Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

ANH DAYRELL SHARP | CÂU CHUYỆN CUỘC ĐỜI

Nhờ sức Đức Chúa Trời, chúng tôi không thoái lui

Nhờ sức Đức Chúa Trời, chúng tôi không thoái lui

“Để xem, em ấy không làm tới một tháng đâu!” Đó là điều mà một số anh trong hội thánh tôi đã nói khi tôi nộp đơn làm tiên phong kỳ nghỉ vào năm 1956. Lúc đó tôi được 16 tuổi. Tôi đã báp-têm bốn năm trước vì một anh mà tôi thích đã đề nghị tôi làm thế. Vào thời đó, các trưởng lão không đánh giá để xem một người có hội đủ điều kiện báp-têm không.

 Các anh có lý do chính đáng để nghi ngờ việc tôi có thể kiên trì làm tiên phong. Tôi không phải là người thiêng liêng tính. Tôi không thích rao giảng, và thường cầu nguyện cho trời mưa vào những ngày Chủ Nhật để không cần phải tham gia thánh chức. Nếu có tham gia, tôi chỉ mời nhận tạp chí mà không bao giờ dùng Kinh Thánh để rao giảng. Mẹ tôi phải “hối lộ” thì tôi mới đọc Kinh Thánh trong hội thánh. Tôi không phải là người siêng năng học và cũng không có mục tiêu thiêng liêng.

 Mùa hè năm ấy, có một hội nghị địa hạt (nay gọi là hội nghị vùng) ở Cardiff, Wales. Đó là lúc mà cuộc đời tôi hoàn toàn thay đổi. Một diễn giả đã nêu lên một số câu hỏi giúp lý luận. Anh hỏi những câu như thế này: “Các anh chị đã dâng mình và báp-têm chưa?”. Tôi thầm trả lời: “Rồi”. “Các anh chị có hứa phụng sự Đức Giê-hô-va hết lòng, hết mình, hết tâm trí và hết sức lực không?” “Có”. “Anh chị có vấn đề về sức khỏe hoặc trách nhiệm gia đình ngăn cản mình làm tiên phong không?” “Không”. “Có lý do nào mà anh chị không thể làm tiên phong không?” “Không”. “Nếu anh chị trả lời ‘không’ cho câu hỏi cuối thì tại sao anh chị chưa làm tiên phong?”

 Những câu hỏi đó khiến tôi bừng tỉnh. Tôi nghĩ: “Mình đang lãng phí cuộc đời. Mình chưa giữ lời hứa nguyện dâng mình và chưa hết lòng phụng sự Đức Giê-hô-va”. Tôi lý luận rằng nếu muốn Đức Giê-hô-va giữ lời hứa với mình, tôi nên giữ lời hứa với ngài. Vì thế vào tháng 10 năm 1956, tôi bắt đầu làm tiên phong kỳ nghỉ. Hiện nay chúng ta gọi đó là tiên phong phụ trợ.

Năm 1959, tôi được bổ nhiệm đến Aberdeen để làm tiên phong đặc biệt

 Năm sau, tôi trở thành tiên phong đều đều và chuyển đến một hội thánh có 19 người công bố. Kể từ khi đến đó, tôi được giao bài giảng mỗi tuần. Nhờ các anh kiên nhẫn giúp đỡ, tôi đã cải thiện về cả nội dung và cách trình bày bài giảng. Hai năm sau, vào năm 1959, tôi được bổ nhiệm làm tiên phong đặc biệt và nhận nhiệm sở ở Aberdeen, tận phía bắc của Scotland. Sau vài tháng, tôi được mời đến làm việc ở Bê-tên Luân Đôn. Tôi ở đó bảy năm và có đặc ân làm việc trong xưởng in.

 Dù rất thích đời sống ở Bê-tên nhưng tôi cũng có ước muốn được phụng sự trong công tác đặc biệt ngoài cánh đồng. Tôi còn trẻ, có sức khỏe và sẵn sàng để Đức Giê-hô-va dùng ở bất cứ nơi nào. Vì thế, vào tháng 4 năm 1965, tôi nộp đơn tham dự Trường Ga-la-át để được huấn luyện làm giáo sĩ.

