CHỊ ELFRIEDE URBAN | CÂU CHUYỆN CUỘC ĐỜI
Một đời sống giáo sĩ đầy ân phước
Những năm đầu đời của tôi toàn là nghịch cảnh. Tôi sinh ra ở Tiệp Khắc vào ngày 11-12-1939, chỉ ba tháng sau khi Thế Chiến II nổ ra. Hai tuần sau thì mẹ tôi qua đời do bị biến chứng sau sinh. Trước đó, cha tôi đã chuyển đến Đức để làm việc. Mừng thay, ông bà ngoại đã nhận nuôi tôi. Vào thời điểm đó, ông bà vẫn đang nuôi ba người em gái của mẹ, là các dì của tôi.
Thế chiến kết thúc vào năm 1945, nhưng đời sống thời hậu chiến thì thật khó khăn. Chúng tôi là người Đức nên chúng tôi bị trục xuất khỏi Tiệp Khắc và trở về Đức, nơi mà thành phố thì đổ nát và nhiều người thì đói khổ. Đôi khi, các dì của tôi phải đứng xếp hàng cả đêm chỉ để có được một chút thức ăn. Những lần khác thì chúng tôi sẽ đi vào rừng để nhặt quả mâm xôi đen và nấm, và rồi có thể dùng chúng để đổi lấy bánh mì. Lương thực được chia theo định mức một cách nghiêm ngặt đến nỗi chúng tôi không còn nhìn thấy những con thú nuôi vì người ta đã lấy trộm chúng để làm thức ăn. Chúng tôi thường đi ngủ với chiếc bụng đói meo.
Lần đầu được nghe về chân lý trong Kinh Thánh
Ông bà ngoại tôi theo đạo Công giáo nhưng chúng tôi không có Kinh Thánh. Linh mục trong nhà thờ địa phương không chịu bán Kinh Thánh cho ông tôi và nói rằng giáo dân chỉ cần tham dự Lễ Mi-sa là đủ. Do vậy mà ông ngoại có nhiều thắc mắc về Đức Chúa Trời nhưng chưa được giải đáp.
Khi tôi bảy tuổi thì có hai Nhân Chứng Giê-hô-va đến nhà chúng tôi. Họ dùng Kinh Thánh để giải đáp các câu hỏi của ông tôi về những đề tài như Chúa Ba Ngôi, lửa địa ngục và tình trạng của người chết. Ông tôi nhận thấy rằng những lời giải đáp từ Kinh Thánh thì rõ ràng và thỏa đáng. Ông tin chắc là mình đã tìm được chân lý. Sau đó, cả gia đình tôi chấp nhận học Kinh Thánh đều đặn với một cặp vợ chồng Nhân Chứng.
Đặt mục tiêu trong đời sống
Ngay từ khi còn nhỏ, tình yêu thương dành cho Đức Giê-hô-va đã nảy nở trong lòng tôi. Tôi thích đọc những bài nói về việc các giáo sĩ phụng sự Đức Giê-hô-va ở những xứ xa xôi. Tôi thắc mắc: “Đời sống của họ ra sao? Rao giảng cho những người chưa hề nghe về danh Đức Giê-hô-va thì sẽ như thế nào?”.
Năm 12 tuổi, tôi quyết định là mình muốn trở thành một giáo sĩ, và tôi bắt đầu cố gắng để đạt được mục tiêu đó. Trước tiên, tôi nỗ lực trở thành người sốt sắng rao giảng tin mừng. Sau đó, vào ngày 12-12-1954, tôi làm báp-têm, và với thời gian tôi trở thành tiên phong. Tôi đang tiến gần hơn đến mục tiêu của mình!
Tôi biết là mình cần nói tiếng Anh để tham dự Trường Ga-la-át, vì vậy tôi đã cố gắng nhiều để học ngôn ngữ này. Tôi nghĩ rằng mình có thể thực tập với những người lính Mỹ đang đóng quân tại Đức vào lúc đó. Ngày nọ, tôi đến gần một người lính và nói với ông: “Tôi là Đấng Ki-tô”. Ông nhìn tôi và tử tế đáp: “Tôi nghĩ là ý cô muốn nói: ‘Tôi là tín đồ đạo Đấng Ki-tô’”. Tiếng Anh của tôi vẫn chưa thành thạo như tôi nghĩ!
Trong những năm đầu của tuổi 20, tôi chuyển đến Anh Quốc. Ở đó, tôi làm công việc giữ trẻ cho một gia đình Nhân Chứng vào buổi sáng. Còn buổi chiều thì tôi tham gia thánh chức từng nhà, và điều này cho tôi cơ hội tuyệt vời để tập nói tiếng Anh. Sau một năm sống ở Anh Quốc, kỹ năng nói tiếng Anh của tôi đã tiến bộ đáng kể.
