Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Cuộc đời phụng sự Đức Giê-hô-va nhiều bất ngờ

Cuộc đời phụng sự Đức Giê-hô-va nhiều bất ngờ

Tự truyện

Cuộc đời phụng sự Đức Giê-hô-va nhiều bất ngờ

DO ERIC VÀ HAZEL BEVERIDGE KỂ LẠI

“Chiếu theo bản án này, tôi xử ông sáu tháng tù”. Với những lời ấy văng vẳng bên tai, tôi bị giải đi nhà giam Strangeways ở Manchester, Anh Quốc. Lúc đó là tháng 12 năm 1950, và tôi mới 19 tuổi. Tôi vừa đối phó với một trong những thử thách gay go nhất thời tuổi trẻ—tôi đã từ chối đi quân dịch.—2 Cô-rinh-tô 10:3-5.

TÔI là một người truyền giáo tiên phong trọn thời gian của Nhân Chứng Giê-hô-va, lẽ ra phải được miễn quân dịch, nhưng pháp luật Anh Quốc lại không thừa nhận điều này. Thế là tôi bị bỏ tù, hoàn toàn cô độc. Lúc đó tôi nghĩ đến cha tôi. Tôi bị tống giam cũng gián tiếp là vì cha.

Số là cha tôi, một quan chức nhà tù, người gốc gác ở Yorshire với lập trường vững chắc và sống có nguyên tắc. Vì có kinh nghiệm trong quân đội và nhà giam, ông rất có ác cảm đối với Công Giáo. Vào đầu thập niên 1930, cha tiếp xúc lần đầu tiên với Nhân Chứng Giê-hô-va khi họ đến nhà. Ông ra mở cửa, định tống khứ họ đi—nhưng lại trở vào với vài cuốn sách của họ ở trong tay! Sau đó cha cũng mua dài hạn tạp chí An Ủi (nay là Tỉnh thức!). Các Nhân Chứng thường đến thăm mỗi năm để mời cha gia hạn tạp chí. Khi tôi được chừng 15 tuổi, họ lại đến thảo luận với cha nữa, và lần này tôi bênh vực Nhân Chứng. Đó là lúc tôi bắt đầu học Kinh Thánh.

Vào tháng 3 năm 1949 khi được 17 tuổi, tôi biểu trưng sự dâng mình cho Đức Giê-hô-va qua báp têm. Cùng năm đó, tôi gặp John và Michael Charuk, vừa tốt nghiệp trường giáo sĩ Ga-la-át và đang trên đường đi Nigeria. Tôi rất khâm phục tinh thần giáo sĩ của họ. Dù biết hay không, họ đã gieo tinh thần đó vào lòng tôi.

Khi học Kinh Thánh, tôi không còn quan tâm theo đuổi việc học cao ở đại học nữa. Sau một năm rời quê nhà để đi làm ở Sở Thuế Vụ ở Luân Đôn, tôi cảm thấy mình không thể chu toàn sự dâng mình cho Đức Chúa Trời nếu cứ tiếp tục làm công chức. Khi tôi thôi việc, một đồng nghiệp kỳ cựu khen tôi vì đã bỏ “một công việc hủy hoại tâm hồn”.

Trước khi thôi việc, tôi đứng trước một thử thách khác—làm sao nói cho cha tôi biết việc này để trở thành một người truyền giáo trọn thời gian. Một buổi tối nọ, trong lúc đang ở nhà nghỉ phép, tôi quyết định nói ra tin bất ngờ này. Tôi chờ đợi cha sẽ nổi trận lôi đình nhưng thật ngạc nhiên, cha chỉ nói vỏn vẹn: “Con làm con chịu. Nhưng nếu thất bại, đừng chạy đến bố”. Trong cuốn nhật ký tôi có ghi vài hàng cho ngày 1-1-1950: “Nói cho bố biết mình muốn làm tiên phong. Mình hết sức ngạc nhiên trước thái độ dễ dãi của bố. Mình không sao cầm được nước mắt trước sự tử tế của bố”. Tôi thôi việc công sở và chấp nhận một nhiệm sở tiên phong trọn thời gian.

