Cùng làm việc với Đức Giê-hô-va mỗi ngày
“Chúng tôi là người cùng làm việc với Đức Chúa Trời”.—1 CÔ 3:9.
BÀI HÁT: 64, 111
1. Chúng ta có thể cùng làm việc với Đức Giê-hô-va qua những cách nào?
Sau khi tạo ra con người hoàn hảo, Đấng Tạo Hóa muốn họ hợp tác với ngài để hoàn thành ý định của ngài. Dù hiện nay là bất toàn, những người trung thành vẫn có thể cùng làm việc với Đức Giê-hô-va mỗi ngày. Chẳng hạn, chúng ta là “người cùng làm việc với Đức Chúa Trời” khi rao giảng tin mừng và đào tạo môn đồ (1 Cô 3:5-9). Quả là đặc ân khi được hợp tác với Đấng Tạo Hóa toàn năng của vũ trụ trong công việc mà ngài xem là quan trọng! Tuy nhiên, chúng ta cùng làm việc với ngài không chỉ qua công việc rao giảng và đào tạo môn đồ. Trong bài này, chúng ta sẽ xem xét những cách khác để cùng làm việc với Đức Giê-hô-va, đó là giúp đỡ gia đình và anh em đồng đạo, tỏ lòng hiếu khách, tình nguyện tham gia dự án thần quyền và mở rộng các hình thức phụng sự.—Cô 3:23.
2. Tại sao so sánh điều mình có thể làm cho Đức Giê-hô-va với điều người khác làm là thiếu khôn ngoan?
2 Khi xem xét bài này, đừng so sánh điều anh chị có thể làm cho Đức Giê-hô-va với điều người khác làm. Hãy nhớ rằng mỗi người có độ tuổi, sức khỏe, hoàn cảnh và khả năng khác nhau. Sứ đồ Phao-lô được soi dẫn viết: “Mỗi người hãy tra xét hành động của chính mình, rồi sẽ có cớ để tự hào về mình mà không so sánh với người khác”.—Ga 6:4.
GIÚP ĐỠ GIA ĐÌNH VÀ ANH EM ĐỒNG ĐẠO
3. Tại sao có thể nói rằng những người chăm sóc cho gia đình là đang cùng làm việc với Đức Chúa Trời?
3 Đức Giê-hô-va đòi hỏi các tôi tớ ngài chăm sóc gia đình. Chẳng hạn, một số anh chị phải làm việc để lo kinh tế cho gia đình. Nhiều chị ở nhà để chăm nom con nhỏ. Còn những anh chị khác thì chăm sóc cha mẹ già yếu. Đó là những điều cần thiết. Kinh Thánh nói: “Nếu ai không chu cấp cho những người mình có trách nhiệm chăm sóc, đặc biệt là người nhà mình, thì người ấy đã chối bỏ đức tin và còn tệ hơn người không có đức tin” (1 Ti 5:8). Nếu có những trách nhiệm như thế, hẳn anh chị không thể dành nhiều thời gian cho các hoạt động thần quyền như mình mong muốn. Nhưng đừng nản chí! Đức Giê-hô-va hài lòng khi anh chị chăm sóc cho gia đình mình.—1 Cô 10:31.
4. Làm thế nào cha mẹ có thể đặt quyền lợi Nước Trời lên trên quyền lợi của bản thân, và kết quả là gì?
4 Các bậc cha mẹ tin kính có thể cùng làm việc với Đức Giê-hô-va bằng cách giúp con cái đặt mục tiêu thần quyền. Một số bậc cha mẹ đã làm thế, và sau này con họ quyết định phụng sự trọn thời gian, thậm chí là ở những nơi xa. Một số trở thành giáo sĩ, một số làm tiên phong ở nơi có nhu cầu lớn hơn, còn số khác thì phụng sự ở Bê-tên. Khi ở xa, gia đình khó có thể dành thời gian nhiều cho nhau như họ mong muốn. Tuy nhiên, những bậc cha mẹ có tinh thần hy sinh sẽ khuyến khích con kiên trì trong nhiệm sở. Tại sao? Vì họ rất vui mừng và thỏa lòng khi biết con mình đang đặt quyền lợi Nước Trời lên trên hết (3 Giăng 4). Có lẽ nhiều bậc cha mẹ có cùng cảm xúc với Ha-na, người đã nói: ‘Tôi xin cho Đức Giê-hô-va mượn Sa-mu-ên’. Họ xem việc được hợp tác với Đức Giê-hô-va trong khía cạnh này là đặc ân quý giá.—1 Sa 1:28.