Tôi trở về Đức, và vào tháng 10 năm 1966, tôi được mời làm tiên phong đặc biệt ở Mechernich. Nhưng người trong khu vực thì lạnh lùng, thờ ơ với thông điệp cũng giống như thời tiết ở đó vậy. Họ không bao giờ mời chúng tôi vào nhà, ngay cả khi nhiệt độ xuống đến mức âm độ. Tôi thường cầu nguyện nài xin Đức Giê-hô-va rằng: “Nếu một ngày nào đó Cha cho con làm giáo sĩ thì xin hãy gửi con đến một nơi ấm áp”.
Đạt được mục tiêu
Sau khi làm tiên phong đặc biệt chỉ vài tháng, Đức Giê-hô-va đã ban cho điều mà lòng tôi ao ước! Tôi được mời tham dự khóa thứ 44 của Trường Ga-la-át, và khóa của tôi tốt nghiệp vào ngày 10-9-1967. Tôi được bổ nhiệm đến đâu? Đến đất nước nhiệt đới xinh đẹp Nicaragua ở Trung Mỹ! Các giáo sĩ ở đó đã mở rộng vòng tay chào đón tôi và ba người bạn đồng hành khác. Tôi cảm thấy như sứ đồ Phao-lô, ông đã “tạ ơn Đức Chúa Trời và được vững lòng” khi các anh em đến đón ông.—Công vụ 28:15.
Tôi được bổ nhiệm đến thị trấn yên bình León, ở đó tôi quyết tâm học tiếng Tây Ban Nha càng nhanh càng tốt. Tôi cảm thấy học ngôn ngữ này rất khó, dù rằng trong hai tháng tôi đã học đến 11 tiếng mỗi ngày!
Tôi nhớ ngày nọ có một người chủ nhà đã mời tôi fresco, một loại đồ uống mà người Nicaragua gọi là nước trái cây. Tôi nghĩ tôi đã trả lời rằng mình chỉ uống được “nước lọc”. Nhưng người phụ nữ nhìn có vẻ rất bối rối. Vài ngày sau tôi phát hiện ra rằng với vốn từ vựng Tây Ban Nha ít ỏi của mình, tôi đã trả lời bà là tôi chỉ có thể uống “nước thánh”! Đáng mừng là với thời gian thì tiếng Tây Ban Nha của tôi cũng tiến bộ.
Thông thường, tôi sẽ học Kinh Thánh với tất cả các thành viên trong một gia đình. Vì cảm thấy an toàn khi ở León nên tôi thích điều khiển học hỏi Kinh Thánh vào buổi tối, đôi khi đến tận 10 giờ đêm. Tôi biết tên của hầu hết mọi người trong thị trấn. Trên đường về, tôi sẽ chào hỏi và trò chuyện với những người hàng xóm thân thiện đang ngồi trên ghế bập bênh trước nhà họ để hóng gió.
Tôi đã giúp một số người học chân lý ở León. Một trong số đó là Nubia, người mẹ của tám đứa con trai nhỏ. Việc học hỏi của chúng tôi tiếp tục cho đến khi tôi được bổ nhiệm đến Managua vào năm 1976. Tôi mất liên lạc với Nubia và các con cô ấy trong 18 năm cho đến khi tôi trở lại León để tham dự một kỳ hội nghị. Trong giờ nghỉ trưa, có một nhóm người nam trẻ đã vây quanh tôi, đó là các con của Nubia! Tôi rất vui mừng khi thấy Nubia đã thành công trong việc nuôi dạy các con theo chân lý.
Làm giáo sĩ trong thời kỳ khó khăn
Vào cuối thập niên 1970, Nicaragua bắt đầu trải qua những biến động về xã hội và chính trị trên khắp cả nước. Dù vậy, chúng tôi vẫn tiếp tục rao giảng hết sức có thể. Trong khu vực mà tôi được bổ nhiệm là Masaya, nằm ở phía nam của thủ đô, chúng tôi thường thấy người ta la hét để biểu tình và cũng gặp các cuộc bạo loạn có vũ trang. Một buổi tối nọ khi đang tham dự nhóm họp, chúng tôi phải nằm xuống sàn của Phòng Nước Trời vì có một vụ bắn nhau giữa phe Sandinista và những người lính của chính phủ. a
Một ngày nọ, khi đang tham gia thánh chức, tôi gặp một thành viên của phe Sandinista có đeo mặt nạ đang bắn vào một người lính. Tôi cố chạy thoát thân nhưng có nhiều người nam đeo mặt nạ hơn xuất hiện. Tôi rẽ hướng khác nhưng cũng không có lối nào để chạy thoát. Đạn bắt đầu rơi xuống như mưa từ những chiếc trực thăng của chính phủ. Đột nhiên, một người đàn ông mở cửa nhà ra và kéo tôi vào trong. Tôi cảm thấy là Đức Giê-hô-va đã cứu mình!
Bị trục xuất!
Tôi phụng sự ở Masaya đến ngày 20-3-1982, một ngày mà tôi sẽ không bao giờ quên được. Sáng sớm hôm đó, tôi cùng năm người bạn giáo sĩ đang chuẩn bị ăn sáng thì thấy một nhóm lính Sandinista với súng máy tiến vào sân sau của nhà giáo sĩ. Họ ập vào phòng ăn, và một người trong số họ nghiêm giọng ra lệnh: “Các người có một tiếng để gói hành lý, mỗi người chỉ được một túi, và đi theo chúng tôi”.
