CÁCH DÙNG QUỸ ĐÓNG GÓP
Chương trình hội nghị được “thấy và nghe”
NGÀY 1-7-2024
Trong hơn 130 năm qua, Nhân Chứng Giê-hô-va thời hiện đại cùng nhau nhóm lại tại những hội nghị thường niên. Hiện nay những chương trình hội nghị này bao gồm hơn 40 bài giảng cùng với âm nhạc, những màn phỏng vấn và video. Chương trình hội nghị chỉ mang lại lợi ích và thúc đẩy những người tham dự hành động khi họ “thấy và nghe” chương trình một cách rõ ràng (Lu-ca 2:20). Khoản đóng góp của anh chị đang được sử dụng như thế nào để đảm bảo tất cả mọi người nhận được lợi ích từ những hội nghị này bất kể họ sống ở đâu?
Hệ thống âm thanh và hình ảnh được điều chỉnh phù hợp với từng địa điểm hội nghị
Nhiều sân vận động và nhà thi đấu hiện đại ở các nước phương Tây có sẵn hệ thống âm thanh và hình ảnh. Vậy khi thuê những địa điểm ấy để tổ chức hội nghị, tại sao chúng ta thường lắp đặt thiết bị của mình? Anh David làm ở Ban Phát sóng tại trụ sở trung ương giải thích: “Rất ít cơ sở mà chúng ta thuê được thiết kế để cử tọa có thể tập trung lắng nghe chương trình kéo dài hơn sáu tiếng. Chẳng hạn, hệ thống âm thanh ở những địa điểm thể thao thường được dùng chủ yếu để phát các thông báo ngắn và đoạn nhạc. Những màn hình tại đó hiển thị tỉ số trận đấu, quảng cáo và chiếu những đoạn phát lại. Ngược lại, chúng ta muốn cử tọa xem những video dài hơn cũng như nghe và hiểu rõ tất cả những gì được trình bày trên bục”.
Vì mỗi địa điểm hội nghị mỗi khác nên hệ thống âm thanh và hình ảnh cần phải được điều chỉnh. Ngay sau khi địa điểm hội nghị được chọn, Ban Phát sóng ở các văn phòng chi nhánh sẽ dựa trên số lượng cử tọa ước tính và sức chứa của địa điểm để xác định vị trí chỗ ngồi của cử tọa. Sau đó, các anh sẽ tính toán chỗ lắp đặt loa, màn hình và quyết định sẽ kết nối thế nào, rồi lên danh sách tất cả các thiết bị cần thiết để đảm bảo mọi người đều có thể xem và nghe chương trình.
Đối với những hội nghị có trong nhiều ngôn ngữ thì việc lắp đặt hệ thống âm thanh và hình ảnh thậm chí còn phức tạp hơn. Nếu chương trình được phiên dịch sang ngôn ngữ khác, dịch thuật viên cần thấy và nghe chương trình, và sau đó phần phiên dịch cần được truyền đến những kênh phát thanh riêng dành cho những người hiểu ngôn ngữ đó. Nhờ vào những trình phát đa phương tiện đặc biệt, hình ảnh có thể được đồng bộ hóa cho tất cả các cử tọa, ngay cả khi âm thanh được truyền trong tám ngôn ngữ. Anh David cho biết: “Những hệ thống này rất phức tạp và những tình nguyện viên vận hành chúng đòi hỏi được huấn luyện kỹ lưỡng”.
Hầu hết các văn phòng chi nhánh có sẵn các thiết bị âm thanh và hình ảnh để dùng cho các hội nghị hằng năm. Từng thiết bị này sẽ được vận chuyển từ hội nghị này sang hội nghị khác. Mỗi năm, riêng chi nhánh Hoa Kỳ phải chi hơn 200.000 đô-la a chỉ để vận chuyển những thiết bị hội nghị. Tuy nhiên, điều này giúp tiết kiệm chi phí mua sắm và bảo trì các thiết bị. Anh Steven giúp giám sát âm thanh và hình ảnh tại một hội nghị ở Canada kể lại: “Nhóm âm thanh và hình ảnh của chúng tôi đã cố gắng hết sức để đảm bảo có đủ đai ốc, bu lông, dây kết nối và các bộ phận, cũng như chúng được bảo quản tốt, đóng gói cẩn thận và sẵn sàng để dùng cho hội nghị tiếp theo”.
