Bạn có biết?
Bạn có biết?
Người có quyền trưởng nam nhận đặc ân và trách nhiệm nào?
▪ Từ thời các tộc trưởng, trong vòng những người phụng sự Đức Chúa Trời, người con trưởng nam được hưởng những quyền đặc biệt. Chẳng hạn, sau khi người cha qua đời, con trưởng nam đảm nhận trách nhiệm của chủ gia đình. Người ấy chăm sóc gia đình và có quyền trên những người ở chung nhà. Người ấy cũng đại diện cho gia đình trước mặt Đức Chúa Trời. Trong khi tất cả các con đều nhận một phần gia tài, thì con trưởng nam có phần lớn hơn, gấp đôi những người kia.
Trong thời các tộc trưởng, một người có thể từ bỏ quyền trưởng nam hoặc bị tước đi quyền ấy. Chẳng hạn, ông Ê-sau đã bán quyền trưởng nam cho em mình (Sáng-thế Ký 25:30-34). Ông Gia-cốp tước quyền trưởng nam của Ru-bên, rồi ban cho Giô-sép. Ru-bên mất đặc ân đó vì có hành vi vô luân (1 Sử-ký 5:1). Tuy nhiên, dưới Luật pháp Môi-se, người cha phải tôn trọng quyền trưởng nam của con cả mình. Khi có nhiều vợ, ông không thể tước quyền trưởng nam của người con đó và trao cho con đầu lòng của người vợ mà ông thương nhiều hơn.—Phục-truyền Luật-lệ Ký 21:15-17.
Tại sao các thầy thông giáo và người Pha-ri-si đeo “thẻ bài”?
▪ Chúa Giê-su lên án những nhà lãnh đạo tôn giáo chống đối ngài, là các thầy thông giáo và người Pha-ri-si, vì họ làm “cái thẻ bài da cho rộng” (Ma-thi-ơ 23:2, 5). Thẻ bài này là một hộp nhỏ bằng da màu đen, hình vuông hoặc hình chữ nhật mà những người thuộc phái này đeo trên trán hoặc phía trong cánh tay để gần trái tim. Bên trong hộp đựng những câu Kinh Thánh. Thói quen đeo những thẻ bài này là do họ hiểu theo nghĩa đen một mệnh lệnh Đức Chúa Trời ban cho dân Y-sơ-ra-ên. Đó là: “Các lời mà ta truyền cho ngươi ngày nay sẽ ở tại trong lòng ngươi... Khá buộc nó trên tay mình như một dấu, và nó sẽ ở giữa hai con mắt ngươi như ấn-chỉ” (Phục-truyền Luật-lệ Ký 6:6-8). Không rõ phong tục này bắt đầu đích xác khi nào, nhưng đa số các học giả cho rằng phong tục này có từ thế kỷ thứ hai hoặc thứ ba trước công nguyên.
Chúa Giê-su lên án phong tục này vì hai lý do. Thứ nhất, các thầy thông giáo và người Pha-ri-si làm những hộp kinh lớn để cho mọi người thấy họ rất sùng đạo. Thứ hai, họ xem những hộp kinh ấy như bùa hộ mạng. Thật vậy, trong tiếng Hy Lạp, hộp ấy gọi là phylakterion, và các tài liệu ngoài Kinh Thánh thì dịch từ này là “tiền đồn”, “đồn lũy” hoặc “phương tiện bảo vệ”.