Gabon—Nơi bảo tồn động vật hoang dã
Gabon—Nơi bảo tồn động vật hoang dã
BIÊN TẬP VIÊN TỈNH THỨC! Ở GABON
Bạn hãy tượng tưởng một bãi biển nhiệt đới, nơi có voi ăn cây cỏ bên bờ biển, hà mã bơi và cá voi cùng cá heo tụ tập ngoài khơi. Trên bờ biển châu Phi, khoảng 100km bãi biển, người ta vẫn thường thấy những cảnh này.
Để người ta có thể chiêm ngưỡng những cảnh như thế trong tương lai, miền duyên hải đặc sắc này rõ ràng cần được bảo tồn. Đáng mừng thay, việc bảo tồn đã được lên kế hoạch vào ngày 4-9-2002, khi tổng thống của Gabon thông báo rằng 10% Gabon, kể cả những dải bờ biển hoang sơ, sẽ được dành riêng làm những khu vườn quốc gia.
Những vùng hoang dã này, rộng khoảng 30.000km2—tương đương diện tích của nước Bỉ—có rất nhiều kỳ quan thiên nhiên. Tổng thống Omar Bongo Ondimba ghi nhận: “Gabon có tiềm năng trở thành một điểm đến hấp dẫn du khách bốn phương muốn xem những kỳ quan thiên nhiên còn sót lại trên đất”.
Điều gì khiến những khu vực này quan trọng như thế? Khoảng 85% diện tích của Gabon vẫn còn là rừng, và có đến 20% các loài thực vật ở đây không tìm thấy được ở nơi nào khác trên đất. Ngoài ra, các rừng xích đạo ở đây là nơi sinh sống của khỉ đột vùng đất thấp, tinh tinh, voi rừng và nhiều loài khác đang bị đe dọa tuyệt chủng. Những khu vườn mới được thành lập sẽ biến Gabon thành một nơi rất tốt để bảo vệ và duy trì tính đa dạng sinh học của châu Phi.
Loango—Một bờ biển độc đáo
Khu vườn quốc gia Loango có lẽ là một trong những điểm đến đặc sắc nhất ở châu Phi để xem động vật hoang dã. Đây là nơi bảo tồn nhiều kilômét bãi biển hoang sơ gần những phá (hồ lớn) nước ngọt và rừng rậm xích đạo. Nhưng điều thật sự làm cho các bãi biển ở Loango độc đáo là những con thú đi dọc theo bãi cát—hà mã, voi rừng, trâu, báo và khỉ đột.
Tại sao bờ biển Loango lại thu hút những loài thú rừng này? Dọc theo những bờ biển phủ cát trắng là những bãi cỏ xanh, nơi hà mã và trâu có thể đến ăn. Cây cọ Rônier mọc dọc theo bãi biển, ra rất nhiều trái thu hút voi rừng, như kem hấp dẫn trẻ em. Nhưng điều quan trọng nhất là sự vắng vẻ. Trên bãi cát, chỉ có dấu chân của những loài động vật đó.
Không có sự xâm phạm của con người, rùa luýt, một loài đang bị đe dọa, thích đến những bãi biển vắng vẻ này để đẻ trứng. Loài chim trảu hồng cũng thích làm tổ ở đây, và chúng đào tổ trong cát chỉ vài mét trên mực nước cao nhất. Vào những tháng hè, hơn một ngàn cá voi bướu tập hợp ở vùng nước yên tĩnh của Loango để giao phối.
Hai phá khổng lồ tách biệt các bãi biển của Loango với rừng xích đạo, và đó là nơi sinh sống lý tưởng của cá sấu và hà mã. Có rất
nhiều cá trong những vùng biển nội địa này, và dọc theo bờ là rừng cây đước. Đại bàng và chim ưng biển châu Phi sục sạo trên mặt nước mênh mông, trong khi loài chim bói cá nhiều màu sắc tìm mồi ở khu nước nông. Voi rất thích nước, sung sướng bơi qua phá để đến bờ và ngốn trái cây chúng ưa thích.Trong rừng xích đạo, khỉ nhốn nháo trên các nhánh cao của vòm lá, trong khi các con bướm nhiều màu sắc chao lượn trong không gian quang đãng. Loài dơi ăn quả ngủ suốt ngày trên những cây mà chúng ưa thích, rồi đến đêm chúng bay khắp rừng làm công việc quan trọng là rải hạt. Bên rìa rừng, lấp lánh những con chim hút mật nhấp nháp mật hoa của các cây đang trổ bông. Không lạ gì, Loango được miêu tả thích hợp là “nơi bạn có thể thưởng thức không khí vùng xích đạo của châu Phi”.
Lopé—Một trong vài nơi cuối cùng có nhiều khỉ đột
Vườn quốc gia Lopé bao gồm những vùng rừng mưa nhiệt đới rộng lớn chưa bị khai phá, cùng với những mảng thảo nguyên và rừng dọc theo sông ở phía bắc khu vườn. Đó là nơi lý tưởng cho những người yêu thiên nhiên thích xem khỉ đột, tinh tinh hay khỉ mặt xanh nơi hoang dã. Có khoảng từ 3.000 đến 5.000 khỉ đột dạo chơi trên khu đất được bảo vệ rộng 5.000km2.