5. Anh chị có thể giúp đỡ các thành viên trong hội thánh qua những cách thực tế nào? (Xem hình nơi đầu bài).
5 Nếu chưa phải gánh vác nhiều trách nhiệm gia đình, anh chị có thể giúp đỡ những người đang chăm sóc cho người thân, những người cao tuổi, sức khỏe kém hoặc cần được hỗ trợ không? Hãy tìm những người như thế trong hội thánh. Chẳng hạn, anh chị có thể giúp một chị đang chăm sóc cha mẹ già bằng cách dành thời gian với cha mẹ chị ấy trong lúc chị làm những việc khác. Hoặc anh chị có thể giúp những người cần được hỗ trợ bằng cách đề nghị chở họ đi nhóm, đi chợ hay đi thăm một người ở bệnh viện. Khi làm thế, có lẽ anh chị đang hợp tác với Đức Giê-hô-va trong việc đáp lại một lời cầu nguyện.—Đọc 1 Cô-rinh-tô 10:24.
TỎ LÒNG HIẾU KHÁCH
6. Việc tỏ lòng hiếu khách bao hàm điều gì?
6 Những người cùng làm việc với Đức Chúa Trời được biết đến là người hiếu khách. Trong phần Kinh Thánh tiếng Hy Lạp, từ được dịch “tỏ lòng hiếu khách” có nghĩa là “tỏ lòng nhân từ với người lạ” (Hê 13:2, chú thích). Lời Đức Chúa Trời ghi lại những trường hợp dạy chúng ta cách tỏ lòng hiếu khách (Sáng 18:1-5). Chúng ta có thể tận dụng cơ hội và nên thường xuyên giúp đỡ người khác, dù họ có phải là “anh em đồng đức tin” hay không.—Ga 6:10.
7. Tỏ lòng hiếu khách với những người phụng sự trọn thời gian có thể mang lại lợi ích nào?
7 Anh chị có thể cùng làm việc với Đức Giê-hô-va bằng cách tỏ lòng hiếu khách với những người phụng sự trọn thời gian đến thăm, chẳng hạn như giám thị vòng quanh hoặc những anh đại diện cho tổ chức. (Đọc 3 Giăng 5, 8). Những dịp như thế thường là cơ hội để “khích lệ lẫn nhau” (Rô 1:11, 12). Hãy xem trường hợp của anh Olaf. Nhiều thập kỷ trước, một giám thị vòng quanh độc thân đến thăm hội thánh nhưng không ai có thể cung cấp chỗ ở cho anh ấy. Anh Olaf đã xin cha mẹ không phải là Nhân Chứng cho phép anh giám thị ở lại nhà mình. Họ đồng ý, nhưng điều này có nghĩa là anh Olaf phải ngủ trên ghế nệm. Anh đã làm thế, và không cảm thấy hối tiếc. Anh nhớ lại: “Tuần lễ ấy thật đáng nhớ! Mỗi ngày, chúng tôi dậy sớm, vừa ăn sáng vừa thảo luận nhiều đề tài thú vị. Tôi được khích lệ rất nhiều, và điều đó thúc đẩy tôi vun trồng ước muốn phụng sự trọn thời gian”. Trong 40 năm qua, anh Olaf đã làm giáo sĩ ở nhiều nước.
8. Tại sao chúng ta nên tỏ lòng nhân từ dù lúc đầu người ta không biết ơn? Hãy nêu ví dụ.
8 Anh chị có thể tỏ lòng nhân từ với người lạ qua nhiều cách, ngay cả nếu lúc đầu nỗ lực của mình không được quý trọng. Chẳng hạn, một chị ở Tây Ban Nha có học viên Kinh Thánh là Yesica đến từ Ecuador. Một lần khi đang học, Yesica bật khóc nức nở. Chị Nhân Chứng hỏi lý do. Yesica kể rằng trước khi di cư đến Tây Ban Nha, chị nghèo đến độ ngày nọ, chị không có thức ăn. Những gì Yesica có thể cho con gái mình chỉ là nước. Yesica vừa cố ru con ngủ vừa cầu nguyện xin sự giúp đỡ. Một lúc sau, hai chị Nhân Chứng đến gõ cửa nhà Yesica, nhưng chị đối xử tệ với họ và xé cuốn tạp chí. Chị la họ: “Đây là thứ mà mấy người muốn tôi cho con mình ăn hả?”. Hai Nhân Chứng cố gắng an ủi chị nhưng chị vẫn không nghe. Sau đó, họ để một giỏ thức ăn trước cửa nhà chị. Yesica rất cảm kích trước hành động nhân từ ấy, và hối hận vì đã không để ý khi Đức Chúa Trời đáp lời cầu nguyện của mình. Nay chị quyết tâm phụng sự Đức Giê-hô-va. Lòng rộng rãi của hai chị ấy quả đã đem lại kết quả tốt!—Truyền 11:1, 6.
