Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Đừng xét đoán theo bề ngoài

Đừng xét đoán theo bề ngoài

“Đừng xét đoán theo bề ngoài nữa, nhưng hãy xét đoán một cách công chính”.—GIĂNG 7:24.

BÀI HÁT: 142, 123

1. Ê-sai tiên tri điều gì về Chúa Giê-su, và tại sao điều này thật khích lệ?

Lời tiên tri của Ê-sai về Chúa Giê-su Ki-tô mang lại cho chúng ta sự trấn an và niềm hy vọng. Ông báo trước rằng Chúa Giê-su sẽ “không xét xử theo điều mắt thấy bên ngoài, cũng không khiển trách chỉ dựa vào điều tai nghe”. Ngài sẽ “lấy lẽ công bằng xét xử những người thấp hèn” (Ê-sai 11:3, 4). Tại sao điều này thật khích lệ? Vì chúng ta đang sống trong thế gian đầy dẫy thành kiến và thiên vị. Tất cả chúng ta đều mong đợi Đấng Phán Xét hoàn hảo, là đấng sẽ không bao giờ xét đoán theo bề ngoài!

2. Chúa Giê-su ban mệnh lệnh nào, và chúng ta sẽ thảo luận điều gì trong bài này?

2 Chúng ta thường thích nhận xét hoặc đánh giá về người khác. Nhưng là người bất toàn, chúng ta không thể đánh giá hoặc xét đoán sự việc một cách hoàn hảo như Chúa Giê-su. Chúng ta dễ bị ảnh hưởng bởi những điều mình thấy. Tuy nhiên, khi còn ở trên đất, Chúa Giê-su ban mệnh lệnh: “Đừng xét đoán theo bề ngoài nữa, nhưng hãy xét đoán một cách công chính” (Giăng 7:24). Rõ ràng, Chúa Giê-su muốn chúng ta có quan điểm giống ngài về người khác và không xét đoán theo bề ngoài. Bài này sẽ thảo luận ba khía cạnh mà người ta thường bị ảnh hưởng bởi những gì họ thấy: chủng tộc, sự giàu nghèo và tuổi tác. Trong mỗi khía cạnh, chúng ta sẽ xem xét những cách thiết thực để vâng theo mệnh lệnh của Chúa Giê-su.

CHỦNG TỘC

3, 4. (a) Những biến cố nào đã khiến sứ đồ Phi-e-rơ xem xét lại quan điểm của mình về dân ngoại? (Xem hình nơi đầu bài). (b) Đức Giê-hô-va giúp Phi-e-rơ hiểu sự thật mới nào?

3 Hãy hình dung những suy nghĩ xuất hiện trong tâm trí sứ đồ Phi-e-rơ khi ông được gọi đến nhà Cọt-nây, một người ngoại sống tại Sê-sa-rê (Công 10:17-29). Giống như những người Do Thái khác vào thời đó, Phi-e-rơ lớn lên với niềm tin rằng người ngoại là ô uế. Nhưng những biến cố xảy ra đã khiến ông xem xét lại điều này. Chẳng hạn, Phi-e-rơ nhận được một khải tượng bằng phép lạ (Công 10:9-16). Ông thấy một vật như tấm vải hạ xuống trước mặt, bên trong là các loài vật ô uế. Rồi có tiếng phán từ trời bảo ông: “Phi-e-rơ, hãy đứng dậy làm thịt và ăn đi!”. Nhưng Phi-e-rơ kiên quyết từ chối. Tiếng từ trời lại phán với ông: “Những gì Đức Chúa Trời đã làm cho sạch, anh đừng gọi là ô uế nữa”. Khi khải tượng chấm dứt, Phi-e-rơ rất bối rối về những gì ông vừa nghe. Ngay lúc ấy, các sứ giả của Cọt-nây đến. Sau khi nhận được sự hướng dẫn của thần khí thánh, Phi-e-rơ đi đến nhà Cọt-nây cùng các sứ giả.

