốt” của thế gian lệ thuộc Sa-tan. Việc tội ác gia tăng, sự sợ hãi, chiến tranh, đói kém, bệnh tật, cùng những tình trạng đau thương khác hiện đang có là bằng chứng của sự việc này (Ma-thi-ơ 24:3-12; II Ti-mô-thê 3:1-5).

19. a) Giờ đây Sa-tan đang gắng sức làm điều gì? b) Chúng ta nên khôn ngoan làm điều gì?

19 Vì Sa-tan biết rằng “thì-giờ mình còn chẳng bao nhiêu”, nên hắn càng gắng sức hơn bao giờ hết tìm cách ngăn cản người ta thờ phượng Đức Chúa Trời. Hắn muốn lôi kéo càng nhiều người càng tốt vào chỗ chết cùng với hắn. Kinh-thánh có lý khi tả hắn như một con sư tử rống đang tìm cách nuốt sống một người nào (I Phi-e-rơ 5:8, 9). Nếu chúng ta không muốn bị nó vồ lấy, chúng ta phải học biết các cách hắn dùng để tấn công và các thủ đoạn hắn dùng để lừa dối thiên hạ (II Cô-rinh-tô 2:11).

SA-TAN LỪA DỐI THIÊN HẠ THẾ NÀO?

20. a) Những cuộc tấn công của Sa-tan đã có những thành quả như thế nào? b) Tại sao chúng ta không nên lấy làm lạ khi những thủ đoạn của Sa-tan thường có vẻ vô hại và thậm chí có vẻ hữu ích nữa?

20 Bạn chớ tưởng là lúc nào cũng dễ nhận ra những phương pháp mà Sa-tan dùng để lôi kéo người ta theo hắn. Hắn rất là quỷ quyệt khéo tài phỉnh gạt. Qua hàng ngàn năm những phương pháp của hắn đã trở nên tinh xảo đến đỗi ngày nay nhiều người không tin rằng hắn hiện hữu. Đối với họ, sự gian ác và điều xấu chẳng qua chỉ là những tình trạng thông thường sẽ còn mãi mãi. Sa-tan hành động y như là nhiều kẻ cầm đầu bọn bất lương ngày nay, bề ngoài có vẻ đáng kính trọng, song thật ra trong bóng tối lại làm những chuyện hết sức gian ác. Kinh-thánh giải thích như sau: “Chính quỉ Sa-tan mạo làm thiên-sứ sáng láng” (II Cô-rinh-tô 11:14). Vì lẽ đó chúng ta không nên lấy làm lạ khi những thủ đoạn của hắn bề ngoài có vẻ vô hại, thậm chí có vẻ hữu ích nữa.

21. Một trong những thủ đoạn mà Sa-tan đã dùng là gì?

21 Bạn hãy nhớ rằng Sa-tan giả bộ làm như một người bạn của Ê-va. Đoạn hắn dùng mưu kế để khiến nàng làm điều mà nàng lầm tưởng là có lợi (Sáng-thế Ký 3:4-6). Ngày nay cũng vậy. Chẳng hạn như là qua trung gian của những người đại diện của hắn, Sa-tan đang quỷ quyệt khuyến khích người ta đặt quyền lợi của các chính phủ loài người lên trên sự thờ phượng Đức Chúa Trời. Việc này đã sinh ra chủ nghĩa quốc gia là nguyên nhân gây ra nhiều chiến tranh khủng khiếp. Trong các năm gần đây Sa-tan đã thúc đẩy nhân loại đưa ra nhiều đồ án khác nhau nhằm đạt đến hòa bình và an ninh. Một trong những đồ án này là Liên-hiệp-quốc. Song tổ chức này có đưa đến một thế giới hòa bình không? Không chút nào! Đúng hơn, trên thực tế tổ chức này đã khiến người ta không chú ý đến sự sắp đặt của Đức Chúa Trời để mang lại hòa bình cho nhân loại qua trung gian của nước trời nay sắp đến, dưới quyền cai trị của Giê-su Christ, “Chúa Bình-an” (Ê-sai 9:5; Ma-thi-ơ 6:9, 10).

22. Sa-tan không muốn cho chúng ta thâu thập sự hiểu biết nào?

22 Nếu chúng ta muốn nhận lấy sự sống đời đời, chúng ta cần phải hiểu biết cặn kẽ về Đức Chúa Trời, về Con của Ngài đã được phong làm Vua và về nước Ngài (Giăng 17:3). Bạn có thể tin chắc rằng Sa-tan Ma-quỉ không muốn cho bạn thâu thập được sự hiểu biết ấy, và hắn sẽ làm hết sức mình để ngăn cản bạn làm điều đó. Hắn sẽ làm thế nào? Một trong những cách mà hắn dùng là làm sao cho bạn gặp phải sự chống đối, có lẽ dưới hình thức sự chế nhạo. Kinh-thánh có nói như sau: “Hết thảy mọi người muốn sống cách nhơn-đức trong Đức Chúa Giê-su Christ thì sẽ bị bắt-bớ” (II Ti-mô-thê 3:12).