TÌNH NGUYỆN THAM GIA DỰ ÁN THẦN QUYỀN
9, 10. (a) Dân Y-sơ-ra-ên có những cơ hội nào để tình nguyện phụng sự? (b) Các anh có thể giúp đỡ hội thánh qua những cách nào?
9 Thời xưa, dân Y-sơ-ra-ên có nhiều cơ hội để tình nguyện phụng sự (Xuất 36:2; 1 Sử 29:5; Nê 11:2). Ngày nay, anh chị cũng có nhiều cơ hội để tình nguyện dùng thời gian, của cải và kỹ năng để giúp đỡ anh em. Khi làm thế, anh chị sẽ nhận được nhiều niềm vui và ân phước.
10 Kinh Thánh khuyến khích các anh trong hội thánh cùng làm việc với Đức Giê-hô-va bằng cách vươn tới đặc ân làm phụ tá và trưởng lão (1 Ti 3:1, 8, 9; 1 Phi 5:2, 3). Phụ tá và trưởng lão là những người muốn giúp đỡ người khác trong việc thờ phượng cũng như qua những cách thực tế (Công 6:1-4). Trưởng lão có đề nghị các anh giúp đỡ về việc hướng dẫn, bảo trì, phụ trách sách báo, khu vực hoặc công việc khác không? Các anh đảm nhận những việc ấy cho biết họ rất vui khi giúp đỡ hội thánh.
11. Một chị nhận được lợi ích nào khi tham gia dự án thần quyền?
11 Những anh chị tình nguyện tham gia dự án thần quyền thường có nhiều bạn mới. Chẳng hạn, chị Margie đã giúp các dự án xây cất Phòng Nước Trời trong 18 năm. Khi tham gia những dự án này, chị quan tâm và huấn luyện một số chị trẻ. Chị cho biết các dự án này là cơ hội tuyệt vời để khuyến khích nhau về thiêng liêng (Rô 1:12). Mỗi khi gặp khó khăn, chị được khích lệ nhờ những người bạn ấy. Anh chị đã bao giờ tình nguyện tham gia một dự án xây cất chưa? Dù có kỹ năng hay không, anh chị vẫn có thể tình nguyện tham gia.
12. Anh chị có thể góp phần vào công tác cứu trợ như thế nào?
12 Dân Đức Chúa Trời có thể cùng làm việc với ngài khi giúp đỡ anh em một cách thực tế ở những nơi xảy ra thảm họa. Chẳng hạn, họ đóng góp tài chính để hỗ trợ những ai bị ảnh hưởng (Giăng 13:34, 35; Công 11:27-30). Một cách khác là giúp đỡ trong việc dọn dẹp và sửa chữa sau thảm họa. Một chị người Ba Lan tên là Gabriela có căn nhà bị hư hại nặng sau cơn lũ. Chị vui mừng khi các anh chị từ các hội thánh kế cận đến giúp đỡ. Chị nói: “Tôi không muốn nói về những thứ mình đã mất vì chúng chỉ là vật chất. Điều tôi muốn nói là tôi đã nhận được rất nhiều. Qua lần này, tôi tin chắc rằng thuộc về hội thánh đạo Đấng Ki-tô là một đặc ân vô giá, đồng thời mang lại niềm vui và hạnh phúc”. Nhiều anh chị được giúp đỡ sau thảm họa cũng nhận xét như thế. Những ai cùng làm việc với Đức Giê-hô-va trong công tác cứu trợ này cũng rất hạnh phúc và thỏa nguyện.—Đọc Công vụ 20:35; 2 Cô-rinh-tô 9:6, 7.
13. Khi tham gia công việc tình nguyện, chúng ta có thể củng cố mối quan hệ với Đức Giê-hô-va như thế nào? Hãy nêu ví dụ.
13 Chị Stephanie và những anh chị khác vui mừng cùng làm việc với Đức Giê-hô-va qua việc giúp đỡ các anh em đến tị nạn ở Hoa Kỳ. Họ giúp tìm chỗ ở và cung cấp đồ đạc cho những gia đình chạy khỏi vùng bị chiến tranh tàn phá. Chị Stephanie cho biết: “Thật cảm động khi thấy anh em vui và biết ơn vì cảm nghiệm được tình huynh đệ quốc tế. Các gia đình ấy nghĩ là chúng tôi giúp họ, nhưng thực tế là họ còn khích lệ chúng tôi nhiều hơn nữa. Tình yêu thương, sự hợp nhất, đức tin và lòng tin cậy nơi Đức Giê-hô-va mà chúng tôi chứng kiến đã giúp chúng tôi càng yêu thương ngài hơn, và quý trọng mọi điều mình nhận được qua tổ chức của ngài”.