4 Nếu nhìn sự việc theo bề ngoài, Phi-e-rơ sẽ không bao giờ vào nhà Cọt-nây. Lý do đơn giản là người Do Thái không vào nhà của dân ngoại. Vậy tại sao Phi-e-rơ vẫn đi bất chấp những thành kiến đã ăn sâu? Vì khải tượng Phi-e-rơ thấy và sự đảm bảo từ thần khí thánh đã tác động đến ông sâu sắc. Sau khi nghe những gì Cọt-nây kể lại, Phi-e-rơ được thúc đẩy để tuyên bố: “Nay tôi thật sự hiểu rằng Đức Chúa Trời không hề thiên vị, nhưng trong các dân, hễ ai kính sợ ngài và làm điều đúng thì được ngài chấp nhận” (Công 10:34, 35). Quả là một sự hiểu biết mới đầy hào hứng và có tầm ảnh hưởng rộng lớn! Sự thật này sẽ tác động thế nào đến tất cả tín đồ đạo Đấng Ki-tô?

5. (a) Đức Giê-hô-va muốn mọi tín đồ đạo Đấng Ki-tô hiểu điều gì? (b) Dù biết chân lý, nhưng trong lòng chúng ta có thể vẫn còn tồn tại điều gì?

5 Đức Giê-hô-va dùng Phi-e-rơ để giúp mọi tín đồ đạo Đấng Ki-tô hiểu rằng ngài không hề thiên vị. Ngài không hề xem sự khác biệt về chủng tộc, quốc gia hoặc ngôn ngữ là quan trọng. Bất cứ người nam hay người nữ nào kính sợ Đức Chúa Trời và làm điều đúng thì đều được ngài chấp nhận (Ga 3:26-28; Khải 7:9, 10). Hẳn anh chị biết rõ điều này. Nhưng nói sao nếu anh chị lớn lên tại một nơi hoặc trong gia đình có nhiều thành kiến? Dù nghĩ là mình không thiên vị, nhưng trong lòng anh chị có thể vẫn còn dấu vết của sự thành kiến. Ngay cả Phi-e-rơ, người từng có đặc ân tiết lộ tính không thiên vị của Đức Giê-hô-va, về sau cũng tỏ ra thành kiến (Ga 2:11-14). Làm thế nào chúng ta có thể vâng lời Chúa Giê-su và không xét đoán theo bề ngoài?

6. (a) Điều gì có thể giúp chúng ta loại bỏ thành kiến trong lòng? (b) Lời nhận xét của một trưởng lão cho thấy gì về quan điểm của anh?

6 Chúng ta cần tra xét kỹ bản thân dựa trên Lời Đức Chúa Trời để nhận ra mình có bất cứ thành kiến nào hay không (Thi 119:105). Có lẽ chúng ta cũng cần sự giúp đỡ yêu thương từ người bạn đáng tin cậy, là người thấy thái độ thành kiến của chúng ta ngay cả khi chúng ta không thấy (Ga 2:11, 14). Có thể vì thái độ đó đã ăn sâu đến nỗi chúng ta không ý thức về nó. Hãy xem ví dụ: Một trưởng lão được yêu cầu viết lời nhận xét về một cặp vợ chồng phụng sự trọn thời gian. Người chồng đến từ một dân tộc thiểu số và dân tộc này hay bị người ta xem thường. Dường như anh trưởng lão đã không nhận ra mình có thành kiến với dân tộc thiểu số này. Trong lời nhận xét, anh nói nhiều điều tốt về người chồng. Tuy nhiên, anh kết luận như sau: “Dù anh ấy thuộc dân tộc thiểu số, nhưng cách cư xử và lối sống của anh ấy giúp người khác hiểu rằng không phải tất cả những người thuộc dân tộc này đều thấp kém và sống thiếu vệ sinh, là điều phổ biến trong dân tộc ấy”. Bài học là gì? Dù có trách nhiệm nào đi nữa, chúng ta phải tra xét kỹ bản thân và sẵn sàng nhận sự giúp đỡ để nhận ra bất cứ sự thành kiến nào còn tồn tại trong lòng. Chúng ta có thể làm gì khác?