Mua và bảo trì các thiết bị
Việc thuê các thiết bị âm thanh và hình ảnh vô cùng đắt đỏ, và các thiết bị này thường có chất lượng kém hoặc không được bảo trì tốt. Do đó, chúng ta thường tự mua thiết bị mình cần. Hiện nay, một màn hình ghép trong nhà có kích thước 5x3m có giá khoảng 24.000 đô-la, thậm chí một dây mi-crô dài 15m cũng có giá khoảng 20 đô-la. Vì vậy, Ban Phát sóng làm việc với Ban Mua sắm để “tính phí tổn” trước khi mua bất cứ thiết bị nào (Lu-ca 14:28). Chẳng hạn, họ xem xét những câu hỏi: “Có bao nhiêu người sẽ nhận được lợi ích từ thiết bị này? Việc mua một thiết bị mới có phải là lựa chọn tốt nhất không? Chúng ta có đủ chỗ để chứa thiết bị này không? Chúng ta có công cụ cần thiết và những tình nguyện viên được huấn luyện để bảo trì nó không?”.
Để kéo dài tuổi thọ của các thiết bị âm thanh và hình ảnh, nhờ đó tiết kiệm tiền đóng góp, chúng ta thường xuyên sửa chữa các thiết bị này. Chúng ta cũng vận chuyển những thiết bị ấy trong những thùng có độ bền cao để hạn chế hư hỏng, và những thùng này cũng được sửa chữa khi cần.
Một cách làm chứng tốt và một chương trình rõ ràng
Những người không phải là Nhân Chứng rất ấn tượng về chất lượng âm thanh và hình ảnh ở những hội nghị của chúng ta. Ví dụ, tại một hội nghị, nhân viên của một trong những nhà đài hàng đầu thế giới đã nhận xét về chất lượng nội dung và các video của chúng ta. Anh Jonathan, người giúp lắp đặt và vận hành các thiết bị âm thanh và hình ảnh ở các hội nghị, kể lại: “Ông ấy rất ngạc nhiên khi biết các thành viên trong nhóm của chúng ta đều là tình nguyện viên chứ không phải những chuyên gia. Ông ấy nói rằng công ty ông phải mất năm ngày để lắp đặt những gì chúng ta làm trong chỉ một ngày rưỡi”. Tại một hội nghị khác, người quản lý cơ sở cho biết: “Nhiều chuyên gia về âm nhạc và video đã đến đây, nhưng tôi chưa từng thấy nhóm người nào có chuyên môn và làm việc chuyên nghiệp như quý vị!”.
Anh chị nhận được lợi ích nào từ hệ thống âm thanh và hình ảnh tại hội nghị? Có lẽ anh chị có cùng cảm xúc với anh David sống ở Anh Quốc. Anh nói: “Hiện nay, tôi đã 88 tuổi. Từ nhỏ đến lớn, tôi đều tham dự các kỳ hội nghị. Tuy nhiên, giờ đây tôi dễ tập trung vào chương trình hơn. Nhờ những video hấp dẫn, tôi cảm thấy thời gian trôi qua rất nhanh và chương trình được truyền tải rõ ràng cũng như liên kết với nhau”. Anh Micheal sống ở Nigeria nhận xét: “Giờ đây, anh em chúng ta có thể nghe diễn giả và xem video rõ hơn. Nhờ thế, họ có thể tập trung trong suốt chương trình mà không bị mất hứng thú”.
Khi tham dự Hội nghị Vùng và Hội nghị Đặc biệt năm nay có chủ đề ‘Hãy công bố tin mừng!’, anh chị hãy dành chút thời gian để nghĩ đến tất cả các công việc được thực hiện để giúp anh chị nghe và xem chương trình tốt hơn. Điều này có được là nhờ những khoản đóng góp của anh chị, bao gồm những khoản đóng góp qua donate.jw.org. Cám ơn anh chị rất nhiều.
a Đồng đô-la trong bài này là đồng đô-la Mỹ.