Một nhiệm sở với một “ngôi nhà hương thôn”

Thử thách kế tiếp của tôi là về lòng sùng kính đối với Đức Chúa Trời. Tôi được giao cho một nhiệm sở tiên phong và ở chung một “ngôi nhà hương thôn” tại Lancashire với Lloyd Griffiths, một anh đến từ Wales. Tràn đầy lý tưởng, tâm trí tôi mơ mộng về ngôi nhà đó khi đặt chân đến thị trấn Bacup đìu hiu, ẩm ướt. Tôi sớm vỡ mộng khi nhà đó hóa ra là một tầng hầm, đầy chuột và gián ngủ chung với chúng tôi ban đêm! Suýt nữa tôi quay gót trở lại quê nhà. Thay vì thế, tôi âm thầm cầu nguyện xin được ban thêm sức đối phó với thử thách này. Bỗng dưng sự bình an xâm chiếm tôi, và tôi bắt đầu xem xét tình thế một cách khách quan hơn: đây là nhiệm vụ mà tổ chức Đức Giê-hô-va giao phó cho tôi. Tôi sẽ tin cậy nơi sự giúp đỡ của Ngài. Tôi thật biết ơn xiết bao vì đã bền chí ở lại, vì nếu bỏ đi thì đời tôi đã đổi ra khác!—Ê-sai 26:3, 4.

Tôi rao giảng được chín tháng ở Rossendale Valley thời đó bị kiệt quệ về kinh tế, trước khi bị bỏ tù vì không thi hành quân dịch. Sau hai tuần ở nhà giam Strangeways, tôi được chuyển đến nhà giam Lewes, ven bờ biển phía nam Anh Quốc. Cuối cùng, có đến năm Nhân Chứng bị giam chung tại đó và chúng tôi đã có thể cử hành Lễ Tưởng Niệm Đấng Christ trong tù.

Cha đã đến thăm tôi một lần. Đó hẳn là một thử thách cho lòng kiêu hãnh của cha—một quan chức có tiếng của nhà tù lại đi thăm tù nhân là con trai mình! Tôi luôn luôn biết ơn về nghĩa cử ấy của cha. Cuối cùng, tôi được trả tự do vào tháng 4 năm 1951.

Sau khi ra khỏi tù Lewes, tôi đáp tàu hỏa đi Cardiff, xứ Wales, nơi cha tôi làm trưởng trại giam. Là con trưởng trong số bốn anh em—ba trai và một gái, tôi đã phải tìm một việc làm bán thời gian để có thể tự mưu sinh và làm tiên phong. Tôi xin được việc ở một cửa hiệu quần áo, nhưng mục đích chính trong đời tôi vẫn là thánh chức đạo Đấng Christ. Vào khoảng thời gian đó, mẹ đã bỏ nhà đi, khiến cha và anh em chúng tôi, tuổi từ 8 đến 19 đều bàng hoàng. Buồn thay, cha mẹ chúng tôi đã ly dị.

Ai tìm được một người vợ tốt...

Có nhiều người tiên phong trong hội thánh. Trong số đó có một chị đến từ thị trấn khai thác mỏ than Rhondda Valley, mỗi ngày đến đây làm việc và rao giảng. Tên chị là Hazel Green—một người tiên phong xuất sắc. Hazel biết lẽ thật trước tôi nhiều năm—cha mẹ chị dự các buổi họp của Học Viên Kinh Thánh (nay là Nhân Chứng Giê-hô-va) ngay hồi thập niên 1920. Nhưng hãy để Hazel tự kể về mình.

“Tôi không xem trọng Kinh Thánh cho đến năm 1944 khi được đọc sách nhỏ Religion Reaps the Whirlwind (Tôn giáo gieo gió gặt bão). Mẹ tôi thuyết phục tôi đi dự một hội nghị vòng quanh ở Cardiff. Dù chẳng biết gì về Kinh Thánh, nhưng rồi tôi cũng đứng ở trung tâm thương mại chính đeo biển quảng cáo bài diễn văn công cộng, sau đó bị hàng giáo phẩm và những người khác trêu chọc, quấy nhiễu, tôi đã “sống sót” qua kinh nghiệm đó. Tôi làm báp têm vào năm 1946 và bắt đầu làm tiên phong vào tháng 12 cùng năm. Rồi vào năm 1951 có một anh tiên phong trẻ, vừa được thả ra khỏi tù, chuyển đến ở Cardiff. Đó là anh Eric.