Nhóm lính ấy dẫn chúng tôi đến một nông trại và chúng tôi bị giam giữ trong vài tiếng. Sau đó họ dùng một chiếc xe buýt nhỏ để đưa bốn người trong số chúng tôi đến biên giới Costa Rica, và chúng tôi bị trục xuất khỏi nước. Với thời gian, có tổng cộng 21 giáo sĩ đã bị trục xuất.
Các anh em ở Costa Rica tiếp đón chúng tôi, và ngày hôm sau thì chúng tôi đến văn phòng chi nhánh ở San José. Chúng tôi không ở lại đó lâu. Khoảng mười ngày sau đó, tám người giáo sĩ trong số chúng tôi lên đường đến nhiệm sở mới ở Honduras.
Phụng sự ở Honduras
Ở Honduras, tôi được bổ nhiệm đến Tegucigalpa. Trong 33 năm phụng sự trong thành phố đó, tôi được chứng kiến một hội thánh phát triển thành tám hội thánh. Đáng buồn là qua nhiều năm, tội ác hung bạo ngày càng gia tăng ở Tegucigalpa. Có nhiều tên trộm cướp và tôi đã là nạn nhân của chúng vài lần. Cũng có những thành viên trong băng đảng sẽ đến vòi tiền tôi và chúng bảo đó là nộp “lệ phí chiến tranh”. Tôi sẽ trả lời chúng rằng: “Tôi có một thứ còn giá trị hơn nhiều so với tiền bạc”, và tôi sẽ đưa cho chúng một tờ chuyên đề hoặc một tạp chí. Sau đó, chúng luôn để tôi đi!
Hầu hết người dân ở Tegucigalpa thì hiếu hòa và tử tế, và tôi đã giúp một số người ở đó học chân lý. Chẳng hạn, tôi nhớ đến Betty, một học viên Kinh Thánh dường như đang tiến bộ tốt cho đến một ngày cô ấy nói với tôi là cô sẽ tham gia vào Giáo hội Phúc âm. Tôi đã thất vọng nhưng sau hai năm thì nỗi thất vọng ấy tan biến khi Betty rời bỏ giáo hội và học Kinh Thánh với tôi trở lại. Vì sao cô ấy trở lại? Betty nhớ tình yêu thương chân thật mà cô ấy cảm nhận được trong hội thánh (Giăng 13:34, 35). Cô ấy nói với tôi: “Các Nhân Chứng nồng ấm chào đón tất cả mọi người đến các buổi nhóm họp, dù họ giàu hay nghèo. Nhân Chứng thật khác biệt”. Với thời gian, Betty đã làm báp-têm.
Nhà giáo sĩ ở Tegucigalpa đóng cửa vào năm 2014, và sau đó tôi được bổ nhiệm đến Panama. Hiện nay tôi sống trong nhà giáo sĩ cùng với bốn giáo sĩ lâu năm khác.
Đạt được các mục tiêu thiêng liêng mang lại hạnh phúc thật
Đến nay, tôi đã phụng sự 55 năm trong công tác giáo sĩ. Gần đây, tôi không còn làm được nhiều như trước vì gặp vấn đề về sức khỏe. Nhưng Đức Giê-hô-va đã trợ giúp để tôi có thể tiếp tục dạy người khác về ngài.
Tôi có thể dành đời mình để theo đuổi những mục tiêu khác không? Dĩ nhiên là có. Nhưng tôi sẽ bỏ lỡ vô vàn ân phước! Tôi có hơn 50 con trai và con gái thiêng liêng, những người mà tôi đã giúp học chân lý, và tôi cũng có nhiều bạn bè khác nữa. Ngoài “gia đình lớn” này, tôi còn nhận được tình yêu thương và sự hỗ trợ từ người dì Steffi yêu dấu đang sống ở Đức.
Dù chưa từng kết hôn nhưng tôi chưa bao giờ cảm thấy lẻ loi. Đức Giê-hô-va luôn ở bên tôi. Tôi cũng có được những người bạn tuyệt vời, chẳng hạn như chị Marguerite Foster, người đã cùng tôi làm giáo sĩ trong 17 năm. Chúng tôi có nhiều kỷ niệm với nhau và vẫn là bạn thân cho đến nay.—Châm ngôn 18:24.
Điều khiến tôi cảm thấy thỏa nguyện nhất là biết rằng tôi đã dùng đời mình theo cách tốt nhất, đó là phụng sự Đức Giê-hô-va một cách trọn vẹn. Tôi đã đạt được ước mơ thời thơ ấu của mình và trong suốt hành trình ấy, tôi đã có được nhiều kinh nghiệm thú vị! Tôi thật sự hạnh phúc, và tôi trông mong được phụng sự Đức Giê-hô-va cho đến mãi mãi.
a Mặt trận giải phóng dân tộc Sandinista đã hoạt động ở Nicaragua vào cuối thập niên 1970 và cuối cùng lật đổ vương triều đã tồn tại hơn 40 năm.