Nạn thiếu vắng người cha trên đà gia tăng
Nạn thiếu vắng người cha trên đà gia tăng
NGÀY càng có nhiều người cha bỏ rơi gia đình. Vào cuối thập niên 1990, tờ báo USA Today gọi Hoa Kỳ là “nước dẫn đầu thế giới về nạn gia đình không cha”. Tuy nhiên, nạn thiếu vắng người cha là vấn đề của cả thế giới.
Ở Brazil, vào năm 2000, một cuộc kiểm kê dân số cho thấy trong tổng số 44,7 triệu gia đình thì có 11,2 triệu gia đình do phụ nữ làm chủ. Ở Nicaragua, 25% trẻ em sống với mẹ. Ở Costa Rica số trẻ em không được chính cha chúng nhìn nhận gia tăng trong thập niên 1990 từ 21,1% đến 30,4%.
Những con số thống kê từ ba quốc gia này mới chỉ là điển hình cho xu hướng trên khắp thế giới. Chúng ta hãy xem xét một khía cạnh khác của vấn đề thiếu vắng người cha.
Có—Nhưng lại không
Xin xem khung “Ba ơi! Chừng nào ba về?” Nao, nay đã 23 tuổi, tâm sự: “Trước khi bắt đầu vào tiểu học, tôi hiếm khi thấy cha. Có lần khi cha rời nhà, tôi nài nỉ cha: ‘Ba sẽ về phải không ba?’ ”
Mối quan hệ gia đình như trong trường hợp của Nao với cha cô đã thúc đẩy nhà văn Ba Lan là Piotr Szczukiewicz phát biểu: “Sự có mặt của người cha trong gia đình dường như hiếm hoi”. Thật vậy, nhiều người cha sống với gia đình và chu cấp về kinh tế. Thế nhưng, như tạp chí Capital ở Pháp viết: “Có quá nhiều người cha chỉ là người chu cấp chứ không phải là người dạy dỗ”.
Thường xảy ra tình trạng người cha sống trong gia đình nhưng như người ở trọ, chẳng ngó ngàng gì đến đời sống của con cái. Tâm trí ông để ở nơi nào đó. Tạp chí Famille chrétienne ở Pháp ghi nhận: “Ngay cả khi thật sự có mặt, [người cha] vẫn có thể vắng mặt về tinh thần”. Tại sao ngày nay có quá nhiều người cha vắng mặt trong gia đình về phương diện tinh thần và tình cảm?
Như tạp chí nói trên giải thích, lý do căn bản là vì “ông không hiểu vai trò của người cha hoặc người chồng”. Nhiều người cha có
quan điểm rằng đem tiền lương về nhà đã là người cha tốt. Như nhà văn Ba Lan Józef Augustyn phát biểu: “Nhiều người cha nghĩ mình là người cha tốt vì đã chu cấp tài chính cho gia đình”. Nhưng đây chỉ là một phần trách nhiệm làm cha mà thôi.Sự thật là con cái không đánh giá cha chúng dựa trên số tiền ông kiếm được hoặc trên những món quà đắt tiền ông cho chúng. Đúng hơn, điều con cái thật sự muốn—hơn món quà về vật chất rất nhiều—là tình yêu thương, thời giờ và sự quan tâm của cha. Những điều này mới thật sự quan trọng đối với chúng.
Cần xét lại
Theo báo cáo của Hội Đồng Giáo Dục Trung Ương Nhật Bản, “người cha nên xét lại lối sống dành quá nhiều tâm trí và thời giờ cho công ăn việc làm”. Câu hỏi được đặt ra là liệu người cha có sẵn sàng điều chỉnh vì lợi ích của con cái mình không? Tờ báo Đức Gießener Allgemeine tường trình kết quả một cuộc nghiên cứu, theo đó, đa số người cha được phỏng vấn đã không muốn để con cái lên trên sự nghiệp của họ.
Trẻ em có thể bị tổn thương sâu xa vì ngỡ là người cha thiếu quan tâm đến chúng. Lidia, nay đã 21 tuổi, vẫn nhớ rõ hình ảnh của cha khi cô còn nhỏ ở Ba Lan. Cô giải thích: “Ba không bao giờ trò chuyện với chúng tôi. Ba và chúng tôi sống trong hai thế giới khác nhau. Ba không hề biết khi rảnh là tôi đến vũ trường”. Tương tự, Macarena, 21 tuổi người Tây Ban Nha, nói rằng khi cô còn nhỏ, cha “đi chơi cuối tuần với bạn bè và tìm thú vui cho riêng mình, đôi khi đi biệt mấy ngày liền”.
Nhận thức đúng về điều ưu tiên
Có lẽ đa số người cha ý thức được rằng mình đã dành quá ít thời giờ và sự quan tâm cho con cái. Một người cha Nhật có con vị thành niên nói: “Tôi hy vọng con tôi sẽ hiểu tình cảnh của tôi. Tôi luôn nghĩ đến nó, ngay cả lúc bận rộn”. Thế nhưng, phải chăng chỉ ước muốn con cái thông cảm cho sự thiếu vắng của mình là giải quyết được vấn đề?
Chắc chắn cần sự cố gắng thật sự—đúng, sự hy sinh—mới thỏa mãn nhu cầu của con cái. Hiển nhiên, việc cung cấp cho con cái những gì chúng cần nhất—tức tình yêu thương, thời gian và sự quan tâm—không phải là dễ. Chúa Giê-su Christ nói: “Người ta sống chẳng phải chỉ nhờ bánh [hay thức ăn vật chất] mà thôi”. (Ma-thi-ơ 4:4) Cũng vậy, duy vật chất không đủ giúp con cái lớn lên thành người tốt. Là người cha, bạn có sẵn lòng hy sinh những gì dường như quý giá đối với bạn—thời gian hoặc thậm chí sự thăng tiến trong nghề nghiệp—để gần gũi với con bạn không?
Tờ Mainichi Daily News số ra ngày 10 -2-1986, kể về một người cha đã ý thức tầm quan trọng thật sự của con cái. Tờ báo tường thuật: “Một viên chức cao cấp của Công Ty Hỏa Xa Quốc Gia Nhật Bản chọn từ chức hơn là cứ phải xa gia đình”. Tờ báo trích lời của viên chức đó: “Bất cứ ai cũng có thể làm công việc của tổng giám đốc, nhưng tôi là người cha duy nhất của con tôi”.
Thật vậy, bước đầu tiên để trở thành người cha tốt là ý thức về mẫu người cha mà con cái cần. Chúng ta hãy xem xét thế nào là một người cha tốt.
[Khung nơi trang 3]
“Ba ơi! Chừng nào ba về?”
Đó là câu hỏi mà một ngày nọ Nao, bé gái năm tuổi người Nhật, hỏi cha em khi cha rời nhà đi làm. Mặc dù cha sống ở nhà nhưng hiếm khi em thấy cha. Cha em thường về nhà sau khi em đi ngủ và đi làm trước khi em thức dậy.