 Năm đó, tôi và bạn cùng phòng quyết định đi Berlin, Đức, để tham dự hội nghị và tham quan Bức Tường Berlin đã được xây dựng vài năm trước đó.

 Trong hội nghị, có một ngày chúng tôi có cơ hội được tham gia thánh chức và tôi được sắp xếp để đi chung với chị Susanne Bandrock. Chúng tôi kết hôn vào năm 1966 và hai năm sau chúng tôi được mời tham dự khóa thứ 47 của Trường Ga-la-át. Đó quả là ân phước! Chúng tôi cảm thấy 5 tháng học ở trường qua rất nhanh. Nhiệm sở của chúng tôi là Zaire, nay gọi là Cộng hòa Dân chủ Congo. Chúng tôi bị sốc! Chúng tôi hầu như không biết gì về đất nước ấy. Dù e sợ nhưng chúng tôi vẫn nhận nhiệm sở và hoàn toàn tin cậy Đức Giê-hô-va.

Năm 1969, tôi và Susanne tốt nghiệp Trường Ga-la-át

 Sau nhiều giờ ở các sân bay và ngồi trên máy bay, chúng tôi đã đến thị trấn khai thác mỏ Kolwezi. Chúng tôi đã thắc mắc tại sao không có anh chị nào ra đón mình. Sau này, chúng tôi biết rằng các anh nhận được thư điện tín cho biết là chúng tôi sẽ đến hai ngày sau đó. Một nhân viên ở sân bay đến chỗ chúng tôi và nói gì đó trong tiếng Pháp, là ngôn ngữ mà chúng tôi chưa hiểu. Người phụ nữ đứng trước chúng tôi quay lại và thông dịch là: “Ông bà đã bị bắt”.

 Viên cảnh sát đến bắt chúng tôi đã trưng dụng một chiếc xe thể thao cũ, có động cơ ở phía sau và có hai chỗ ngồi. Bằng cách nào đó, viên cảnh sát, chủ xe và vợ chồng tôi nhét được vào chiếc xe ấy. Hẳn khung cảnh trông như trong phim hài. Chúng tôi lắc qua lắc lại trên con đường đầy ổ gà, còn cốp xe phía trước thì mở ra trông giống như miệng con cá đang nhai hành lý của chúng tôi.

 Chúng tôi được chở đến nhà giáo sĩ. Dù chúng tôi không biết nơi đó ở đâu nhưng viên cảnh sát thì biết. Không có ai ở nhà và cổng thì khóa, tất cả các giáo sĩ đều đi dự hội nghị quốc tế và nghỉ phép. Chúng tôi đứng dưới trời nắng gắt và không biết chuyện gì sẽ xảy ra. Cuối cùng thì một anh địa phương đã đến. Khi thấy chúng tôi, anh nở một nụ cười tươi và chúng tôi cảm thấy yên tâm hơn. Anh biết viên cảnh sát ấy, và hình như ông mong là chúng tôi sẽ cho ông tiền. Sau khi anh lý luận với ông một lúc thì ông bỏ đi. Chẳng bao lâu sau, chúng tôi ổn định chỗ ở.

Bên ngoài nhà giáo sĩ ở Zaire cùng với anh Nathan Knorr khi anh đến thăm vào năm 1971

Không phải là lúc để thoái lui

 Chúng tôi sớm nhận ra rằng mình ở giữa những người vui vẻ, đầy tình yêu thương và đã chịu đựng rất nhiều. Điều đáng buồn là sự bất ổn và bạo loạn đã khiến cho đất nước ấy chìm trong bạo lực suốt mười năm trước. Rồi vào năm 1971, Nhân Chứng Giê-hô-va không còn được chính thức công nhận. Chúng tôi không biết mình sẽ xoay xở như thế nào.