7. Làm thế nào chúng ta cho thấy mình đang mở rộng lòng?

7 Nếu mở rộng lòng mình, chúng ta sẽ để tình yêu thương thay thế sự thành kiến (2 Cô 6:11-13). Anh chị có thói quen chỉ kết hợp với những ai cùng chủng tộc, quốc gia hoặc ngôn ngữ không? Nếu thế, hãy mở rộng lòng. Hãy mời những anh chị có gốc gác khác với mình cùng đi thánh chức hoặc đến nhà dùng bữa (Công 16:14, 15). Nếu làm thế, lòng anh chị sẽ lấp đầy tình yêu thương đến mức không còn chỗ cho sự thành kiến. Nhưng chúng ta có khuynh hướng xét đoán theo bề ngoài trong những khía cạnh khác. Hãy xem khía cạnh kế tiếp là sự giàu nghèo.

SỰ GIÀU NGHÈO

8. Theo Lê-vi 19:15, sự giàu có và nghèo túng có thể ảnh hưởng thế nào đến quan điểm của chúng ta về người khác?

8 Một yếu tố khác ảnh hưởng đến quan điểm của chúng ta về người khác là sự giàu nghèo. Lê-vi 19:15 nói: “Ngươi không được thiên vị người nghèo hay vị nể người giàu. Ngươi phải dùng công lý mà xét xử”. Nhưng sự giàu có hoặc nghèo túng của một người có thể ảnh hưởng thế nào đến quan điểm của chúng ta về người ấy?

9. Sa-lô-môn đã ghi lại một sự thật đáng buồn nào, và điều này dạy chúng ta bài học gì?

9 Thần khí thánh soi dẫn Sa-lô-môn ghi lại một sự thật đáng buồn về người bất toàn. Nơi Châm ngôn 14:20, ông nói: “Người nghèo khó, cả láng giềng cũng ghét; người giàu sang, bạn bè nhiều biết bao”. Câu châm ngôn này dạy chúng ta điều gì? Nếu không cẩn thận, chúng ta có thể chỉ muốn làm bạn với những anh chị giàu có và xa lánh những anh chị nghèo túng. Tại sao đánh giá người khác dựa trên sự giàu nghèo là điều rất nguy hiểm?

10. Gia-cơ đã nhận ra vấn đề nào?

10 Nếu xét đoán người khác dựa trên sự giàu nghèo, chúng ta có thể tạo sự phân biệt giai cấp trong hội thánh. Môn đồ Gia-cơ cảnh báo rằng vấn đề này đã gây chia rẽ trong một số hội thánh vào thế kỷ thứ nhất. (Đọc Gia-cơ 2:1-4). Chúng ta phải cẩn thận để lối suy nghĩ này không ảnh hưởng đến các hội thánh ngày nay. Vậy làm thế nào để tránh xét đoán dựa trên sự giàu nghèo?

11. Tài sản của một người ảnh hưởng thế nào đến mối quan hệ của người ấy với Đức Giê-hô-va? Hãy giải thích.

11 Chúng ta cần nhìn anh em đồng đạo theo quan điểm của Đức Giê-hô-va. Vị thế của một người trước mắt Đức Giê-hô-va không phụ thuộc vào việc người ấy giàu hay nghèo. Mối quan hệ của chúng ta với ngài không bao giờ dựa trên mức độ giàu có hay nghèo túng. Đúng là Chúa Giê-su nói rằng “người giàu rất khó vào Nước Trời”, nhưng ngài không nói đây là điều bất khả thi (Mat 19:23). Mặt khác, Chúa Giê-su cũng nói: “Hạnh phúc cho những anh em nghèo khó, vì Nước Đức Chúa Trời thuộc về anh em” (Lu 6:20). Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là tất cả người nghèo đều hưởng ứng sự dạy dỗ của Chúa Giê-su và được ban phước. Nhiều người nghèo đã không hưởng ứng. Điểm chính là chúng ta không thể đánh giá mối quan hệ của một người với Đức Giê-hô-va dựa vào tài sản của người ấy.