“Chúng tôi đi rao giảng chung và rất tâm đầu ý hợp vì có cùng mục tiêu trong đời—đó là phát huy quyền lợi Nước Đức Chúa Trời. Vì thế chúng tôi kết hôn vào tháng 12 năm 1952. Dù cả hai đều là người tiên phong trọn thời gian và có mức thu nhập thấp, chúng tôi không bao giờ thiếu thốn nhu yếu phẩm. Đôi khi, chúng tôi nhận được quà tặng từ tay một chị Nhân Chứng đã đặt mua quá nhiều mứt hoặc xà phòng—và nhằm ngay lúc chúng tôi cần những thứ ấy! Chúng tôi rất biết ơn về những sự giúp đỡ thiết thực như thế. Nhưng chúng tôi còn gặp nhiều sự bất ngờ khác lớn hơn nữa”.

Một bất ngờ thay đổi đời sống của chúng tôi

Vào tháng 11 năm 1954, tôi và Hazel có một sự bất ngờ lớn—một tờ đơn từ văn phòng chi nhánh của Nhân Chứng Giê-hô-va ở Luân Đôn mời tôi trở thành giám thị lưu động, viếng thăm một hội thánh mỗi tuần. Chúng tôi tin đó chỉ là một sự nhầm lẫn nên không nói cho ai khác trong hội thánh biết. Tuy nhiên, tôi điền đơn và gửi đi, hồi hộp chờ đợi. Ít ngày sau, thư phúc đáp đến: “Mời anh đến Luân Đôn để được huấn luyện”!

Ở văn phòng Luân Đôn, tôi thật không thể tưởng tượng nổi mình chỉ mới 23 tuổi mà lại được sánh vai với những anh tôi xem là bậc kỳ cựu về thiêng liêng như Pryce Hughes, Emlyn Wynes, Ernie Beavor, Ernie Guiver, Bob Gough, Glynn Parr, Stan và Martin Woodburn cùng nhiều người khác nữa, nay hầu hết đã qua đời. Họ đã đặt nền tảng vững chắc về lòng sốt sắng và sự trung kiên ở Anh Quốc trong các thập niên 1940 và 1950.

Công việc vòng quanh ở Anh Quốc​—Không bao giờ nhàm chán

Chúng tôi bắt đầu công việc lưu động vào mùa đông tuyết rơi tầm tã năm 1954/1955. Chúng tôi được bổ nhiệm đi East Anglia, một vùng địa hình bằng phẳng ở Anh hứng chịu những ngọn gió buốt của Bắc Hải thổi vào. Thời ấy nước Anh chỉ có vỏn vẹn 31.000 Nhân Chứng. Nhiệm sở đầu tiên ấy là một kinh nghiệm học hỏi khó khăn cho cả chúng tôi lẫn những anh em được thăm viếng nữa. Vì thiếu kinh nghiệm và cũng bởi tính bộc trực của người dân gốc Yorkshire như tôi, có khi tôi làm cho ai đó mếch lòng. Qua năm tháng, tôi đã học được rằng sự tử tế quan trọng hơn sự hữu hiệu và người quan trọng hơn thủ tục. Tôi vẫn còn cố gắng, nhưng không luôn luôn theo sát được gương mẫu của Chúa Giê-su, giúp người khác được khoan khoái.—Ma-thi-ơ 11:28-30.

Sau một năm rưỡi ở East Anglia, chúng tôi được bổ nhiệm phục vụ một vòng quanh ở Newcastle trên Sông Tyne và Northumberland miền đông bắc nước Anh. Tôi mến người dân nhiệt tình của vùng ngoạn mục ấy. Cuộc viếng thăm của anh giám thị địa hạt Don Ward, ở Seattle, tiểu bang Washington, Hoa Kỳ, đã giúp tôi rất nhiều. Anh tốt nghiệp khóa 20 Trường Ga-la-át. Khi đọc diễn văn, tôi có thói quen nói nhanh như gió. Anh ấy dạy tôi nói chậm lại, tạm dừng và dạy dỗ.

Một bất ngờ khác thay đổi đời sống chúng tôi

Vào năm 1958, chúng tôi nhận được một lá thư thay đổi đời sống chúng tôi. Chúng tôi được mời thụ huấn Trường Ga-la-át ở South Lansing, tiểu bang New York, Hoa Kỳ. Chúng tôi bán đi chiếc xe nhỏ bé Austin Seven đời 1935 và mua vé tàu thủy đi New York. Trước hết chúng tôi dự đại hội quốc tế của Nhân Chứng Giê-hô-va ở thành phố New York, rồi đi lên Peterborough, tỉnh bang Ontario, Canada, làm tiên phong sáu tháng trước khi trở xuống phía nam đến Trường Ga-la-át.

