A3
Cách Kinh Thánh đến với chúng ta
Tác Giả và đấng ban Kinh Thánh cũng chính là đấng bảo tồn sách ấy. Ngài đã cho ghi lại lời sau:
“Lời Đức Chúa Trời chúng ta còn mãi”.—Ê-sai 40:8.
Lời ấy thật đúng, dù bản chép tay gốc của phần Kinh Thánh tiếng Hê-bơ-rơ và A-ram a hay của phần Kinh Thánh tiếng Hy Lạp không còn nữa. Vậy làm sao chúng ta biết chắc nội dung của Kinh Thánh mà mình có ngày nay thật sự phản ánh bản gốc được soi dẫn?
NHỮNG NGƯỜI SAO CHÉP BẢO TỒN LỜI ĐỨC CHÚA TRỜI
Về phần Kinh Thánh tiếng Hê-bơ-rơ, một phần câu trả lời được tìm thấy trong truyền thống cổ xưa mà Đức Chúa Trời lập ra, đó là Lời ngài phải được sao chép. b Ví dụ, Đức Giê-hô-va phán dặn các vua Y-sơ-ra-ên phải chép lại bản Luật pháp cho riêng họ (Phục truyền luật lệ 17:18). Ngoài ra, Đức Chúa Trời giao cho người Lê-vi trách nhiệm bảo tồn và dạy dỗ Luật pháp cho dân chúng (Phục truyền luật lệ 31:26; Nê-hê-mi 8:7). Sau thời kỳ dân Do Thái bị lưu đày đến Ba-by-lôn, một nhóm người sao chép, hay ký lục (Sopherim), dần phát triển (Ê-xơ-ra 7:6, chú thích). Theo thời gian, những ký lục này đã sao chép 39 sách thuộc phần Kinh Thánh tiếng Hê-bơ-rơ ra nhiều bản.
Qua nhiều thế kỷ, các ký lục đã tỉ mỉ sao chép các sách này. Suốt thời Trung Cổ, một nhóm ký lục người Do Thái được gọi là nhóm Masorete đã tiếp tục truyền thống này. Bản chép tay trọn bộ cổ nhất của nhóm Masorete là Leningrad Codex
có từ năm 1008-1009 CN. Tuy nhiên, giữa thế kỷ 20, khoảng 220 bản chép tay và các mảnh Kinh Thánh được tìm thấy cùng với các Cuộn Biển Chết. Những bản chép tay này có trước bản Leningrad Codex hơn 1.000 năm. Việc đối chiếu các Cuộn Biển Chết với bản Leningrad Codex đã chứng thực một điểm quan trọng: Dù các Cuộn Biển Chết có một số khác biệt trong cách diễn đạt nhưng điều đó không ảnh hưởng đến thông điệp.Còn về 27 sách thuộc phần Kinh Thánh tiếng Hy Lạp thì sao? Những sách này được viết bởi một vài sứ đồ của Chúa Giê-su Ki-tô và môn đồ thời bấy giờ. Tín đồ đạo Đấng Ki-tô thời ban đầu đã sao chép các sách ấy theo truyền thống của những ký lục người Do Thái (Cô-lô-se 4:16). Dù hoàng đế La Mã Diocletian và nhiều người khác đã nỗ lực tiêu hủy tài liệu của các tín đồ thời ban đầu, nhưng hàng ngàn mảnh và bản chép tay cổ xưa vẫn được bảo tồn đến nay.
Các sách của tín đồ đạo Đấng Ki-tô cũng được dịch ra nhiều ngôn ngữ. Những bản dịch Kinh Thánh thời ban đầu có trong các ngôn ngữ cổ như Armenia, Copt, Ê-thi-ô-bi, Georgia, La-tinh và Sy-ri.
THIẾT LẬP VĂN BẢN TIẾNG HÊ-BƠ-RƠ VÀ TIẾNG HY LẠP CHO VIỆC DỊCH THUẬT
Không phải tất cả các bản Kinh Thánh chép tay cổ xưa đều có cách viết giống nhau. Vậy làm sao chúng ta biết được văn bản gốc chứa đựng điều gì?
Trường hợp này có thể được ví như một giáo viên yêu cầu 100 học sinh sao chép một chương sách. Dù sau này chương gốc bị mất, nhưng khi đối chiếu 100 bản sao thì sẽ thấy được nguyên bản. Có lẽ mỗi học sinh sẽ mắc một số lỗi, nhưng hiếm khi tất cả đều mắc những lỗi giống nhau. Tương tự, khi các học giả so sánh hàng ngàn mảnh và những bản sao chép các sách Kinh Thánh cổ xưa có sẵn, họ có thể phát hiện lỗi sao chép và xác định được cách viết trong nguyên bản.