MỞ RỘNG CÁC HÌNH THỨC PHỤNG SỰ
14, 15. (a) Nhà tiên tri Ê-sai thể hiện thái độ nào? (b) Ngày nay, những người công bố về Nước Trời có thể noi theo Ê-sai như thế nào?
14 Anh chị có muốn được cùng làm việc với Đức Giê-hô-va nhiều hơn không? Anh chị có sẵn sàng đến nơi có nhu cầu lớn hơn không? Dĩ nhiên, tôi tớ Đức Chúa Trời không cần phải xa nhà để thể hiện tinh thần rộng rãi. Nhưng một số anh chị có hoàn cảnh thuận lợi cho phép họ làm thế. Họ có thái độ tương tự như nhà tiên tri Ê-sai. Khi Đức Giê-hô-va hỏi: “Ta sẽ sai ai đây, ai sẽ đi cho chúng ta?”, ông đáp: “Có con đây! Xin sai con!” (Ê-sai 6:8). Nếu hoàn cảnh cho phép, anh chị có sẵn lòng giúp tổ chức Đức Giê-hô-va không? Anh chị có thể giúp qua những cách nào?
15 Chúa Giê-su nói về công việc rao giảng và đào tạo môn đồ: “Mùa gặt thì trúng nhưng thợ gặt thì ít. Vì vậy, hãy nài xin Chủ mùa gặt sai thợ gặt đến thu hoạch vụ mùa” (Mat 9:37, 38). Anh chị có thể phụng sự với tư cách là người tiên phong ở nơi có nhu cầu lớn hơn không? Hoặc có thể giúp người khác làm thế không? Nhiều anh chị nhận thấy cách tốt nhất để thể hiện tình yêu thương với Đức Chúa Trời và người lân cận là làm tiên phong ở nơi cần thêm thợ gặt. Có lẽ anh chị nghĩ đến những cách khác để phụng sự Đức Giê-hô-va nhiều hơn. Khi mở rộng các hình thức phụng sự, anh chị sẽ cảm nghiệm nhiều niềm vui.
16, 17. Nếu có ước muốn phụng sự Đức Giê-hô-va nhiều hơn, anh chị có cơ hội nào?
16 Anh chị có sẵn sàng phụng sự tại Bê-tên hoặc giúp xây cất các cơ sở thần quyền, có thể là tình nguyện viên tạm thời hoặc vào Bê-tên làm việc một hay vài ngày mỗi tuần không? Tổ chức luôn cần những anh chị sẵn sàng phụng sự ở nơi được chỉ định và thực hiện mọi công việc được giao. Điều này có thể đòi hỏi họ làm việc trong lĩnh vực mà họ chưa có kỹ năng và kinh nghiệm. Dù vậy, Đức Giê-hô-va quý tinh thần hy sinh của những ai sẵn sàng phụng sự ở bất kỳ nơi nào có nhu cầu.—Thi 110:3.
17 Anh chị có mong muốn nhận thêm sự huấn luyện để được trang bị kỹ càng hơn cho công việc phụng sự không? Nếu có, có lẽ anh chị hội đủ điều kiện tham dự Trường dành cho người rao truyền Nước Trời. Trường này huấn luyện những anh chị thành thục đang phụng sự trọn thời gian để đẩy mạnh quyền lợi Nước Trời trong cánh đồng. Những anh chị nộp đơn vào trường cần có tinh thần sẵn sàng nhận bất cứ nhiệm sở nào sau khi tốt nghiệp. Anh chị có muốn tận dụng cơ hội này để vươn tới những đặc ân phụng sự khác không?—1 Cô 9:23.
18. Anh chị sẽ nhận được lợi ích nào khi cùng làm việc với Đức Giê-hô-va mỗi ngày?
18 Là dân Đức Giê-hô-va, chúng ta được thôi thúc để quan tâm đến người khác qua việc đối xử với họ một cách rộng rãi, tốt lành, nhân từ và yêu thương. Khi làm thế mỗi ngày, chúng ta sẽ vui mừng, bình an và hạnh phúc (Ga 5:22, 23). Dù hoàn cảnh thế nào, anh chị cũng sẽ cảm nhận rất nhiều niềm vui khi noi theo tính rộng rãi của Đức Giê-hô-va và cùng làm việc với ngài!—Châm 3:9, 10.