Augustin, một người từng là nhân viên chăm sóc vườn, còn nhớ một cuộc chạm trán hi hữu với khỉ đột vào năm 2002. Anh kể lại: “Trong lúc đi bộ trong rừng, tôi bất ngờ gặp một gia đình gồm bốn khỉ đột. Con đực là một con lưng bạc khổng lồ, khoảng 35 tuổi, đứng sừng sững trước mặt tôi. Nó có lẽ nặng ít nhất gấp ba lần tôi. Làm theo cách đã được đề nghị, tôi liền ngồi xuống, cúi đầu và nhìn xuống đất, như một biểu hiện của sự phục tùng. Con khỉ đột đến ngồi cạnh tôi và đặt tay lên vai tôi. Rồi nó cầm tay tôi, mở ra và xem xét lòng bàn tay của tôi. Tin rằng tôi không phải là mối đe dọa cho gia đình, nó ung dung đi vào rừng. Trong ngày đáng nhớ đó, tôi khám phá việc được tiếp xúc với động vật trong môi trường sống tự nhiên của chúng là điều rất thích thú. Dù người ta giết khỉ đột để lấy thịt hoặc do lầm tưởng rằng chúng nguy hiểm, nhưng chúng là động vật hiền hòa, đáng được bảo vệ”.
Ở Lopé, khỉ mặt xanh, một loại khỉ đầu chó lớn, tập hợp thành những đàn lớn đôi khi đến hơn một ngàn con. Đây là một trong những quần thể động vật linh trưởng lớn nhất trên thế giới, và chúng rất ồn ào náo nhiệt. Một khách tham quan từ Cameroon miêu tả kinh nghiệm của anh với một trong những đàn khỉ đông đảo này.
“Người hướng dẫn của chúng tôi phát hiện những con khỉ mặt xanh nhờ những vòng có máy phát tín hiệu đeo trên cổ của một số con. Chúng tôi đi trước đàn khỉ đó, dựng nhanh một nơi ẩn núp để ngụy trang và đợi chúng đến. Trong khoảng 20 phút, chúng tôi lắng nghe âm thanh du dương của chim chóc và côn trùng trong rừng. Sự yên tĩnh này thình lình bị phá vỡ khi đàn khỉ đến gần. Tiếng kêu răng rắc của các cành cây và tiếng la hét khiến tôi có cảm tưởng như một trận bão lớn đang đến. Nhưng rồi tôi thấy những [con
đầu đàn], chúng trông giống quân tiên phong của một lực lượng vũ trang. Những con đực to lớn dẫn đầu, bước đi mạnh mẽ, nhanh nhẹn trên mặt đất, trong khi những khỉ cái và khỉ con chuyền từ nhánh này sang nhánh kia. Bỗng nhiên, một trong những con đực lớn ngừng lại và nghi ngờ nhìn xung quanh. Một con khỉ con đang di chuyển trên vòm cây đã thấy chúng tôi và báo động. Cả nhóm bước mau hơn, và chúng càng náo nhiệt hơn khi giận dữ la hét. Trong chốc lát, chúng đã đi khỏi. Người hướng dẫn ước lượng có khoảng 400 con khỉ đã đi ngang qua chỗ chúng tôi”.Tinh tinh cũng náo nhiệt như khỉ mặt xanh, và khó thấy được chúng vì chúng di chuyển nhanh nhẹn trong rừng, luôn đi tìm thức ăn. Mặt khác, những người tham quan luôn thấy khỉ putty-nosed đôi khi nhảy trên thảo nguyên giáp rừng. Có lẽ giống khỉ sống ẩn dật nhất của Lopé là khỉ sun-tailed, một loài đặc hữu chỉ mới được phát hiện cách đây khoảng 20 năm.
Những loài chim lớn nhiều màu sắc của rừng—như turaco và chim mỏ sừng—thông báo sự hiện diện của mình bằng tiếng kêu inh ỏi. Có khoảng 400 loài chim đã được chính thức ghi nhận ở khu vườn này, một nơi được những người quan sát nhận dạng chim ưa thích.
Một nơi bảo tồn tính đa dạng sinh học
Loango và Lopé chỉ là hai trong 13 vườn quốc gia của Gabon. Những khu vườn khác bảo tồn rừng đước, quần thực vật đặc biệt, và bảo vệ những khu vực cho chim di trú. Ông Lee White thuộc Tổ chức bảo tồn động vật hoang dã giải thích: “Gabon đã biệt riêng các hệ sinh thái tốt nhất của xứ. Không chỉ diện tích mà cả chất lượng của những vùng được bảo tồn cũng quan trọng. Năm 2002, trong một thời gian ngắn, họ lập một hệ thống vườn quốc gia tốt nhất, bảo tồn toàn thể tính đa dạng sinh học của nước này”.
Dĩ nhiên, vẫn còn nhiều thách đố, như Tổng thống Bongo Ondimba thẳng thắn thừa nhận: “Chúng ta nói đến một hoạt động của cả thế giới mà chắc chắn sẽ đòi hỏi những hy sinh dài hạn và ngắn hạn, nhằm thực hiện hoài bão để lại những kỳ quan thiên nhiên này cho thế hệ mai sau”.
[Bản đồ nơi trang 25]
(Để có thông tin đầy đủ, xin xem ấn phẩm)
CHÂU PHI
GABON
13 vườn quốc gia của Gabon
Vườn quốc gia Lopé
Vườn quốc gia Loango
[Hình nơi trang 24, 25]
Cá voi bướu và toàn cảnh của Loango
[Nguồn tư liệu]
Whale: Wildlife Conservation Society
[Hình nơi trang 25]
Khỉ mặt xanh (trái) và khỉ đột (phải)
[Nguồn hình ảnh nơi trang 23]
Robert J. Ross