Đi đến nội dung

MỘT SỰ THIẾT KẾ?

Cú nhào của chim ó biển

Cú nhào của chim ó biển

 Ó biển là loài chim biển lớn. Nó có thể nhào xuống mặt biển với tốc độ lên đến 190km/h. Khi ó biển va vào mặt nước, lực va chạm có thể gấp hơn 20 lần trọng lượng của nó. Làm thế nào chúng có thể sống sót và lặp đi lặp lại cú nhào đáng kinh ngạc đó?

 Hãy suy nghĩ điều này: Trước khi va vào mặt nước, ó biển duỗi cánh về phía sau sát cơ thể, người nó thu lại giống như một mũi tên. Lúc đó, mắt ó biển sẽ có một màng che lại để bảo vệ, đồng thời các cơ quan ở cổ và ngực của nó phồng lên tạo thành các túi khí để làm đệm cho cú va.

 Khi ó biển xuyên qua mặt nước, mỏ, đầu và cổ của nó tạo thành một hình chóp. Hình dạng này giúp phân tán lực tác động lên khắp những khối cơ cứng cáp ở cổ. Ngay lập tức, ó biển điều chỉnh mắt để có thể nhìn dưới nước.

 Ó biển có thể lặn sâu đến mức nào? Nhờ cú nhào, ó biển có thể lặn sâu gần 11m, nhưng khi nó vỗ cánh đã được gấp lại và đạp đôi chân có màng thì nó có thể lặn sâu hơn. Thực tế, người ta từng thấy ó biển đã lặn sâu đến hơn 25m. Sau khi lặn xuống, ó biển có thể dễ dàng nổi lên mặt nước và sẵn sàng để bay lên.

 Hãy xem cú nhào của chim ó biển

 Các nhà nghiên cứu đã thiết kế ra những con ó biển rô-bốt để hỗ trợ hoạt động tìm kiếm cứu nạn. Họ mong là những con rô-bốt này có thể bay, nhào xuống nước và bay lên trở lại. Nhưng khi đưa vào thử nghiệm thì một con rô-bốt bị hỏng nhiều lần vì va vào mặt nước quá mạnh. Các nhà nghiên cứu kết luận rằng rô-bốt mà họ thiết kế “không thể nhào tốt bằng ó biển”.

 Bạn nghĩ sao? Khả năng nhào của chim ó biển là do tiến hóa? Hay do được thiết kế?