“Người ta có thể vững tâm nói rằng không tài liệu cổ xưa nào đã được lưu truyền chính xác đến vậy”
Ý tưởng trong bản Kinh Thánh gốc đã được truyền tải chính xác. Chúng ta có thể tin chắc điều này đến mức nào? Học giả William H. Green bình luận về văn bản Kinh Thánh tiếng Hê-bơ-rơ như sau: “Người ta có thể vững tâm nói rằng không tài liệu cổ xưa nào đã được lưu truyền chính xác đến vậy”. Về phần
Kinh Thánh tiếng Hy Lạp, còn gọi là Tân ước, học giả Kinh Thánh F. F. Bruce viết: “Bằng chứng về các sách trong Tân ước vượt trội hơn so với nhiều tác phẩm của các tác giả xưa, nhưng không ai đặt nghi vấn về tính chính xác của các tác phẩm ấy”. Ông nói tiếp: “Nếu Tân ước là bộ sưu tập các tác phẩm thế tục thì không bao giờ có ai đặt nghi vấn về tính chính xác của nó”.Văn bản tiếng Hê-bơ-rơ: Kinh Thánh—Bản dịch Thế Giới Mới phần tiếng Hê-bơ-rơ (1953-1960) bằng tiếng Anh dựa trên bản Biblia Hebraica của Rudolf Kittel. Kể từ đó, những bản cập nhật của phần Kinh Thánh tiếng Hê-bơ-rơ như Biblia Hebraica Stuttgartensia và Biblia Hebraica Quinta đã được bổ sung kết quả của cuộc nghiên cứu gần đây dựa trên các Cuộn Biển Chết và các bản chép tay cổ xưa. Những tác phẩm được nghiên cứu kỹ lưỡng này tái bản lại Leningrad Codex, kèm theo chú thích có phần so sánh cách viết từ nhiều nguồn tài liệu, gồm Ngũ Thư của người Sa-ma-ri, các Cuộn Biển Chết, bản Septuagint tiếng Hy Lạp, bản Targum tiếng A-ram, bản Vulgate tiếng La-tinh và bản Peshitta tiếng Sy-ri cổ. Cả Biblia Hebraica Stuttgartensia và Biblia Hebraica Quinta đều được dùng để tham khảo khi soạn Bản dịch Thế Giới Mới (Anh ngữ) hiện tại.
Văn bản tiếng Hy Lạp: Vào cuối thế kỷ 19, học giả B. F. Westcott và F.J.A. Hort đã so sánh những bản chép tay và mảnh Kinh Thánh có vào lúc đó để soạn phần Kinh Thánh tiếng Hy Lạp mà họ cảm thấy sát với bản gốc nhất. Giữa thế kỷ 20, Ủy ban Phiên dịch Kinh Thánh Thế Giới Mới đã dùng bản này làm nền tảng để dịch Kinh Thánh. Những mảnh giấy cói được cho là có niên đại từ thế kỷ thứ hai và thứ ba CN cũng được sử dụng. Về sau, nhiều mảnh giấy cói khác đã được tìm thấy. Thêm vào đó, những bản Kinh Thánh của Nestle và Aland cũng như của Liên Hiệp Thánh Kinh Hội đã áp dụng những nghiên cứu học thuật gần đây. Một số khám phá ấy đã được thêm vào bản dịch này.
Những bản này cho thấy một số câu thuộc phần Kinh Thánh tiếng Hy Lạp có trong những bản dịch xưa hơn, như bản King James Version, thật ra đã được những người sao chép sau này thêm vào và không thuộc phần Kinh Thánh được soi dẫn. Nhiều bản Kinh Thánh không dịch những câu này nhưng vẫn giữ nguyên số thứ tự các câu khác như được thiết lập vào thế kỷ 16. Đó là Ma-thi-ơ 17:21; 18:11; 23:14; Mác 7:16; 9:44, 46; 11:26; 15:28; Lu-ca 17:36; 23:17; Giăng 5:4; Công vụ 8:37; 15:34; 24:7; 28:29 và Rô-ma 16:24. Trong bản dịch này, những câu ấy được đánh dấu chú thích ở nơi chúng bị loại bỏ.
Đoạn kết dài nơi Mác 16 (câu 9-20), đoạn kết ngắn nơi Mác 16 và những lời nơi Giăng 7:53–8:11 rõ ràng không có trong bản Kinh Thánh chép tay gốc. Vì vậy, những câu Kinh Thánh giả mạo ấy không được đưa vào bản dịch này.Một số cách viết đã được điều chỉnh để thêm vào những gì các học giả đồng ý là sát với văn bản gốc. Chẳng hạn, theo một số bản Kinh Thánh chép tay, Ma-thi-ơ 7:13 viết: “Hãy vào cổng hẹp, vì cổng rộng và đường thênh thang dẫn đến sự hủy diệt”. Trong những ấn bản trước đây của Bản dịch Thế Giới Mới (Anh ngữ) không có từ “cổng”. Tuy nhiên, việc nghiên cứu thêm những bản Kinh Thánh chép tay cho thấy từ “cổng” có trong văn bản gốc. Thế nên, từ ấy đã được đưa vào bản dịch này cùng với một số điều chỉnh tương tự. Những điều chỉnh nhỏ này không thay đổi thông điệp căn bản của Lời Đức Chúa Trời.
a Từ đoạn này trở đi sẽ được gọi là phần Kinh Thánh tiếng Hê-bơ-rơ.
b Một lý do cần sao chép là vì bản gốc được viết trên vật liệu dễ hỏng.
c Để biết thêm chi tiết về lý do những câu Kinh Thánh này được cho là giả mạo, xin xem phần chú thích trong Kinh Thánh—Bản dịch Thế Giới Mới có phần tham khảo (Anh ngữ), xuất bản năm 1984.