23. a) Sa-tan có thể dùng đến ngay cả bạn bè và thân quyến để làm chúng ta thối chí như thế nào? b) Tại sao bạn không bao giờ nên thối lui trước sự chống đối?

23 Có lẽ ngay đến các bạn bè hoặc thân nhân của bạn sẽ nói với bạn rằng họ không thích thấy bạn xem xét Kinh-thánh. Chính Giê-su đã từng báo trước rằng: “Và người ta sẽ có kẻ thù-nghịch là người nhà mình. Ai yêu cha mẹ hơn ta thì không đáng cho ta, ai yêu con trai hay là con gái hơn ta thì cũng không đáng cho ta” (Ma-thi-ơ 10:36, 37). Có lẽ những thân nhân của bạn vì thành ý mà tìm cách làm bạn thối chí bởi vì họ không biết những lẽ thật tuyệt vời của Kinh-thánh. Song nếu bạn bỏ học Kinh-thánh là Lời của Đức Chúa Trời vì sự chống đối ấy thì Đức Chúa Trời sẽ xem bạn ra sao? Vả lại, nếu bạn bỏ học Kinh-thánh thì làm sao bạn có thể giúp đỡ bạn bè và thân quyến của bạn hiểu được rằng sự hiểu biết chính xác về Kinh-thánh là vấn đề sanh tử? Trái lại, nếu bạn cứ tiếp tục noi theo những điều bạn đã học được từ Lời của Đức Chúa Trời, thì có lẽ với thời gian điều này sẽ khiến họ cũng muốn học hỏi lẽ thật nữa.

24. a) Ma-quỉ có thể dùng những cách nào khác để ngăn cản người ta thâu thập sự hiểu biết dẫn đến sự sống? b) Theo bạn nghĩ thì việc học hỏi Lời của Đức Chúa Trời có tầm quan trọng nào?

24 Mặt khác, Sa-tan có thể tìm cách cám dỗ bạn để làm bạn phạm những điều vô luân, không làm đẹp lòng Đức Chúa Trời (I Cô-rinh-tô 6:9-11). Hay là hắn có thể khiến bạn tưởng rằng mình quá bận rộn không có thì giờ học hỏi Kinh-thánh. Song nếu bạn suy nghĩ kỹ thì có điều gì quan trọng hơn là việc thâu thập sự hiểu biết này không? Vậy thì bạn chớ nên để cho bất cứ điều gì ngăn cản bạn đạt được sự hiểu biết này có thể mang đến cho bạn sự sống đời đời trong địa-đàng trên đất!

25. Nếu chúng ta cứ tiếp tục chống cự lại Ma-quỉ, thì hắn sẽ không làm gì được?

25 Kinh-thánh khuyên nhủ: “Hãy chống-trả Ma-quỉ”. Nếu bạn làm điều đó, “thì nó sẽ lánh xa” (Gia-cơ 4:7). Có phải điều này có nghĩa là nếu bạn chống lại sự tấn công của Sa-tan thì hắn sẽ bỏ cuộc mà không còn khuấy rối bạn nữa không? Không đâu, hắn sẽ cứ dai dẳng tiếp tục tìm cách xúi giục bạn làm theo ý hắn. Song nếu bạn cứ tiếp tục chống cự lại hắn, hắn sẽ không bao giờ có thể khiến bạn theo con đường nghịch lại cùng Đức Chúa Trời. Vậy thì bạn hãy cần mẫn chăm lo tìm kiếm sự hiểu biết hết sức là quan trọng về Kinh-thánh cùng thực hành điều gì bạn học được. Điều này là tối cần thiết để giúp bạn khỏi bị đánh lừa bởi một phương pháp khác của Sa-tan nhằm lường gạt thiên hạ: đó là tôn giáo giả.

[Câu hỏi thảo luận]

[Hình nơi trang 16, 17]

Sa-tan có thể nào đề nghị cho Giê-su tất cả các chính phủ thế gian nếu các thứ ấy không thuộc về hắn không?

[Hình nơi trang 19]

Kẻ trộm này lúc sinh ra không phải là một kẻ trộm, Ma-quỉ cũng thế, khi được tạo ra hắn không phải là một “ma-quỉ”.

[Hình nơi trang 20, 21]

Chiến tranh trên trời kết thúc khi Sa-tan và các quỉ sứ bị quăng xuống đất. Bạn đang gánh chịu hậu quả của việc đó.

[Hình nơi trang 24]

Có lẽ người ta sẽ chống đối việc bạn tiếp tục học hỏi Kinh-thánh.