 Đây không phải là lúc để thoái lui trong sợ hãi. Có rất ít anh chị đã chùn bước dù họ bị áp lực nặng nề để thỏa hiệp lập trường trung lập bằng cách mang theo thẻ đảng và đeo huy hiệu đảng. Nếu không đeo huy hiệu ấy, họ sẽ không được sử dụng các dịch vụ của nhà nước và sẽ bị cảnh sát cũng như quân đội ngược đãi. Có nhiều anh bị mất việc và các em trẻ bị đuổi học. Hàng trăm anh bị tù. Đó là một khoảng thời gian khó khăn. Dù vậy, các Nhân Chứng ở đó vẫn tiếp tục can đảm chia sẻ tin mừng.

Chúng tôi cần tính chịu đựng

 Trong những năm ấy, vợ chồng tôi dành phần lớn thời gian để làm công việc vòng quanh và địa hạt ở khu vực nông thôn. Đời sống ở nông thôn có những khó khăn riêng và đôi khi là thách đố. Những ngôi nhà tranh nhỏ đến mức chỉ đủ chỗ để nằm. Không biết bao nhiêu lần, tôi đã bị đụng đầu khi đi qua những cửa nhỏ. Chúng tôi tắm bằng nước lấy từ sông suối. Ban đêm, chúng tôi đọc sách bên ngọn đèn cầy. Chúng tôi dùng than để nấu ăn. Nhưng đối với chúng tôi, đây là đời sống thực thụ của một giáo sĩ. Đó là lý do mà chúng tôi đã đến đây. Chúng tôi cảm thấy như mình đang ở tuyến đầu của các hoạt động thần quyền.

 Khi sống với các gia đình Nhân Chứng địa phương, chúng tôi học quý trọng những điều mà mình dễ xem là bình thường như thức ăn, nước, áo mặc và chỗ ở (1 Ti-mô-thê 6:8). Còn những thứ khác là phần thưởng. Hiện nay, chúng tôi vẫn sống theo nguyên tắc cơ bản ấy.

 Dù chúng tôi chưa bao giờ đương đầu với những khó khăn như sứ đồ Phao-lô, nhưng đôi khi những chuyến đi ấy thử thách đức tin và động lực của chúng tôi. Chúng tôi phải đi trên những con đường rất xấu hoặc những con đường mà không thể gọi là đường. Khi đi trên những con đường đá, chúng tôi bị lắc lư kinh khủng. Đôi khi xe của chúng tôi bị lún sâu trong cát. Vào mùa mưa, xe của chúng tôi bị lún dưới bùn, mà bùn ấy thì dính như keo. Vào một ngày nọ, chúng tôi chỉ di chuyển được 70 cây số và phải đào bánh xe lên tới 12 lần.

Khi phụng sự ở nhiệm sở, chúng tôi thường gặp khó khăn trên đường đi

 Nhưng khoảng thời gian chúng tôi phụng sự trong hoàn cảnh khó khăn ở vùng nông thôn là lúc chúng tôi cảm thấy gần gũi với Đức Giê-hô-va nhất. Chúng tôi học được rằng nhờ sự trợ giúp của ngài, chúng ta có thể chịu đựng với niềm vui, ngay cả khi không thể thay đổi hoàn cảnh. Susanne không phải là người thích các hoạt động ngoài trời và khám phá bên ngoài, nhưng trong tất cả những thử thách và khó khăn mà chúng tôi gặp, cô ấy không bao giờ phàn nàn. Chúng tôi nhớ đó là khoảng thời gian hạnh phúc, nhiều ân phước và chúng tôi đã học được rất nhiều điều.

 Trong những năm ở Zaire, tôi bị bắt vài lần. Có lần tôi bị vu oan là buôn bán kim cương bất hợp pháp. Dĩ nhiên chúng tôi rất lo lắng, nhưng chúng tôi tự nhủ rằng nếu Đức Giê-hô-va muốn chúng tôi hoàn thành thánh chức của mình, ngài sẽ giúp chúng tôi. Và ngài quả đã làm thế!

Tiếp tục tiến tới

 Năm 1981, chúng tôi được mời phụng sự tại chi nhánh ở Kinshasa. Một năm trước đó, công việc của chúng ta lại được chính thức công nhận. Các anh đã mua một mảnh đất để xây một chi nhánh lớn hơn. Rồi bất ngờ vào tháng 3 năm 1986, tổng thống của nước này đã ký lệnh cấm công việc của Nhân Chứng Giê-hô-va. Công việc xây cất bị dừng lại và không lâu sau, phần lớn các giáo sĩ phải rời khỏi nước.

