Luật Vàng là gì?
Câu trả lời của Kinh Thánh
Từ “Luật Vàng” không xuất hiện trong Kinh Thánh. Tuy nhiên, nhiều người dùng từ này để nói đến quy tắc ứng xử mà Chúa Giê-su dạy. Trong Bài giảng trên núi, Chúa Giê-su nói: “Mọi điều anh em muốn người ta làm cho mình thì anh em cũng phải làm cho họ” (Ma-thi-ơ 7:12; Lu-ca 6:31). Luật Vàng cũng được diễn đạt theo cách sau: “Hãy làm cho người khác điều mà bạn muốn họ làm cho mình”.—Encyclopedia of Philosophy.
Luật Vàng có nghĩa gì?
Luật Vàng khuyến khích chúng ta đối xử với người khác theo cách mình muốn được đối xử. Chẳng hạn, đa số người ta thích người khác đối xử với mình một cách tôn trọng, tử tế và yêu thương. Vậy, điều hợp lý là chúng ta nên “làm như vậy” cho người khác.—Lu-ca 6:31.
Tại sao Luật Vàng rất hữu ích?
Luật Vàng có thể giúp cải thiện hầu hết các tình huống. Chẳng hạn, luật này có thể...
Làm vững mạnh hôn nhân.—Ê-phê-sô 5:28, 33.
Giúp cha mẹ khi nuôi dạy con cái.—Ê-phê-sô 6:4.
Giúp chúng ta có mối quan hệ tốt với bạn bè, hàng xóm và đồng nghiệp.—Châm ngôn 3:27, 28; Cô-lô-se 3:13.
Luật Vàng phản ánh tinh thần nằm sau phần lớn của phần Kinh Thánh thường được gọi là Cựu ước. Quy tắc ứng xử này của Chúa Giê-su “là cốt lõi của Luật pháp [năm sách đầu của Kinh Thánh] và sách của các nhà tiên tri” (Ma-thi-ơ 7:12). Nói cách khác, Luật Vàng tóm gọn một sự thật căn bản của Cựu ước, đó là yêu người lân cận.—Rô-ma 13:8-10.
Phải chăng Luật Vàng chỉ đơn giản là có đi có lại?
Không. Luật Vàng nhấn mạnh việc cho đi. Khi đưa ra Luật Vàng, Chúa Giê-su đang nói về cách đối xử với người khác, không chỉ với người ta nói chung mà ngay cả với kẻ thù (Lu-ca 6:27-31, 35). Vì vậy, Luật Vàng khuyến khích người ta làm điều tốt cho mọi người.
Làm thế nào để áp dụng Luật Vàng?
1. Quan sát. Hãy để ý đến những người xung quanh. Chẳng hạn, có lẽ bạn thấy một người đang xách nhiều đồ cồng kềnh, nghe tin một hàng xóm nhập viện hoặc nhận ra một đồng nghiệp nản lòng. Khi “quan tâm đến lợi ích của người khác”, rất có thể bạn sẽ tìm được cơ hội để nói hoặc làm những điều hữu ích.—Phi-líp 2:4.
2. Cảm thông. Hãy đặt mình vào vị trí của người khác. Bạn sẽ cảm thấy thế nào nếu ở trong tình huống tương tự? (Rô-ma 12:15). Khi cố gắng hiểu cảm xúc của người khác, có lẽ bạn sẽ được thúc đẩy để giúp đỡ họ.
3. Linh động. Hãy nhớ rằng mỗi người mỗi khác. Điều mà một người muốn người khác làm cho họ có thể không phải là điều mà bạn muốn người khác làm cho mình. Vì thế, trong số nhiều điều bạn có thể làm, hãy cố gắng chọn làm điều mà bạn nghĩ họ sẽ thích nhất.—1 Cô-rinh-tô 10:24.