Các giảng viên của trường lúc đó gồm anh Albert Schroeder, nay là thành viên Hội Đồng Lãnh Đạo Trung Ương, cũng như các anh Maxwell Friend và Jack Redford, cả hai nay đã qua đời. Sự kết hợp với 82 học viên đến từ 14 xứ thật là kinh nghiệm rất khích lệ. Chúng tôi bắt đầu hiểu chút ít về nền văn hóa của nhau. Tiếp cận với những học viên phấn đấu để nói tiếng Anh tạo cho chúng tôi một ý niệm về những vấn đề chúng tôi sẽ phải đối phó khi học một ngôn ngữ khác. Năm tháng sau, chúng tôi mãn khóa huấn luyện và lớp được bổ nhiệm đi 27 xứ. Rồi đến lễ tốt nghiệp, và ít ngày sau chúng tôi đi thành phố New York, đợi chuyến tàu thủy Queen Elizabeth, đưa chúng tôi về Âu Châu.

Nhiệm sở hải ngoại đầu tiên

Chúng tôi đã nhận được nhiệm sở nào? Bồ Đào Nha! Chúng tôi đến Lisbon vào tháng 11 năm 1959. Bây giờ đã đến lúc trắc nghiệm khả năng của chúng tôi trong việc thích ứng với ngôn ngữ và nền văn hóa mới. Vào năm 1959, có 643 Nhân Chứng tích cực rao giảng ở Bồ Đào Nha dân số gần 9 triệu người. Nhưng công việc rao giảng của chúng tôi lúc đó không được chính thức công nhận. Dù có Phòng Nước Trời, chúng tôi không đặt biển hiệu ở trước cửa.

Sau khi được chị giáo sĩ Elsa Piccone dạy tiếng Bồ Đào Nha, tôi và Hazel đi viếng thăm các hội thánh và các nhóm ở Lisbon, Faro, Evora và Beja. Rồi đến năm 1961 sự việc bắt đầu thay đổi. Tôi giúp một thanh niên tên João Gonçalves Mateus học Kinh Thánh. Cậu ấy quyết định giữ lập trường trung lập của tín đồ Đấng Christ về vấn đề quân dịch. Ít lâu sau, chúng tôi bị sở công an mời lên thẩm vấn. Bất ngờ đây! Vài ngày sau, chúng tôi được thông báo phải rời khỏi xứ trong vòng 30 ngày! Các đồng bạn giáo sĩ Eric với Christina Britten và Domenick với Elsa Piccone cũng cùng chung số phận.

Tôi yêu cầu chính quyền cho chúng tôi trình bày vấn đề, và chúng tôi được phép gặp vị chỉ huy trưởng cảnh sát mật thám. Ông ấy khẳng định rõ ràng với chúng tôi lý do tại sao chúng tôi bị trục xuất và nêu một tên—João Gonçalves Mateus—người đang học Kinh Thánh với tôi. Ông ấy bảo xứ Bồ Đào Nha không phải là Anh Quốc nên không thể dung túng chuyện từ chối quân dịch vì lương tâm. Bởi vậy chúng tôi phải rời Bồ Đào Nha và mất liên lạc với João. Rồi, 26 năm sau, thật là vui khi chúng tôi gặp lại anh ấy cùng với vợ và ba con gái vào dịp lễ hiến dâng nhà Bê-tên mới ở Bồ Đào Nha! Thánh chức của chúng tôi ở Bồ Đào Nha hóa ra không vô ích!—1 Cô-rinh-tô 3:6-9.

Nhiệm sở kế tiếp của chúng tôi ở đâu? Một sự bất ngờ! Đó là xứ Tây Ban Nha kế cận. Vào tháng 2 năm 1962 chúng tôi rướm lệ đáp tàu hỏa ở sân ga Lisbon lên đường đi Madrid.