Trong vài năm, chúng tôi phụng sự ở chi nhánh Zaire

 Chúng tôi có thể ở lại trong một thời gian. Chúng tôi làm những gì có thể để tiếp tục rao giảng dù biết là mình luôn bị theo dõi. Dù rất cẩn thận nhưng tôi đã bị bắt khi đang điều khiển một học hỏi Kinh Thánh. Tôi được đưa vào một phòng giam lớn giống như cái hầm, có rất đông tù nhân. Trong đó thì rất nóng, hôi hám, tối tăm và ngột ngạt. Cái cửa sổ nhỏ phía trên cao là nguồn ánh sáng và chỗ thông gió duy nhất. Một số tù nhân bắt tôi đem đến chỗ đại ca của họ. Ông ta ra lệnh: “Hãy hát bài quốc ca của bọn ta!”. Tôi đáp: “Tôi không biết bài đó”. Họ bèn nói: “Vậy hát bài quốc ca của nước mày đi!”. Tôi đáp: “Bài đó tôi cũng không biết”. Ông ta bắt tôi đứng sát vào tường trong khoảng 45 phút. Cuối cùng, các anh địa phương đã thương lượng để tôi được thả ra.

Năm 1987, không lâu sau khi đến chi nhánh Zambia

 Chúng tôi có thể thấy tình hình sẽ không tốt hơn ở đất nước này, và không lâu sau, chúng tôi được bổ nhiệm đến Zambia. Khi băng qua biên giới, chúng tôi cảm thấy vừa buồn vừa nhẹ nhõm. Chúng tôi nghĩ đến 18 năm cùng phụng sự với các giáo sĩ trung thành và các anh em địa phương. Dù cuộc sống có lúc căng thẳng, nhưng chúng tôi cảm nhận được ân phước của Đức Giê-hô-va. Chúng tôi biết rằng ngài đã luôn ở cùng chúng tôi. Chúng tôi đã học tiếng Swahili và tiếng Pháp, và Susanne cũng học tiếng Lingala. Chúng tôi đã gặt hái được một số thành quả trong thánh chức, đó là giúp hơn 130 người tiến đến bước báp-têm. Chúng tôi cũng có sự thỏa nguyện sâu xa khi biết rằng mình đã góp phần vào việc đặt nền tảng cho sự phát triển trong tương lai. Và quả đã có sự phát triển đáng kinh ngạc! Vào năm 1993, Tòa Tối Cao đã bãi bỏ lệnh cấm của năm 1986. Hiện nay, có hơn 240.000 người công bố Nước Trời ở Congo.

 Ở Zambia, chúng tôi được chứng kiến việc xây dựng chi nhánh mới và sau đó là việc mở rộng chi nhánh. Hiện nay, số người công bố nhiều gấp hơn ba lần so với khi chúng tôi mới đến vào năm 1987.

Chi nhánh Zambia nhìn từ trên cao

 Vậy điều gì đã xảy ra với anh trẻ có vẻ như không phụng sự trọn thời gian nổi một tháng? Nhờ sự ban phước của Đức Giê-hô-va và sự hỗ trợ của người vợ yêu dấu là Susanne, đến nay tôi đã phụng sự trọn thời gian được 65 năm, đã nếm thử và nghiệm thấy Đức Giê-hô-va tốt thay!—Thi thiên 34:8.

 Chúng tôi biết mình không có gì đặc biệt, chúng tôi chỉ cố gắng hết sức để luôn giữ lời hứa nguyện dâng mình. Chúng tôi tin chắc rằng Đức Giê-hô-va sẽ tiếp tục giúp chúng tôi không bao giờ thoái lui, nhưng có đức tin vững mạnh “để bảo toàn mạng sống”.​—Hê-bơ-rơ 10:39.

Tôi và Susanne tiếp tục phụng sự ở chi nhánh Zambia

 Xem video Anh chị Dayrell và Susanne Sharp: Chúng tôi đã hứa phụng sự Đức Giê-hô-va hết mình.