Cài đặt quyền riêng tư

Để cung cấp cho bạn trải nghiệm tốt nhất có thể, chúng tôi sử dụng cookie và các công nghệ tương tự. Một số cookie là cần thiết để trang web của chúng tôi hoạt động và không thể bị từ chối. Bạn có thể chấp nhận hoặc từ chối việc sử dụng các cookie bổ sung mà chúng tôi chỉ sử dụng để cải thiện trải nghiệm của bạn. Không có dữ liệu nào trong số này sẽ được bán hoặc sử dụng để tiếp thị. Để biết thêm, hãy đọc Chính sách toàn cầu về việc sử dụng các cookie và những công nghệ tương tự. Bạn có thể tùy chỉnh cài đặt của mình bất kỳ lúc nào bằng cách truy cập Chính sách bảo mật.

Đi đến nội dung

Một bạn nữ có vẻ mặt băn khoăn, xung quanh bạn ấy là khói thuốc từ các loại thuốc lá và vape.

GIỚI TRẺ THẮC MẮC

Mình nên biết gì về việc hút thuốc lá và dùng vape?

Mình nên biết gì về việc hút thuốc lá và dùng vape?

 “Ở nơi mình sống, hiếm có ai dưới 25 tuổi mà chưa từng hút thuốc hoặc dùng vape”.—Julia.

Trong bài này

 Điều bạn cần biết

  •   Thuốc lá—Kẻ giết người thầm lặng. Nicotin, thành phần chính trong thuốc lá, là một chất độc có khả năng gây nghiện cao. Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hoa Kỳ, “việc hút thuốc lá là một trong những nguyên nhân chính khiến người ta trên khắp thế giới bị bệnh và chết sớm”.

     “Mình làm về siêu âm trong lĩnh vực y tế và mình đã thấy những hình ảnh cho thấy tác động của việc hút thuốc trên bệnh nhân. Lượng mảng bám tích tụ trong động mạch của những người từng hút thuốc rất kinh khủng. Vì rất quý trọng sức khỏe nên mình sẽ không bao giờ thử hút thuốc”.—Theresa.

     Bạn có biết? Có khoảng 7.000 chất hóa học trong thuốc lá và nhiều chất trong số đó là chất độc. Mỗi năm, hàng triệu người chết vì những bệnh liên quan đến thuốc lá.

  •   Người dùng vape đưa những chất độc vào cơ thể. Các chuyên gia cho rằng việc dùng vape hay thuốc lá điện tử có thể gây tổn thương phổi và chết người. Giống như thuốc lá, vape cũng chứa nicotin. Một bảng thông tin về thuốc lá điện tử cho biết vì có tính gây nghiện cao nên nicotin có thể “khiến những người trẻ tìm đến những loại ma túy khác”.

     “Một số loại vape có vị ngọt và được đặt tên là kẹo bông gòn hay anh đào nên rất thu hút trẻ em và thanh thiếu niên. Hương vị của chúng khiến họ lờ đi hậu quả”.—Miranda.

     Bạn có biết? Hơi trong thuốc lá điện tử không chỉ là nước. Mà nó còn chứa các hợp chất gây hại, thường bao gồm những kim loại nặng. Các hợp chất này sẽ đi vào phổi của bạn.

Hình minh họa một bạn nữ đang dùng vape. Một số bộ phận cơ thể đang trong tình trạng nguy hiểm: 1. Não bộ. 2. Miệng. 3. Phổi, tim và dạ dày.

 Những rủi ro liên quan đến việc hút thuốc và dùng vape

  1.  (1) Khả năng tiếp thu và tập trung suy giảm, tâm trạng thất thường, đặc biệt là trong độ tuổi phát triển về não bộ

  2.  (2) Viêm lợi cũng như sâu răng

  3.  (3) Viêm phổi mãn tính và bệnh tim

     Khiến bệnh hen suyễn nặng hơn

     Gây đau bụng và buồn nôn

 Điều bạn có thể làm

  •   Thu thập thông tin chính xác. Đừng chỉ chấp nhận mọi điều mình nghe, chẳng hạn như dùng vape chẳng có hại hoặc đó là cách tốt để giảm bớt căng thẳng. Hãy tự tìm hiểu và đưa ra quyết định khôn ngoan.

     Nguyên tắc Kinh Thánh: “Kẻ ngây ngô tin hết mọi lời, người khôn khéo cân nhắc từng bước”.​—Châm ngôn 14:15.

     “Những người nổi tiếng hay bạn đồng trang lứa thường tỏ ra vui vẻ khi hút thuốc hay dùng vape. Nhưng khi nghĩ về những ảnh hưởng tiêu cực của chúng, bạn sẽ thấy chúng không phải là thú vui vô hại như thế”.—Evan.

     Hãy thử nghĩ: Những người trẻ hút thuốc hay dùng vape có thật sự hạnh phúc hơn không? Họ có được trang bị tốt hơn để đối mặt với những căng thẳng trong đời sống ngay bây giờ và trong tương lai không? Hay họ đang tự rước họa vào thân?