Thích nghi với nền văn hóa khác

Ở Tây Ban Nha chúng tôi đã phải làm quen với cách rao giảng và nhóm họp kín đáo. Khi rao giảng, chúng tôi thường không bao giờ gõ cửa hai nhà kế nhau. Sau khi làm chứng ở một nhà nào đó, chúng tôi chuyển sang một đường khác, một tòa nhà khác. Điều này khiến cảnh sát—hoặc các linh mục—khó bắt được chúng tôi. Hãy nhớ rằng lúc đó chúng tôi sống dưới chế độ độc tài Phát-xít Công Giáo, và công việc rao giảng bị cấm. Là người nước ngoài, chúng tôi lấy tên Tây Ban Nha để tránh bị lộ tông tích. Tôi trở thành Pablo, và Hazel thành Juana.

Ít tháng sau khi đến Madrid, chúng tôi được chỉ định làm công việc vòng quanh ở Barcelona. Chúng tôi viếng thăm nhiều hội thánh trong thành phố, thường lưu lại hai hoặc ba tuần ở mỗi nơi. Phải ở lâu như vậy vì chúng tôi thăm từng nhóm học sách như thể một hội thánh, và mỗi tuần thường thăm được hai nhóm.

Một thách thức bất ngờ

Vào năm 1963, chúng tôi được mời làm công việc địa hạt ở Tây Ban Nha. Chúng tôi phải đi toàn quốc, thăm chín vòng quanh hiện hữu lúc bấy giờ, phục vụ gần 3.000 Nhân Chứng tích cực hoạt động. Chúng tôi tổ chức một số hội nghị vòng quanh bí mật đáng nhớ nhất trong rừng gần Seville, trong một nông trại gần Gijon, và cạnh những dòng sông gần Madrid, Barcelona và Logroño.

Khi rao giảng từ nhà này sang nhà kia, để đề phòng, tôi thường xem thử có con đường nào gần đó để thoát thân khi gặp bất trắc hay không. Một lần nọ, khi rao giảng ở Madrid, tôi và một Nhân Chứng khác đang ở trên lầu thì bỗng dưng nghe ai la hét và quát tháo ở tầng dưới. Khi xuống lầu, chúng tôi thấy một nhóm thiếu nữ thành viên của hội Công Giáo Hijas de María (Con gái bà Ma-ri). Họ đang cảnh báo láng giềng về chúng tôi. Dùng lý lẽ không thuyết phục được họ, tôi hiểu phải rời chỗ đó ngay lập tức để khỏi bị cảnh sát bắt. Vậy chúng tôi đã nhanh chóng chạy thoát thân!

Những năm ấy ở Tây Ban Nha thật hồi hộp. Chúng tôi cố gắng khuyến khích anh chị em tuyệt vời ở đó, kể cả những người truyền giáo làm tiên phong đặc biệt. Họ liều mình không sợ bị bỏ tù, thường chịu cảnh thiếu thốn trong việc rao giảng tin mừng về Nước Đức Chúa Trời, thiết lập cũng như xây dựng các hội thánh.

Trong thời gian ấy chúng tôi nhận được một số tin buồn. Hazel giải thích: “Vào năm 1964, mẹ tôi, một Nhân Chứng trung thành, qua đời. Thật là điều bất hạnh vì mẹ mất mà tôi không kịp nói lời từ biệt. Đó là một trong những cái giá mà nhiều người khác cũng đã trả cho công việc giáo sĩ”.

Cuối cùng được tự do!

Sau nhiều năm bị ngược đãi, cuối cùng vào tháng 7 năm 1970 hoạt động của chúng tôi được chính phủ Franco chính thức công nhận. Tôi và Hazel rất đỗi vui mừng khi thấy các Phòng Nước Trời được mở, phòng đầu tiên ở Madrid và phòng thứ hai ở Lesseps, Barcelona. Phòng Nước Trời luôn luôn có những tấm biển lớn, thường được gắn đèn. Chúng tôi muốn mọi người biết chúng tôi hoạt động hợp pháp và sẽ tiếp tục rao giảng ở đây. Lúc bấy giờ, năm 1972, có gần 17.000 Nhân Chứng ở Tây Ban Nha.

