Thành kiến—Bạn có mắc phải không?
Thành kiến giống như vi-rút. Nó gây hại cho người mắc phải, và người ta có thể không hay biết là mình bị nhiễm.
Có lẽ người ta thành kiến không chỉ với những người khác quốc tịch, chủng tộc, bộ lạc hoặc ngôn ngữ, mà còn với những người khác tôn giáo, giới tính hoặc tầng lớp xã hội. Một số người phân biệt đối xử dựa trên tuổi tác, học vấn, giới hạn sức khỏe hoặc vẻ bề ngoài. Dù vậy, họ vẫn cho là mình không thành kiến.
Bạn có mắc bệnh thành kiến không? Đa số chúng ta dễ thấy người khác thành kiến nhưng lại khó nhận ra là mình thành kiến. Sự thật là tất cả chúng ta đều thành kiến ở mức độ nào đó. Giáo sư ngành xã hội học là ông David Williams nhận xét rằng khi người ta nghĩ tiêu cực về một nhóm người và rồi gặp một người thuộc nhóm đó, “họ sẽ phân biệt đối xử với người ấy mà không hề hay biết”.
Chẳng hạn, tại một nước thuộc vùng Ban-căng mà anh Jovica sinh sống, có một nhóm thiểu số. Anh thừa nhận: “Tôi từng nghĩ rằng chẳng ai trong nhóm ấy là người tốt. Tôi không biết là mình đang thành kiến, và vẫn tự nhủ: ‘Suy cho cùng, đó là sự thật hiển nhiên’”.
Nhiều chính phủ ban hành những điều luật chống phân biệt chủng tộc và các hình thức khác của thành kiến. Tuy nhiên, sự thành kiến vẫn phổ biến. Tại sao? Vì những điều luật ấy chỉ hạn chế hành động của một người, chứ không thể kiểm soát suy nghĩ và cảm xúc của người ấy. Trên thực tế, sự thành kiến xuất phát từ lòng và trí. Vậy, lẽ nào phải đầu hàng trước vấn nạn này sao? Có phương thuốc nào cho thành kiến không?
Những bài kế tiếp sẽ thảo luận năm nguyên tắc đã giúp nhiều người loại bỏ sự thành kiến khỏi lòng và trí.