  •    Tìm những cách hữu ích để đương đầu với lo âu. Những cách hữu ích để giảm bớt lo âu bao gồm các hoạt động lành mạnh, chẳng hạn như tập thể dục, đọc sách hay dành thời gian với những người bạn giúp mình lên tinh thần. Vì khi có nhiều điều hữu ích giúp bạn đối phó với lo âu thì bạn sẽ không cần tìm đến thuốc lá.

     Nguyên tắc Kinh Thánh: “Nỗi lo trong lòng khiến lòng nặng trĩu, nhưng một lời lành khiến lòng phấn chấn”.​—Châm ngôn 12:25.

     “Người ta nghĩ rằng việc hút thuốc hoặc dùng vape giúp giảm bớt căng thẳng, nhưng chúng chỉ mang lại sự khuây khỏa nhất thời, còn hậu quả thì lâu dài. Có nhiều cách tốt hơn để đương đầu với căng thẳng”.—Angela.

     Hãy thử nghĩ: Những cách nào có thể giúp bạn đương đầu với căng thẳng một cách hiệu quả? Nếu cần sự trợ giúp, xin xem bài “Làm sao đối phó với sự lo lắng?” trong mục “Giới trẻ thắc mắc”.

Một bạn nam nhảy xuống biển trong khi trời mưa bão.

Việc dựa dẫm vào các chất gây nghiện để đương đầu với lo âu giống như việc nhảy xuống biển để tránh mưa; chỉ khiến bạn có thêm nhiều vấn đề hơn!

  •    Chuẩn bị trước để kháng cự áp lực đồng trang lứa. Áp lực này có thể đến từ bạn học hay ngay cả các hình thức giải trí. Phim ảnh, chương trình truyền hình và mạng xã hội thường khiến việc hút thuốc và dùng vape trông có vẻ ngầu và vui.

     Nguyên tắc Kinh Thánh: “Người trưởng thành... nhờ vận dụng khả năng nhận thức mà có thể rèn luyện khả năng ấy để phân biệt điều đúng, điều sai”.​—Hê-bơ-rơ 5:14.

     “Hồi đi học, nhiều bạn thấy nể vì mình không hút thuốc hay dùng vape. Khi mình nói rõ quan điểm, các bạn ấy còn bênh vực mình. Dù nghe có vẻ lạ, nhưng thật ra khi nói rõ lập trường thì đó có thể là một sự bảo vệ”.—Anna.

     Hãy thử nghĩ: Bạn có thể kháng cự áp lực đồng trang lứa đến mức nào? Bạn có thể nghĩ đến những trường hợp mà bạn đã kháng cự được không? Nếu cần sự trợ giúp liên quan đến vấn đề này, xin xem biểu đồ “Kế hoạch kháng cự áp lực” trong chương 15 của sách Giới trẻ thắc mắc—Những lời giải đáp thiết thực, Tập 2.

  •   Cẩn thận chọn bạn. Bạn sẽ ít bị cám dỗ hút thuốc hay dùng vape nếu bạn bè của bạn cũng không thích những điều ấy.

     Nguyên tắc Kinh Thánh: “Ai kết bạn với người khôn sẽ trở nên khôn ngoan, nhưng làm bạn với kẻ dại sẽ bị tổn hại”.​—Châm ngôn 13:20, Bản Phổ thông.

     “Thật sự hữu ích khi kết bạn với những người có các đức tính như tự chủ và liêm chính. Khi thấy nhiều điều tốt đẹp đến với họ, bạn được thúc đẩy để trở nên giống như họ”.—Calvin.

     Hãy thử nghĩ: Những người bạn thân có ủng hộ lòng quyết tâm sống một đời sống lành mạnh của bạn không, hay là họ làm suy yếu lòng quyết tâm ấy?

 Nói sao về cần sa?

 Nhiều người nói rằng cần sa vô hại. Nhưng đó là lời nói dối!

  •   Những bạn trẻ dùng cần sa có nguy cơ bị nghiện. Các nghiên cứu cho rằng việc dùng cần sa có thể gây tổn hại vĩnh viễn đến não bộ, điều này có lẽ bao gồm việc giảm chỉ số IQ.

  •   Theo một cơ quan về chăm sóc sức khỏe tâm thần và lạm dụng chất gây nghiện tại Hoa Kỳ (U.S. Substance Abuse and Mental Health Services Administration), “nghiên cứu chỉ ra rằng những người sử dụng cần sa càng có nguy cơ gặp những vấn đề liên quan đến các mối quan hệ, kết quả học tập kém, sự nghiệp sa sút và mức độ hài lòng về cuộc sống suy giảm”.

     “Mình từng bị cám dỗ hút cần sa, chủ yếu là bởi vì mình muốn giảm bớt lo âu. Nhưng khi nghĩ đến việc mình có thể bị nghiện, tiêu tốn tiền bạc và những tác hại đến sức khỏe thì mình nhận ra rằng việc hút cần sa chỉ khiến mình thêm lo âu”.—Judah.