Vào khoảng thời gian này, tôi nhận được tin tức rất khích lệ từ Anh Quốc. Trước đó, cha tôi đã đến thăm chúng tôi vào năm 1969. Ông có ấn tượng tốt về cách các Nhân Chứng người Tây Ban Nha đã tiếp đãi ông đến độ khi về nhà ở Anh Quốc, ông bắt đầu học hỏi Kinh Thánh. Rồi vào năm 1971 tôi hay tin cha làm báp têm! Thật cảm động làm sao khi chúng tôi về thăm nhà được nghe cha cầu nguyện trước bữa ăn với tư cách một anh em cùng đạo. Tôi đã phải đợi ngày ấy trên 20 năm. Em trai Bob và em dâu Iris của tôi đã trở thành Nhân Chứng vào năm 1958. Con trai họ, Phillip, nay phụng sự với tư cách giám thị vòng quanh ở Tây Ban Nha với vợ là Jean. Chúng tôi rất vui thích thấy họ phụng sự ở nước tuyệt vời ấy.

Sự bất ngờ gần đây nhất

Vào năm 1980, một thành viên Hội Đồng Lãnh Đạo Trung Ương đến thăm Tây Ban Nha với tư cách giám thị vùng. Anh ấy muốn cùng đi rao giảng với tôi, điều này làm tôi ngạc nhiên. Tôi không hề biết anh ấy đang muốn đánh giá khả năng của tôi! Rồi vào tháng 9 cùng năm, chúng tôi được mời di chuyển đến trụ sở trung ương quốc tế ở Brooklyn, New York! Chúng tôi chưng hửng hết sức. Chúng tôi nhận lời mời, dù việc lìa xa những anh em Tây Ban Nha thật não lòng. Lúc ấy, có 48.000 Nhân Chứng ở đó!

Khi chúng tôi lên đường, một anh biếu tôi một chiếc đồng hồ quả quít, trên đó có khắc hai câu Kinh Thánh—“Lu-ca 16:10; Lu-ca 17:10”. Anh ấy nói đó là hai câu Kinh Thánh nằm lòng của tôi. Lu-ca 16:10 nhấn mạnh chúng ta phải trung thành trong những việc nhỏ, và Lu-ca 17:10 nói chúng ta là “đầy-tớ vô-ích” và do đó không có lý do để tự hào. Tôi luôn luôn hiểu rằng bất cứ việc gì chúng ta làm để phụng sự Đức Giê-hô-va cũng chỉ là bổn phận của người tín đồ tận tụy của Đấng Christ mà thôi.

Sự bất ngờ về sức khỏe

Vào năm 1990, tim tôi bắt đầu có vấn đề. Cuối cùng bác sĩ đã phải đưa thanh dẫn vào tim để khai thông một động mạch bị nghẽn. Trong giai đoạn khó khăn này, Hazel yểm trợ tôi bằng nhiều cách, thường xách cặp và hành lý vì tôi yếu quá nên nhấc không nổi. Rồi vào tháng 5 năm 2000 tôi đã được gắn máy trợ tim. Thật là đỡ khổ làm sao!

Trong hơn 50 năm qua, tôi và Hazel thấy tay Đức Giê-hô-va không ngắn và ý định Ngài được thành tựu vào thời điểm Ngài đã định chứ không phải theo ý chúng ta. (Ê-sai 59:1; Ha-ba-cúc 2:3) Đời sống chúng tôi đầy những bất ngờ đem lại niềm vui và cũng một ít nỗi buồn nữa, nhưng Đức Giê-hô-va đã nâng đỡ chúng tôi trong suốt thời gian đó. Ở trụ sở trung ương quốc tế của dân tộc Đức Giê-hô-va, mỗi ngày chúng tôi sung sướng được tiếp xúc với các thành viên của Hội Đồng Lãnh Đạo Trung Ương. Đôi khi tôi tự hỏi: ‘Chúng tôi có thật sự ở đây không?’ Thật là một ân điển. (2 Cô-rinh-tô 12:9) Chúng tôi tin cậy Đức Giê-hô-va sẽ tiếp tục che chở chúng tôi khỏi những mưu kế của Sa-tan và gìn giữ chúng tôi hầu có thể nhìn thấy ngày mà sự cai trị công bình của Ngài lan rộng ra khắp đất.—Ê-phê-sô 6:11-18; Khải-huyền 21:1-4.

[Hình nơi trang 26]

Nhà giam Strangeways, ở Manchester, nơi tôi bắt đầu thụ án

[Hình nơi trang 27]

Trong công việc vòng quanh với chiếc xe Austin Seven của chúng tôi ở Anh Quốc

[Hình nơi trang 28]

Một hội nghị bí mật ở Cercedilla, Madrid, Tây Ban Nha, năm 1962

[Hình nơi trang 29]

Tại bàn trưng bày ấn phẩm ở Brooklyn