12. Kinh Thánh đưa ra lời khuyên nào cho người giàu và người nghèo?

12 Trong vòng dân Đức Giê-hô-va có cả người giàu và người nghèo. Nhưng tất cả họ đều yêu thương và phụng sự ngài hết lòng. Kinh Thánh khuyên những người giàu có “đừng đặt hy vọng nơi sự giàu sang không chắc chắn mà hãy đặt hy vọng nơi Đức Chúa Trời”. (Đọc 1 Ti-mô-thê 6:17-19). Kinh Thánh cũng nhắc nhở tất cả dân Đức Chúa Trời, dù giàu hay nghèo, phải tránh ham tiền (1 Ti 6:9, 10). Thật vậy, khi nhìn anh em đồng đạo theo quan điểm của Đức Giê-hô-va, chúng ta sẽ không xét đoán dựa trên việc họ có nhiều hay ít của cải. Nhưng còn về tuổi tác thì sao? Đó có phải là cơ sở để xét đoán người khác không? Hãy cùng xem.

TUỔI TÁC

13. Kinh Thánh dạy chúng ta điều gì về việc kính trọng người lớn tuổi?

13 Kinh Thánh thường nhắc nhở chúng ta phải kính trọng người lớn tuổi. Lê-vi 19:32 nói: “Trước mặt người tóc bạc, ngươi phải đứng dậy, ngươi phải kính trọng người lớn tuổi và ngươi phải kính sợ Đức Chúa Trời của ngươi”. Ngoài ra, Châm ngôn 16:31 nói rằng “tóc bạc là vương miện lộng lẫy khi thấy trong đường lối công chính”. Sứ đồ Phao-lô cũng khuyên Ti-mô-thê đừng chỉ trích gay gắt người lớn tuổi nhưng xem họ như cha (1 Ti 5:1, 2). Dù được ban cho quyền ở một mức độ nào đó, Ti-mô-thê phải luôn kính trọng và tỏ lòng trắc ẩn với người lớn tuổi.

14. Khi nào có lẽ chúng ta cần khuyên một người lớn tuổi hơn?

14 Nhưng nói sao nếu một người lớn tuổi cố tình phạm tội hoặc ủng hộ điều làm Đức Giê-hô-va buồn lòng? Đức Giê-hô-va không xét xử dựa theo bề ngoài và bỏ qua tội lỗi của một người chỉ vì người ấy lớn tuổi. Hãy chú ý nguyên tắc nơi Ê-sai 65:20, câu này nói: “Chết lúc trăm tuổi vẫn xem như con trẻ, và kẻ tội lỗi dù trăm tuổi cũng sẽ bị nguyền rủa”. Một nguyên tắc tương tự được thấy qua khải tượng của Ê-xê-chi-ên (Ê-xê 9:5-7). Do đó, mối quan tâm chính của chúng ta là phải luôn tỏ lòng tôn kính với Đấng Thượng Cổ, Giê-hô-va Đức Chúa Trời (Đa 7:9, 10, 13, 14). Khi làm thế, chúng ta sẽ không sợ đưa ra lời khuyên cần thiết, bất kể tuổi tác của người nhận lời khuyên.—Ga 6:1.

Anh chị có tỏ lòng tôn trọng các anh trẻ không? (Xem đoạn 15)

15. Chúng ta học được gì từ sứ đồ Phao-lô trong việc tôn trọng các anh trẻ hơn?

15 Còn những anh trẻ trong hội thánh thì sao? Anh chị có quan điểm nào về họ? Sứ đồ Phao-lô viết cho người trẻ Ti-mô-thê: “Đừng bao giờ để ai khinh thường con vì con trẻ tuổi. Thay vì thế, hãy làm gương cho những người trung tín trong cách nói năng, hạnh kiểm, tình yêu thương, đức tin và sự trong sạch” (1 Ti 4:12). Vào thời điểm Phao-lô viết những lời này, Ti-mô-thê có lẽ ngoài 30 tuổi. Nhưng Phao-lô đã giao cho Ti-mô-thê những trọng trách. Dù lý do đằng sau của lời khuyên ấy là gì, điểm chính ở đây rất rõ ràng. Chúng ta không nên xét đoán các anh trẻ dựa vào tuổi tác của họ. Hãy nghĩ đến mọi điều Chúa Giê-su đã thực hiện được ở trên đất khi ngài mới ngoài 30 tuổi!

16, 17. (a) Các trưởng lão dựa trên điều gì khi xác định một anh có đủ điều kiện để làm phụ tá hoặc trưởng lão hay không? (b) Quan điểm cá nhân hoặc văn hóa có thể mâu thuẫn với Kinh Thánh ra sao?

16 Có lẽ chúng ta đến từ nền văn hóa có khuynh hướng xem thường người trẻ. Do đó, các trưởng lão trong hội thánh có thể ngần ngại đề cử những anh trẻ hội đủ điều kiện để làm phụ tá hoặc trưởng lão. Nhưng các trưởng lão hãy nhớ rằng Kinh Thánh không nói một anh phải ít nhất bao nhiêu tuổi mới được đề cử làm phụ tá hoặc trưởng lão (1 Ti 3:1-10, 12, 13; Tít 1:5-9). Nếu trưởng lão lập một quy tắc dựa trên văn hóa thì anh không làm theo Kinh Thánh. Những anh trẻ phải được đánh giá dựa trên tiêu chuẩn của Lời Đức Chúa Trời, chứ không phải dựa trên văn hóa hay quan điểm cá nhân.—2 Ti 3:16, 17.

17 Những quan điểm không dựa trên Kinh Thánh có thể cản trở việc bổ nhiệm các anh hội đủ điều kiện như thế nào? Tại quốc gia nọ, một phụ tá hội đủ điều kiện được giao nhiều trọng trách. Các trưởng lão trong hội thánh đồng ý rằng anh trẻ này đã đạt các tiêu chuẩn dựa trên Kinh Thánh ở mức độ hợp lý để trở thành trưởng lão. Tuy nhiên, anh ấy vẫn không được đề cử. Một vài trưởng lão lớn tuổi hơn khăng khăng cho là anh ấy trông quá trẻ để làm trưởng lão. Đáng buồn, anh trẻ này đã không được đề cử chỉ vì vẻ ngoài của mình. Dù đây chỉ là một kinh nghiệm, nhưng những báo cáo cho thấy lối suy nghĩ này ảnh hưởng đến nhiều nơi trên thế giới. Thật quan trọng biết bao khi dựa vào Kinh Thánh thay vì dựa vào văn hóa hoặc quan điểm cá nhân! Đó là cách duy nhất để vâng lời Chúa Giê-su và không xét đoán theo bề ngoài.

“HÃY XÉT ĐOÁN MỘT CÁCH CÔNG CHÍNH”

18, 19. Chúng ta cần làm gì để nhìn người khác theo quan điểm của Đức Giê-hô-va?

18 Dù là người bất toàn, chúng ta có thể tập nhìn người khác theo quan điểm không thiên vị của Đức Giê-hô-va (Công 10:34, 35). Điều này đòi hỏi chúng ta cần nỗ lực không ngừng và áp dụng lời khuyên từ Kinh Thánh. Khi làm thế, chúng ta sẽ tiến bộ trong việc vâng theo mệnh lệnh của Chúa Giê-su và không xét đoán theo bề ngoài.—Giăng 7:24.

19 Không lâu nữa, Vua chúng ta là Chúa Giê-su Ki-tô sẽ xét xử toàn thể nhân loại theo sự công chính, chứ không theo điều mắt thấy bên ngoài hoặc những điều tai nghe (Ê-sai 11:3, 4). Thật là một tương lai tuyệt vời!